Hoa nở giữa tháng năm cô đơn

Posted at 27/09/2015

889 Views

Mẹ tôi cũng được coi là người đã trải qua nhiều phong ba bão táp rồi, vậy mà giờ đây lại cuống không nói nên lời. Tôi chỉ đành an ủi: "Mẹ cứ bình tĩnh nói nào, Dụ Lộ làm sao rồi ạ?".

"Con đến bệnh viện Đông Hoa nhanh đi, con bé vừa cắt tay tự tử ở nhà".

Tôi giật mình, nhưng vẫn chưa đến mức nhảy dựng lên. Cái ghế ngửa ra đằng sau kêu răng rắc, cả người ngã ngửa ra, may thay đằng sau là đống sách báo cũ của cô bạn cùng phòng nên tôi chỉ bị ngã nhẹ thôi. Mẹ tôi lại giục: "Con đến luôn nhé, mẹ và bố đang trên đường rồi".

Sau đó liền tắt máy.

Tôi mặc quần áo, thay đôi dép, lấy vội thẻ ngân hàng, điện thoại rồi lập tức bắt taxi đến bệnh viện. Anh lái xe ngạc nhiên vô cùng vì rõ ràng là quãng đường chỉ mất mười phút đi bộ thì chẳng cần phải đi taxi làm gì.

Bảo anh ta dừng lại tại quán ở Macdonald để mua cốc Sprite, tôi vốn là người biết chăm sóc bản thân, vì vừa rồi thay quần áo toát nhiều mồ hôi nên cơ thể bắt buộc phải được bù thêm nước, như thế tuần hoàn trong cơ thể mới được cân bằng.

Nói không lo lắng thì là nói dối, nhưng tôi biết Dụ Lộ không thể chết được, chắc là chết đi sống lại, trong bụng mừng thầm, nhưng trời sinh tôi không phải là kẻ máu lạnh, cầm cốc Sprite mà tay cũng vẫn run lẩy bẩy.

Nhà tôi xảy ra chuyện không may như vậy, nhưng nói thật là tôi lại thấy rất phấn khởi.

Quả nhiên năm phút sau, xe cứu thương lao vào đỗ trước cửa phòng cấp cứu, mấy cô y tá chạy tới nhấc giường đẩy xuống. Tôi thấy khuôn mặt trắng bệch của Dụ Lộ, đôi mắt nhắm nghiền như đã mất hết cảm giác rồi.

Ở đằng kia mấy cô y tá nói gì đó, tôi chẳng nghe rõ, loáng thoáng đâu như là Dụ Lộ cắt tay tự tử, nhưng chỉ cắt vào động mạch, chưa cắt phải tĩnh mạch, có điều là con bé còn uống cả một lọ thuốc ngủ nên phải rửa ruột.

Chị giúp việc cũng đến, đang dìu mẹ. Tôi thấy đôi mắt đã lâu lắm rồi không khóc của mẹ đỏ hoe. Bố cũng đến rồi, anh lái xe đứng ngoài cổng nhìn gia đình tôi với vẻ thương cảm.

Dụ Lộ được đẩy vào phòng cấp cứu.

Lần đầu tiên tôi thấy Dụ Lộ được quan tâm đến thế, nói thật là tôi thực sự ngưỡng mộ con bé.

Bố mẹ tôi được gọi vào hỏi tình hình, chị giúp việc lén lút kể lại sự việc với tôi.

Lần trước tôi bắt gặp con bé đang ngồi chat mới chỉ là một phần mở đầu câu chuyện. Con bé ngốc nghếch, ngây thơ, bạn trên mạng thực ra là người yêu online nói muốn gặp mặt con bé nói chuyện. Tất nhiên là mẹ tôi không đồng ý rồi, thế là nhân lúc chị giúp việc đi chợ nó liền trốn ra ngoài. Kết quả là sau khi gặp thằng bé ở quán Internet, thấy cậu ấy quá sáng sủa đẹp trai liền chết mê chết mệt, nhưng khổ một nỗi là cậu ấy thấy con bé mặc toàn đồ hiệu xa xỉ nên hoảng quá, nghĩ mình đã động đến người đáng lẽ không nên động đến, liền tìm cách tránh né, sau này cũng chẳng thấy mặt mũi đâu nữa.

