Một nửa Sài Gòn
Posted at 28/09/2015
130 Views
Em ở đâu, trong nỗi nhớ rất mực trầm lắng còn mãi trên tóc mai của nhân loại. Vuốt nhẹ vào đó ta nghe mắt mình khép lại, để rồi lại mở ra những tháng ngày thơ thiếu nhỏ còn lắm miên man.
***
Em ở đâu, trong những thời khắc cuối cùng của một năm, người thành phố nhìn nhau và nhìn lại chính mình, tự dành cho bản thân một chút dư âm quá khứ.
Em ở đâu, khi người ta trống trải trong tim và mải miết tìm một cách nào đó dàn trên tâm hồn những trang yêu thương, muộn phiền, bình yên hay xa cách.
Em ở đâu, trong nỗi nhớ rất mực trầm lắng còn mãi trên tóc mai của nhân loại. Vuốt nhẹ vào đó ta nghe mắt mình khép lại, để rồi lại mở ra những tháng ngày thơ thiếu nhỏ còn lắm miên man.
Em ở đâu...
...
Đó là một ngày tựu trường của những học sinh cuối cấp.
Ngôi trường nhỏ nằm trên đường Hải Thượng Lãng Ông vẫn như mọi năm, đón chào chúng tôi bằng một vẻ cũ kỹ trường tồn. Ngày khai trường, tôi vừa đùa giỡn cùng chúng bạn vừa chen chân vào lớp, như những chú kiến đã lâu không gặp vừa quay về sum họp cùng nhau.
Bàn tôi ngồi là chiếc bàn cuối cùng nơi dãy giữa, chiếc bàn đặt cách cho tôi, người to con nhất lớp. Bàn hai người nhưng tôi chỉ ngồi một mình trong suốt 2 năm. Lý do cũng dễ hiểu: ai cũng ngại bàn cuối, vừa dễ bị chắn tầm nhìn vừa dễ bị giáo viên tập trung khi làm kiểm tra, nên tôi độc chiếm cả một thế giới riêng cũng là vì vậy.
Tôi gặp em vào một buổi tựu trường đầy ngỡ ngàng như thế. Vừa lúc đặt chiếc cặp xuống cũng là lúc tôi chợt nhận ra một ai đó đã ngồi ngay vào vị trí vốn dĩ là của riêng mình. Một gương mặt lạ. Cô bé có mái tóc dài, gương mặt dễ nhìn và thật sự không có gì quá đặc biệt. Em chừng như cũng ý thức được mọi chuyện, vội vã dịch sang phía bên kia góc bàn, rồi ái ngại nhìn về phía tôi. Đôi mắt kính sáng ngời trong ánh chiều vàng tinh tươm, trong từng tia nắng vô hình khẽ xuyên qua chân tóc em. Lấp lánh.
Em là học sinh mới, một điều khá nhạy cảm khi đã bước vào năm học cuối cấp, vừa chuyển từ một trường quận 8 sang. Nhà em ở Bình Thạnh, chỗ Bến xe Miền Đông. Nhà tôi ở Tân Phú, gần Bến xe miền Tây. Hai nhà ở hai đầu thành phố. Cô cậu học sinh ngồi cạnh nhau trong một bàn nhưng ngăn cách với nhau bằng hai chiếc cặp da, cùng một đường thẳng vô hình chia Sài Gòn ra làm hai nửa.
Cô bé trầm tính, ít nói cũng ít cười, không quan tâm nhiều lắm đến những hoạt động tập thể trong trường lớp. Một vài ngày trong năm em thường mang theo sách. Những câu chuyện tình. Từ trong chiếc cặp kia là cả một thế giới đầy màu sắc của những câu chuyện tình, điều mà một thằng con trai nếu so với thể thao, truyện tranh hay trò chơi điện tử vẫn thường xem là thứ yếu.
Thứ Hai, em mang vào một chút Marc Levy bìa mỏng, mang hình hai nhân vật đang nhìn về phía chân trời. Đến thứ Năm sẽ là Nicholas, thứ Sáu trở sang Nguyễn Nhật Ánh, v.v... Cô bé thường đọc trong lúc rảnh rỗi giữa hai tiết học hoặc vào giờ ra chơi. Một thói quen nhẹ nhàng không ảnh hưởng gì nhiều đến ai, kể cả tôi, một nửa Sài Gòn vẫn đang ngồi cạnh bên.
