Bức tranh lời nguyền
Posted at 27/09/2015
197 Views
".
Rồi hắn lại khóc hư hư.
Đến bây giờ cô mới hiểu câu "Má của tao..." lúc nầy hắn la lên là ý muốn nói cái áo ấy của má hắn cho. Ông Sáu cầm chiếc áo lên xem, nó đã nhàu nát, rách rất nhiều chỗ, cứ như vừa bị bào mòn. Ông nhìn nó tội nghiệp, hốc mắt sâu của ông ư ứ nước.
"Thôi được rồi, để lát nữa ông Sáu vá lại cho con nghe!".
"Vá lại có đẹp như hồi trước không?".
"Đẹp, y chang vậy đó!".
Nói rồi ông quay mặt ra sau, mắt đã đỏ hơn, ướt hơn. Ông lẩm bẩm như không muốn cho hắn nghe: "Tội nghiệp thằng nhỏ, chắc đây là thứ duy nhứt được má nó cho". Từ ông Sáu, cô biết thêm nhiều về hắn...
Hắn là một đứa con mà người mẹ không muốn cho có mặt trên cõi đời nầy. Đúng hơn, hắn là một ngôi sao chổi, một nghiệp chướng, một cục nợ đời. Má không thương hắn, hàng xóm cũng chẳng ai ưa. Nhà hắn còn người bà ngoại đã già. Dường như trên đời nầy chỉ có bà ngoại và ông Sáu thương yêu hắn. (Nhưng bây giờ cô phát hiện ra có lẽ còn có thêm một người nữa). Xung quanh hắn luôn là những lời khinh miệt, chửi rủa của mọi người, hắn đi đến đâu cũng bị người ta chọc ghẹo. Đại loại như chuyện hồi sáng mà cô đã thấy. Có lẽ, cuộc đời hắn đúng là nghiệp chướng!
Chẳng ai biết cha hắn là ai, hắn được thành hình trong bụng mẹ từ lúc nào. Người ta chỉ thấy má hắn và một người đàn ông khá giả từng đi lại với nhau thường xuyên trong một thời gian dài. Có người thắc mắc hỏi: "Con nhỏ với thằng cha đó là vợ chồng hả? Hồi nào vậy?". Không ai biết điều đó, ngay cả bà ngoại hắn. Ít lâu sau đó, má hắn trở về thị trấn với cái bụng bầu to tướng, còn người đàn kia thì không còn gặp lại nữa. Có lẽ ông sẽ tìm một cô gái khác, đẹp và dại dột như má hắn vậy. Người đàn bà ấy nghĩ thế nên sự oán hờn, căm tức cứ lớn dần theo độ lớn của bào thai trong bụng mình. Có lúc bà đã định bỏ cái thai nầy, nhưng không nỡ.
Ngày hắn ra đời, im ắng, không một tiếng khóc. Má hắn như ngộp thở, cứ sợ con không sống. Nào ngờ, hắn vẫn sống. Nhưng bác sỹ nói hắn bị kém trí bẩm sinh. Người đàn bà ấy đau đớn lần thứ hai. Đứa con của bà mãi mãi sẽ không biết gì, chẳng làm được gì trong cuộc đời nầy nữa, cứ sống ngoan hiền như một con mèo, chỉ biết nằm đó rồi bò đi loanh quanh kêu vài tiếng. Có lúc má hắn định bóp mũi hắn cho chết hay cứ đem bỏ ngoài đường, sẽ có người nhặt về. Đôi lần người đàn bà bà đã đến cô nhi viện, chỉ cần buông cái tay nặng nề đang ẵm khối thịt đỏ hỏn ấy xuống thì sẽ xong mọi chuyện. Nhưng, bà không thể!
