Ring ring

Chú Tư

Posted at 27/09/2015

179 Views


Nghe đến hai chữ SIDA chú Tư bỗng loạng choạng, chân tay run lẩy bẩy rồi ngã chúi chụi xuống mương nước. Thằng Tèo vội chạy lại đỡ lên, người chú Tư rũ rượi như tàu lá úa.
***
Ngày giỗ ông Nội, sau khi khách đã về hết, chỉ còn lại hai bàn tiệc là những người thân trong gia đình đang lai rai với nhau thì Nhịn – đứa con gái duy nhất của chú Tư lên tiếng:
- Ba, sẵn có mặt bà Nội và mọi người trong gia đình, con muốn hỏi Ba một việc...
Đang nói cười rôm rả chú Tư bỗng khựng lại, đôi mắt đỏ chạch ngước lên nhìn con gái:
- Chuyện gì?
Con Nhịn tay run run vịn bậu cửa nói như muốn khóc:
- Con muốn biết Ba chọn gia đình này hay chọn con nhỏ kia...
Nó chưa kịp nói hết lời thì chú Tư nghiến răng gầm lên:
- Mày im ngay, mày là con tao, mày không có quyền bắt tao phải chọn.
Con Nhịn khóc òa:
- Bộ Ba cũng nhớ là Ba có con sao?
- Mày, mày...
Chú Tư mắt long lên giận dữ, đứng dậy xô ghế và đi về phía bến sông...