Khổ nỗi Dụ Lộ lại chết mê chết mệt cậu thiếu niên đẹp trai đó, ngày ngày lên mạng nhắn tin, nhưng cậu ấy vẫn bặt vô âm tín, thế là con bé nhất thời nghĩ quẩn mới ra nông nỗi này.

Chị giúp việc vừa kể vừa mắng thằng bé kia, khẩu khí có vẻ rất thương Dụ Lộ.

Vậy mà sao trong chuyện này tôi lại thấy Dụ Lộ mới là người đầu óc có vấn đề, tôi đánh giá cao cậu bé ấy, dù tình yêu online không đáng tin, nhưng thấy Dụ Lộ là người giàu nếu tâm địa xấu thì chỉ cần cậu ấy dụ dỗ ngon ngọt một chút sẽ dễ dàng lừa được khối tiền, không chừng lại lừa bán luôn con bé đi cũng nên.

Cậu bé này có nhân cách, suy nghĩ giản đơn, không bị cái thế giới ảo rối rắm này làm hư hỏng.

Tôi hỏi: "Thế giờ cậu bé kia đâu?".

"Hình như bị bắt rồi thì phải".

Tôi trợn tròn mắt, lẩm bẩm: "Trời, lý lẽ gì vậy?". Rồi tự thấy mình lắm lời quá liền lắc cốc Sprite, tìm một chỗ ngồi xuống.

Phòng cấp cứu còn có ti vi, chỉ tiếc là đang phát tin thời sự.

Quả nhiên là Dụ Lộ không có gì nguy hiểm lắm, đã được truyền máu và rửa ruột rồi, nhưng vừa tỉnh con bé đã giày vò than thở sao mình vẫn chưa chết. Bác sỹ tức đến mức chắc hối hận vì vừa nãy đã rửa ruột cứu nó, liền tiêm cho nó một liều thuốc an thần để trấn an lại.

Một lúc sau nó đã bình tĩnh lại.

Bố mẹ tôi bắt đầu phiền não, chị giúp việc càng buồn rầu, vì Dụ Lộ nói cái chăn này nặng quá, phải thay cái khác.

Tôi đứng bên cạnh cười ruồi, nghĩ thầm cô sắp chết đến nơi rồi mà còn đòi hưởng thụ, đúng là có người sinh ra đã được hưởng thụ những thứ đồ xa xỉ.

Tự thấy mình thừa thãi quá tôi đành ra uống Sprite và xem thời sự.

Tôi vốn tưởng rằng Dụ Lộ sắp không qua khỏi, muốn trăn trối trước khi ra đi.

Mong nó có thể nói rằng: "Bố mẹ, hãy yêu thương chị con hơn chút nữa, hãy quan tâm đến chị ấy", thì dù tôi có tự tử ngay lập tức chắc cũng chẳng hối tiếc gì.

Tôi không biết sự việc này sẽ đem lại điều gì cho gia đình tôi, dẫu sao cũng chẳng liên quan gì đến tôi lắm, tôi lại tiếp tục hút Sprite. Đột nhiên cảm giác như có ai đó ngồi bên cạnh, toàn mùi thuốc sát trùng vô cùng quen thuộc.

Bất giác tôi cứ ngỡ như Đồng Nhược Thiên quay trở lại, đưa mắt nhìn sang hóa ra là một khuôn mặt xa lạ.

Chỉ nhận ra rằng trước mắt tôi là một người rất đẹp trai, khuôn mặt toát lên vẻ ngay thẳng phóng khoáng. Là một sinh viên ngành văn học Anh Mỹ, lập tức trong đầu tôi hiện ra những câu thơ trong bài Sonnet 18[8'> của Shakespear[9'>: "Shall I compare thee to a summer's day? Thou are more lovely and more temperate", có nghĩa là "Anh có nên ví em với ngày mùa hạ? Em đáng yêu hơn và rất đỗi hiền hòa".

