Old school Swatch Watches

Biển đời người

Posted at 27/09/2015

197 Views

Cô Hạnh cứ tiếc mãi: "Giá nó trả lời được, thì đã là hoa khôi xứ Huế". Bim được danh hiệu Á khôi thứ nhất. Với tôi, thế cũng danh giá quá rồi. Đi đâu người ta cũng trầm trồ thằng Tuấn tốt số, có người yêu đẹp lắm trúng giải nhì kỳ thi Duyên dáng cố đô.
"Ngày nhộn nhịp" đã tới. Tôi xin nghỉ, nhưng anh Hạp không cho. "Hôm nay thay gấp đường dây ở đường Huyền Trân Công Chúa. Thương tình mày chưa vợ cho nghỉ buổi chiều thôi" .
Tôi lắp bộ xà sứ trên đỉnh cột, vừa vặn ốc vít vừa nhìn ra xa, thấy có mấy gánh hàng hoa đang bán. Có hoa hồng nhung đỏ thắm, hay quá, Bim rất thích hoa hồng ở Huế vì nó nhỏ hơn nhưng nở tự nhiên, chứ những búp hồng từ xa chở đến đẹp thì có đẹp nhưng do bị phun thuốc nên chẳng bao giờ nở.
Làm xong, quần áo còn lấm lem, tôi phóng tới ngồi lựa hoa. Mấy cô giáo mặc áo dài đang trả tiền hoa nhìn tôi mỉm cười: "Cô nào may mắn mới gặp anh này".
Tắm xong, mặc bộ đồ bảnh nhất, tôi phóng đến Bim. Trên bàn một lẵng hoa vừa to vừa đẹp, hoa hồng Đà Lạt đỏ tươi xen lẫn hoa thạch thảo lấm tấm trắng. Tôi khựng lại.
Cô Hạnh hể hả: "Tuấn này, bây giờ văn minh thật, người ta tặng nguyên cả lẵng hoa, cứ thế mà đặt trên bàn chẳng mất công cắm tỉa gì nữa". Tôi ngồi yên, rầu rầu. Bim từ trong phòng đi ra: "Hoa 8 tháng 3 của em đâu?". Thấy vẻ mặt tôi, như hiểu ý, Bim giải thích: "Không phải của ai đâu. Đó là quà tặng của Hội Phụ nữ, khen tặng thành tích đóng góp...".
Tôi tươi lên như cây héo được tưới nước. Chiều đó, dắt Bim đi ăn kem, tôi khoe đã được thao tác trên cột, lắp đặt xà sứ thành thạo. Bim cầm bàn tay tôi, áp những cục chai to vào má: "Tuấn nhớ làm việc cho giỏi, sau này nuôi Bim". "Ừ, ba năm nữa là Tuấn vững rồi, Bim thích gì Tuấn cũng mua". Bim cười, nét mặt giờ đây lại mộc mạc như những trái táo chưa chùi bóng: "Bim chỉ cần ăn cơm có cá, và mỗi tuần được đi ăn kem như thế này". Tôi trêu: "Em bây giờ là á khôi xứ Huế rồi, phải kiêu lên đi chứ".
Tháng năm, thành phố cử Bim đi Sài Gòn dự thi hoa hậu. Cô Hạnh khoe: "Kinh phí hạn chế nên ngoài hoa khôi, chỉ có á khôi thứ nhất mới đi được".

