Sâu thẳm lòng ai đó liệu có thỏa?
Posted at 27/09/2015
158 Views
( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Ai cũng có một chuyện tình để nhớ")
Người ta yêu nhau sao cứ phải làm đau nhau mới hả lòng hả dạ kia chứ.
***
Vậy là Châu Kiệt đã ổn định một chân biên chế hẳn hoi ở cơ quan cấp thành phố. Châu Kiệt mừng rơn mang tháng lương đầu tiên về biếu mẹ.
Hôm ấy, bà Bích Thụy nấu rất nhiều những món ngon rồi gọi vợ chồng Châu Tuấn về cùng liên hoan cả nhà. Cuối bữa tiệc, bà Bích Thụy nhẹ nhàng bảo "Vậy là cả thằng Châu Tuấn, Châu Kiệt đều đã ổn, ngày mai tôi sẽ về quê, coi như tôi đã đến tuổi nghĩ hưu vậy ha!"
Ông Châu Tùng chỉ ngồi nhìn vợ, không nói gì thêm nhưng ông biết đến cuối cùng ông vẫn không thể có được bà. Ba mươi năm bà làm vợ ông, cũng là ba mươi năm ông nằm cạnh bà vậy mà trái tim bà vẫn ở đâu đấy xa vời. Xa như buổi rước dâu chiều mưa năm ấy, xa như bến nước bà bước theo chồng.
Bà Bích Thụy về làm vợ ông khi tròn hai mươi tuổi. Lúc đó bà đẹp quá trời đất, đẹp nổi tiếng cả vùng quê cát trắng. Ngày rước dâu, bà con xóm làng đi xem như hội. Xem cô dâu xinh như công chúa, xem chủ rễ bãnh bao phông độ, xem chiếc xe bốn bánh chở cô dâu chú rễ oai quá chừng oai và xem cả cái mặt thằng cha Hai Hậu ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước.
Thì ai mà chẳng biết, mới hơn tháng trước Bích Thụy với Hai Hậu còn hẹn hò nơi bến nước. Cho đến một hôm, không biết ở đâu lù lù con xe bốn bánh đổ xịch nơi cổng nhà Bích Thụy. Sau cái hôm đó, mẹ Hai Hậu lên cơn ho dữ dội. Được vài hôm, bỗng có người đùng đùng kéo đến nhà bắt bà già lên xã giam luôn mấy ngày vì tội ăn hàng, quỵt nợ gì đó. Rồi đùng một cái Hai Hậu tuyên bố cưới con gái lão chủ tịch xã về làm vợ mà chẳng cần hẹn hò hay lý do lý tướng gì xấc.
Tuyên bố nóng hổi ấy được đưa ra hôm trước, hôm sau người ta thả mẹ Hai Hậu về kèm mấy lời xin lỗi phát ra rã trên cái loa phát thanh bắt chường ướng đầu làng.
Trẻ con, người già khắp làng như được một phen để mà đàm tiếu, họ đồn thổi khắp đường cùng, ngõ cụt "cái thằng Hai Hậu tham của, tham quyền nên mới cưới con gái chủ tịch xã", "mô có phải, tại thằng chả muốn cứu bà già đó chớ", "cứu bà già cũng mô cần phải rứa, nghe mô sau khi rước con nhỏ xong sẽ được làm chức chi chi đó ở trên xã thì phải", "cái thằng thiệt chai mặt, rứa chứ ngày mô cũng đi lại nhà ông chủ tịch xã mà vênh vếch bộ mặt lên thấy ghét", "Con Thụy đẹp người đẹp nết không ưa, đi ưa chi cái con vừa xấu vừa hư thân mất nết nớ chớ", ...
