Ngôi nhà không có mái

Posted at 27/09/2015

161 Views


Lần ngồi tù thứ tư Miền đã suy nghĩ rất nhiều, anh đã đếm nếu ra tù đúng hạn thì anh đã bước sang tuổi bốn mươi, anh không thể sống thế này mãi, anh muốn thay đổi nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu.
***
Miền trở về lần này lần thứ năm, sau vài năm xa cách anh ta suýt không nhận ra ngôi làng thân quen của mình nữa. Đang giữa mùa hè chắc nhờ mưa nhiều nên cỏ cây mọc lên tươi tốt, hầu như ngôi nhà nào cũng đều được bao bọc bởi những vườn cây cao, xanh ngát.
Đường làng hình như vừa mới được làm lại, rộng rãi và sạch sẽ khác hẳn với trước đây toàn phân trâu phân bò, những bụi cỏ dại hay mọc bên đường có lúc cao ngập đầu người trước đây cũng được phát quang hết cả.

Miền tự hỏi không biết có phải mình đã đi nhầm đường hay không vì anh nghĩ rằng người dân làng mình không thể nào mà chỉ sau vài năm lại biết thay đổi suy nghĩ một cách tiến bộ như thế này được. Cho đến khi đã đi được vào đến giữa làng, đi qua ngôi nhà của lão Chính bán rượu thuốc ngay sát đường làng nhất, ngôi nhà lợp ngói đen duy nhất trong làng Miền mới thôi hoài nghi về con đường mình đang đi.
Cửa hàng lão Chính và hàng tạp hóa của bà Phương Kiện ở đầu làng đều không mở cửa, có lẽ họ đang nghỉ trưa. Miền chợt nhớ người dân làng mình có một cái tật chắc chẳng bao giờ thay đổi được đó chính là cái việc ngủ trưa đến tận ba bốn giờ chiều mới dậy. Nghĩ đến đó Miền thấy yên tâm hơn, anh ta đã hy vọng là sẽ không phải gặp bất cứ người làng nào trên đường về nhà.
Dù đang giữa trưa hè trời nóng nực nhưng Miền lại khoác một cái áo khoác dày, đội cái mũ rơm to, anh kéo cái khóa áo lên và kéo vành cái mũ rơm xuống sát tận mặt, Miền vẫn sợ nhỡ trưa nay có ai không ngủ được dậy đi đâu đó thì sao. Đi qua cái ngõ vào nhà bố mẹ mình Miền dừng lại trầm ngâm một lúc định rẽ vào nhưng rồi lại tức tốc đi thẳng về đến cuối làng.
Ngôi nhà của anh ta ở tận cuối làng, gần về đến nhà Miền bỗng thấy lòng hồi hộp lạ con tim anh như đang nhảy nhót ra khỏi lồng ngực, ngôi nhà thân quen ấy giờ cũng hơi khang khác nhưng Miền vẫn nhận ra ngay. Ngôi nhà này khác với ngôi nhà khác trong làng bời có hàng rào hoa hồng dây gai, hầu như mùa nào cũng nở hoa và khoe đủ sắc màu.
Mùi hương thơm từ vườn hồng nhà anh dường như bay xa đến tận đầu làng, Miền đẩy cổng lặng bước đi vào lối đi vào nhà ngập tràn hoa cỏ. Hoa Cúc, hoa Thược dược, hoa Đồng tiền, các loại hoa Hồng đua nhau khoe sắc, trước sân nhà là một vườn rau nho nhỏ với đủ các loại rau củ đang mơn mởn tươi tốt.
Bên cạnh cái lu nước có hai đứa bé đang chơi trò té nước, Miền bỏ cái mũ rơm xuống anh nhìn lũ trẻ không chớp mắt. Bỗng đứa bé trai bị ngã khóc ré lên, Miền liền chạy lại đỡ thằng bé đứng dậy lần này thì cả thằng bé và con bé đều khóc rống lên vì chúng nó sợ người lạ. Mẹ bọn trẻ từ phía sau nhà chạy ra, trên tay chị ôm một bó củi khô thấy Miền chị suýt đánh rơi bó củi nước mắt chị cũng rưng rưng.

