Snack's 1967

Hai ngả một dòng sông

Posted at 28/09/2015

192 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện ngắn "Rồi sẽ qua hết, phải không?")
Tôi không buồn khi lỡ quên "người" hay bị "người" lãng quên. Tôi chỉ sợ những nỗi nhớ quay quắt dai dẳng, về một người không thể ngoảnh mặt quay lưng, nhưng mãi cũng không thể là của nhau.
***
Tôi có một cô bạn thân – thân như mây với trời, như nước với sông. Chúng tôi học chung lớp đại học, làm cùng công ty, nhà ở cùng một xóm. Phương sinh ra và lớn lên ở quê, còn tôi là dân thành phố chính gốc. Ngoại trừ việc này ra thì hai đứa tôi có khá nhiều điểm chung. Chúng tôi thường thơ thẩn quẩn quanh hay chăm chú ngồi đọc sách ở bờ sông ngay gần bến đò, vào những buổi chiều rảnh rỗi. Dòng sông nhỏ giữa lòng thành phố này đã cùng tôi lớn lên, và khi tôi trưởng thành cũng là lúc sông già đi, bởi tháng ngày nhọc nhằn chuyên chở biết bao câu chuyện trẻ dại lầm lỡ của những cô cậu đang học cách lớn lên từng ngày như chúng tôi, cả những khối lòng nặng trĩu, về một miền xanh thẳm xa xăm.

