Mối tình đầu của tôi

Posted at 27/09/2015

280 Views

Chiến tranh cứ kéo dài mãi. Nàng - mối tình đầu của tôi - tuổi thơ bé bỏng của tôi, khép dần vào đâu đó, một góc sâu kín nhất trong tâm hồn tôi. Cả hắn nữa, tôi chỉ còn nhớ hắn tên Thành, đẹp trai và có tài vắt đất sét...
***
Năm 1972, mười tám tuổi, vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi nhập ngũ. Đơn vị tôi đăng nhập thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong 552. Ngày nhập ngũ, trong đám tân binh đông như hội, tôi chợt nhìn thấy Hiền. Cô nổi bật lên giữa đám đông bởi dáng người cao như sếu, không lẫn vào đâu được. Tim tôi đập rộn ràng. Một cảm giác rất lạ tràn ngập trong tôi. Thứ cảm giác giống như ai đó bị mất của gia bảo, sau nhiều năm bỗng nhìn thấy. Hiền vẫn xinh đẹp như Hiền của tôi năm nào, tuy nước da có phần rám nắng nhưng trông có vẻ rắn rỏi, tự tin hơn trong bộ đồng phục thanh niên xung phong.
Tôi len lỏi băng qua đồng đội, gần như chạy lại với Hiền. Bước chân tôi bỗng khựng lại. Trước mắt tôi không chỉ có Hiền mà còn có cả hắn nữa - thằng Thành! Tôi nhận ngay ra hắn. Thành bây giờ khác hẳn, đã là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh và vẫn đẹp trai như xưa. Nhưng tôi chắc chắn một trăm phần trăm đó chính là Thành. Và nữa, nhìn ánh mắt hai người nhìn nhau, tôi thầm đoán chuyện gì đã xảy ra giữa họ. Rất may là tôi đã kịp ngăn lại tiếng hét gọi tên Hiền đang sắp vọt ra từ lồng ngực cháy bỏng của mình. Rất may là cả hai đều không nhận ra tôi, mặc cho tôi vẫn đứng như trời trồng ngay trước mắt, dương cặp mắt thô lố, lom lom nhìn họ.
Sau một đợt huấn luyện ngắn, cả tôi, Hiền và Thành được điều về một trung đội. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, lý do là cấp trên sắp xếp trung đội 2, trung đội chúng tôi, toàn dân thị xã! Trung đội có bốn tiểu đội, ba nữ, một nam, bởi thế tôi và Thành cùng ở chung một lán, ngủ chung một sạp, cùng sinh hoạt với nhau.
Trung đội tôi, B2, là trung đội độc lập, có nhiệm vụ độc lập là bảo vệ ngầm Đá Bạc, một vị trí trọng yếu trên tuyến đường 21 giữa đại ngàn Trường Sơn. Dạo đó, quốc lộ 1, con đường huyết mạch Bắc - Nam hầu như đã bị bom Mỹ đánh phá hoàn toàn. Bởi thế, tất cả súng đạn, quân trang, lương thực, thực phẩm... tiếp viện cho chiến trường đều phải đi trên đường Trường Sơn. Chính quyền Mỹ cũng hiểu rất rõ tầm quan trọng chiến lược của con đường này nên quyết tâm đánh phá. Hàng trăm ngàn tấn bom đạn đổ xuống, bất kể ngày đêm. Thanh niên chúng tôi sát cánh cùng bộ đội chủ lực chia nhau bảo vệ những cung đường trọng yếu. Bắn trả máy bay giặc, san lấp, sửa chữa những đoạn đường bị tàn phá... Giặc đến là bắn, giặc đi lại sửa đường. Khẩu hiệu: "Thông đường là tất cả" là nhiệm vụ tối cao!
Lán tiểu đội 1 của tôi và Thành nằm trên cao, phía hữu ngạn, lán nữ ở phía dưới, phía tả ngạn, cách nhau bởi con suối nhỏ chảy qua ngầm Đá Bạc.
Hàng ngày chúng tôi ra mặt đường với đủ trăm công nghìn việc. Chiều tối mọi người mới trở về lán tắm rửa, nghỉ ngơi. Đó là khi không có máy bay địch đánh phá, nếu có lũ giặc đến thì bất kể ngày đêm chúng tôi vẫn có mặt trên đường. Tiểu đội tôi, tiểu đội pháo 12 li 7, có nhiệm vụ chính là bắn máy bay, ngăn cản và tiêu diệt địch. Tuy thế, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là chúng tôi lại có mặt cùng chị em thông đường. Tay súng, tay xẻng, cả trung đội lúc nào cũng như đang tư thế xung phong. Công việc cực nhọc, gian nan và đầy bất trắc, nguy hiểm. Sự sống, cái chết chỉ có ranh giới mong manh. Bởi vậy cái tôi của mỗi người hầu như không còn chỗ đứng, bị khỏa lấp, hòa tan trong cái chung lớn lao, ý nghĩa, kiểu như là: "Tất cả cho tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ"...

