Đôi vợ chồng ở kho chứa đồ
Posted at 27/09/2015
154 Views
Từ ngày đầu tiên dọn tới ở phòng trọ này, tôi đã bắt đầu nghi ngờ căn phòng chứa đồ sát bên phòng tôi bỏ trống không có người. Suốt từ sáng đến tối, bên đó lặng như tờ.
***
Tôi không thích cái ghế Sô - pha rách trong phòng, cuối cùng một lần đã đòi chủ nhà trọ xem có thể cho tôi vứt cái sô-pha vào kho chứa đồ bên cạnh hay không. Chủ nhà liếc mắt hứ một tiếng:
- Tôi bảo cô bao lần rồi? Cái kho đó cho một cặp vợ chồng làm thuê ở nhờ, có người ở đó chứ!
Tôi coi như là gặp phải một bà ki bo đặc trưng dân Quảng Đông, thôi thì lần sau sẽ không bao giờ động đến cái loài hẹp hòi nhà bà nữa nhé!
Hôm đó, tôi đi đổ rác, qua cửa kho chứa đồ, nghe thấy bên trong lào xào, bực mình không chịu được, tôi biết chắc chắn đó chỉ là chuột đang chạy loạn bên trong ị đầy thôi. Tôi cáu kỉnh đá một cái lên cửa, chưa đã bèn đạp mạnh thêm cái nữa.
Cửa ọt ẹt hé ra, tôi giật thót cả mình. Tôi tưởng mình đã đạp vỡ cửa mất rồi. Đang lúc phấp phỏng, một cô gái ló đầu ra, nói đúng ra thì phải là một phụ nữ hoặc một thiếu phụ, tôi khó mà xác định được tuổi cô ta từ mái tóc buộc đuôi gà rối phồng lên và khuôn mặt còn quá non nớt.
Cô gái khẽ hỏi: "Chị tìm ai?"
Tôi sững người, đứng đờ ra, không biết nên trả lời thế nào.
Lúc đó, một người con trai nhếch nhác cũng thò đầu ra, hoài nghi hỏi: "Chị ở phòng bên cạnh à?" Tôi vội sực tỉnh ra ngay, đáp: "Vâng, vâng."
Người con trai cười hì hì đắc ý: "Lần trước đi làm về em đã thấy chị."
Bầu không khí xung quanh ngưng đọng rất lâu, có một chút ngần ngại.
Tôi vội vã nói: "Xin lỗi, xin lỗi, làm phiền đến hai bạn rồi." Rồi tôi vội vã cút thẳng về phòng mình.
Tôi nghe thấy tiếng họ nhè nhẹ đóng cửa lại, còn nghe thấy tiếng họ lào thào, dường như đang thì thầm với nhau: "Có phải chúng mình làm tiếng động hơi to, ảnh hưởng đến hàng xóm rồi à? Thế thì về sau chúng mình phải cẩn thận khẽ khàng hơn nhé!" Đại loại là những lời như thế.
Tôi uống một ngụm nước, im lặng trở lại, tôi mới tin chắc là, trong gian phòng chứa đồ suốt ngày im ỉm tăm tối đó quả thực có hai người đang ở, có lẽ họ chính là đôi vợ chồng làm thuê mà chủ nhà nhắc đến.
Tự dưng tôi cười nhạt, lại còn vợ chồng cơ đấy, nhìn thì biết chỉ khoảng 20, chắc trốn nhà đi bụi? Hay là tảo hôn mới cưới? Tôi bất giác cười, tự hài hước nghĩ: "Làm thuê cái gì, nhà quê ra tỉnh thì có, nhà quê toàn cưới sớm. Chắc sau này phải gọi đôi này là, thằng cha đấy, con mẹ đấy." Cứ nghĩ ngợi thế, tôi bất giác cười lên thành tiếng.
***
Lần đầu tiên tiếp xúc với đôi vợ chồng này là lần tôi quên chìa khoá, không vào nhà được, đành tìm họ mượn dụng cụ, tôi định phá khoá cửa phòng.
Đó là lần đầu tiên tôi thật sự gõ cửa phòng họ, cũng là lần đầu tiên tôi quá bộ vào cái phòng chứa đồ u ám đấy.
Cửa mở, đôi vợ chồng họ nhìn thấy tôi dường như có vẻ kinh ngạc vui sướng, vội vã mời tôi vào.
Tôi nói lý do sang đây, vợ chồng họ liền quay người đi tìm cái gì giúp. Cửa để mở, bên trong tối mờ mờ, tôi không kìm được liền bước vào một bước.