[8'> Sonnet là bài thơ có 14 câu được gieo vần theo một kiểu xác định, Sonnet 18 là bài thơ nói về sự ngưỡng mộ của nhà thơ với nhân vật tự tình "em".

[9'> William Shakespeare (1564-1616), được coi là nhà văn vĩ đại nhất của Anh và là nhà viết kịch đi trước thời đại.

Ngày ấy tôi cũng chẳng đem Đồng Nhược Thiên ra so sánh với câu này, cùng lắm là ví von bằng những từ ngữ đơn giản nhất.

Đại khái được dịch ra tiếng Trung là: "Tiêu tiêu túc túc, sảng lãng thanh cử, lãng lãng như tùng hạ phong, cao nhi từ dẫn". Tôi cũng hiếm có dịp được văn vẻ như thế.

Anh ra mặc áo blouse trắng, áo sơ mi màu xanh nhạt bên trong, ngực đeo thẻ, quần dài và giày da. Tôi đã nhìn Đồng Nhược Thiên như vậy không biết bao lần, vậy mà trước một người lạ vẫn cảm thấy đẹp ngỡ ngàng.

"Anh là bác sỹ khoa ngoại à?", tôi hỏi.

Đôi mắt sáng long lanh kia nhìn tôi vài giây rồi gật đầu: "Làm sao cô biết hay vậy?".

"À, tay của anh rất trắng, lúc buông tay xuống rất chắc, và cũng không có mùi thuốc sát trùng hay mùi cồn". Tất nhiên là tôi đang ba hoa rồi, bởi vì tôi đã thấy thẻ đeo của anh ta – Cố Tông Kỳ, bác sỹ khoa ngoại, bệnh viện Đông Hoa.

"Bệnh nhân cắt cổ tay giường cấp cứu số năm là em gái em à?". Anh ta hạ thấp giọng xuống, nhưng nghe sao mà hay đến thế.

Tự nhiên tôi lại có cảm giác muốn nói rất nhiều: "Vâng, là em ruột em, trông không giống nhau hả?".

Anh ta gật đầu: "Sao mà tôi thấy em chẳng lo lắng gì hết thế?",

"Sao phải lo lắng chứ? Chẳng phải vẫn chưa chết sao?".

Tôi chớp chớp mắt: "Em đã bị mấy lần tự tử của cô nàng làm cho chán lắm rồi, nó mà còn tự tử nữa khéo em cũng mắc chứng buộc phải bắt chước theo nó mất".

Anh ta lặng yên nghe, rồi nói: "Cô ấy bị trầm cảm nhẹ phải không?".

"Đúng thế đấy ạ, em chỉ mong có một ngày nó được lượn qua Quỷ môn quan một lần thật sự để sáng mắt ra". Tôi rít Sprite hơi cuối, "Sống dẫu sao cũng tốt hơn chết chứ, mà nó cũng không phải kiểu thà làm ngọc vỡ còn hơn ngói lành".

Anh ta lặng thinh, một lúc sau mới nói: "Đúng là con người được sống đã là điều tuyệt vời nhất rồi".

Một câu đơn giản nhưng quả thực rất có lý, tôi gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Anh ta nói chậm rãi, rõ ràng từng câu từng chữ, hơn nữa rất nhẹ nhàng, khiến người ta cảm thấy rung động trong lòng. Có vẻ như anh ta coi tôi là bệnh nhân mất rồi.

Đa phần bác sỹ khoa ngoại chẳng có mấy ai tính cách hiền dịu cả, phần lớn họ đều rất sôi nổi hoạt bát.

Người như anh ta có thể tồn tại trong môi trường khoa ngoại như thế cũng coi như một kỳ tích, không những được rất nhiều bệnh nhân yêu mến mà ngay cả sinh viên thực tập và y tá ở đây cũng yêu quý anh ta.

"Tôi là Cố Tông Kỳ, là bác sỹ khoa ngoại như em vừa dự đoán".

"Em là Dụ Tịch, sinh viên Học viện Ngoại ngữ của trường mình".

Anh ta gật đầu, tôi đưa tay ném vỏ cốc Sprite vào thùng rác cách đấy năm mét, và hỏi: "Anh trực ban à?".

