Đợi anh ở Toronto

Posted at 27/09/2015

598 Views

Hẳn nhiên tình đồng hương là một lợi thế đối với Vi, cô được anh hứa sẽ tận tình giúp đỡ.
Ngay tối hôm đó, anh đã email lại cho Vi bản CV và cover letter của cô với những điểm cụ thể mà anh thấy cô cần phải sửa đổi hay bổ sung. Anh cũng gọi điện chỉ bảo cô cặn kẽ từng đường đi, nước bước, cách trả lời phỏng vấn như thế nào, những vấn đề nào nên tránh, những vấn đề nào cần nhấn mạnh… Không những thế, anh còn gửi cho cô một lô tài liệu tham khảo về tập đoàn và công việc tương lai để cô tiện nghiên cứu trước. Anh cũng cho cô biết những người nào có khả năng sẽ là người phỏng vấn của mỗi vòng, đồng thời cung cấp cho cô các thông tin (cả chính thống lẫn truyền miệng) về lý lịch việc làm, thói quen, tính cách, sở thích cá nhân của từng người, yêu cầu cô phải nghiên cứu cho kỹ để chuẩn bị sẵn cách nói chuyện cũng như một số câu hỏi “phỏng vấn lại người đang phỏng vấn mình”, nhằm gây ấn tượng tốt đối với họ. “Điều này là đặc biệt quan trọng - Anh nhấn mạnh - Em có biết ấn tượng về một người nằm trong mười giây giao tiếp ban đầu không? Ấn tượng đó sẽ chi phối hành vi và thái độ của họ đối với em. Vì vậy, phải cố gắng hết sức để khiến họ thấy rằng em đã tìm hiểu rất nghiêm túc về công ty và công việc mà em đang muốn xin vào, cũng phải chứng tỏ cho họ thấy kết quả của việc tìm hiểu đó là em có thể chỉ ra được một vài vấn đề mấu chốt trong công việc, những tồn đọng cần phải cải tiến hay đề xuất được những giải pháp tốt hơn”.
Vũ trang đầy đủ như vậy, cộng với một bảng điểm đẹp, lại thêm kinh nghiệm làm việc nhóm từ các hoạt động ngoại khóa, cuối cùng cô cũng chứng tỏ được tiềm năng của mình và lọt qua được vòng phỏng vấn đầu tiên. Ngay khi biết kết quả, cô không nén được vui mừng, vội gọi điện báo cho Nam biết. Anh cười ha hả trong điện thoại, chúc mừng cô nhưng cũng không quên nhắc cho cô nhớ về hai vòng phỏng vấn sắp tới, “đó mới là những cửa ải khó vượt qua”.
Vòng phỏng vấn thứ hai cũng diễn ra tương đối suôn sẻ. Cô đã “phỏng vấn ngược” rất đúng lúc vị giám khảo của mình và nhận được những cái gật gù tán thưởng kèm theo cả nụ cười mỉm hài lòng. Trực giác mách bảo rằng cô đã hoàn thành tương đối tốt vòng phỏng vấn này. Mặc dù vậy, cô vẫn thấp thỏm mất ngủ suốt một tuần chờ đợi kết quả. Mãi đến khi nhận được thông báo tiếp tục vào vòng phỏng vấn sau, cô mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Lần này thì Nam chủ động gọi cho cô để chúc mừng việc cô đã lọt qua cửa ải thứ hai. “Chỉ còn một bước nữa thôi là em sẽ trở thành đồng nghiệp của anh. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn kịp - Anh cười trêu cô - Còn nếu mà vẫn muốn đưa lưng cho tư bản bóc lột thì cố gắng lên nhé”. “Bóc lột cũng được, em tự nguyện mà” - Cô cũng cười đáp lại.
