Duck hunt

Sản phẩm lỗi của xã hội

Posted at 27/09/2015

139 Views


Thực ra con em tôi từ lúc ra trường đến giờ cũng có nhiều việc, nhưng chỉ những việc mà theo cái cách diễn đạt của nó là "làm cho đỡ chán!". Nó cứ làm được vài tháng lại bỏ, rồi lại quay trở về cái công cuộc nộp hồ sơ, phỏng vấn, đi làm... Mệt mỏi thật.
***
Cuối tuần về quê, ghé nhà dì ngồi làm mấy chén rượu với ông chú. Từ ngày tết đến giờ về cũng lười thăm họ hàng, công việc cứ lu bù, rồi cuốn mình đi mãi đâu đâu mất. Hai chú cháu ngồi nhấm nháp đĩa chân gà với lạc, còn con em thì ngồi ghế quay cuồng bên những bản Kpop Hàn Xì. Dì nhìn lướt nó một cái xong quay sang tôi chép miệng.
- Em mày năm nay 25 rồi đấy, việc thì chưa có, chồng con không, suốt ngày chỉ đâm đầu vào mấy cái thằng Cuốc Xẻng. Trai không ra trai, gái không ra gái. Tao chẳng hiểu chúng nó nghĩ gì trong đầu nữa. Tốn bao nhiêu tiền ăn học, rồi ra trường mấy năm nay chả đâu vào đâu.
Thời tôi nghe cũng dạ vâng, bởi tôi thấy quanh tôi bây giờ nhiều người trẻ như thế thật. Người thực sự có tài hẳn ra thì không nói làm gì, vứt đâu họ cũng sống được. Cả những người thân thế tốt, điều kiện khấm khá thì nhanh chân, nhanh tay chạy vào chỗ nọ, chỗ kia. Cũng có thể coi là ổn định. Còn những người học hành nhàng nhàng như con em tôi, gia đình chẳng khấm khá gì, lại còn lười tìm hiểu cái mới để trau dồi bản thân thì hoặc thất nghiệp, hoặc bươn trải cuộc sống ở những nơi nhàng nhàng tương xứng.
Thực ra con em tôi từ lúc ra trường đến giờ cũng có nhiều việc, nhưng chỉ những việc mà theo cái cách diễn đạt của nó là "làm cho đỡ chán!". Nó cứ làm được vài tháng lại bỏ, rồi lại quay trở về cái công cuộc nộp hồ sơ, phỏng vấn, đi làm... Mệt mỏi thật.