"Ừ, anh ở ngay trong bệnh viện, vừa nãy có ca phẫu thuật, phòng cấp cứu điện bọn anh tới làm, vừa mới xong".

"Phẫu thuật có thú vị không anh?", tôi thốt ra một câu hỏi kỳ quặc.

Nếu như phẫu thuật thú vị thì tôi có thể tha thứ cho Đồng Nhược Thiên, vì ngày ấy anh ta suốt ngày chỉ biết đến phẫu thuật, ngay cả thời gian ăn cơm với tôi cũng chẳng có.

Hai bàn tay đan vào nhau đặt trên đầu gối, ngón tay thon dài kiên nghị, đó là số mệnh của một bác sỹ ngoại khoa xuất sắc. Anh ta hình như trả lời rất cẩn trọng: "Có cảm giác thành công, niềm hạnh phúc của một bác sỹ có trách nhiệm hơn nữa cũng xuất phát từ điều này".

Tôi rất ưng ý câu trả lời này, cười một cách chân thành.

Phòng cấp cứu ban đêm chỉ có vài người, bên ngoài đại sảnh bóng đêm đã bao trùm, mấy ngọn đèn bên đường lúc sáng lúc tối, đêm, cuối cùng cũng mát mẻ hơn. Có thể đó là một đêm bình yên, có thể tất cả những bác sỹ phải trực đêm đều lo sợ sẽ có một sự cố nào đó bất ngờ xảy ra trong đêm.

Có thể là bệnh tình của một bệnh nhân nào đó đột nhiên xấu đi, cũng có thể là phải cấp cứu.

Cuộc sống của bác sỹ lúc nào cũng phải lo sợ bất an.

Ti vi đang quảng cáo thuốc an thần Thái thái tĩnh tâm.

Bỗng nhiên tôi lại hỏi anh chàng đẹp trai bên cạnh một câu hỏi ngớ ngẩn: "Anh có mất ngủ không?". Sau đó cảm thấy câu hỏi này đa nghĩa quá liền vội vàng giải thích: "Ý em là lúc anh phải trực đêm, điện thoại mở 24/24, có ngủ chắc cũng căng thẳng lo lắng lắm nhỉ?".

Bởi vì thần kinh tôi hơi yếu, nếu điện thoại mở thì không thể ngủ được.

Anh ta cười nhạt: "Đương nhiên là sẽ căng thẳng, nhưng có cách nào khác đâu, có lúc người thì ngủ rồi nhưng đầu vẫn tỉnh lắm, vẫn đang đợi chuông điện thoại, đó là một cảm giác rất đau khổ".

"Nhưng vẫn phải ngủ?".

Khóe môi hơi nhếch lên, điệu bộ vô cùng đáng yêu: "Đúng thế, có thể ngủ nhưng tuyệt đối không được lim dim, được nằm ngủ nhưng không được ngồi ngủ".

Tôi cảm thấy anh ta nói sao chẳng hài hước gì cả, mà nói rất say sưa, nhưng nhạt nhẽo vô vị, thế là tôi chẳng biết nói thêm gì nữa, đành hỏi: "Anh vừa làm phẫu thật gì vậy?".

"Phẫu thuật cắt nối ruột".

Nhớ mang máng rằng trước kia Đồng Nhược Thiên cũng nhắc tới phẫu thuật này, lúc đó tôi hỏi anh ta về nó thì anh ta bực bội vứt cho tôi cuốn sách Ngoại khoa dày cộp, còn chẳng thèm ngẩng đầu lên bảo: "Có hứng thú thì về tự mò xem đi".

Cuốn sách về ngoại khoa ấy đúng là dày và nặng như đá vậy, hơn nữa lại rất đắt. Trong đống sách chuyên ngành của tôi, ngoài cuốn tuyển tập tác phẩm của Mary Norton[10'> đang đọc ra thì chẳng cuốn nào bì được.

[10'> Nhà văn Mary Norton (1903-1992). Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Những người vay mượn tí hon được Nhã Nam dịch và xuất bản năm 2010.

Thêm cuốn Nội khoa nữa thì đúng là thiên hạ vô song rồi...

Disneyland 1972 Love the old s