- Công ty mình sắp có trưởng phòng kế hoạch mới. Ông biết không?
- Biết. Rồi sao?
- Thì hôm qua tui vừa mới đi đón nè. Tên Jame. Hai mươi chín tuổi. Từ Mỹ sang...
- Èo. Vậy ra hôm qua mặt mũi tươi phơi phới đi đón "sếp mới" đó hả? Rồi bà thấy "sếp mới" sao?
- Sao trăng gì. Tui cứ đinh ninh hớn hở ngồi hóng cổ đợi một anh chàng Tây cao to mắt xanh mũi thẳng rước về. Ai dè lòi ra một thằng cha gầy xọp, dân Châu Á, biết nói tiếng Việt. Hiểu rồi ha!
- Trời. Ai kêu bà ham hố. Thằng cha "gầy xọp dân Châu Á biết nói tiếng Việt" đó là con trai thứ hai của sếp Tổng á. Tên tiếng việt là Long. Anh ấy sang mỹ học từ năm mười tuổi...
- Hả? Sao ông biết? Ừ ha. Quên mất. Ông là cháu của sếp mà!
...
Bác An tổng giám đốc công ty là bạn của ba tôi. Hai gia đình khá thân thiết nên bác An xem tôi như con cháu trong nhà. Đương nhiên ở công ty tôi cũng được mọi người "nể mặt" chút ít vì thuộc diện "con ông cháu cha". Và chính nhờ những mối quan hệ rộng rãi của ba tôi, nên lúc còn đi học tôi luôn được thầy cô quan tâm đặc biệt hơn so với các bạn cùng lớp. Tuy tôi không phải là đứa thông minh, nhưng điểm lúc nào cũng cao và luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Vừa mới tốt nghiệp đại học, tôi có ngay một công việc nhẹ nhàng với mức lương khá và nhiều ưu đãi trong công ty của bác An.
Cuộc sống của tôi êm đềm và suôn sẻ như vậy đó. Nó giống như việc bước đi trên một con đường bằng phẳng đã được trải thảm, chân mang một đôi giày vải đủ đẹp và vừa vặn. Không quá cầu kỳ nổi bật để được chú ý. Nhưng cũng không có gì để phàn nàn.
Không giống như tôi, Phương phải làm thêm khá nhiều công việc bán thời gian trước khi được nhận vào vị trí trợ lý văn phòng ở công ty tôi sau ba kỳ phỏng vấn căng thẳng. Hành trình học tập, kiếm tiền và tìm việc của Phương là cả một câu chuyện dài đầy khó khăn. Những câu chuyện của Phương thường khiến tôi bật cười, nhưng cũng lắm lúc khiến lòng tôi thắt lại, chùn xuống, tiu nghỉu. Một cô gái mười tám tuổi một mình xách ba lô lên Sài Gòn, vừa đi học vừa đi làm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Từ việc giao báo, phát tờ rơi, bán bánh mì, phục vụ quán ăn, gia sư,.. việc gì Phương cũng làm. Mỗi công việc là một trải nghiệm, một bài học quý giá cho tuổi trẻ nhiệt huyết đầy non dại. Bị quỵt tiền phát tờ rơi vất vả phơi nắng ngửi bụi mấy ngày trời. Làm phục vụ thì làm bể chén bát phải đền tiền gần cả nửa tháng lương. Đưa tiền cho trung tâm gia sư để nhận lớp dạy kèm, ai ngờ "cô giáo" giỏi, học trò ngoan nhưng phụ huynh lắc đầu. Vì lý do "cô giáo" vừa nhỏ người, nhỏ tuổi lại xinh, lo cậu quý tử đang lớp mười hai "phân tâm" ảnh hưởng đến học tập. Tôi nhớ có lần mém bị ăn đòn vì tội cười dai. Lần đó Phương bị chủ nhà đuổi khỏi nhà trọ do lỡ quên tắt đèn nhà vệ sinh. Phương đội mưa tầm tã qua nhà tìm tôi với vẻ mặt đầy ấm ức lẫn lo lắng. Tôi đã cười sặc sụa khi nghe được một chuyện ngớ ngẩn như thế. Những lúc ấy, tôi thường an ủi Phương bằng mấy câu cũ mèm đậm chất nhân văn, hay ho đến sáo rỗng kiểu như: "Đừng lo! Sẽ ổn thôi mà.", "Không sao đâu! Tất cả rồi cũng sẽ qua."... Tôi thực sự không chắc rằng, liệu mọi thứ sẽ ổn hay sẽ trôi qua nhanh – chậm thế nào. Tôi chỉ biết một điều, là thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả. Giống như dòng chảy cuốn trôi nước sông, trôi thao thiết, mải miết.
Lúc buồn Phương hay rủ tôi đi đò qua sông, rồi lại đi ngược về. Cứ thế, hết lượt đò này đến lượt đò khác. Phương thích ngắm sông, thích ngắm màu bùn của nước sông đục ngàu, ngắm dòng nước chậm chạp yên ả trôi, ngắm cảnh vật xanh mướt rậm rạp hai bên bở sông, cả những container xếp hàng dài ở cảng phía bên kia bờ. Phương nói cảnh vật ở đây làm cho lòng người ta dịu lại, nhẹ đi, mơ màng như hết hết những khó khăn của thực tại, giống như bị ai đó thôi miên. Sông đã thôi miên Phương.
- Công ty mình dạo này có nhiều chuyện vui ghê.
Phương ngước mắt lên trời, ngắm mây trôi, miệng nhoẻn một nụ cười đầy ẩn ý.
- Có gì vui đâu?
- Ông không thấy dạo này mấy cô nàng trẻ tuổi độc thân đang nhốn nháo hả, không thấy ai cũng xinh xắn đáng yêu hẳn lên sao?
- Tui thấy bình thường, con gái đứa nào chả điệu!
- Xí. Tại ông không để ý nên không biết thôi. Đang có một sư ganh đua ngầm giữa các chị em, họ đang "me" cậu con trai thứ hai của sếp. Hiểu hông?
- Anh Long đó hả? Sao bà biết?
- Trời. Tui nhìn là biết ngay. Sao qua được mắt tui. Nhưng mà tui là tui nghi cha Long bị gay.
...
Suy nghĩ nhiều. Hay để ý. Tự suy diễn. Đều là bệnh chung của con gái. Con bạn tôi không những không phải trường hợp ngoại lệ mà còn thuộc dạng bệnh nặng. Nhưng cũng phải công nhận một điều là con mắt quan sát của họ cực kỳ tinh tường. Để ý mới thấy, mấy cô gái trẻ ở công ty đúng là đều xinh đẹp hẳn ra, ai cũng cố gắng để ghi điểm trong mắt của chàng và của sếp. Ăn mặt rất đẹp, trang điểm kỹ, và đặc biệt là luôn "khoe" những chỗ cần "khoe" mỗi khi có cơ hội.
Đàn ông thích ngắm những cô gái xinh đẹp, thích trò chuyện với những cô gái thông minh, và hẹn hò với những cô có cả hai thứ đó...