Không biết có cái gì vướng vào chân tôi, tôi cứ tưởng là chuột, sợ hãi kêu lên "ối trời". Một người trong cặp vợ chồng liền bật đèn sáng. Ngọn đèn nhỏ trên trần phát ra thứ ánh sáng hoàng hôn, tôi dám khẳng định loại bóng đèn này không thể quá 10 Wat. Tôi rất nghi ngờ không biết cặp này mua được cái bóng đèn ở chỗ nào, chứ ở cái đô thị phương Nam này tôi thực sự không thể tưởng tượng được lại có chỗ nào bán loại bóng đèn này. Tôi nghĩ không chừng là bọn họ mang từ quê lên đây.
Tôi nhìn ước lượng căn nhà kho mà tôi từng định vứt mấy thứ tạp nham đồ cũ vào đây. Tôi tính rộng rãi ra, thì cái phòng này cũng chẳng quá 10 mét vuông. Bốn phía không có bất kỳ một cái cửa sổ nào, cửa ra vào là nơi duy nhất có thể thông gió và đi ra đi vào được. Trong phòng có một mùi ẩm mốc, xộc thẳng vào cổ họng, làm người ta phát ớn.
Tôi vội vã lùi ra ngoài. Nhưng tôi đã nhìn thấy rõ, trong phòng ngoài một chiếc giường gỗ cá nhân và vài nồi niêu bát đĩa lỏng chỏng dưới đất ra, thật sự không còn chỗ nào có thể đặt chân vào, tôi thật sự bái phục đôi vợ chồng trẻ này làm sao mà có thể sống ở đây được.
Cuối cùng, đôi vợ chồng tìm được con dao làm bếp của họ, cũng là thứ duy nhất có thể phá khoá được giúp tôi, kỳ cạch bao nhiêu công sức cuối cùng họ cũng giúp được tôi mở cửa. Cửa mở được rồi, tôi lại không hề có ý định mời họ vào nhà. Họ đứng ở cửa, nắm lấy khung cửa, nhón mũi chân, vẻ bẽn lẽn, nhìn ngắm căn phòng của tôi.
Người con gái cuối cùng cũng thốt lên một câu: "Sao từ trước đến nay chưa được gặp chồng chị?"
Tôi cau mặt lại bảo: "Tôi chưa kết hôn!"
Người con gái đỏ mặt lên, có vẻ nói hớ mất rồi, bèn cúi đầu, chẳng dám đáp gì. Người con trai ngại ngần nói, "thế một mình chị lại ở cái phòng to thế này ư?"
Tôi chẳng đáp. Cả hai người, hồi lâu chẳng nói năng gì. Không rõ là ai nhìn thấy cái máy tính tôi để trong phòng khách, bèn buột miệng: "Ơ kìa, chị có cả máy tính!"
Tôi hơi ngạc nhiên, lũ làm thuê mà cũng biết máy vi tính cơ à? Tôi bảo, "ờ, thế cậu biết lên mạng à?"
Người chồng gãi gãi da đầu, nói: Hồi chúng em học đại học, có giờ học vi tính, em đã học vài buổi.
Tôi giật mình toát cả mồ hôi, đại học? Họ mà là sinh viên ư? Thế mà sao trông chả có vẻ gì cả? Trong lòng tôi có cảm giác bị lừa, nên tôi cố ý nói: "Thế các bạn đang làm nghề gì? Các bạn tốt nghiệp trường nào đấy? Học khoa gì?"
Họ mím môi, có một thoáng ngượng ngùng, tôi tưởng thế là các cậu bị lật tẩy rồi, đồ giả dối!
Đột ngột người con trai cất lời: "Chúng em học trường tầm tầm thôi, loại trường dân lập hạng ba ấy mà, em và vợ em vừa học cùng trường vừa là đồng hương, cô ấy học khoa văn, em học khoa Lý. Giờ em làm chân phân phối hàng, cô ấy làm phục vụ ở quán ăn."
Tôi bĩu môi, kêu một tiếng, "ồ!Tôi thì tốt nghiệp Cao học ở Đại học **".
Khi tôi nói xong câu ấy, tôi mới phát hiện, hai người ở cửa đã đi từ lúc nào chả biết.
Tôi hơi thất vọng, tôi đoán xem liệu họ có nghe thấy tôi đến tên trường Đại học ** nổi tiếng mà ai cũng biết không.
