pacman, rainbows, and roller s

Phía sau một cô gái

Posted at 27/09/2015

372 Views

Rồi tôi sẽ nhảy cẫng lên, hú hét ầm ĩ. Mà cái điện thoại vẫn không nhúc nhích! Chờ. Tôi cảm thấy bất lực, nhỏ bé và yếu ớt, như đang hai tay dâng cuộc sống cho người khác. Bây giờ tôi tiến hay lùi không do chủ ý của mình, mà do một creative director nào đó có hứng thú gặp gỡ một cô gái ngoại quốc non choẹt hay không.

Càng chờ, thời gian càng trôi đủng đỉnh. Không để sự chờ đợi làm bản thân lờ đờ, tôi bắt đầu hành trình city-tour. Điều yên tâm nhất khi sống ở Bangkok là sẽ chẳng bao giờ nhàn rỗi. Bangkok, luôn luôn có chỗ để đi. Mỗi sáng thức dậy tôi túi bụi với những dấu khoanh đỏ trên bản đồ. Tàu điện trên không, tàu điện ngầm, xe buýt, tuk-tuk, taxi, đi bộ … Tôi di chuyển không ngừng trong lòng Bangkok. Tôi tới hết tất cả các phòng triển lãm, phòng tranh, các trung tâm mua sắm, các khu chợ đêm. Qua hết hai tuần, tôi đã có thể vẽ ra cho riêng mình một tấm bản đồ Bangkok: Những địa chỉ dành cho người đam mê sáng tạo hình ảnh và shopping.

Bangkok rất kỳ lạ. Những nhân tố cấu thành đô thị mê ly này đối nhau chan chát, nhưng cũng vì thế mà độc đáo. Nằm cạnh trung tâm mua sắm cao cấp Gaysorn chuyên bán thời trang với giá 150.000 baht/cái (2) là một dọc những bàn gỗ tuềnh toàng của các nghệ nhân đường phố – họ làm và bán trang sức, quần áo, quà lưu niệm với giá chỉ 20-50 baht/cái. (Tôi thích vô cùng những vật phẩm nằm trên những chiếc bàn gỗ đó!) Đối diện đền Erawan linh thiêng tấp nập người khấn vái là một quảng trường chuyên tổ chức những tiệc ngoài trời ầm ĩ, được tài trợ bởi các hãng bia rượu. Nắm tay, khoác vai dập dìu trên phố là những đôi tình nhân đến từ hai quốc gia: chàng trai Âu Mỹ cao lớn, trắng phau như gấu Bắc Cực và cô gái Thái Lan nâu óng, nhỏ nhắn. Bangkok không có sự trung hòa. Bangkok rất thế này và rất thế kia.

Nhưng có những lúc ngay giữa chuyến đi đang thú vị, một niềm bi đát tự dưng kéo đến, khi tôi chợt nghĩ đến cái ước mơ đang mỗi ngày bớt đi một màu sắc và nhiều thêm một mảng xám. Một công ty gọi tôi phỏng vấn, họ nhận tôi, nhưng phút chót lại gặp rắc rối trong khâu visa làm việc. Đã có quá nhiều người nước ngoài ở đó và theo luật pháp thì không thể nhét thêm một người ngoại quốc nào vào nữa.

Tôi buồn bã hết một ngày, thẫn thờ ngồi trong tàu điện trên không đi từ đầu Đông sang đầu Tây Bangkok. Rồi lại từ đầu Tây ngược về đầu Đông. Toàn bộ thần kinh và cảm xúc nhúng sâu trong đắng chát. Tôi nhận ra rằng ước mơ đâu chỉ nằm gọn trong tay mình. Nó chịu sự đưa đẩy của muôn vàn điều kiện khác: luật pháp, chính sách công ty và tiền. Số tiền dành dụm đã bắt đầu không đủ cho các chi phí sống. Những đồng tiền đang siết chặt vòng vây quanh tim tôi, bóp thoi thóp ước mơ. Hết tiền thì tôi sẽ phải rời Bangkok.

Rời chuyến tàu điện cuối ngày, tôi đồng hành cùng sự bất mãn ghê gớm về nhà. Tôi có tài, có ước mơ, nhưng sao không thể có một cơ hội để chứng tỏ? Khởi nghiệp, cần nhất là tự tin. Nhưng niềm tự tin trong tôi đang hư hao dần. Mọi cách vỗ vễ, trấn an đều không kết quả. Không có tiến bộ thì làm gì có niềm tin. Chán chường và cảm thấy bị ruồng bỏ, tôi run rẩy nhìn đôi bàn chân bước và tự hỏi mình sẽ đến đâu. Ngay lúc ấy, mắt tôi lướt qua cái thông báo tuyển người treo ngoài cửa một quán cà phê – một ngôi nhà gỗ kiểu châu Âu xưa. Sáng hôm sau, tôi vào làm phục vụ tại đó.

Cũng không đến nỗi tồi! Ít nhất cũng có một việc để vận động chân tay và một chút tiền để tiếp tục bơm sự sống cho ước mơ – Tôi nhủ thầm với mình như thế trong lần đầu tiên đứng sau quầy cà phê. Sự khởi đầu của công việc tạm bợ này chí ít cũng đem đến cho tôi một niềm hưng phấn nho nhỏ. Ngày ngày, tôi xúng xính trong chiếc tạp dề màu xanh lá, chuyên cần làm việc. Và cái di động lúc nào cũng túc trực trong túi tạp dề. Tôi luôn chờ đợi một cuộc điện thoại có thể thay đổi cục diện đời mình.