Vậy mà không như bà ấy nghĩ. Hắn không nằm một chỗ như con mèo ngoan mà nói nhiều, đi khắp nơi, làm tất mọi việc. Nhưng lúc nào cũng bị người ta ghét bỏ. Hắn nói ồm oàm khó nghe, đi lung tung khắp nơi mà chẳng mục đích gì cả, những thứ hắn làm đều không ra trò trống gì. Nấu cơm cơm sống, rửa chén chén bể, cầm vật gì đưa cho người khác cũng rớt hai ba lần, mặc áo trái, mang dép ngược, trên mình lúc nào cũng dính đầy bụi đất, bùn sình... Đến chuyện tắm rửa của hắn đôi khi cũng còn dính lại trên người vài vệt bọt xà bông. Mỗi lần như vậy má hắn nắm cả cái đầu tóc ngắn ngủn xác xơ ấy lôi sền sệt ra nhà tắm tắm lại. Vừa xối nước bà vừa kỳ cọ thật mạnh như muốn xé da xé thịt con mình. Trong mắt bà, hắn là thứ ô uế lắm, nhơ nhớp lắm. Má mạnh tay đau quá làm hắn khóc ré lên. Bực dọc, bà tán vào mặt hắn một cái nghe chan chát. Hắn bù lu bù loa chạy đến bên bà ngoại, chỗ dựa duy nhứt còn sót lại trong cuộc đời đen tối của hắn lúc nầy.
"Có lẽ má thấy em ấy dơ vì em là dòng máu của người đàn ông bẩn thỉu đó", cô nói điều mình suy nghĩ với ông Sáu, ông không trả lời.
Tướng đi của hắn, việc làm của hắn làm má ghét. Ngay cả giọng nói kham kháp khó nghe cũng đủ để má hắn bực dọc một cách vô lý. Mà hễ bực thì bà ấy sẵn sàng chửi bới, rủa xả, đánh đập. Hầu như ngày nào hắn cũng bị má chửi, toàn những câu tục tĩu, khó nghe. Không biết từ đâu mà người đàn bà ấy có cả một kho một lố từ ngữ sặc mùi chợ búa, hôi tanh. Cứ mỗi lần hắn bị người ta chọc, bị đánh, vác cái mặt mếu máo về nhà thì má lại càng ghét hắn hơn. Và sau đó đến lượt bà đánh hắn. Cứ sau mỗi tiếng chửi thề người mẹ ấy lại lấy cây roi quất vào mông, vào chân, vào lưng và cả vào mặt con mình, sưng phù.
"Má hắn nghĩ rằng tại sao mình lại sinh ra một thằng con bịnh hoạn để cho người ta mặc sức mà chọc, mặc sức mà đánh, mặc sức mà đem ra làm trò đùa. Bà ấy đánh là vì tủi nhục hay vì bà đau?". Cứ mỗi khi ông Sáu ngừng kể là trong đầu cô lại hiện ra hàng tá câu hỏi. Không có lời đáp.
Tội nghiệp bà ngoại hắn. Cứ mỗi lần thấy cháu bị đánh, bà lại la lên, cố muốn một người nào đó tình cờ đi ngang qua nghe thấy sẽ rũ lòng thương và bước vào giúp lấy đứa cháu tội nghiệp của bà. Bà khóc, bà la đến khàn cả giọng. Cả bầu trời vẫn đặc quánh, lặng thinh. Không ai đến giúp bà, dù họ có nghe tiếng la của bà. Bởi vì đơn giản, không ai ưa cháu bà. Càng không ai muốn xen vào chuyện của người mẹ hung tàn, không ai muốn dính dáng tới gia đình gái điếm, hạng mạc - như mọi người vẫn nghĩ.
Dường như cuộc đời của hắn chỉ vòng quanh cái thị trấn nầy. Mà cũng phải thôi, hết lên dốc ghé nhà ông Sáu lại xuống chợ, loanh quanh mấy quán ăn uống, tiệm tạp hóa nhưng chẳng mua gì, chỉ đi ngang rồi dòm dòm ngó ngó. Hắn bị chọc nhiều, bị đánh nhiều, và cũng khóc nhiều. Không biết cơ man nào mà chừng. Chuyện hồi sáng cô thấy hắn bị đánh chỉ là một trong những lần như vậy.
Cô nghe sống mũi cay cay.
Chiều xuống, con dốc bên đồi vắng dần. Cô quày quả lấy chiếc xe vẫn còn mỏi nhừ của mình để chở hắn về nhà. Ông Sáu đã chỉ nhà hắn, cô sẽ dễ dàng tìm thấy và đưa hắn về tận nơi...