Bất kể ai nói gì, Bích Thụy khăng khăng một mực không chịu tin. Tin sao được, từ thời còn cởi truồng tắm sông, hễ có ai trong xóm dám động đến một sợi tóc của Bích Thụy là như thể cướp mất túi khoai nướng của Hai Hậu vậy. Thằng chả nhảy cẫng lên, không đập cho tên hỗn xược nào đó một trận thì cũng chửi xa xả vào mặt như tát nước. Rồi thằng chả ngồi thu lu ôm mặt khóc để Bích Thụy dỗ mãi mới chịu nín. Lỡ như Bích Thụy có bị gai đâm vào tay, xem như mất năm hôm Hai Hậu mất ăn mất ngủ, hắn chạy chỗ này, lăn tăn chỗ kia kiếm thuốc đắp cho Bích Thụy.
Nhưng Hai Hậu vốn hiền queo, hắn chỉ nỗi giận khi có ai đụng đến Bích Thụy. Thường ngày, người ta có ăn hiếp, bắt nạt gì hắn, hắn nhịn tất. Không chỉ hiền, Hai Hậu nỗi tiếng khắp vùng vì chăm chỉ, siêng năng lại hiếu thuận với mẹ.
Nhà hắn vốn một mẹ một con. Hắn không có bố, nhưng mặc kệ, hắn chả bao giờ thèm hỏi đến cái người đàn ông đã cùng mẹ tạo ra hắn. Có ai dèm pha, hắn bĩu môi "biết làm chi, người ta sinh ra tui mà còn không cần, tui cần làm chi". Hai mẹ con cứ thế bữa rau bữa cháo nuôi nhau.
Được cái, Hai Hậu dễ nuôi, bỏ đâu cũng sống chẳng bao giờ ốm đau gì quá ba ngày. Càng lớn, hắn càng khỏe, đụng gì làm nấy, ai mướn đâu hắn cũng làm tất, chẳng phàn nàn bao giờ. Con gái khắp làng nhìn hắn mà ghen tị với Bích Thụy. Người già cũng tụm lại mà bàn tán "Đứa mô lấy được thằng Hai Hậu xem như có phước ba đời, hắn không cha, nhà chỉ còn một mẹ, lại siêng năng, thật thà, biết mần ăn, cưới nhau về khéo chắt chiu biết mô chưa đầy ba năm mà có của ăn của để."
Bích Thụy nghe mà ngượng đỏ cả mặt. Thực tình, Bích Thụy chỉ còn chờ ba mẹ gật đầu là theo về làm vợ Hai Hậu cái rụp mà chẳng cần lễ mễ hay áo hoa, khuyên vàng gì cho rườm rà. Nhưng ở đời, sinh con ra cha mẹ nào lại chẳng muốn con cái được an nhàn tấm thân. Lắm lúc mẹ Bích Thủy thờ dài "mẹ không chê thằng Hai cái chi hết nhưng mỗi tội nhà hắn nghèo quá, con về đó chỉ có mang khổ vô thân. Ở nhà con được nuông chiều đã quen, về đó chịu răng nỗi cực mà về hả con." Bích Thụy bỏ ngoài tai lời mẹ cho đến hôm người ta bảo Hai Hậu phụ cô mà lấy người khác rồi.
Từ hôm đó, Bích Thụy đón tìm Hai Hậu mãi ngoài mé đê. Nhưng thằng chả hễ cứ thấy bóng Bích Thụy đằng trước là lủi ra đằng sau trốn mất. Bích Thụy chờ ở nhà, thằng chả ra ngoài ghe nằm ngửa mặt lên trời nghêu ngao hát mấy điệu dân ca buồn não ruột.
Cái hôm Hai Hậu đi sắm lễ cưới, Bích Thụy đứng mãi nơi mé đê khóc chừng muốn cạn nước mắt. "Hậu chẳng có gì để nói với tôi nữa hả Hậu?"
Hai Hậu miệng huýt sáo véo von, hênh hếch bước qua trước mặt Bích Thụy "Bộ cô tưởng tui yêu cô thiệt hả, trời đất ạ! Cô đẹp nên tui đùa cô chơi chút cho dui chứ người như cô tui lấy dề có mà để chưng làm kiểng ngắm cho đỡ đói à!"
