Trà âm
Posted at 27/09/2015
209 Views
Trầm nhẹ nhàng đáp chẳng ăn nhập vấn đề, đứng lên bước vào nhà, khi trở lại cầm theo một chiếc đàn thập lục huyền thân gỗ nâu bóng khảm xà cừ tinh xảo. Cô đã được ông ngoại dạy nhạc lý từ nhỏ, mười lăm tuổi có thể thay ông tham gia ban ngũ tuyệt gảy đàn tranh, đàn nguyệt hoặc tỳ bà trong những buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, nhiều lúc hát vọng cổ góp vui. Ba ngón tay đeo móng gảy đồi mồi dạo trên mười sáu dây đồng làm phát ra giai điệu thanh thúy, lúc réo rắt như tiếng suối chảy nhanh, lúc êm đềm như sông rộng lững lờ. Khúc dạo đầu tương tự bài Lưu thủy, một trong hai mươi bản Tổ của cổ nhạc tài tử Nam bộ mà anh đã nghe cô đàn nhiều lần.
Âm nhạc du dương êm ái vang lên hòa với tiếng gió lùa qua vườn cây xào xạc, trải trên mặt nước hồ sen lăn tăn sóng gợn rung rinh hoa lá. Làn khói mỏng manh bảng lảng trong không gian lờ mờ sáng tối dưới bóng mát mái hiên làm khung cảnh thêm phần hư ảo. Nguyên nhắm mắt lại, chìm vào những thanh âm vô hình mênh mông, suy nghĩ trong tâm trí không còn hỗn loạn, thân thể dường như nhẹ tênh bồng bềnh trôi theo giai điệu thăng trầm tha thiết. Anh nhận ra bản nhạc này rất quen, dường như đã nghe cô đàn rất lâu trước đây nhưng nhất thời không thể nhớ tên. Tuy nhiên, anh không đủ tỉnh táo để hỏi thêm vì cơn buồn ngủ đã đột ngột kéo đến.
Lúc thức dậy bóng chiều đã ngả, trà cũng nguội lạnh từ lâu, chỉ còn một mình Nguyên nằm trên trường kỷ cạnh hồ sen. Ánh tà dương tàn úa xuyên qua tán lá đọng trong lòng bàn tay có chút buồn thảm tịch mịch. Đầu óc anh vẫn còn mơ màng chưa tỉnh nhưng sự tò mò bỗng dưng không sao áp chế. Anh đứng lên đi tìm cô, muốn nhanh chóng biết tên khúc nhạc, dạo quanh một vòng không gặp, lúc trở lại trường kỷ thấy cô đang ngồi chờ. Trên bàn trà là chiếc gối nhỏ màu tím sẫm thêu hoa sen khéo léo dùng kê tay bắt mạch. Anh không cần hỏi, hiểu chuyện ngồi xuống, tự nhiên để tay trái lên gối nhưng vẫn cười nói:
- Đâu cần nghiêm trọng như vậy. Tôi sẽ còn sống rất lâu để ám ảnh chị.
Trầm nhàn nhạt cười, im lặng đặt mấy ngón tay mảnh khảnh lên mạch tượng trên cổ tay anh. Cô hơi nghiêng đầu, tập trung công việc nhưng vẻ mặt vẫn toát lên nét ung dung bình thản lạ kỳ. Làn gió nhẹ lướt qua, mấy sợi tóc mai buông xõa bị thổi tán loạn che gương mặt thanh tú, anh bất giác vươn tay vén gọn cho cô, vô tình chạm nhẹ làn da mịn màng có chút xanh xao liền rụt lại. Cô không thích những hành động thân thiết quá mức khi chưa cho phép, đặc biệt là kẻ khác chạm vào mình dù hàng ngày tiếp xúc khá nhiều người. Thái độ lạnh lùng tách biệt không phải do lễ giáo gia phong mà là bản chất bẩm sinh.
- Phước đức cả đời tôi tích được cũng không đủ cho Nguyên đền tội.
Giọng cô bình thường không phát hiện vui buồn. Cô cầm lấy gối tím đứng lên, quay lưng đi bỏ lại một câu:
- Con người không phải sắt đá, cho dù thân xác hay tâm hồn.
- Điệu nhạc vừa rồi chị đàn tên là gì?
- Vọng kim lang.
Nguyên nghe câu trả lời, thất thần nhìn dáng cô khuất sau góc vách một lúc lâu mới thu hồi ánh mắt. Anh nâng chén trà lạnh đưa lên môi uống, hương thơm chưa phai vị đắng chưa nhạt, đọng một chút ngọt thanh trong cổ họng. Lần đầu tiên Trầm pha trà cho anh là năm mười bảy tuổi, cũng là lần đầu tiên anh nghe cô đàn. Vào một ngày mưa gió âm u, anh sang nhà mẹ nhưng cửa đóng vắng tanh, ngồi chịu lạnh dưới mái che cổng rào như một thằng ăn mày thì tình cờ gặp cô đi ngang. Lúc đó, quan hệ hai người vô cùng lạnh nhạt, chưa từng nói với nhau quá ba câu chào hỏi. Tuy nhiên, cô vẫn kéo anh đến nhà ngoại. Bởi vì cô là một thầy thuốc tương lai, bởi vì vết thương trên người anh đã thấm máu ra ngoài lớp áo trắng học sinh loang lổ.