Tuy tỏ ra là một người thích đùa, nhưng trong công việc Nam hết sức nghiêm túc. Trước vòng phỏng vấn cuối cùng, anh còn gọi điện cho Vi dặn dò thêm lần cuối, thậm chí còn tư vấn cho cô cả về cách ăn mặc sao cho vừa lịch sự, vừa gây ấn tượng. Không biết cô sẽ gây được ấn tượng với người phỏng vấn mình như thế nào, nhưng anh thì chắc chắn đã gây cho cô một ấn tượng khó quên bằng màn tư vấn rất đúng kiểu “chuyên gia thời trang” này. May cho Vi, vị partner(6) phỏng vấn cô hôm đó chính là một trong số những người mà cô đã “nghiên cứu” từ trước. Ông đã từng có nhiều năm làm kiểm toán ở một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo hướng dẫn và kinh nghiệm của Nam, cô biết rằng lọt được đến vòng này, khả năng và kiến thức chuyên môn không phải là điểm mấu chốt nữa (vì đã được thẩm định ở hai vòng trước), mà điều quan trọng là làm sao gây được ấn tượng tốt cũng như thiện cảm đối với vị giám khảo cao cấp kia. Cố gắng thể hiện một thái độ tự tin nhất, cô khéo léo lái câu chuyện sang những cải tiến về hệ thống làm việc mà ông đã thiết lập được trong những ngày đầu sang các nước Đông Nam Á. Câu chuyện về nền kinh tế Việt Nam: quá trình phát triển và những hệ lụy của nó, cũng như cơ hội cho ngành kiểm toán trong bối cảnh này đã nhanh chóng trở thành chủ đề khiến cả hai thích thú. Ba mươi phút phỏng vấn trôi qua trong nháy mắt. Trước khi bắt tay chào tạm biệt cô, vị partner đó đã tỏ ý khen ngợi sự chuẩn bị chu đáo của cô, và Vi đã coi đó như một dấu hiệu tốt lành.
(6) Cấp bậc cao nhất trong các công ty.
Cuối cùng những nỗ lực của cả cô và Nam cũng được đền đáp. Giờ phút mong đợi của cô bất ngờ đến dưới dạng một email thông báo với nội dung chúc mừng cô đã vượt qua vòng phỏng vấn thứ ba, chính thức trở thành summer student của tập đoàn NKT. Ngày nhận được kết quả, cô mừng đến rơi nước mắt. Cô gọi điện ngay cho Nam để cảm ơn. Anh đã nồng nhiệt chúc mừng cô qua điện thoại, nồng nhiệt tới mức như thể chính anh chứ không phải cô đã vượt qua những vòng phỏng vấn khổ ải một cách kỳ diệu. Nhưng anh vui mừng cũng đúng thôi, vì nếu nhìn nhận một cách công bằng, chiến thắng của cô có đến một nửa là công sức của anh. Mặc dù không có mặt ở Toronto để ăn mừng cùng cô vì anh đang ở Mỹ trong một chuyến công tác kéo dài hai tháng, nhưng anh bảo khi nào về lại Canada, cô sẽ phải khao anh một chầu thật hoành tráng. “Em nhớ nhé, khi nào về anh sẽ đến đòi nợ” - Anh nói qua điện thoại. “Vâng, so với việc em được trở thành đồng nghiệp của anh, khao chỉ là chuyện nhỏ. Em vẫn còn tưởng em đang nằm mơ đây” - Cô sung sướng hứa hẹn như thể chính cô mới là người được anh khao vậy.
Không thể tin là may mắn đã mỉm cười với cô. Mối lo lắng đã từng khiến cho cô mất ăn mất ngủ cuối cùng đã được giải quyết ổn thỏa. Vậy là trước mắt, cô chỉ cần chuẩn bị cho lễ tốt nghiệp nữa mà thôi.
Ba chữ “lễ tốt nghiệp”, đối với Vi, vừa là một dấu chấm hết cho quãng thời gian bốn năm đại học dài đằng đẵng, vừa là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc đơi. Vi như có thể nhìn thấy con đường tương lai thênh thang đang rộng mở trước mắt cô… Bất chợt, hình ảnh Quân hiện ra trong đầu Vi với một dấu chấm hỏi to tướng: Quân, anh sẽ chiếm giữ vị trí như thế nào trong cái tương lai mà cô đang xây đắp?
Vi khẽ lắc đầu. Tâm trạng tươi vui lúc trước đã bay biến đi đâu mất không để lại một chút dấu vết nào. Thay vào đó là cảm giác nặng nề và u ám. Bài toán khó đó Vi đã không thể trả lời suốt hai năm nay. Cô đã cố tình trốn tránh, cố tình lần lữa cho đến tận bây giờ, cho đến khi không thể trì hoàn hơn được nữa… Vi hít một hơi dài, chợt nhận ra bước chân vô thức đã đưa cô đến trước Harbour Front. Cô chậm chạp ngồi xuống một chiếc ghế đá ven hồ.