***
Mấy năm nay mở rộng tuyển sinh, ra ngõ là gặp sinh viên. Đại học dễ thi vào quá, nhưng kiếm việc thì lại khó khăn hơn nhiều. Sinh viên tốt nghiệp những trường hạng ba, nói thật còn không bằng cửu vạn ngoài đường, sức vóc thì không có, năng lực thì chẳng bằng được ai. Mà học phí của những trường hạng ba đâu có thấp, thậm chí còn đắt hơn những trường đại học danh giá rất nhiều, tôi biết chắc chắn học phí của những trường đó đắt kinh người.
Nhìn đôi vợ chồng này, xem ra cũng chỉ là con nông dân thôi, ban đầu hẳn họ không hiểu rằng, dù có tiêu sạch cả gia sản, có nắm được mảnh bằng, thì họ cũng chẳng là cái gì trong xã hội này. Mang theo trên lưng cả một gánh nợ lớn, ra đời kiếm việc thì mới nhận ra rằng, sinh viên tốt nghiệp những trường hạng bét thì cũng chỉ cùng tầng lớp với những người làm thuê chưa tốt nghiệp Tiểu học thôi, dựa vào sức lực mà kiếm sống, mệnh còn bạc hơn giấy mỏng, người còn kém hèn hơn cả mệnh.
Hôm sau, dù trong đáy lòng tôi vẫn lo âu, hai người kia họ biết cách cầm dao phá khoá nhà tôi được như thế, thì liệu có bữa nào lợi dụng tôi đi vắng sẽ quen mui bén mùi tới kiếm chác? Nhưng tôi vẫn thấy dù sao người ta giúp mình thì mình thấy áy náy, bèn mua vài cân trái cây phương Nam đưa cho họ.
Hai vợ chồng dường như kinh ngạc vì được ban ơn, nói mãi không dám nhận. Tôi bèn bảo họ đây là thói quen người Quảng Châu, được giúp rồi nhất định phải có gì cảm ơn, không lấy là làm tôi mất mặt. Họ nghe rồi mới nơm nớp trân trọng nhận lấy.
Được một lúc, họ lại đến gõ cửa phòng tôi. Tôi cứ tưởng họ đem quà trả lại, kết quả mở cửa ra câu đầu tiên họ hỏi:
- Xin hỏi, chỗ trái cây này có thể để được bao lâu?
Tôi ngạc nhiên nhìn họ, trong bụng hơi bực tức, nghĩ: Chẳng lẽ họ lại bảo là mình mua hoa quả "hết đát" biếu họ à? Tôi đang định cáu, họ nói thêm một câu:
- Có thể để đến Tết không?
Tôi sững sờ, họ nói:
- Tết đến chúng em chả có quà cáp gì mang theo về quê, chỗ trái cây này chắc là rất đắt? Chúng em định cuối năm mang về quê làm quà Tết.
Tôi dở khóc dở cười, bảo:
- Quảng Châu trời nóng, làm sao mà để lâu được, vài tuần là thối hỏng hết đấy!
Họ hơi buồn bã, cảm ơn tôi, rồi về.
Nhưng rõ ràng tôi nghe thấy người con trai nói với cô gái: "Nếu không thì chúng mình tìm cách để dành đến rằm Trung Thu đi, lúc Tết Trung thu có cái ăn cho đỡ thèm."
***
Một tháng sau, Âm lịch là 15 tháng 8, cơ quan tôi phát cho mỗi cán bộ một hộp bánh Trung thu, mang bánh về, tôi mở ra ăn thử một cái, cảm thấy không ngon lắm, định mang vứt đi.
Lúc đi qua gian nhà kho, tôi đổi ý, tôi nghĩ mang vứt đi thì phí quá, họ thì tội nghiệp như thế, thôi thà mang cho họ ăn Rằm còn hơn.
Thấy cánh cửa khép hờ, tôi không gõ cửa, cứ thể đẩy thẳng cửa vào, ngọn đèn vàng vọt đang thắp trên trần, hai người ngồi xổm trên đất, người con trai đang cẩn thận cắt nhỏ một cái bánh Trung thu bé xíu, đúng lúc định đưa miếng bánh hơi to một tí cho vợ ăn, nhìn thấy tôi đứng giữa cửa phòng, cậu ta luống cuống chẳng biết làm gì, không nói được câu nào.
Người con gái đang cúi đầu gặm một miếng trái cây rõ ràng trông đã có vẻ bị thối, ăn rất ngon lành, tôi nhìn thấy cô không gọt vỏ, lựu và thanh long mà ăn cả vỏ.