Ba tuần chớp mắt trôi qua. Giấc ngủ trở nên đáng yêu vào những đêm thứ sáu và đáng sợ vào những đêm chủ nhật. Đêm thứ sáu: sau đó là hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi chẳng phải phập phồng chờ điện thoại. Đêm chủ nhật: hôm sau là thứ hai, một tuần mới mở ra với những cơn chờ đợi. CHỜ. Công việc dù luôn tay luôn chân nhưng chưa từng làm tôi nhức mỏi. Chỉ những cơn chờ đợi khiến phần hồn của tôi rệu rã thành từng khúc.

Sáng mai lại là một sáng thứ hai.

Người Cũ.

Buổi chiều, có một người khách đặc biệt bước vào quán cà phê: Sar.

Tôi đặt một cốc cappuccino trước mặt Sar. Cappuccino được làm theo cách của riêng anh, rót thêm rất nhiều sữa không béo không đường và rắc một lớp dày bột chocolate trên bề mặt bọt. Tôi làm cho mình một cốc latte và đến ngồi đối diện Sar. Cạnh bên cửa sổ, trời mưa, gần Sar, trong tôi là cảm giác đã – từng – có. Có thể đã từng có một buổi chiều mưa, tôi cùng Sar ngồi bên cửa sổ bay bổng theo hương cà phê và mùi đất ẩm.

Chúng tôi yên lặng, mỗi người đùa chơi với suy nghĩ của riêng mình. Tôi hình dung Sar của mùa hè ba năm trước tại Bangkok … Trái ngược với vẻ hăm hở khám phá của tôi, Sar có thái độ bất hợp tác. Tôi thấy Bangkok đẹp trong chính sự đối nhau chan chát. Sar lại cho là lai căng. Tôi thấy Bangkok lạ với những món thủ công tự chế bán ở lề đường, mộc mạc nhưng bắt mắt. Sar cho chúng là nghèo và bẩn. Tôi học lóm tiếng Thái mọi lúc mọi nơi. Sar luôn chỉ nói tiếng Anh. Tôi ra sức đón nhận. Sar cố gắng chối bỏ.

- Anh đã đi đâu mất?

- Anh bỏ học. Đi khắp nước Mỹ. Về Thái Lan. Đi khắp Thái Lan. Sang châu Âu. Anh cũng đã sang Nam Phi. Rồi về Mỹ. Rồi giờ thì anh ở đây, Bangkok.

- Tại sao lại đi nhiều như vậy?

- Anh muốn đi tìm … đi tìm … Đi tìm một cảm giác rất tuyệt vời giống như em đã nói. Em nói khi ở Bangkok, chỉ cần bước đi, hít thở, mở mắt nhìn, lắng tai nghe, em thấy thứ gì cũng tuyệt vời. Anh chưa bao giờ như vậy khi ở nơi mình sinh ra, hay nơi mình lớn lên, hay bất kỳ một nơi nào khác trên thế giới.

- … - Tôi chẳng nói gì, nhoẻn cười và bắn thẳng vào mắt Sar ánh nhìn “Anh tiếp tục đi, câu chuyện đang hay.” Khi một chàng trai đang có hứng thú kể chuyện đời mình thì tốt nhất đừng nên cắt lời.

- Nhưng anh nhận ra một điều, nơi sống không quan trọng. Đi đến đâu thì tâm anh cũng chỉ ngập một cảm giác thất lạc, thiếu thốn. Nếu chưa gỡ được cái cảm giác ấy đi, thì ở bất cứ đâu anh cũng sẽ tự hỏi mình đang làm cái quái gì.

Chúng tôi lại rơi vào yên lặng một lúc lâu.

- Ước mơ lớn đầu tiên trong đời, anh có còn nhớ?

- Anh không nhớ rõ nữa. – Sar ngập ngừng – Nhiều lắm. Nhưng không ước mơ nào bền lâu. Anh chưa kịp thực hiện cái này thì đã lại thấy mình đang ước mơ một cái khác. Bây giờ, anh đang muốn trở thành nhà văn, muốn viết một cuốn tiểu thuyết.

- Anh có yêu ước mơ ấy không?

- …

Tôi và Sar chia tay hôm ấy đã không cho nhau số điện thoại hay email. Chúng tôi gặp gỡ thế là đủ. Năm xưa khi anh biến mất, tôi nhẹ tâng. Bây giờ, cũng thái độ nhẹ tâng ấy: Mỗi người bước vào cuộc sống của tôi đều có một vai trò nhất định. Hết vai trò, họ phải đi.

Trong cuộc sống tôi, Sar đóng vai một lời nhắc nhở. Nhờ anh, tôi nhận ra mình may mắn rất nhiều. Tôi có một ước mơ để yêu. Một ước mơ để chuyên tâm và chuyên cần, để không phải rảnh rỗi đấu tranh với đủ loại cảm giác thất lạc, thiếu thốn, đang–làm–cái–quái–gì...