Hoàng hôn đã buông xuống từ lúc nào. Ráng chiều phủ lên mặt hồ một màn sương mờ huyền ảo. Vi ngồi im lìm trên chiếc ghế đá nhìn ra mặt hồ lộng gió. Một nghệ sĩ đường phố đang kéo một khúc nhạc buồn. Tiếng vĩ cầm réo rắt bỗng chạm vào nỗi nhớ… Hai năm trôi qua như một cái chớp mắt. Quá khứ chợt hiện về trong cô, rõ ràng như thể cô đang xem một cuốn phim quay chậm… Cũng chính tại nơi đây, Quân đã nắm chặt tay tiếp thêm cho cô sức mạnh, cũng chính tại nơi đây anh đã lắng nghe cô, đã động viên, an ủi cô trước nỗi đau quá sức mà lúc đó cô đang phải gánh chịu… Nhưng trong cuốn phim ký ức này, màu trắng lạnh lẽo của tuyết hoàn toàn lấn át các màu sắc khác. Đó là màu của mùa đông, của một mùa đông hai năm về trước…



Chương 2: Chiếc ví


Mùa đông năm ấy thật lạnh và ảm đạm… Mới đầu tháng mười một mà sao tuyết đã rơi nhiều đến thế!
Quán phở X sắp đến giờ đóng cửa. Trên chiếc tivi treo ở góc tường, anh chàng phát thanh viên bản tin thời tiết đang thông báo nhiệt độ ngoài trời hiện tại là âm mười độ C, wind chill(1) làm cho cái rét cắt da xuống thêm mười độ nữa. Đối với một người đến từ đất nước nhiệt đới gió mùa như Vi, chịu đựng những mùa đông dài lê thê ở đây cũng gần giống như một cực hình. Đây mới là mùa đông thứ hai của Vi kể từ ngày cô đặt chân xuống sân bay quốc tế Pearson, bắt đầu cuộc đời sinh viên ở York University. Vi thuê một phòng nhỏ trong ngôi nhà xinh xắn của một cặp vợ chồng già gốc Pháp. Chỗ đó chỉ cách campus(2) của cô vài bước chân, nhưng lại khá xa China Town(3), nơi cô làm waitress(4) cho một quán ăn Việt Nam vào các buổi tối cuối tuần.
(1) Là hiện tượng khi trời gió, làm bay hơi ẩm trên da khiến người ta có cảm giác lạnh hơn.
(2) Khuôn viên hoặc chi nhánh của trường đại học.
(3) Phố Tàu, nơi ở tập trung của người Trung Quốc ở nước ngoài.
(4) Nữ nhân viên chạy bàn trong quán ăn, quán cà phê…
Tivi đã chuyển sang bản tin lúc mười giờ. Người khách cuối cùng đã rời quán. Cô gái người Quảng Đông bắt đầu quét dọn sàn nhà. Vi lau sạch dãy bàn ăn và xếp gọn lại những chiếc ghế, hoàn tất một ngày làm việc cật lực. Cuối cùng thì cũng đã đến lúc được về với căn phòng ấm cúng của mình, Vi nhủ thầm. Cô nhanh chóng rửa tay, chào bà chủ quán và những người phục vụ khác rồi với lấy chiếc áo măng tô, khăn và mũ trên cây treo quần áo ngay cạnh chậu hoa cảnh gần lối cửa ra vào. Mặc áo, đội mũ, quấn chiếc khăn len lên đến tận miệng, lại thêm đôi găng tay to xù, trông Vi giống như một người Eskimo chính hiệu. Khi Vi cúi xuống thắt lại dây giày, cô bỗng phát hiện ra một chiếc ví nam rơi khuất đằng sau chậu cây cảnh. Vi nhặt chiếc ví lên, định mang vào nhờ bà chủ quán giữ hộ, phòng khi chủ nhân của nó đến quán tìm lại. Nhưng một chút lười biếng khiến cô chặc lưỡi. Bỏ tọt chiếc ví vào túi áo, Vi tự nhủ, để đến mai chắc cũng chẳng chết ai. Vả lại quán sắp đóng cửa, nếu anh chàng hậu đậu nào đó kịp phát hiện ra mất ví thì đã phải quay lại quán tìm từ lâu rồi chứ. Cô cũng chẳng muốn bị lỡ chuyến xe buýt sắp đến, để rồi lại phải đứng chờ chuyến khác trong cái lạnh tê tái dưới trời mưa tuyết. Bằng một động tác dứt khoát, Vi đẩy tấm cửa kính bước ra ngoài. Một làn gió lạnh buốt thổi vào mặt cô, những bông tuyết nhẹ và mềm xoay tròn vài vòng trong không trung trước khi đậu xuống chiếc mũ len trên đầu cô, chui cả vào cổ cô lành lạnh. “Thế mà người Canada vẫn bảo ở Toronto không có mùa đông thực sự cơ đấy”, cô hậm hực nghĩ thầm.
