Túi gạo của mẹ

Posted at 27/09/2015

170 Views


Với chị, đơn giản, tất cả chỉ xuất phát từ tình yêu bao la mà chị giành cho con trai. Chị không nghĩ được thế nào là sự hy sinh hay đạo lý lớn lao ấy.
***
Cái nghèo cái đói thường trực trong ngôi nhà nhỏ này, nhưng dường như, nỗi cơ cực bần hàn ấy không buông tha họ. Cậu con trai bắt đầu cắp sách đến trường cũng là lúc nỗi mất mát lớn bỗng nhiên đổ ập xuống đầu họ. Cha qua đời vì cơn bạo bệnh. Hai mẹ con tự tay mình mai táng cho người chồng, người cha vắn số.
Người mẹ góa bụa ở vậy, chị quyết không đi bước nữa. Chị biết, bây giờ chị là chỗ dựa duy nhất cho con trai mình. Chị cặm cụi, chăm chỉ gieo trồng trên thửa ruộng chật hẹp, tài sản quý giá nhất của hai mẹ con chị. Ngày qua ngày, năm nối năm, những tấm giấy khen của cậu con trai hiếu học dán kín cả bức tường vôi nham nhở. Nhìn con trai ngày một lớn lên, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, nước mắt bỗng lăn trên gò má chị.

Học hết cấp hai, cậu thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của thành phố. Gánh nặng lại oằn lên vai người mẹ. Thế nhưng không may thay, khi giấy báo trúng tuyển về đến tay cậu cũng là lúc mẹ cậu ngã bệnh. Căn bệnh quái ác làm chị liệt nửa chi dưới. Vốn là lao động chính của gia đình, giờ chị chẳng thể đi lại bình thường như xưa nữa nói chi đến chuyện làm nông. Cậu bé vốn hiểu chuyện, thương mẹ vất vả, cậu xin nghỉ học:
- Mẹ này, con nghỉ học thôi, ở nhà làm ruộng thay mẹ. Đi học, tiền đâu mà đóng học phí, tiền sinh hoạt phí, lại còn một tháng nộp 15 cân gạo nữa, nhà mình biết lấy đâu ra.
- Có thế nào con cũng không được bỏ học. Con là niềm tự hào của mẹ. Chỉ cần con chăm chỉ học hành, còn những việc khác, con không phải bận tâm
Hai mẹ con tranh luận rất lâu, cậu kiên quyết không đi học nữa vì không muốn mẹ mình khổ. Cậu trở nên ngang bướng và lì lợm. Phải đến khi nóng nảy quá không kiềm chế được, mẹ cậu giơ tay tát cậu một cái vào má, cậu mới sững người lại. Đây là cái tát đầu tiên trong đời cậu con trai mười sáu tuổi. Mẹ cậu ngồi thụp xuống đất và khóc nức nở...
Nghe mẹ, cậu khăn gói vào trường nhập học. Lòng cậu nặng trĩu. Người mẹ đứng lặng hồi lâu, nhìn bóng con trai khuất dần...
Ít lâu sau, có một người mẹ lặc lè vác bao tải dứa, chân thấp chân cao đến phòng giáo vụ. Chị nộp gạo cho con trai. Chị là người đến muộn nhất. Đặt bao gạo xuống đất, chị đứng thở hổn hển một hồi lâu rồi nem nép đi vào.
Thầy Hùng phòng giáo vụ nhìn chị, nói:
-Chị đặt lên cân đi. Mở túi gạo ra cho tôi kiểm tra.
Chị cẩn thận tháo túi.
Liếc qua túi gạo, hàng lông mày của thầy khẽ cau lại, giọng lạnh băng:
-Thật chẳng biết nên nói thế nào. Tôi không hiểu sao các vị phụ huynh cứ thích mua thứ gạo rẻ tiền đến thế cho con mình ăn. Đấy, chị xem. Gạo của chị lẫn lộn đủ thứ, vừa có gạo trắng vừa có gạo lức lẫn gạo mốc xanh đỏ, cả cám gạo nữa, đây còn có cả ngô nữa... Thử hỏi, gạo thế này, chúng tôi làm sao mà nấu cho các em ăn được. Thầy vừa nói vừa lắc đầu.
- Nhận vào.
Thầy nói, không ngẩng đầu lên, đánh dấu vào bảng tên của học sinh.
Mặt người mẹ đỏ ửng lên. Chị khẽ khàng đến bên thầy nói:
-Tôi có 50.000 đồng, thầy có thể bổ sung vào thêm cho cháu để phụ tiền sinh hoạt phí được không thưa thầy?
-Thôi, chị cầm lấy để đi đường uống nước.
Thầy nói và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn người phụ nữ tội nghiệp đang loay hoay, khổ sở, mặt đỏ ửng lên, chân tay thừa thải vì chẳng biết làm thế nào. Chị chào thầy rồi lại bước thấp bước cao ra về.
***
Đầu tháng sau, chị lại đến nộp gạo cho con trai. Thầy lại mở túi gạo ra kiểm tra rồi lại cau mày, lắc đầu. Thầy có vẻ lạnh lùng, ác cảm:
- Chị lại nộp loại gạo như thế này sao? Tôi đã nói phụ huynh nộp gạo gì, chúng tôi cũng nhận, nhưng làm ơn phân loại ra, đừng trộn chung như thế này. Chúng tôi làm sao mà nấu cơm cho ngon để các em ăn được? Chị nghĩ thử xem, với loại gạo hổ lốn thế này, liệu chúng tôi có thể nấu cơm chín được không? Phụ huynh như các chị không thấy thương con mình sao?
- Thầy thông cảm. Thầy nhận cho, ruộng nhà tôi trồng được chỉ có thế ! Người phụ nữ bối rối.
- Thật buồn cười cái nhà chị này ! Một mảnh ruộng nhà chị có thể trồng đến hàng trăm thứ lúa thế sao? Nhận vào! Giọng thầy gằn từng tiếng và vẫn không ngẩng đầu lên nhìn chị.
Người mẹ im bặt, mặt chị trở nên trắng bệch, nhợt nhạt. Chị lí nhí cảm ơn thầy rồi lại lặng lẽ bước thấp, bước cao ra về. Dáng chị liêu xiêu, đổ vẹo trong cái nắng trưa hầm hập như đổ lửa.