Trầm thương hại anh. Nguyên hiểu điều đó. Tình cảnh thê thảm của một đứa trẻ vị thành niên luôn bị cha ruột đánh đập khi ông say xỉn như một cách giải tỏa ức chế của kẻ vô dụng nghiện rượu. Anh có thể chống lại ông, có thể kiện ông vì tội bạo hành hoặc bỏ rơi ông để đến sống cùng mẹ, nhưng anh là người thân duy nhất còn lại của ông và ngôi biệt thự xa hoa kia không có chỗ cho anh tồn tại, luôn khiến anh lạc lõng chênh vênh khó lòng hòa nhập, dù cha dượng cũng không ghét bỏ. Trong nhận thức, người cha thất bại bị vợ cắm sừng còn tội nghiệp hơn anh rất nhiều, nên cuối cùng chỉ chọn cách trốn tránh. Có lẽ sự cảm thông ngu xuẩn được sinh ra từ trong huyết thống, và trên đời cũng chỉ có thân nhân mới khiến anh cam tâm tình nguyện tự mình chịu khổ.
Khi đến phòng thuốc, anh thấy cô đang ở một mình, cẩn trọng chọn từng vị thuốc, tự tay gói bằng giấy dầu từng thang một. Lúc mới gặp Trầm, anh tưởng cô chỉ là loại tiểu thư kiêu căng nông cạn hoặc yếu đuối ngây ngô, nhưng qua vài lần tiếp xúc đã biết mình sai lầm thế nào. Người con gái này dùng hai từ "tài hoa, tinh tế" để hình dung cũng là khiêm tốn. Một thời gian dài, anh vừa ngưỡng mộ vừa ganh tỵ với cô, hai kẻ có gia đình cùng chung nghịch cảnh nhưng số phận khác biệt quá nhiều. Và tình cảm đó theo thời gian dần dần biến đổi. Anh biết mình mơ mộng trèo cao nhưng tuổi trẻ cuồng nhiệt cố chấp chẳng sợ té đau nên đương nhiên thổ lộ.
Sau mấy giây bàng hoàng ngắn ngủi, Trầm cười nói rằng, quà sinh nhật này cô sẽ nhận, xem nó ở bên cạnh mình được bao lâu. Còn câu nói kia không hề nhắc đến.
Thân phận Nguyên bây giác khác hẳn ngày xưa, không còn là đứa trẻ nghèo hèn lông bông khổ sở. Sự thành đạt được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng lao động kiệt lực mấy mươi năm. Anh đã đủ tự tin bản lĩnh, tiền tài địa vị để lặp lại câu nói trước kia nhưng chưa từng làm vậy. Khoảng cách giữa anh và cô dù được cân bằng, nhưng nhìn theo góc độ khác vẫn xa xôi vời vợi, một khoảng cách chẳng dễ dàng khỏa lấp, chưa tính đến áp lực gia đình. Anh từng nghĩ tình trạng này đã đủ, cùng cô hội ngộ bên một chén trà quý, qua bao năm tháng tri âm tri kỷ, đến cuối đời cũng không phá vỡ hữu hảo tương giao. Nhưng việc cô làm lời cô nói hôm nay giống như viên đá ném vào mặt hồ phẳng lặng, làm dâng lên sóng vỗ tràn bờ.
- Có chuyện gì muốn nói với tôi sao?
Cô vừa buộc mấy thang thuốc vào nhau vừa hỏi, không ngẩng mặt nhìn. Những tủ đựng thuốc bằng gỗ nâu đồ sộ lấp kín bốn mặt vách cùng ánh đèn trắng xanh lạnh lẽo phủ khắp không gian làm vóc dáng mảnh mai càng thêm yếu nhược, tạo cảm giác cô liêu hiu quạnh đầy bi thương. Ở tuổi của cô, phụ nữ nông thôn đã tay bế tay bồng, nhưng Trầm vẫn cô đơn lẻ bóng. Mấy lần anh nghe mẹ nói có người muốn mai mối làm quen hoặc chính thức đưa mâm xem mắt nhưng đều bị từ chối. Anh không muốn đoán cũng không hỏi nguyên nhân, vì cảm giác đứng trên tầng băng mỏng, động một chút có thể vỡ tan, làm bản thân chìm trong rét buốt.
