XtGem Forum catalog

Trái tim kiêu hãnh

Posted at 27/09/2015

175 Views


Tôi cứ thầm ước mỗi chuyến bay sẽ mang đến cho mình cơ hội gặp thêm một người bạn trẻ trung ngực thở phập phồng sau áo mỏng. Nhưng lần nào đi cũng gặp trẻ nít hay những ông bệ vệ chưa lên máy bay đã mệt nhọc thở và ngủ phì phào mùi bia.
***
Lần này thì tôi ngồi giữa hai bà già. Bay trong cảm giác nhột nhạt sợ một cái vung tay, một cái ngoẹo đầu của mình làm người khác bong gân, đau khớp cả tuần thì thật khó mà... bay được. Những "chim trời" chứ không phải "gà nhà", máy bay chứ không phải xe hơi, không thể tùy tiện ngồi chỗ nào cũng được. Một chiếc ghế trong cái khoang này tính bằng bạc triệu. Nên tôi ngồi im, nghe đi nghe lại cái bài Thiên đường gọi tên trong Ipod. Nghe muốn nổ óc. Đang bay đây, nhưng mà không phải thiên đường.

Từ khi ông nội ốm, nằm liệt giường, đêm đêm rên rẩm vì những vết mẻ của xương, tôi luôn nghĩ người già như một cây bỏng ngô, chỉ cần gió lay mạnh là có thể mẻ gãy. Bà già bên phải cứ ngó đầu sát cửa kính máy bay, hỏi vô tư, cho cái kính này lên nó thoáng chút được không chú? Bà già bên trái tay đeo chiếc nhẫn mặt ngọc, ngực đeo tràng hạt, rõ ràng nhà giàu chăm lễ Phật, nói thủng thẳng, cái bà này dở hơi quá, bay mấy trăm cây số một giờ mà để gió cho thoáng có mà tan xác. Bà già bên trái kinh hãi, phải không chú? Tôi biết mình đang đối diện với vấn đề khó nuốt rồi đây. Sẽ là một ngàn câu hỏi lần đầu tiên trong đời. Tôi không thích đối diện với những người già và vấn đề của họ. Tôi sợ khi phải nghĩ đến một ngày nào đó của mình như thế.
Chú đi làm hay đi chơi? Cái giọng nửa Bắc nửa Nam của bà già bên trái làm tôi buộc phải vứt headphone ra khỏi tai. Nhìn bà cứ vừa xa lạ vừa thân quen. Tôi luôn cảm giác đã gặp bà ở đâu đó. Cháu đi công tác về. Chú cũng đi máy bay lần đầu tiên hử? Bà già bên phải lại với qua, bà này lẩn thẩn, thanh niên người ta bây giờ đi mây về gió, đâu có lẩm cẩm như chị em mình. Bà già bên trái nhe răng cười, hàm răng rụng gần hết, cái hàm đầy lợi cứ ngọng nghịu như trẻ nhỏ. Chuyến này là chuyến đầu tiên thím đi máy bay chú ạ. Đêm qua, thằng em nó gọi điện ở mãi Hưng Yên vào Cần Thơ, nói bà mẹ thím sắp mất, nằm thoi thóp rồi, chờ thím về thôi. Nên vội vàng đi mua vé máy bay, chứ rảnh rang thì thím đi xe đò. Đi xe đò cũng hay lắm, gió mát, đi khắp cả đất nước. Rõ ràng bà không còn sợ cảm giác mình sắp mất mẹ. Có vẻ ở vào cái tuổi đi đứng lập cập, nói cười run run, cái chết lại được coi là một sự giải thoát thì phải. Tôi nhìn bà, da đồi mồi, những nốt đen tuổi già lốm đốm làm khuôn mặt xám vì nắng vì gió giống như một tấm bản đồ cũ nhàu. Thế chú làm công việc gì? Cháu làm nhà báo. Nhà báo hử? Ngày xưa thằng cu nhà thím...
Bà già nói lưng chừng, rồi mắt hướng tìm ra ngoài cánh bay. Ngoài ấy, giữa chiều tà, những vực mây khổng lồ như những bông hoa cúc lớn cuốn lấy chiếc máy bay bé nhỏ. Bà già bé xíu ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bay, hành trang chẳng có gì, có mỗi chiếc túi xách xinh xinh như mấy cô mấy bà đi chợ huyện. Hành trình ngàn cây hóa ra với bà cũng nhẹ. Thật không biết lúc này bà nghĩ gì, có mơ hồ nghĩ đến mẹ, hay bà nghĩ về thằng con trai. Cái thằng con trai đó, theo những phim truyền hình VN mà tôi hay xem vào chiều chủ nhật, cứ khi nhân vật chính ngưng nói, mắt hướng xa xăm, giọng ầng ậng nghèn nghẹn, máy quay zoom sát vào đôi mắt đục lờ, buồn bã... thì hoặc là cái thằng con đó cực tốt nhưng chẳng may tai nạn đập gãy ước mơ, hoặc là nó huy hoàng thiếu nhi nhưng thanh niên tàn tạ vì nghiện ngập. Đại loại là như vậy. Nên tôi rất muốn biết bà già kia nói gì về thằng con.
Thằng cu nhà thím nó làm sao? Bà già nhẫn mặt ngọc quay qua hỏi. À thì chẳng làm sao. Nó chỉ mê làm nhà báo thế thôi. Bà già nói qua quít. Rồi lại quay đi. Rõ là một câu chuyện lãng xẹt. Rồi bà già lại gọi, này chú, nghe nói người ta bay đi nước ngoài toàn là bay qua biển, lỡ mà nó rơi xuống biển thì mình chẳng chết đuối ư? Bà già nhẫn mặt ngọc lại bĩu môi, rõ là chập cheng quá cái bà kia, đang đi trên máy bay mà toàn nói chuyện gở, ghê quá, máy bay nó mà rơi thì xuống đâu bà cũng biến thành một nắm cát, chả còn tí máu huyết xương cốt gì đâu mà lo. Bà già bé nhỏ quay qua nhìn bà nhẫn mặt ngọc, vẻ không ưng bụng nhưng thấy rõ sự yếu thế của mình. Không đáp trả bà già mặt ngọc, bà khẽ bấu vào tay tôi, thế hử chú? Tôi lại rơi vào trạng thái bối rối.