Lại sang đầu tháng thứ ba của kỳ nộp gạo. Chị lại đến. Vẫn dáng đi xiêu vẹo, mồ hôi mướt mải trên trán, ướt đẫm lưng áo của người mẹ trẻ. Bao gạo nặng dường như quá sức với chị.
Thầy lại đích thân mở túi gạo ra kiểm tra. Lần này, nét giận dữ in hằn trên mặt thầy. Thầy rành rọt từng tiếng một như nhắc để người phụ nữ ấy nhớ:
- Tôi đã nói với chị thế nào. Lần này tôi quyết không nhân nhượng chị nữa. Chị làm mẹ mà sao ngoan cố không thay đổi thế này. Chị mang về đi. Tôi không nhận !
Người mẹ thả phịch bao gạo xuống đất. Dường như bao nỗi ấm ức, đau khổ và bất lực bị dồn nén bao ngày đột nhiên bừng phát. Chị khóc. Hai hàng nước mắt nóng hổi, chan chứa trên gương mặt sớm hằn lên nét cam chịu và cùng quẫn. Có lẽ, chị khóc vì tủi thân và xấu hổ. Khóc vì lực bất tòng tâm.
Thầy Hùng kinh ngạc, không hiểu đã nói gì quá lời khiến cho người phụ nữ trẻ khóc tấm tức đến thế. Chị kéo ống quần lên để lộ ra đôi chân dị dạng. Một bên chân quắt queo lại.
- Thưa với thầy, gạo này là do tôi... Tôi đi ăn xin, gom góp lại bao ngày mới có được. Chẳng giấu gì thầy, chân cẳng tôi thế này, tôi làm ruộng thế nào được nữa. Cháu nó sớm hiểu chuyện, đòi bỏ học ở nhà giúp mẹ làm ruộng. Thế nhưng tôi kiên quyết không cho, kiên quyết không để con tôi thất học. Có học mới mong thoát khỏi cảnh cơ cực này...

XtGem Forum catalog