 
Ngày Bim đi, tổ tôi thi công lắp đặt đường dây số 6 ở trạm Nong. Bim dặn lui dặn tới: "Bốn giờ chiều là tàu đi ngang qua ga Hương Thuỷ. Tuấn nhớ chạy qua ga, Bim thò đầu ra cửa sổ, cầm cái khăn màu xanh, chào Tuấn một cái rồi Bim đi". Nghe tiếng còi tàu, tôi ba chân bốn cẳng phóng xe. Tàu đi ngang, lừ lừ một chút phóng nhanh, mất hút. Tôi đứng bần thần ngẩn ngơ trên sân. Lủi thủi về trạm, tôi đọc mấy dòng chữ trên máy nhắn tin của anh Hạp: "Tuấn ơi đừng chờ nữa. Bim đi máy bay rồi".
Tối đó đến thăm cô Hạnh, cô liến thoắng: "Có người Mạnh Thường Quân có lòng ủng hộ quê hương, bỏ tiền ra lo đi lại, ăn ở cho thí sinh Huế...". Tôi nhìn cô. Thảo nào, mẹ tôi vẫn gọi cô là Hạnh tồ.
Cả hai cô gái đều phải về sớm không dự kỳ thi hoa hậu được vì ai cũng thiếu một phân chiều cao. Cô Hạnh thất vọng. Giờ đây, tôi đã biết ích kỷ. Sau khi Bim nhận giải 5 triệu ở kỳ thi Duyên dáng cố đô, căn nhà nhỏ đã được lát gạch hoa láng bóng. Buổi trưa, Bim vác gối ra nằm, đi ngoài đường nhìn vào thấy cô nàng nằm khoanh trên sàn như con chó Nhật. "Vào trong mà ngủ, không được nằm đây". "Trong kia nóng lắm". "Nóng thì mở quạt. Con gái nằm ngay giữa cửa để phơi cho thiên hạ nhìn à?". Bim ấm ức: "Tuấn độc tài. Sau này chỉ có hành hạ Bim!".
Tổ tôi nhận thi công đường dây Bắc Hải Vân, cả mấy tháng đi liên miên. Cuối tuần mới về chở Bim đi chơi Trà Am. Tôi nói với Bim tôi làm việc khéo nhất trong tổ. Anh Hạp đề nghị tăng lương sớm cho tôi... Bim chỉ bảo: "Thế à?". Hai đứa đi men theo con suối: "Tuấn cõng Bim nhé?". "Thôi, lớn rồi, cõng như con nít ấy, kỳ lắm". Bim ngồi dưới bóng cây ươi, giữa những bông hoa nhung đỏ. Muỗi từ ven suối bay lên, Bim tự đập bép bép liên hồi, không nhờ tôi... Tôi ngửa lòng tay nhìn những cục chai to, ngó vu vơ lên trời...
Rồi tôi gặp người đàn ông ấy, một tối trời trăng. Gã ngồi song song với Bim, nơi chỗ tôi thường ngồi. Thấy tôi vào, Bim chào, ngượng ngùng. Cô Hạnh bảo: " Đây là Tuấn, cháu cưng của cô. Năm nào trời lụt cũng nhờ một tay nó" . Gã chào tôi qua loa rồi nhìn lên trần nhà. "Chỗ này chỉ cần bỏ vào chừng năm ngàn đô, lên thêm một tầng kiên cố thì chẳng lo gì lụt".
Tôi về nhà, ngồi nhìn ra cửa sổ, châm thuốc hút. Mẹ tôi hỏi: "Măng, con sao vậy?". "Có gì đâu?". "Sao con ngậm ngược điếu thuốc?". Lúc bấy giờ tôi mới nhìn thấy cái đót thuốc đang cháy phừng phừng. Tôi ngước lên nhìn mẹ. Cái nhìn của người vừa bị dao đâm. Mẹ tôi đỏ mắt: "Chuyện con Bim phải không? Lâu nay mẹ nghe đồn...". Bà nổi tam bành: "Đồ tham vàng bỏ ngãi. Cái năm trời lụt to, không có Măng thì còn đâu mà gả đi Tây đi Tàu". Tôi quờ tay ngăn lại: "Thôi mẹ ơi. Chuyện xưa rồi, đừng nhắc".
Tôi biết, Bim của tôi từ nhỏ loanh quanh nơi cái xóm thấp như rún biển, cả đời mới ra khỏi thành phố một lần...