Nhớ ngày chuẩn bị nộp hồ sơ dự thi đại học, tôi đạp xe đến tận nhà thầy chủ nhiệm để xin thầy tư vấn cho việc chọn trường và định hướng cho nghề nghiệp sau này. Lúc ấy tôi háo hức lắm, đạp xe đến nhà thầy xa tít tắp mà chẳng thấy mệt gì. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, là học cái gì mình cảm thấy hứng thú, làm việc gì khiến mình đam mê, sáng tạo và phát huy hết khả năng của mình là được. Cái khó đối với tôi là tôi không xác định được thực sự là lực học mình đang đứng ở đâu, rồi cái việc tôi muốn làm thì phải học ngành gì mới chuẩn. Tôi phải nhờ thầy chỉ bảo cho mới được.
Nhưng tôi đã nhầm, hẳn là vậy. Tôi bị cảm lạnh trong tư tưởng khi nhận được câu trả lời của thầy. Thầy cho tôi một câu mà chắc sẽ tôi sẽ không bao giờ có thể quên được. "Em học khối tự nhiên, lại thích vẽ và viết văn, mà tôi đọc văn của em nó chả ra làm sao cả. Câu cú như nhai phải cơm sống, sượng mồm lắm! Tôi thấy người ta bây giờ hay chọn khối ngành kinh tế và kỹ thuật, ra trường còn kiếm được nhiều tiền, cuộc sống thăng tiến và đảm bảo hơn."
Bấy giờ tôi chỉ cảm thấy chán và mông lung. Vì thầy là người đi trước, lại có tầm nhìn, thầy nói thì câu nào cũng chuẩn chỉ cả, tôi không có ý nghĩ, và không dám nghĩ là thầy sai. Tôi tin vào lời thầy rằng tôi chả có năng khiếu quái gì về cái khoản viết lách cả. Vớ vẩn hết. Tôi sẽ lao vào khối trường kỹ thuật, hiển nhiên là thế. Bố tôi cũng thích vậy mà. Tôi ném quyển vở ôli thơ thẩn của tôi vào tận góc hòm và cày Toán, Lý, Hóa.
Rồi cái ngày lăn lộn trong trường đại học cũng đến. Tôi vùi mình trong những công thức truyền nhận sóng, mã hóa ...tại khoa điện tử của trường Bách Khoa Hà Nội. Lịch học rồi thí nghiệm liên miên khiến tôi chẳng còn nhận ra mình của ngày trước nữa. Tôi dần tự biến mình thành một con người như thầy chủ nhiệm từng nói lúc nào không hay. Tôi đăng ký vào khoa điện tử mà tôi còn chẳng biết tôi có thích nó không, đơn giản vì những người đi trước rất thành công ở khoa này khi ra trường. Vậy đấy. Người ta vẫn thường làm như vậy mà. Chả đúng à? Tôi bắt đầu tìm hiểu và hâm mộ những người kiếm tiền giỏi trên thế giới. Cuốn sách gối đầu giường với tôi lúc ấy là những cuốn best seller về làm sao để thành công chứ không phải là Chí Phèo, Lão Hạc hay Đời Thừa(3 tác phẩm mà tôi thích nhất lúc trước) nữa.
Ra trường, với tấm bằng khá trên tay, tôi không khó để có được một công việc. Tôi cũng thuộc dạng đầu không chỉ để mọc tóc cho có nên việc hoàn thành công việc chuyên môn không phải là vấn đề to tát gì lắm. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy có gì đó mình đang bỏ lỡ, như một đứa trẻ bị lạc đường lâu ngày với cái bụng đói meo, cần được đưa về nhà. Nhẽ nào là tôi đã sai rồi sao? Nhẽ nào con đường này tôi đi là lầm lỗi? Bởi trên con đường ấy tôi luôn có hàng ngàn, hàng vạn người cùng đồng hành. Và rồi tôi sẽ như cái cách mà người ta thường vẫn. Đó là lối mòn quy trình của kiếp sống, kiếm tiền, xây dựng gia đình, lo lắng cho con cái, rồi... chết.
Thật là tệ hại. Thực sự là tệ hại. Tôi đã nộp đơn xin nghỉ việc, lang thang suốt một tuần sau đó. Tôi lục lọi tất cả ngõ ngách trong tôi, lắng nghe bản thân xem mình thực sự muốn gì, muốn làm điều gì? Tôi nhận ra thành công không chỉ có nghĩa là tiền bạc và địa vị như những cuốn sách kia thường nói. Chúng là đồ xảo trá. Một kẻ xảo trá mang hình hài của một cô gái đẹp, khiến người ta cứ đắm chìm mãi đến mê muội.
Thành công chính là nụ cười hạnh phúc của bạn khi làm được điều mình mong muốn. Khi bạn dám thách thức bản thân mình với những mục tiêu. Sự lớn lao ngoài kia không phải là điều kì diệu, mà nó tồn tại trong mỗi con người, nó ở ngay trong bạn thôi. Chỉ vì chúng ta bị che mờ bởi sự thành công của người khác, vì chúng ta cứ đi tìm hiểu về họ quá nhiều, ghen tị với họ, thần tượng họ mà quên đi lắng nghe bản thân mình xem mình muốn gì, mình là ai?
Cũng như con em tôi, nó chỉ cần hàng ngày bật tivi lên và đưa hồn theo những anh zai đẹp, những bản Kpop và tìm hiểu về thần tượng là đủ. Buồn thay một kiếp sống, nó đã tự hủy hoại, buông và bỏ mặc cuộc đời mình bằng cách ấy. Tôi từng xem những hình ảnh về Fan cuồng Kpop khóc đến ngất vì thần tượng của mình tại sân bay. Xã hội bây giờ buồn cười thật, họ chạy theo những thứ hào nhoáng, bong bóng và ảo vọng. Phải chăng họ chán cuộc sống thật quá rồi hay sao? Hay họ không dám đối diện với sự thật? Họ sợ đối mặt với thất bại? Sợ đối mặt với chính bản thân mình?... Chẳng biết!
Tôi quay trở lại với guồng quay của cuộc sống, bắt đầu nộp hồ sơ và kiếm công việc để làm. Vì nhận ra, ước mơ nào thì cũng phải có kế hoạch để thực hiện. Cũng như muốn lên tầng cao hơn thì phải xây từng bậc thang. Từng bậc, từng bậc một. Và cứ ngồi mà nghĩ thế thì bụng đói lắm, chả làm được gì hết, phải đi kiếm thứ gì mà bỏ vào mồm trước đã.Về câu nói của thầy chủ nhiệm, tôi vẫn day dứt mãi đến tận bây giờ. Day dứt không phải vì nó sai hay nó đúng, mà vì nó khiến tôi hoang mang, khiến tôi như kẻ lạc đường không biết phải đi về hướng nào. Để bây giờ nhận ra những điều không phù hợp không biết phải kêu ai, trách ai được. Chẳng ai sống thay cho cuộc đời mình cả.
Vẫn biết rằng mỗi người đều có cách nghĩ và nhìn nhận vấn đề của riêng mình. Nhưng những người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, rất cần sự chỉ bảo và định hướng để phát triển bản thân. Người ta nói một người thầy giáo tốt hữu ích hơn cả trăm người truyền giáo là vậy. Đừng để như tôi, khi ra trường rồi vẫn bơ vơ và hoài nghi về bản thân mình.
Những người chuyên môn tốt như thầy chủ nhiệm tôi là điều rất quý với nền giáo dục. Nhưng chuyên môn tốt không đồng nghĩa với việc định hướng tốt. Và sản phẩm của nền giáo dục nhồi nhét như hiện tại sẽ sản sinh ra rất nhiều thế hệ biết vâng lời như một cỗ máy. Điều mà họ rất cần để đảm bảo trật tự trong xã hội...