Ring ring

Đèn Không Hắt Bóng

Posted at 27/09/2015

619 Views


- Ông cho là như thế à? Còn theo tôi thì họ trả lương y tá như thế là hòan tòan phải chăng.
- Nếu tính khối lượng công việc thì chẳng nhiều đâu.
- Khối lượng công việc à? Nhưng họ chỉ ngồi không thôi chứ có làm gì!
- Không, dù sao hiểu biết của họ cũng khá, mà trách nhiệm của họ cũng không phải là nhỏ!...
- Biết làm thế nào được? Nếu tăng lương cho họ thì các bệnh viện tư sẽ phá sản hết.
- Cứ thế này, kinh tế cũng đã gay go lắm rồi, - Ritsukô thở dài. Nói cho đúng ra, bà chẳng biết gì bao nhiêu về những công việc của bệnh viện Oriental, nhưng mỗi khi nghe bàn đến tiền bạc là bà rất thích phán đóan.
- Vâng... Nếu cứ tiếp tục như thế này thì chúng tôi chẳng bao lâu nữa sẽ bị gậy lên đường, - bà Hirayama tán đồng.
- Bao nhiêu tai họa đều do tiền viện phí quá thấp, - Yutarô kết luận.
Hirayama và hai bà cùng gật đầu một lượt. Về vấn đề này thì hai đôi vợ chồng hòan tòan ăn ý với nhau.
- Giường nằm, ngày ăn ba bữa - ngần ấy thứ mà chỉ có một ngàn bốn trăm tám mươi yên mỗi ngày! Ngay đến một khách sạn rẻ tiền như vậy bây giờ cũng không tìm đâu ra.
- Bà nhớ đến từng yên kia à? - Bà Ritsukô kinh ngạc.
- Chứ sao! - Bà Hirayama đáp, không khỏi có phần đanh đá. - Ở bệnh viện của chúng tôi không phải như bên ông bà - người thì ít, thành thử tôi phải ngồi ở phòng tiếp bệnh nhân, lại phải đóng gói thuốc thang, tính các khỏan tiền, và cả theo dõi bệnh nhân nữa. Công việc thật là lút đầu lút cổ.
- Thì tôi cũng phải làm đủ các việc ấy! - Bà Ritsukô chen vào.
- Làm sao có thể bì với bệnh viện của ông bà. Bao nhiêu giường nhỉ? Bảy chục phải không?...
- Nhưng ông Hirayama ạ, bệnh viện lớn tuyệt nhiên không có nghĩa là doanh thu lớn. - ông Yutarô vừa mồi thuốc lá vừa nói. - Ông không biết chứ đôi khi tôi thấy một bệnh viện có năm người làm việc có lời hơn nhiều. Còn cơ nghiệp càng lớn lên thì chi phí cũng càng cao: thêm một khỏan lương là thêm bao nhiêu chi phí... Ở các xí nghiệp khác, đầu tư càng nhiều, lợi nhuận càng lớn. Còn chúng ta thì ngược lại...
- Phải, trên nguyên tắc, - ông Hirayama góp chuyện, - hễ xí nghiệp mở rộng, lợi nhuận ắt phải tăng, nhưng trong nghề thuốc rõ ràng là không phải đơn giản như vậy.
- Thế thì sao? Một bệnh viện nhỏ như của chúng tôi là trường hợp tối ưu sao? - Bà Hirayama hình như có phần yên tâm.
- Ấy, điều này thì chẳng phải ý tôi.
- Cái khổ là ở chổ người ta thường không thích nằm các bệnh viện nhỏ: ngay cả một bệnh viêm ruột thừa thông thường người ta cũng thích nằm bệnh viện lớn hơn, - bà Hirayama lại than phiền. - Vừa rồi có một anh hàng thịt đến chỗ chúng tôi: cửa hiệu anh ta cũng ở gần đấy. Bác sĩ Hirayama khám cho anh ta rồi nói: "Phải làm phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa". Anh ta ưng thuận. Chúng tôi chuẩn bị cho anh ta một chỗ trong phòng bệnh, dọn cho anh ta một cái giường chăn đệm mới tinh. Chúng tôi chờ đợi. Thế rồi ông bà có biết sao không? Anh ta không đến. Chúng tôi gọi điện đến nhà hỏi xem cơ sự ra sá. Thế thì ông bà có thể tưởng tượng được không, anh ta trả lời là bây giờ anh ta đã nghĩ lại: có một người bà con nào đấy của anh ta nằm ở bệnh viện thành phố, cho nên anh ta cũng định đến đấy nằm.
