Tha thứ
Posted at 27/09/2015
175 Views
Nếu tha thứ được thì hãy tha thứ đúng không bà....
***
Cái Thương đứng đó, chăm chú nhìn người đàn bà bón từng thìa thức ăn cho đứa con mà lòng đẫm lệ. "Ngoan nào, ăn đi con, ngoan nào" ," ùm, giỏi quá!". Người đàn bà tay thoa thoa vỗ vỗ mông đứa trẻ như cách nựng con mà bao bà mẹ vẫn làm và miệng bà thì không ngừng dỗ dành. Trước cảnh âu yếm đầy ắp yêu thương đó nó chạnh lòng tự hỏi: " không biết ngày xưa má nó có từng làm điều đó với nó?
Thương vốn là cô bé sinh ra ở nơi vòng eo hình chữ S- dải đất miền Trung quanh năm chan nắng hứng mưa. Chính nơi đó đã nhuộm cho Thương màu da riêng biệt của đưá con miền biển- nước da ngăm ngăm đen cùng với mái tóc chấm ngang lưng hơi vàng vàng đầu ngọn. Má Thương bỏ nhà đi từ khi nó chưa tròn 2 tuổi, khi tiếng má má, ba ba còn ậm ẹ nơi đầu lưỡi chưa rõ thành lời. Âý vậy mà má nó đi là đi không lời từ biệt, bỏ lại cha con nó sống trong ngày tháng ủ ê, đau khổ như ngày mưa dầm dề không một chút nắng. Đôi lần tò mò nó chạy đến hỏi ba " ba ơi, má con đâu?" ba nó dửng dưng đáp một câu ngắn quẳn "chết rồi". Những lần khác khi vô tình nhắc đến "má" ba nó lại nạc nộ tỏ ra hung hãng "đừng có nói con gái mẹ mày" nó im bặt không dám hỏi hay nhắc thêm một lần nào nữa. Không nhắc không có nghĩa là nó không biết, trước lời ra tiếng vào của người hàng xóm cũng đủ cho nó câu trả lời lí do má nó bỏ nhà đi. Và nó cũng hiểu rằng tại sao tụi bạn trong xóm lúc nào cũng trêu nó là con của kẻ giựt chồng người khác rồi kẻ không có má để rồi tẩy chai, xa lánh nó. Nhiều lúc bị tụi bạn bắt nạt chịu ấm ức nó không biết nói với ai chỉ đâm đầu chạy thẳng về tìm đến vách giữa hai ngôi nhà ngồi khóc hu hu cho nổi đau chảy theo dòng nước trong suốt mà mặn chát vị đời.
Nó cũng có ba, cũng còn ba đó nhưng với nó người đàn ông luôn ngồi ủ rủ trong căn nhà kia không phải là người lại càng không phải ba nó.Từ ngày má nó bỏ nhà đi ông lúc nào cũng say xỉn, cáu gắt chỉ trỏ cái con mụ đàn bà này đàn bà nọ mà chính thực không biết nói với ai chỉ lâu lâu nghe tiếng con mèo lười kêu lên vài tiếng nghe thê thảm. Đồ đạc trong nhà bị ông đập phá tang tành ngày nào hàng xóm cũng kêu la vì cứ nửa đêm lại nghe tiếng "choảng" làm họ giật mình thức giấc. Ông giống như con hổ đang lên cơn thịnh nộ có thể ăn thịt bất kì ai kể cả con của mình. Nằm dưới gầm giường cái Thương đang cắn lấy ngón tay cố kìm nén để tiếng khóc không bật thành tiếng . Vì chỉ cần nghe thấy thôi là ông – người coi là ba kia sẽ kéo nó ra mà đánh mà đập mà trút mọi nổi đau lên thân thể gầy gò, ốm yếu của đứa con gái mà quên mất rằng "đó là con mình". Khắp thân thể nó lúc nào cũng đầy dấu lằn vết bầm tím, chỗ này chưa lặn thì thêm nhiều chỗ khác, nhìn thân thể của đứa cháu, bà nó thoa thoa thuốc mà đứt từng đoạn ruột. Bà nó lặn lội đường xa đến thăm cháu mới hay được cơ sự bẽ bàng này, trước nổi đau cái Thương, bà không kìm nổi lòng mà bật thốt:" chuyện đời nghiệt ngã sao lại trút lên đứa cháu tội nghiệp của tôi vậy hả trời".
Năm nó lên 10 tuổi ba nó mắc bệnh ung thư mà chết. Lần đó người ta đến đám ba nó cũng chẳng mấy người, ai thương tình lắm thì đến thắp nén hương cho ấm lòng người đi. Ở cái xóm nghèo này việc sống và chết dường như là điều bình thường. Bệnh chết, đau nhẹ không có thuốc cũng chết, đói quá cũng chết, mưa giông bão bùng cũng chết. Cái chết vốn được người ta xem nhẹ tựa lông hồng, nên người còn lại chỉ gắng sống gắng làm mong cho đứa trẻ có thể ăn học đến nơi đến chốn mà thoát khỏi chốn nghèo đói này. Ngày đó nó đã không khóc không hề rơi một giọt nước mắt nào, chỉ lẳng lặng nằm trong lòng bà nhìn theo người người ra vô bận rộn việc đưa đám. Sau đám tang nó được bà đưa về sống cùng ở căn nhà tình nghĩa mà mới được ủy ban xây cho. So với căn nhà cũ nơi đây rộng rãi và thoải mái hơn nhiều, điều làm nó thích thú hơn là ở đây nó quen được những người bạn mới – cô bé, cậu bé sẽ đón chào nó mà không kì thị như những người bạn xóm cũ. Ở đây nó được yêu thương, chăm sóc và có được niềm vui thực sự. Bà nó sẽ mang lại điều đó. Với nó bà hệt như bà tiên cứu rỗi cuộc đời khốn khổ và chính bà đã cứu sống nó trong cơn thèm khát sữa những ngày còn bé. Bà đã ẵm nó qua nẻo đường tìm đến những bà mẹ mới sinh con để xin cho nó được bú vài ngụm ấm dạ đứa trẻ, nhờ đó mà nó đã lớn đến từng này. Chỉ có bà mới hiểu nó muốn gì và cần gì. Năm tháng sống với bà nó được bù đắp phần nào vết thương rách toạt khó lành ở trái tim. