80s toys - Atari. I still have

Vu Lan và hồi ức mẹ

Posted at 27/09/2015

178 Views


Mỗi lần họp lớp, tôi lại cười trừ mỗi khi tụi bạn học cấp III khoe về việc mua xe honda mới, mua laptop xịn... Tôi có 3 năm đi làm ở Saigon bằng xe buýt, 2 năm nữa để có được một chiếc xe máy cà tàng hỏng lên hỏng xuống... Nhưng tôi đã trả hết nợ cho gia đình, giúp cho chị gái và em trai đi học đến nơi đến chốn và mua cho bố mẹ một căn nhà tại Saigon để ở. Có thể đối với nhiều người, đó là những việc rất đỗi bình thường, nhưng với tôi, đó là việc quyết tâm thực hiện lời hứa "thoát nghèo" mà tôi biết mình phải thực hiện bằng mọi giá từ lúc học lớp 10.
Hôm nay là lễ Vu Lan, nhưng nó không có ý nghĩa gì với tôi nhiều lắm ngoại trừ là cái cớ để viết lại câu chuyện của những ngày xưa cũ. Vì trong cuộc sống gia đình, ngày nào cũng là một đại lễ Vu Lan mà tôi dành cho mẹ.
***
Mẹ tôi khổ từ bé. Người ta nói, khổ trước sướng sau, nhưng chữ "sau" ở đây không biết là "sau" đến bao giờ?

Tôi có một bà ngoại nhưng có tới hai ông ngoại, đó là lý do để Mẹ tôi phải khổ suốt thời thơ ấu. Lớn lên, vì chán cảnh gia đình, Mẹ một thân một mình vượt quãng đường gần 2000KM từ Sài Gòn ra Hà Nội làm thuê làm mướn, rồi "trôi dạt" đến vùng đất Hải Phòng.
Mẹ tôi làm đủ nghề để sống: rửa bát cho quán phở, giặt giũ quần áo, chăm sóc người già, xếp hàng đi đổi tem phiếu... Nhưng làm ở đâu, làm công việc gì, Mẹ tôi cũng bị hết người này đến người kia chèn ép. Một phần vì Mẹ tôi là người miền nam, một phần nữa vì chẳng có nhà có cửa, nay ở nhờ nhà người này, mai ở nhà người khác, mình có đúng, cũng chẳng dám cãi lại ai.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con.Bà nội kể, có một hôm trời mưa gió bão bùng, mà bà chủ – chỗ Mẹ tôi đang ở nhờ – nhẫn tâm vứt đồ đạc, quần áo đuổi Mẹ tôi ra khỏi nhà vì cái tội "từ khi mày đến ở, tiền bạc trong nhà tao bị mất rất nhiều". Người trong xóm, thấy có to tiếng thì bu lại xem và ai cũng hiểu sự thật cái việc mất tiền đó chẳng qua là bà chủ nhà muốn ăn quịt 7 tháng tiền công ở đợ của Mẹ tôi. Người ta thương cảm nhưng cũng chẳng giúp được gì, chỉ có bà nội lên tiếng bênh vực và cho Mẹ tôi về nhà ở.
Bà nội nói "con cứ về đây ở với má, không ai dám ăn hiếp con cả. Không phải sợ ai dị nghị điều tiếng gì hết, đứa nào xì xầm, con cứ nói má nhận con làm con dâu". Cái sự cưới xin ngày xưa sao mà đơn giản...
Ngày Mẹ tôi có mang, bà nội ngày đêm cầu trời khấn phật mong đó là con gái, vì người xưa quan niệm "thuận trâu sâu lái, không bằng con gái đầu lòng". Và Mẹ tôi sinh con gái thật. Bà nội mừng lắm và càng yêu quý Mẹ tôi hơn. Tuy cuộc sống có nhiều khó khăn, nhưng vì lần đầu sinh con nên họ hàng giúp đỡ Mẹ tôi nhiều.
Hai năm sau, tôi chào đời và từ lúc đó thì gia đình ngày một túng quẫn. Mẹ tôi phải chăm hai đứa con nhỏ một lúc cũng chẳng còn thời gian buôn bán gì nhiều. Tôi lại là một đứa trẻ hư, ngày đêm chỉ "theo" một mình Mẹ chứ nhất quyết không theo ai khác, hễ ai động vào là khóc, không cách nào giỗ cho nín được. Mâu thuẫn bắt đầu nẩy sinh trong gia đình và chuyện quá khứ cuả Mẹ tôi bị đem ra bới móc.
Năm tôi tròn một tuổi thì cô tôi có mang đứa con đầu lòng. Tuy thế, hai chị em (Mẹ và cô tôi) vẫn lén đi buôn tem phiếu. Một lần không may, cô tôi bị công an kinh tế theo dõi về tận nhà và cho người vô lục soát. Mẹ tôi vì quá thương em đang bụng mang dạ chửa đã đứng ra nhận thay và bị bắt kết án 12 tháng tù giam vì tội buôn tem phiếu.
Chị gái tên Ngọc Yến, tôi là Ngọc Long, còn khi sinh thằng út, bố tôi quyết định đặt tên nó là Ngọc Hoàng – một cái tên bị coi là vô cùng "phạm huý" vào thời ấy, vì muốn lấy "số" của nó làm cho gia đình "khởi sắc". Khi ra UBND Phường đăng ký khai sinh, mấy ông cán bộ còn không cho đặt nhưng sau một hồi cãi vã thì cái tên ấy cũng được ghi vào sổ sách. Chả hiểu quyền năng của nó tới đâu nhưng đúng là từ ngày ấy, gia đình tôi trở nên khấm khá.
Bố Mẹ tôi chuyển qua buôn bán đường dài và nhanh chóng trở thành một trong những đại lý bánh kẹo lớn nhất ở khu vực miền bắc thời đó. Cả khu phố Hàng Buồm buôn bán sầm uất trên Hà Nội và Lãn Ông ở Hải Phòng, không chủ hàng nào là không biết tiếng Mẹ tôi. Hàng ngày, Mẹ tôi chỉ phải thực hiện một việc đơn giản là đi nhận hàng do bố tôi gửi từ Saigon ra, phân phối cho các "bạn hàng" và chiều tối thì đi thu tiền. Một thời gian sau, Mẹ tôi thuê luôn người thực hiện việc đón nhận hàng hoá và phân phối để có thời gian đi đền chùa và lễ phật.

Rồi không biết từ khi nào, Mẹ tôi có thói quen giải trí bằng... số đề. Cả gia đình tôi không ai hay biết gì về chuyện đó. Bà nội thì già, tụi tôi còn quá bé và bố tôi lại đang ở xa. Mẹ tôi bị cuốn vào dòng xoáy của những con số, có thắng có thua nhưng thua nhiều hơn thắng. Và hệ quả tất yếu là số tiền Mẹ tôi "nuôi số" ngày một tăng cao.
Hồi đó, chỉ cần có 180.000đ là có thể mua được một chỉ vàng, nhưng Mẹ tôi sẵn sàng bỏ ra 18 triệu chỉ để đổi lấy vài con số ghi nguệch ngoạc trên một tờ giấy trắng. Những lúc trúng đề, Mẹ tôi lại mua về nhà đủ thứ hoa quả, bánh trái, đồ ăn, đồ uống, đôi khi là những món quà cá nhân đắt giá cho chị em chúng tôi. Nhưng đa phần là thua, và những khi ấy, chỉ một mình Mẹ chịu.
Ngày đó, gia đình tôi không thiếu gì tiền bạc. Việc mua sắm của Mẹ tôi không có ý nghĩa về giá trị vật chất mà chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần. Bởi vì, Mẹ tôi lúc nào cũng bị chê là không sâu sắc. Cả 3 chị em tôi, đi học, đi chơi, đi ăn, đi uống... nhất nhất đều do một tay bà nội chăm sóc và quan tâm. Không phải là Mẹ không thương chị em tôi, nhưng cách sống của Mẹ tôi là như thế, không biết cách thể hiện tình cảm của mình. Ngày ấy, chúng tôi học lớp nào, do ai chủ nhiệm Mẹ tôi cũng không hề biết. Thế nên, những khi Mẹ tôi mua đồ ăn thức uống về cho chúng tôi thì bà nội tỏ ra vui lắm.
Thế mà một dạo, Mẹ tôi tự nhiên đảm đang đến lạ. Mẹ tôi đi tìm mua các quyển sách dậy nấu ăn về nhà tập nấu nướng cho tụi tôi ăn, tắm rửa cho 3 chị em, hỏi han chuyện học hành, rồi dậy cho tụi tôi đủ thứ. Nào là giặt giũ quần áo, ủi đồ, tập đi xe đạp... Mẹ tôi dậy cho tôi cách bán hàng, cách tính tiền, ghi sổ, phân biệt các loại hàng hoá khác nhau. Mẹ nói "Chị Yến là con gái, em Hoàng còn quá nhỏ, chỉ có con là nhanh nhẹn và Mẹ tin tưởng nên Mẹ dạy cho con, sau này con chỉ lại cho chị Yến với em Hoàng".
Đó là thời điểm tháng 6 năm 1994, chuẩn bị diễn ra WorldCup, nên bố tôi từ Saigon trở ra Haiphong để nghỉ ngơi và coi WCup. Thấy Mẹ tôi có nhiều thay đổi, bà nội và bố tôi vui lắm, không khí gia đình lúc đó thật là đầm ấm và hạnh phúc. Mẹ tôi thì chẳng mê gì WCup, nhưng khi ấy lại rất quan tâm và liên tục hỏi em trai tôi WCup diễn ra từ bao giờ đến bao giờ, khi nào thì hết. Mẹ tôi cũng thức đêm để xem cùng và cổ vũ (cả nhà tôi, trừ tôi và bà nội, ai cũng thích coi đá banh), lại nấu mì tôm rau cải cho "để mấy bố con ăn rồi có sức xem nhiều trận đấu".
Một buổi chiều, thứ 7 ngày 11 tháng 6 năm 1994.
Đợi mãi mà không thấy Mẹ tôi về, cả nhà quyết định ăn cơm trước. Đang ăn, thì có một con bé là con của cô T. – bạn thân của Mẹ tôi – cầm đến một cuốn tập học sinh và nói với bố tôi rằng "Cô U. gửi cháu cầm cái này về cho chú" rồi xin phép ra về. Bố tôi giở cuốn tập ra đọc rồi không ăn cơm nữa, bố tôi đợi bà nội ăn xong rồi mời bà vô phòng trong nói chuyện.
Sau đó, bố tôi ra nói với tụi tôi rằng, nhà mình đã có chuyện xảy ra. Mẹ tôi vì quá ham mê đề đóm mà làm khuynh gia bại sản, tiêu hết những số tiền quá lớn, không chỉ của gia đình mà cả tiền vay mượn bạn hàng và những người thân tín. Bây giờ Mẹ sợ người ta đến đòi tiền, xiết đồ, xiết nhà....