Con trai thím tên Phát đúng không? Trời, sao chú biết? Chú quen với nó hử? Cái bà già này, tôi bật cười, nội cái miệt đồng Nam bộ thôi cũng có cả triệu người tên Phát. Phàm ai cũng lo chuyện làm ăn, gửi cả sự tham lam của mình vào cái tên con là Phát. Tôi nói với bà, cháu có biết một anh tên Phát, chẳng biết có phải con bác không. Ngày xưa anh ấy học cùng lớp báo chí với cháu, nổi tiếng cả trường vì có mình anh ấy nói tiếng miền Nam. Vậy á hả? Chắc không phải con thím rồi. Con thím nó đẹp trai lắm, cao thước bảy thước tám, mặt nó đẹp hơn Kim Tiểu Long, mà nó ca vọng cổ sáu câu cũng mùi lắm chú. Tôi nói đùa, cái anh Phát cháu quen cũng đẹp trai cỡ đó đó bác. Nhưng có biết hát vọng cổ không? Bà già nhìn chăm chăm, giọng như dấn lên. Tôi định nói rằng có. Người miệt dưới, ai sinh ra lại không biết ca mấy câu vọng cổ, người xứ lạ tới đó ở vài năm cũng xuống xề mùi mẫn như thường. Bà già nhìn tôi có vẻ tuyệt vọng. Tôi buông một câu không biết đúng hay sai, anh này chỉ giỏi chơi bóng đá chứ không biết ca vọng cổ thím ơi.
Nghe rõ tiếng thở phào của bà già qua hai cánh mũi phập phồng. Bà già nhẫn mặt ngọc đã thiêm thiếp, như chứng minh rằng cuộc chuyện của cái bà già nhà quê chân dính phèn kia là lảm nhảm và gây buồn ngủ. Bà già ngồi như lún sâu trong lòng ghế. Thằng Phát nhà thím ngày xưa nó học giỏi lắm. Nó tính đi học làm nhà báo. Ngày đó nó học giỏi, mấy chị nhà báo về viết bài ca ngợi, thím cũng được lên báo cùng nó đó. Mà rồi nhà nghèo...
Nói rồi thấy bà lục trong cái túi một tấm giấy nhỏ ép nhựa. Một bài báo. Hình bà và một thanh niên trẻ, cười rạng rỡ. Bây giờ báo chí thích viết chuyện cổ tích, những câu chuyện về nghị lực phi thường trong cuộc sống con người. Bài báo đó là một câu chuyện cổ tích và tôi đang ngồi bên cạnh một nhân vật của thế giới thần tiên. Chắc bà muốn mang bài báo đó về quê cho bà con họ hàng đọc. Bao năm biệt xứ, từ đầu này về lại đầu kia của dải chữ S, khi đi son rỗi, khi về làm mẹ thần đồng, kể như cũng là một thứ chiến công. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt chàng trai. Một cái gì đó quen thuộc. Nói chính xác là một khuôn mặt rất dễ lẫn, như thể đã gặp ở đâu đó nhưng lại như chưa từng quen. Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy cả trăm khuôn mặt vậy mà lắm khi không thấy nổi một gương mặt nhang nhác thân quen. Nhưng rồi trí nhớ đã thức giấc. Anh Phát giờ làm gì hả thím? Ờ thì làm ba cái thứ lặt vặt thôi. Lặt vặt là sao? Thì là ba cái chuyện nhăng nhít vậy mà...