Miền chạy lại đỡ đống củi trên tay Thu. Bọn trẻ chạy lại níu lấy mẹ chúng và tự nín khóc, Thu bế thằng bé con lên thơm vào má nó: "Bố về đây mà, sao các con lại khóc?".
Gần về chiều trong lúc vợ đang làm cơm Miền lại ra vườn thơ thẩn, cho đến lần này anh vẫn chưa hết ngạc nhiên về những sự đổi thay quanh ngôi nhà này và cả Thu nữa. Hồi ở trong trại anh cũng đã bao lần tưởng tượng rồi nhưng không mọi thứ thật sự khác với những gì anh đã tưởng tượng.
Những cái cây trong vườn lớn cứ lớn thêm lên và khu vườn ngày càng xanh rậm, cứ mỗi lần anh về lại thấy trong vườn có thêm một vài loài cây ăn quả và cây hoa khác. Ngôi nhà thì vẫn thế vẫn bé tẹo, mái ngói thì bạc màu dần đi nhưng vẫn luôn gọn gàng ngăn nắp. Đứa lớn nhà anh phải xa bố từ khi tròn một tuổi, cho đến khi sinh nhật ba tuổi của nó hai bố con anh mới gặp nhau, khi nó đã chịu gọi anh bằng bố thì anh lại xa nó.
Còn đứa em nó đứa bé trai đã khóc rống lên khi gặp anh lúc trưa thì khi sinh ra đã không nhìn thấy mặt bố, anh vào trại lần kế tiếp lúc Thu mang bầu nó được bảy tháng.
Miền hít thở thật sâu để cảm nhận trọn vẹn mùi hương hoa Hòe đang phảng phất đâu đây, bỗng dưng anh thấy khó thở vô cùng anh muốn ép cho những dòng nước mắt chảy ra để xua tan đi một nỗi đau nhói trong lồng ngực. Tiếng Thu bước lại phía sau, Miền gạt tất cả lại làm ra vẻ như không có chuyện gì, mỉm cười cùng vợ đi vào nhà ăn cơm. Hôm đó cả nhà anh ăn cơm sớm có lẽ vì có anh về, trong mâm cơm có cá Bống kho tộ, thịt Gà xào hoa Hòe, canh Mướp ngọt, trứng cuộn thập cẩm... Miền nhìn qua mâm cơm một lượt rồi bảo vợ:
- Sao em lại bày vẽ thế này làm gì cho tốn kém, hằng ngày ăn thế nào thì hôm nay ăn thế. Trong vườn có nhiều rau Muống, rau Cải, em có làm cả cà muối và nhà mình cũng có Lạc rang sẵn nữa đúng không, ăn những thứ đó thôi không được à?
Thu chỉ cười xòa trả lời chồng:
- Thì mấy năm rồi anh mới về, lúc đầu em có ý mời bố mẹ và mấy chú sang nữa nhưng lại thôi vì sợ còn quá sớm chắc mọi người chẳng sang được, nếu không thì em cũng đâu làm nhiều thế này.
Miền biết Thu chỉ trả lời thế để cho anh không nói thêm thôi, chứ lần nào anh về chị chẳng làm thế mà anh đâu có thích việc họ hàng kéo đến nhà mỗi lần anh về đâu chứ, Thu cũng hiểu rõ điều đó mà. Các con anh cùng ngồi vào mâm cơm rất lễ phép những chúng ngồi sát vào bên cạnh mẹ, thằng bé con ba tuổi nhưng đã tự ăn, người lớn không phải bón cho nó và nó không cần ai gắp thức ăn hộ. Hai đứa bé ăn từ tốn, không vội vàng, không làm rơi thức ăn...

Miền nhìn lũ trẻ mà bỗng nhớ đến mình những ngày xưa. Nhà anh có sáu anh chị em, bố mẹ anh đều làm nghề buôn bán nên kinh tế cũng không đến nỗi khốn khó, các anh chị em của anh giờ đều đã ổn định cả hầu như tất cả bọn họ đều không ai ở lại làng.
Hồi bé cứ mỗi lần nhà có gì ăn là anh chị em nhà anh lại xúm vào, giành giật nhau từng củ khoai, miếng thịt... trong bữa cơm không lúc nào là mọi người không chành chọe. Đứa nào đứa nấy cứ gắp lấy gắp để thức ăn về phần mình, vừa nhai nhồm nhoàm vữa cái cọ, lấy thìa đũa đánh đập nhau. Có lúc đang trong bữa ăn mà bố anh giận điên người lấy đôi đũa cả ra thay cho cái roi để đánh lũ con tham ăn, láo lếu cho đến khi nào gãy đũa mới thôi.
Không chỉ nhà anh mà anh thấy nhiều nhà khác ở vùng quê đều thế, nhất là những nhà nào đông con lúc ăn cơm thì cứ leng keng ầm ĩ, bố mẹ nhiều khi cứ vừa nhai vừa quát tháo con cái. Cách đây mấy năm anh sang nhà người bạn ăn cơm cũng vậy, ông bạn anh các con của người bạn đó hồi ấy chắc lớn hơn các con anh bây giờ nhưng mà chúng ăn cứ như bị bỏ đói.
Suốt cả bữa cơm vợ chồng người bạn cứ luôn mồm phải nhắc bọn trẻ đó hãy ăn từ từ thôi. Ăn cơm xong đứa con gái đầu lòng sáu tuổi của anh đã biết giúp mẹ dọn dẹp, rửa bát và thằng bé con lại biết tự đi ra vòi nước rửa tay, lấy khăn lau. Tất cả đó là công lao của Thu người vợ tội nghiệp của anh, Miền bỗng thấy vừa tự hào vừa có cảm giác tội lỗi với vợ con.
Miền biết từ khi về làm vợ anh cuộc sống của Thu chẳng mấy gì dễ chịu nhưng chị vẫn rất mạnh mẽ để vượt qua, những năm qua Thu luôn một tay làm vườn ruộng, chăm sóc con cái và lo việc họ hàng làng xóm... Việc gì Thu cũng làm tốt, chị không bao giờ để nhà cửa, vườn tược trống không, bừa bãi và các con anh thì như anh vừa thấy chúng rất ngoan và biết tự lập từ bé.
Họ hàng, làng xóm luôn dành cho Thu những lời khen ngợi nhưng cũng khối người thầm ghen tị và chửi thầm chị là "ngu", "dại" và cũng có người thầm xót xa cho chị nữa.
Thu năm nay đã bước sang tuổi ba mươi khi Miền cũng đã cập kề tuổi tứ tuần, thế mà trông chị vẫn rất trẻ trung. Chị có mái tóc đen dài luôn được búi cao và gọn sau lưng, thỉnh thoảng thì chị bện lại, dáng chị cao cao thanh thoát và một làn nước da bánh mật mịn màng. Đã hai con rồi mà nhìn chị như mới ngoài hai mươi thôi, vẻ đẹp của chị cũng là cái cớ để cho những người độc mồm độc miệng lôi ra để xăm soi, có người nói trước kia chị từng làm gái.