Tôi ít nghĩ đến Hiền hơn, mặc dù ở đâu đó trong sâu thẳm tâm hồn tôi hình ảnh cô bé Hiền ngày xưa của tôi vẫn không hề phai nhạt. Và, tình cảm của tôi với Hiền bây giờ tuy bị dồn nén nhưng vẫn cháy bỏng không nguôi. Tôi vẫn gặp Hiền hàng ngày trong khoảng thời gian nghỉ giải lao hiếm hoi, hoặc giờ ăn. Hiền trông đen xạm và gầy hơn. Có lẽ, cũng như tôi, Hiền (và tất cả mọi người nữa) đều phải cố gắng, phải nỗ lực với ý chí phi thường mới vượt lên được tất cả, vượt qua chính mình, để sống và chiến đấu. Hiền không nhận ra tôi. Điều đó làm tôi rất buồn. Có lẽ tôi đã không để lại mảy may ấn tượng trong Hiền. Cũng có thể do thời gian trôi qua quá lâu. Hơn mười năm còn gì?! Có thể tôi đã rất khác xưa. Bằng chứng là thằng Thành cũng chẳng nhận ra tôi. Tôi tự vấn, tự an ủi mình, nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi buồn, và càng chôn chặt tình yêu của mình, cũng như giấu kín thân phận mình trước cả Hiền lẫn Thành.
Thời gian trôi đi, tôi và Thành càng trở nên thân thiết. Những đêm nằm cạnh nhau, gác chân lên nhau, cùng dốc bầu tâm sự đã để chúng tôi gần gũi, thân thiết nhau hơn. Giống như tôi, Thành xuất thân trong một gia đình công chức, từ nhỏ chỉ biết chơi bời, học hành. Ba Thành là họa sĩ, làm giám đốc Sở văn hóa (thảo nào mới nhìn thấy Thành lần đầu, tôi đã có linh cảm hắn là đứa "con nhà"), là cơ quan mà cha mẹ Hiền công tác. Ngày chiến tranh bùng nổ, Sở văn hóa sơ tán về một vùng quê phía Tây Bắc thị xã. Từ đó Thành và Hiền cùng sinh sống, học hành với nhau cho đến ngày cùng nhau nhập ngũ. Thời gian với những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò và đưa tình cảm của hai người vượt qua ranh giới tình bạn lúc nào không hay. Tình yêu đến với họ một cách hết sức hồn nhiên, lặng lẽ nhưng thật trong sáng tuyệt trần, như là họ sinh ra là để yêu nhau, để cho nhau vậy. Bởi thế, khi Hiền có giấy gọi nhập ngũ, Thành đã xung phong lên đường ngay, mặc dù, với cương vị của ba Thành, ông có thể xin cho hắn hoãn nghĩa vụ để đi học đại học là điều chắc chắn.
Ở đơn vị, mối quan hệ tình cảm giữa Thành và Hiền mọi người đều biết rõ. Cả cán bộ tiểu đội, trung đội cũng biết nhưng không hiểu sao không ai chỉ trích hay cấm đoán (như theo qui định thời chiến), mà ngược lại, mọi người đều quan tâm, ủng hộ, động viên hai người. Có lẽ tình yêu thơ ngây, trong sáng của họ đã cảm hóa được mọi người, vượt qua được mọi rào cản, mọi qui chế. Tình yêu của họ có điều gì đó giống như là thứ ánh sáng kỳ diệu, như là một điều tốt đẹp, thơ mộng, một thứ biểu tượng của sự sống trong khung cảnh bom đạn chết chóc đang diễn ra từng phút từng giây. Cả tôi cũng vậy. Trong tôi không hề có cảm xúc ghen tuông với Thành, thứ cảm xúc mà trước đó mười năm đã chắc chắn có. Tôi trân trọng, nâng niu tình cảm của Thành và Hiền giành cho nhau. Có lẽ bởi tâm hồn tôi trong sáng một phần, phần nữa, ở cái nơi mà sự sống, cái chết chỉ là gang tấc và sự hy sinh lớn lao vĩ đại của mỗi một con người cho sự nghiệp cách mạng chung đang diễn ra mỗi phút giây, thì không thể nào có chỗ cho cái nhỏ nhen tồn tại...
Mấy hôm liền chiều nào cũng rảnh. Bọn Mỹ bận đánh phá tận đẩu đâu mà bỏ quên cung đường của chúng tôi. Mấy bữa nay, cứ chiều đến là thằng Thành trốn tôi đi biệt, không biết đi đâu. Tôi buồn tay, loay hoay trong lán một lúc rồi cầm cần câu ra suối. Tôi đặt tên cho con suối là "suối Đá hát". Con suốt chảy qua ngầm Đá Bạc không lớn nhưng nước trong vắt, có thể nhìn thấy từng đàn cá bơi tung tăng. Hai bên bờ suối là bạt ngàn cây du, loại cây có lán lá rộng, màu đỏ tím rực rỡ. Đôi khi rảnh rỗi, tôi ra suối, nằm ngửa mình trên một tảng đá to, ngắm nhìn bầu trời trong vắt qua tán lá, lắng nghe tiếng suối chảy róc rách nghe như tiếng hát ai xa đưa, tận hưởng cái không khí mát lành, thơm tho của rừng, của suối giữa buổi trưa hè oi nồng chan chát nắng, cảm thấy cuộc đời cũng đầy thi vị!
Tôi cầm cần câu, nhảy trên những tảng đá trắng, to như trâu đằm giữa suối, đi ngược về phía trên tìm chỗ câu cá. Bỗng tôi nhìn thấy thằng Thành. Nó đang cúi người lúi húi, chăm chú mài dũa vật gì. Thỉnh thoảng Thành ngước lên, đưa vật đó lên trời soi, ngắm.
- Hầy! Làm gì đây? - Tôi đập mạnh vai Thành.
- Ơ!... - Thành giật mình, nhìn tôi, toét miệng cười...

Old school Easter eggs.