Anh bước qua ngạch cửa đến bên bàn thuốc, lẳng lặng nhìn cô. Trái tim anh quá ngây thơ bất cẩn, vì một lần băng vết thương, một chén trà sen cùng một khúc Vọng kim lang an ủi liền rung động, bị người ta lấy mất suốt bao nhiêu năm, chính mình không tự tay đoạt lại, cũng chẳng nhờ người khác giúp đỡ tìm về. Sống cùng với tâm tình tuyệt vọng có đôi lần nghĩ muốn buông tay nhưng chấp niệm quá sâu khiến anh vô thức không cách nào làm được. Sự việc tiến triển đến bước này, anh vừa vui mừng kinh ngạc vừa lo lắng hoang mang.
- Chỉ là dưỡng tâm an thần, thêm một chút thuốc bổ. Mỗi ngày một thang sắc ba lần uống, mỗi lần sắc còn lại một chén nước, uống vào buổi sáng, trưa và chiều. Nguyên đừng bỏ ngang như lần trước.
Cô nhẹ giọng dặn dò, đẩy túi thuốc trên bàn về phía anh. Nguyên bất chợt đưa tay nắm lấy hai vai cô kéo lại gần, giữ thật chặt không cho phản kháng. Không khí trong phòng trở nên dị thường ngột ngạt, tĩnh lặng đến mức có thể nghe rõ tiếng tim đập liên hồi. Anh nhìn thẳng vào đôi mắt bình lặng như mặt hồ đêm của cô, nghiêm túc hỏi:
- Trầm muốn nghe tôi nói chuyện gì?
- Nguyên không có can đảm đối mặt với điều mình suy đoán hay sao?
Anh không trả lời, ghì chặt cô vào lòng, cúi đầu thì thầm bên tai cô.
- Tôi yêu em.
- Tôi biết.
Trầm khẽ cười đáp lại, lịch thiệp tao nhã mà mê hoặc lạ thường. Cô tựa đầu lên vai anh, bàn tay níu lấy một góc áo người đang ôm xiết mình.
Nguyên chợt hiểu rằng cô vẫn để mắt đến anh từ ngày mưa đó, thậm chí âm thầm chăm sóc quan tâm, chỉ là biểu hiện lúc xa lúc gần vì kiêng kỵ vài điều phiền phức, vì tâm tư lo nghĩ bất an. Tình cảm của cô tựa một chén trà quý, pha chế rất cầu kỳ tinh tế, thưởng thức phải từ tốn tận tâm, mới chạm vào nóng đắng khó trôi nhưng quen thuộc sẽ thấy hậu ngọt hương thơm vương vấn lâu dài, giúp người ta tâm bình khí hòa an nhàn thanh tĩnh. Anh may mắn với tới vì kiên trì thành tâm, nhiều hơn là ngoan cố bất chấp.
Tình yêu chôn sâu tận đáy lòng tưởng như hóa tro tàn nhưng vẫn âm ỉ cháy nay bị khơi lên thành ngọn lửa lan tràn. Con đường phía trước lắm gian nan trở ngại nhưng đồng tâm hiệp lực thì sẽ vượt qua.
Bạch Tử
Chú thích
1. Lụa Tân Châu: Tân Châu là thị xã thuộc tỉnh An Giang, Nam Bộ. Sản phẩm nổi tiếng là lãnh Mỹ A nhuộm bằng trái mặc mưa, màu đen bóng loáng mát lạnh, màu bền không phai. Ngày nay, lụa Tân Châu được nhuộm nhiều màu sắc khác nhau bằng chất liệu tự nhiên. Nếu miền Bắc có lụa Vạn Phúc (Hà Đông) thì miền Nam có lụa Tân Châu
2. Gốm tử sa Bát Tràng: "Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần" là 3 loại ấm trà quý bằng đất tử sa chỉ có ở Nghi Hưng, Giang Tô, Trung Quốc. Ngày nay, làng gốm Bát Tràng đã pha được loại đất tử sa xuất xứ Việt Nam bằng cách trộn nhiều loại đất ở đồng bằng sông Hồng để chế tạo trà cụ.
3. Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh: bôi là chén uống trà, ngũ quần anh là những người ngồi chung với nhau để uống trà.
4. Trà Shan Tuyết: có xuất xứ từ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cây trà cổ thụ Suối Giàng từ 200 đến 300 năm tuổi, là loại trà quý, rất khó pha. Một chén trà Shan Tuyết pha đúng cách có màu vàng nhạt trong sáng, hương thanh mát thoang thoảng, hậu vị đậm lâu dài. Việt Nam còn nhiều loại trà quý khác như trà Tân Cương - Thái Nguyên, trà Tà Xùa - Sơn La...
5. Đàn tranh: còn gọi là thập lục huyền cầm, bán nguyệt cầm vì mặt đàn hình bán nguyệt và số dây là 16 tức là gần với nửa tháng, tuy nhiên vẫn có loại 15, 17 hay 19 dây, xuất hiện ở Việt Nam từ thời Lý – Trần.
6. 20 bản Tổ của cổ nhạc tài tử Nam bộ: gồm 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 7 bài Lễ, 4 bài Oán, ngoài ra còn 4 bài Oán phụ...