Thu gặp Miền từ năm chị mới mười sáu tuổi lúc ấy chị đã phải bỏ dở con đường học hành để lao vào đời kiếm sống, bố mẹ Thu bỏ nhau từ khi chị còn bé và mỗi người họ đều đi về một phương bỏ mặc chị sống với ông bà ngoại và một bà dì bị tật nguyền.
Năm học lớp mười một, ông ngoại Thu bị ốm nặng phải chạy chữa mất nhiều tiền nên Thu phải bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thu đi rửa bát thuê cho một quán nhậu, một lần bị bọn thanh niên uống rượu say ức hiếp, cô chống cự quyết liệt cầu cứu ông bà chủ nhưng những con người khốn nạn đó vì sợ mất khách nên đã bỏ mặc cô.
Trong lúc tuyệt vọng ấy Miền đã xuất hiện để cứu cô kịp thời, vì trận ẩu đả tại quán nhậu gây ra chút thiệt hại nên vợ chồng lão chủ đã không trả tiền lương cho cô trong khi cô đã làm việc vất vả cả tháng. Thu bỏ làm tại quán nhậu đó ngay lập tức, cô chỉ biết khóc nức nở Miền đưa cô về trên đường về bằng một chiếc xe đạp, anh đã được nghe cô kể hết mọi hoàn cảnh khó khăn của mình.
Có lẽ vì lúc đó qua tuyệt vọng, đau khổ không biết phải nói cùng ai nên Thu đã trút hết ra với anh, Miền đưa Thu về tới tận nhà. Cô mời anh vào trong nhà uống nước, cô chỉ giới thiệu với cả nhà anh là một người bạn tốt và cố giấu đi chuyện cô bị ức hiếp ở chỗ làm, Thu không muốn làm những người thân của mình lo lắng.
Hôm sau Miền lại đến nhà Thu và đưa cho cô một xấp tiền bảo cô cầm lấy mà lo việc khi nào có lại trả lại anh, anh nói và đặt tiền vào tay Thu một cách dứt khoát và đi thẳng khiến cho cô không kịp từ chối.
Hồi đó Miền làm công nhân tại một công trường xây dựng gần nhà Thu, anh không hề thích công việc đó. Hồi còn trẻ, anh luôn mơ ước được làm ông chủ của một nhà máy sản xuất rượu, những loại rượu hoa quả ngon nhất thế giới.
Có lẽ đó là một ảo tưởng, anh đã cùng vài người bạn tìm cách xoay sở vốn liếng nhưng chẳng lúc nào thành, bố mẹ anh không tin tưởng vào anh và họ bắt anh đi buôn bán lợn, gà như nghiệp của cha mẹ. Miền vốn là con út trong nhà được chiều chuộng tự bé nên không quen làm việc anh hay tụ tập bạn bè đánh bạc, hút thuốc, uống rượu anh không thích đi buôn, anh toàn làm hao hụt vốn liếng đi thôi.
Cứ mỗi lần uống rượu say là Miền lại phá phách để rồi một lần vì tội đánh người mà Miền phải ngồi tù giam nửa năm. Cuối cùng bố mẹ anh đã không cho anh dính vào công việc làm ăn của họ nữa, không cho anh tiền tiêu và xin cho anh đi theo một người anh rể làm công nhân xây dựng. Nhưng Miền cũng chẳng thiết tha gì cứ rảnh ra là anh bỏ đi chơi, anh cũng hay ăn cắp tiền của anh rể anh số tiền mà anh đưa cho Thu mượn cũng là tiền ăn cắp đó.
Miền thương và đối xử tốt với Thu cũng chẳng biết vì lí do gì, có lẽ chỉ vì anh thấy cô đáng thương thôi. Một thời gian sau đó Thu tìm được công việc ở một cửa hàng may, cô hay đến công trường tìm Miền lần thì đưa anh túi hoa quả, lần thì đưa anh hộp kẹo có lần cô mang cả rượu đến cho anh.

Disneyland 1972 Love the old s