Tôi ngồi ở góc bên kia bàn, phía nhìn ra cửa sổ có vệt nắng trải dài miên man. Em ngồi bên đây, nhìn sang những bức tường mà bọn học sinh khóa trước đã viết vẽ bao nhiêu hàng chữ nguệch ngoạc.
Hai thế giới ngắn dài song song và chỉ gặp nhau nơi bảng đen lớp học, khi những đôi mắt kính cùng hướng về một bài văn, một phương trình, hay giáo viên đang giảng giải một từ tiếng Anh phát âm vô cùng khó hiểu. Tôi nghĩ điều đó đã khiến cho những câu chuyện giữa tôi và em, dù là xã giao, cũng hay kết thúc trong yên lặng.
Nhìn cô bé đọc sách có lẽ là một thói quen dễ chịu. Những lúc như thế nhìn em bình yên và vô cùng tĩnh lặng, như nét trong lành của một cơn mưa rào vừa quét qua con đường, cuốn sạch đi bao nhiêu bụi bặm. Một ngày tôi bắt đầu bỏ qua những lời giảng để ngẩn ngơ nhìn, bắt đầu bỏ qua một vài số truyện tranh mà tìm đọc Marc Levy, Musso hay Nicholas chỉ để tìn một điểm chung, để kéo dài câu chuyện giữa tôi và em.
Một ngày mà ngẫu nhiên hai chiếc cặp cuối cùng cũng đã trở nên vướng víu, và những khoảng cách được thu hẹp chỉ còn một gang tay. Đó cũng là lúc tôi biết mình thích em.
Rồi cũng từ đó, nhiều lần tôi tìm cách để phá vỡ khoảng cách còn lại rất mong manh ấy. Đơn giản thôi, chỉ một câu nói hay một lá thư tình. Chỉ cần giả vờ vô tình quay sang: Này, mình thích cậu đấy, nhưng chẳng có gì to tát đâu, hay đại loại thế. Nhưng kết thúc tất cả vẫn mãi là lặng im...
Còn biết nói gì hơn khi phải đổ lỗi cho do dự. Vô vàn những câu hỏi hiện lên trong đầu tôi. Tôi sợ những điều mình chưa bao giờ tưởng tượng tới. Câu chuyện tình vẫn nằm trong chiếc cặp từ giữa học kì 1 cho đến nghỉ Tết, rồi bước vào những ngày đầu của học kì 2. Em vẫn còn đây mà, tôi tự trấn an với mình như thế...
Ngày tháng qua nhanh cùng những kì thi, những đợt kiểm tra mà lớp cuối cấp phải đối mặt dồn dập hơn bình thường. Một câu nói, một lá thư vẫn giữ trong cặp, giữa hai trang sách của một quyển tiểu thuyết xa xưa. Tôi chờ cho thời gian đi qua để đến ngày tổng kết cuối năm. Tôi sẽ lấy hết can đảm để nói trước mặt em, để đường thẳng vô hình kia sẽ biến mất một cách hoàn toàn, mãi mãi.
Em không đến. Bạn bè tôi vẫn say sưa trao đổi quà, kí tên lên áo, say sưa với niềm vui ra trường và nỗi buồn chia tay. Nghe lớp trưởng bảo rằng hôm nay em ra sân bay theo gia đình định cư nước ngoài. Không về nữa.
Tôi ngồi bên một nửa của riêng mình, rồi bất giác chuyển sang một nửa phía bên em, một nửa mà chính mình đã tự đóng rào để bản thân không thể bước qua. Bất giác tôi chợt nghĩ thầm có phải em cũng đang trốn chạy, trong chính bản thân em cũng tồn tại một đường thẳng vô hình, một điều gì đó ngăn cách cả hai tiến gần lại nhau hơn, để không chỉ là những thế-giới-song-song mãi mãi đặt cạnh bên nhau và chờ đợi nhau trong vô cực?
Phải chi một ai đó không quá ngần ngại để mở lời, là người mang hai thế giới đến gần nhau hơn để một câu nói, một lá thư không còn kẹt giữa hai trang giấy của một quyển sách, của những câu chữ vô hình cùng những buổi chiều cuối cấp miên man mà giờ đây chỉ còn là nỗi nhớ...
...
Phía bên kia nỗi nhớ là gì?
Là cánh đồng hoa vàng ghi dấu những bước chân đang hướng về phía chân trời.
Là một ánh mắt đẹp khác thường lướt qua môi mình cùng những hoang mang của tiếng chuông đồng hồ báo hiệu thời gian sắp đến.
Có lẽ những câu chuyện tình ngô nghê nên được đọc theo cách ấy: một giấc mơ thật sâu...