******
Nội tôi có hai người con trai là Ba tôi và chú Tư. Ba tôi đã mất hơn tám năm sau một cơn bạo bệnh. Nội tôi ăn chay trường và ở chùa, phần do Nội thương nhớ và muốn cầu nguyện cho Ba tôi, phần vì nội buồn chú Tư mà ít về nhà...
Chú Tư năm nay cũng đã gần sáu mươi tuổi, chú thiếm có sáu người con, năm trai một gái. Chúng nó cũng đã lớn và đến tuổi lập gia đình, nhưng ngoài thằng Nhẫn đã lấy vợ thì mấy đứa còn lại vẫn chưa. Có đôi lần con Nhịn và thằng Nhường có dẫn bạn về chơi, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu...
Nói về chuyện chú qua lại với người phụ nữ kia thì cả làng đều biết vì thời gian kéo dài cũng khá lâu rồi. Theo như cách nói ví von của thiên hạ thì chú tôi có số đào hoa. Tôi nhớ hồi còn bé có một bận đi học về thấy thiếm đang ở nhà tôi, sụt sùi khóc than với ba mẹ tôi rằng chú tôi có bồ nhí. Thời đó việc cặp bồ đối với một người đàn ông đã có vợ thì cũng không phải là chuyện hiếm nhưng chuyện của chú lại làm xôn xao xóm làng. Cô bồ nhí của chú không ai xa lạ mà chính là chị Hai, chỉ cách nhà chú một khu vườn. Chị Hai vốn bị bệnh thần kinh dạng nhẹ, nói nôm na là bệnh khờ. Chị có tạng người thấp bé, tròn lẵn, nước da đen nhẻm và hay cười hềnh hệch. Tuy vậy chị lại rất tháo vát việc nhà và đồng áng, buổi tối chị hay ngủ ở căn chồi ngoài vườn để canh vườn bắp, đàn gà. Ấy vậy mà không biết từ khi nào chị ta và chú Tư lại dính với nhau. Nếu họ cứ thậm thụt thì có lẽ mọi người cũng ít ai để ý, còn đằng này chị ta lại tỏ ra ghen với thiếm tôi. Chẳng hạn như khi thấy chú thiếm tôi đi làm đồng về cùng nhau thì chị ta lại chen ngang đi giữa, mặt lại hếch hếch lên ra chiều giận dỗi. Thoạt đầu thiếm tôi cứ nghĩ do tính chị dở người nên mới có hành động kỳ quái như vậy, nhưng dần dần thiếm tôi sinh nghi vì chị ta hay xộc vào nhà gọi chú tôi ơi ới nhờ làm việc này việc kia, có khi chị lại mang đồ ăn sang dí vào tay chú tôi, nếu chú không có nhà thì y như lần nào chị ta cũng hếch mặt lên và nói:
- Cái này tui cho anh Tư đó nghen!
Dần dà hành động mập mờ của hai người cũng bị hàng xóm xì xầm, bàn tán. Thiếm tôi chưa kịp rình để bắt quả tang thì bụng của chị Hai đã thùm lùm, đến nước này thì chị Hai tự cho mình cái quyền là vợ rồi ngang nhiên nũng nịu với chú tôi. Từ lúc mọi chuyện vỡ lỡ, nhà bên kia hay chửi đổng sang rằng chú tôi dụ dỗ cô con gái khù khờ của họ và đòi kiện chú tôi ra xã. Chú Tư đến lúc này mới chột dạ trước áp lực bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng đến lúc này mọi chuyện đã muộn màng...
Rồi họ kiện chú tôi thật, ba tôi phải dẫn chú đi hầu tòa bao nhiêu lượt. Rồi họ xử bắt chú Tư chấm dứt quan hệ với chị Hai và phải có bổn phận cấp dưỡng cho đứa trẻ đến mười tám tuổi. Từ đó hai nhà cạnh nhau trở nên thù nghịch, được dịp lại chửi xéo nhau, mấy đứa nhóc thì hay vác đất chọi nhau, đánh nhau chí chóe...Chú Tư thì suốt một thời gian không dám bước ra khỏi nhà vì sợ những lời bàn ra tán vào...Đến tháng đưa tiền trợ cấp cho đứa bé thì chú lại bảo thiếm đi đưa hoặc nhà bên ấy sang lấy, có đôi lần chú cũng lén sang nhìn đứa bé rồi lại dấm dúi hộp sữa, cân đường. Nghe bảo đứa nhỏ giống chú Tư như đúc lại bụ bẫm đáng yêu, mà dù gì nó cũng là một đứa trẻ vô tội, ai lại nỡ ghét bỏ cho được...
Nếu mọi chuyện cứ thế trôi đi thì có lẽ chú Tư tôi cũng được một bài học, lại có thêm một đứa con để nhắc nhớ sai lầm thời trẻ của mình. Nhưng khi đứa bé được chừng mười tám tháng, lẫm chẫm biết đi, không may sảy chân xuống ao mà chết đuối. Chú tôi buồn rầu ảo não một thời gian dài. Ít lâu sau, chị Hai được người họ hàng trên tỉnh nhờ lên giúp việc nhà , dần dà theo thời gian cũng ít ai nhắc lại chuyện không vui đó...
Chuyện buồn qua đi khoảng năm năm thì chú tôi phát bệnh, người xanh xao mệt mỏi. Lên Sài Gòn khám mới biết chú bị bệnh suy tủy, một dạng bệnh hiểm nghèo. Chú phải nhập viện gấp để tiến hành điều trị. Từ ngày nằm viện, nhìn thấy thiếm tôi vất vả chăm lo cho chú, chú tôi có vẻ ân hận lắm. Hơn ba tháng điều trị, tiền bạc và tài sản trong nhà lần lượt vơi dần, nghe thiếm tôi rao bán mấy sào ruộng thì chú tôi nhất quyết đòi được về nhà. Chú nói có bán hết ruộng đất chắc cũng không chữa khỏi bệnh cho chú, mà bán đất rồi thì các em tôi sao này sẽ ra sao... Bác sĩ nói bệnh của chú khó lòng chữa khỏi nên cũng bằng lòng cho chú tôi về nhà...
Khi chú được đưa về, mọi người vẫn còn tìm hi vọng bằng cách chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc cho chú. Ai bày cách gì nhà tôi cũng áp dụng, nghe ở đâu có thầy thuốc hay Ba tôi cũng lặn lội tìm đến. Hàng đêm, Nội và thiếm tôi thay nhau thắp hương cầu nguyện cho chú tai qua nạn khỏi. Thằng Nhẫn, con Nhịn cũng vái trời phật cho ba nó hết bệnh, chúng nó sẽ ăn chay một năm, còn thiếm tôi thì nguyện ăn chay trường suốt đời...
Không biết do phước chủ may thầy hay do những lời thỉnh cầu của người thân mà một năm sau chú tôi hết bệnh thật. Ngày lên tái khám, ông bác sĩ điều trị cho chú tôi cũng ngỡ ngàng khi thấy chú tôi còn sống khỏe mạnh, không còn mầm bệnh trong người, quả là một điều hy hữu!
Sau khi khỏi bệnh, có lẽ chú thấy thương vợ con mà biết chăm lo cho gia đình hơn, chú tận dụng khoảng vườn rộng để trồng cây ăn trái, nhắc nhở bảo ban các con học hành...Ai cũng vui mừng trước sự thay đổi tích cực của chú....
Nhưng rồi, cái hạnh phúc của gia đình nhỏ ấy cũng chỉ kéo dài được vài năm. Chú Tư lại si mê người đàn bà đó. Trãi qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết, những tưởng chú tôi sẽ biết thương thiếm và các em nhiều hơn. Không ngờ chú lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn của ái tình.
Mà người đàn bà ấy cũng không xinh, không giỏi hơn thiếm tôi. Bà ta lại đang sống cùng Hội - Gã chồng hờ thất nghiệp suốt ngày rượu chè be bét, họ ở trong một ngôi nhà nhỏ vách lá trên một cái gò đất nhỏ xung quanh toàn là cỏ và cây lát, ở bên kia sông. Đôi lần khi nghĩ đến họ, tôi cứ tưởng tượng như đây là cặp Chí Phèo – Thị Nở của thời hiện tại, chỉ khác là gã không rạch mặt ăn vạ như họ Chí, nhưng ít ra nếu gã được như Chí thì có lẽ người ta cũng thấy gã không đáng khinh...