Đó là khi ta lạc mất nhau rồi

Posted at 28/09/2015

152 Views


Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thảng thốt khi kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình.
***
Mối tình kéo dài từ năm lớp mười cho đến khi cô vào đại học. Trước khi đi du học, bạn trai cô hứa hẹn rất nhiều, kể cả chuyện sẽ kiếm học bổng để đưa cô theo... Nhưng chưa đầy một năm, anh đã công khai sống chung với một cô gái khác bên xứ người, và đề nghị chia tay cô qua email.
Mẹ cô tìm cách an ủi: "Nó như vậy là không xứng với con, đừng tiếc làm gì". Cô chỉ cười lớn: "Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm đến ảnh nữa". Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi. Ai ngờ cô "nói một đằng nghĩ một nẻo", lòng vẫn ấp ủ thương nhớ, căm hận, đến nỗi cắt cổ tay. May mà gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời.
Mẹ cô chảy nước mắt khi tâm sự. "Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn mặt ngoài cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói "có gì đâu" là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tui để đâu rồi không biết nữa"...
Đó là một lời tự trách. Nhưng tôi nghe như một câu hỏi vậy.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác. Hẳn nhiên, trước tiên là cảm xúc của mẹ chúng. Nếu người mẹ vui sướng hạnh phúc, đứa trẻ sẽ tỏ vẻ mãn nguyện, ngủ ngoan, hay cười. Nhưng nếu người mẹ lo lắng, buồn phiền, đau khổ hoặc không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng theo cách khác. Nó bú ít, khó ngủ, quấy khóc nhiều, cáu bẳn, đau bụng... Mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé. Thật lạ lùng phải không?
Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một dần theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình?
Như Daniel Goleman, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ cảm xúc và Trí tuệ xã hội đã nhắc chúng ta rằng, sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó.
Chúng ta tưởng mình đang được kết nối, khi friendlist trong Facebook của ta dài ra từng ngày. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đang mất dần kết nối với nhau. Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình thờ ơ với người thân thuộc đang ở ngay bên cạnh mình. Mạng lưới rộng đến nỗi một đứt gãy nhỏ bên cạnh làm ta không để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc.
Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ, để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: "Mọi chuyện sao rồi?" và câu trả lời : "Cám ơn. Vẫn tốt" làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau những câu nói. Sự mệt mỏi nơi khoé môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn, khả năng thấu cảm của chúng ta giờ đây giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.
Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng chúng ta không hiểu gì về họ cả, chúng ta sẽ trả lời rất nhanh: "Bạn không nói làm sao tôi hiểu được" như thể việc chúng ta không hiểu hoàn toàn là lỗi của họ.
<Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, chúng ta diễn giải sự việc theo cách khác nhau, chúng ta dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau. Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ cho chính mình. Và quên rằng vẫn còn có một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương nhau thường dùng, khi họ thực sự yêu thương. Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không?
Ta luôn có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không nói, chia sẻ hay không, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu – tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve yêu thương chia sẻ với chính những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn chính mình, mà tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.

Cũng Daniel Goleman, trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.
Phải vậy không em, đôi khi ta chỉ cần trở lại ngồi yên bên nhau là đủ. Đủ để hiểu.
Như ngày xưa, khi ta khởi đầu yêu. Chúng ta thường khởi đầu một tình yêu với một người khi nhận ra rằng ta và người ấy có thể hiểu nhau mà không cần nói. Những xung động buổi ban đầu trong tim ta thường không phải là ngôn từ. Chỉ cần nhìn vào mắt nhau, hay thậm chí chỉ cần ở bên nhau trong cùng một bầu không khí, dường như ta đã hiểu nhau. Và khi mối tình trở nên bền chặt hơn, ta tự hào vì người kia chưa nói hết ý mà người này đã hiểu: tình cảm, nhu cầu chia sẻ, nỗi buồn, niềm vui, sự lo âu... Chiếc ăngten thấu cảm trong ta thật nhạy.
Nhưng rồi, thời gian qua, đến lúc nào đó bỗng dưng ta nhận ra người này đang trách người kia rằng nếu không nói ra làm sao hiểu được. Có lẽ từ khi đó tình yêu đã bước qua một khúc quanh.
Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu nhau...
Đó là khi ta nhận ra ngôn từ chưa bao giờ là đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu – những điều ta mong người ấy thấu hiểu – những yêu thương, oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta – nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm đan chồng chéo lên nhau.
Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm. Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau.
Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh "Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận."
Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.
Phạm Lữ Ân







....

Teya Salat