- Có lẽ anh ta sợ tôi không mát tay chăng? - Hirayama cười nhạt một cách không vui.
- Trước đây tôi bao giờ cũng mua thịt của anh ta, nhưng bây giờ tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến đấy nữa!
- Thật là đồ vô lại! - Bà Ritsukô tán đồng. - Ai đời lại đi so sánh bác sĩ Hirayama với một thằng nhải ranh nào đấy ở bệnh viện thành phố?
- Thế còn viện phí... các vị thử nghĩ mà xem: một lần mổ ruột thừa chỉ được mười ngàn yên! Các vị có thể tưởng tượng được không - bà Hirayama im bặt, vẻ công phẫn.
- Chẳng lẽ ít thế thôi à? - Ritsukô ngạc nhiên.
- Đấy các vị thấy chưa! - Bà vợ ông Hirayama thậm chí còn có vẻ mừng rỡ. - Tôi đã nói mà: chẳng qua cũng chỉ vì bệnh viện của chúng tôi nhỏ quá... Ôi sao tôi ganh tị với ông bà thế ! Thật chỉ mong sao được sống yên ổn như ông bà, không phải tính từng đồng yên !...
- Mười ngàn yên... Vào một quán rượu ở khu Ghiđzê thì mười ngàn yên không đủ ngồi nửa tiếng, - Yutarô nhận xét.
- Gì thì gì, chứ cái này ông biết quá rõ, - bà Ritsukô châm chọc chồng. - Ông chỉ biết la cà ở các quán rượu. Trong khi số thu nhập thì thảm hại như vậy.
- Tôi nói một đàng thì bà lại nói một nẻo, đây là hai chuyện khác nhau! - Yutarô cau mày bực tức, và Hirayama vội vàng lái câu chuyện sang một hướng khác.
- Dĩ nhiên là có thể kiếm thêm - bằng tiền thuốc uống, thuốc tiêm... Tuy có thể nói riêng với nhau là chúng ta gần như đã nuôi bệnh nhân tòan bằng thuốc.
- A, anh không nghe nói Yasui đã nghĩ ra được cái trò gì à? - Yutarô hỏi khẽ Hirayama, không để cho vợ nghe.
- Yasui nào? Cai anh ở khu Mita ấy à?
- Có một lần sau buổi họp ở Hội, tôi với anh ta rủ nhau đi uống rượu, và anh ta đã kể cho tôi nghe. Cứ mỗi lần có một bệnh nhân vào nằm theo chế độ trợ cấp bảo hiểm, Yasui thế nào cũng phát hiện ra rằng bệnh nhân ấy có một cái ruột thừa nổi.
- Vậy thì kết quả sẽ ra sao? Hóa ra tất cả các bệnh nhân thanh tóan viện phí bằng trợ cấp bảo hiểu đều có ruột thừa nổi hết à?
- Chính thế.
- Chao ôi...
- Phẫu thuật thì tối đơn giản: cố định đầu ruột thừa lại là xong. Còn bệnh nhân nào ruột thừa chẳng sao cả thì chẳng làm gì sốt. Chỉ việc rạch ra rồi khâu lại. Rồi sau đó nếu có gì, lúc nào cũng có thể nói rằg cái ruột thừa lại buột ra; dù sao thì cũng chẳng ai biết được.
- Thết khi nào cắt bỏ ruột thừa thì sao? Nó sẽ thành một chuyện khôi hài: làm giấy thanh tóan hai phẫu thuật cùng một lúc.
- Dĩ nhiên. trong những trường hợp như thế thì sẽ viết vào bệnh án là hai phẫu thuật được thực hiện vào hai thời điểm khách nhau.
- Theo tôi thì làm như vậy cũng quá quắt!
- Nhưng có lợi.
- À vâng... Thế sao, Yasui dùng cái mẹo này đã lâu chưa?
- Cũng hai ba năm rồi. Có ai mách cho anh ta đấy.
- Thế ban kiểm tra của hội bảo hiểm không nhận thấy gì sao?
- Cũng đã có lần họ nói xa xôi với anh ta rằng ở bệnh viện của anh ta quá nhiều trường hợp ruột thừa nổi.
- Thế thì dù sao cũng lộ mục tiêu rồi, - Hirayama phì cười.
- Nhưng anh ta chỉ làm cái trò này với anh ta với những bệnh nhân nằm theo trợ cấp bảo hiểm mà thôi, thành thử chẳng bị lôi thôi gì.
- Tôi thì có lẽ tôi chả làm như thế.
- Thế thì cứ suốt đời hẩm hiu thôi, - bà Hirayama phì cười.
- Không biết thì dựa cột mà nghe.
- Đấy ông ấy thì lúc nào cũng vậy, - bà vợ than phiền...