Vi vừa kịp bắt được chiếc xe buýt đang trờ tới. thở phào nhẹ nhõm, cô ngồi xuống băng ghế sau, tựa đầu vào cửa kính, ngắm những quầy hàng sáng choang ánh đèn dọc hai bên đường Spadina. Tuyết lất phất bay, bắt đầu phủ một tấm thảm trắng mỏng tang lên những lá rau, vỏ hoa quả và rác bẩn nằm lác rác trên vỉa hè - dấu vết đặc trưng của các chợ Tàu. Chợt nhớ đến chiếc ví vẫn đang nằm trong túi áo khoác, Vi thò tay vào túi, lấy ra chiếc ví bằng da màu đen, hiệu Hugo Boss. “Ái chà, dân sành điệu đây, chắc là của một ông Tây già đãng trí” - Vi nghĩ thầm và tò mò mở chiếc ví ra. Có một tờ mười đô, một tờ hai mươi đô nằm ngay ngắn ở ngăn chính giữa. Một đồng xu một đô la, hai tấm thẻ tín dụng, thẻ SIN(5), thẻ sinh viên, thẻ thư viện, bằng lái xe, business card… chứa đầy các ngăn nhỏ khiến cho chiếc ví trở nên căng phồng. Vi rút tấm thẻ sinh viên ra soi dưới ánh đèn, dòng tên là thứ đầu tiên đập vào mắt cô: Nguyễn Hoàng Nguyên, University of Toronto. “Ồ, thì ra là người Việt”. Tự nhiên Vi thấy hồi hộp như một tên móc túi đang rình mò ví tiền của một người giàu có. Liếc mắt sang bên cạnh thấy bà khách duy nhất (ngoài cô) ngồi ở dãy ghế bên kia đang ngủ gật, cái miệng rộng hơi há ra, chiếc túi nhỏ đặt trên bụng bà khẽ phập phồng theo nhịp thở, Vi bèn yên tâm rút tấm bằng lái xe ở ngăn ngoài cùng của chiếc ví ra xem. Trên tấm thẻ này, ngoài tên họ còn có ngày tháng năm sinh và địa chỉ của người được cấp. Nguyễn Hoàng Nguyên, ngày sinh: 20/01/1980. “Lớn tuổi như vậy chắc là graduate student(6)”. Ở dòng địa chỉ Vi thấy ghi: 465 College Street… Vậy là anh chàng đãng trí này ở ngay gần đây thôi. “Mình có nên đến trả chiếc ví bây giờ không nhỉ?” - Vi tự hỏi rồi liếc nhìn đồng hồ đeo tay, đã mười giờ ba mươi tối. College Street nằm cùng trên tuyến đường về nhà của cô, kể ra thì cũng tiện đường. Nhưng cô cảm thấy do dự, nửa muốn đem trả chiếc ví, nửa lại ngại phải gõ cửa nhà người lạ vào lúc đêm hôm khuya khoắt thế này, còn cả quãng đường dài về nhà nữa chứ.
(5) Social insurance number: thẻ bảo hiểm xã hội của Canada.
(6) Sinh viên sau đại học...

Lamborghini Huracán LP 610-4 t