Người con trai đờ ra mất năm giây, rồi cuống quýt mang cái miếng bánh cắt hơi to một tí ấy mời tôi ăn, tôi nói tôi không ăn bánh Trung Thu đâu, rồi tôi nói vì sao tôi sang đây. Tôi đặt hộp bánh xuống cửa rồi chuẩn bị đi ra. Cô gái gọi tôi lại:
- Chị, em chẳng biết nói thế nào hơn, chị xem, trái cây chúng em ăn cũng là chị cho, chị còn mang bánh Trung thu đến cho chúng em nữa, em không biết làm gì để báo đáp chị, thực ra hôm nay chồng em được công ty phát một chiếc bánh dẻo, chúng em bàn nhau là mang đi biếu chị, nhưng biếu có một cái thì chẳng bõ bèn gì, nên vợ chồng em ngượng, chúng em cũng không có quà gì quý nữa, nếu mà chị có việc gì cần giúp, chúng em sẽ sẵn sàng ngay!
Lúc đó tôi mới biết, cái bánh Trung thu kia là cậu chồng được công ty phát, tôi cũng lúc đó mới biết, trái cây cô vợ ăn là của tôi tặng tháng trước. Tôi vốn định bảo: Ăn thanh long thì phải bỏ vỏ đi. Nhưng tôi nhịn không nói, tôi ra về.
Cuối tuần, cô gái sát vách tới gõ cửa, hỏi tôi có việc gì mà họ có thể giúp không, tôi cười bảo không. Cô nhanh mắt nhìn thấy trên sô pha nhà tôi chất một đống quần áo bẩn, nằng nặc đòi giặt giúp, tôi nói tôi có máy giặt rồi, chờ tí nữa đem vứt vào máy giặt là xong, không cần phải nhọc sức. Cô ngần ngại đứng ở đó, có vẻ như áy náy, không biết nên làm gì.
Lần đầu tiên tôi rất nhiệt tình mời cô vào nhà, ngồi xuống. Cô bỏ giầy, chân trần bước vào nhà. Rón rón rén rén như thể sợ làm bẩn sàn nhà tôi, không dám dẫm cả bàn chân xuống. Cô không biết chứ thực ra tôi đã hơn tuần nay có lau nhà đâu.
Cô nói cho tôi biết, hôm nay cô xin nghỉ ca, vốn định giúp tôi làm việc nhà, nhưng không ngờ chẳng giúp được gì. Cô có vẻ rất xấu hổ, cứ lí nhí trả lời tôi. Cô ngồi ở nhà tôi nửa tiếng, kể cho tôi hoàn cảnh của hai vợ chồng, khi nói những điều đó giọng cô vô cùng dịu dàng, dường như khi kể câu chuyện, cô không để tôi thấy những oán trách và khổ cực của cô.
Cốc nước tinh khiết tôi rót cho cô, cô cứ cầm mãi trong lòng tay, lúc sắp về, cô nhìn tôi, tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý, cô liền mang về cả cái cốc nhựa mỏng dùng một lần chứa đầy nước tinh khiết ấy. Tôi đoán, cô sẽ để dành cho chồng về uống.
Từ hôm đó tôi mới biết, chuyện hai người đó thế này:
Cả hai đều con nhà nông dân, bố mẹ là nông dân chính gốc suốt đời bám một mẫu ba đất ruộng, thu nhập cả năm của gia đình chưa bao giờ vượt quá 2.000 tệ (tương đương 4 triệu VND), họ lại thi đậu vào một trường đại học dân lập loại xoàng, học phí mỗi năm bằng bố mẹ không ăn không uống để dành 5 năm. Học không giỏi, không muốn học đại học, nhưng bố mẹ không chịu, nói đây là cơ hội duy nhất để thay đổi số phận nông dân của con, rồi quỳ xuống xin con đi học.
Lên đây học rồi, thì không có tiền nộp học phí, may còn được vay nợ ngân hàng trả chậm, khó khăn lắm mới vay được nhờ bảng thành tích học tập khá giỏi. Nhưng khi tốt nghiệp đại học, chỉ vì chưa trả hết nợ ngân hàng nên bị giữ tấm bằng tốt nghiệp lại. Suốt bốn năm đại học sống vất vả dựa vào nguồn tiền vay hỗ trợ học tập, đến giờ, tất cả những công sức bỏ ra không đổi lại được mảnh bằng tốt nghiệp kia. Vì thế họ chỉ còn cách ra đường làm thuê kiếm tiền, nhặt nhạnh gom góp để mong đủ để chuộc lại tấm bằng đại học.
Họ thuê căn phòng rẻ tiền nhất thành phố, ăn những bữa cơm rau rẻ tiền nhất thành phố, sống một cuộc sống cơ cực nghèo khổ nhất thành phố, nhưng một năm vỏn vẹn chỉ góp lại không đủ một vạn tệ...