Người ta yêu nhau sao cứ phải làm đau nhau mới hả lòng hả dạ kia chứ. Khắp làng trên xóm dưới rêu rao cái tên Hai Hậu nhìn mặt hiền mà điêu phải biết, cái thằng ác nhơn ác nghiệp, yêu con người ta rồi bỏ giữa chừng cho con người ta khổ muốn chết đi sống lại.
Ngày cưới, Hai Hậu ân cần dìu tay cô dâu bước xuống thuyền mà Bích Thụy nước mắt mặn đắng đầu môi.
Chưa đầy một tháng sau cái ngày Hai Hậu rước con gái chủ tịch xã về làm vợ, khắp xóm lại nhốn nháo vì Bích Thụy sắp lên xe hoa lên thành phố làm vợ một đại gia lắm tiền nhiều của lại có bằng này cấp nọ. Hễ thấy mặt Bích Thụy đâu người ta lại đón hỏi, mấy lúc đó chỉ thấy cô cười buồn hiu hiu. Mẹ Bích Thụy đưa con ra chợ sắm hết cái này lại mua cái nọ rồi cố tình dắt cô ngang nhà Hai Hậu cười nói sang sảng như cho ai đó nghe thấy "con nhỏ xem như tốt phước, về trên nớ mới mong thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Mừng cho con, thương con thấy con được rứa mới thỏa lòng".
Mấy từ cuối sao mà nghe đau như xé ruột vậy trời. Hai Hậu ngồi trong nhà ngó ra chỉ biết chu miệng lên huýt sáo.
Thoáng một cái, người ta đã đưa xe đến rước dâu. Bữa đó trời cuối thu, mưa lất phất đủ ướt mấy đọt tre, Hai Hậu bơi ghe xà quần trước bến nhà Bích Thụy mà bủa câu. Tiếng dầm đập vào be ghe mấy lần lạc nhịp nghe nặng trịch.
Bẵng đi hai năm không về thăm nhà, bữa đó, trời cũng mưa lất phất, người ta thấy Bích Thụy tay địu con từ ô tô bước xuống rảo bước vào làng. Cô bây giờ quần áo lượt là, chân đi giày gót, môi son má phấn nhưng cái cười sao vẫn buồn te. Rồi người ta thủ thỉ
- Tội con nhỏ, về thăm nhà chắc cũng mong thấy mặt người cũ, ai dè người ta đã đi mất tăm rồi còn mô nữa. Mà cái thằng, chuyện cha hắn theo giặc rồi bị giết cả làng ni ai mà không biết, không ai nói ra cũng là vì mẹ con hắn đó chớ!
- Bà già con nhỏ cũng ác quá thể, nghe mô bả uy hiếp thằng Hậu, biểu hắn mà không bỏ con nhỏ Thụy cưới con gái ông chủ tịch xã là bả ra chợ tố cáo chuyện mẹ hắn theo giặc đẻ ra tên con hoang như hắn.
- Thì rứa, thằng nhỏ thương mẹ đang đau, sợ mẹ không chịu nỗi nên mới ra rứa.
- Nghe mô, bả còn đút lót tiền cho mấy ông trên xã rồi vu khống chuyện bà già thằng Hậu ăn hàng quỵt nợ chi đó nữa.
- Thì rứa, tội thằng nhỏ thương con Thụy quá chừng, cưới vợ hai năm mà không thèm chung giường đó nợ. Bà già chết được trăm ngày là cuốn gói đi luôn.
- Con Bích Thụy đẹp người đẹp nết, ai mà chẳng mê. Chỉ tội, hai đứa đang yêu nhau ...
Bích Thụy như chết trân giữa chợ "Ừa, Hậu ơi! Không biết giờ tui đã thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn nhưng sâu thẳm lòng ai đó liệu có thỏa?"
Ba mươi năm, bây giờ cô trở lại. Vẫn bến sông xưa, con đò cũ nhưng người không thấy đâu. Chỉ mình Bích Thụy mỗi chiều lại lặng lẽ nơi bến vắng như chờ con đò ai đó có còn kịp quay về gõ nhịp dầm bủa lưới trên khúc sông xưa...
Xuân Võ
....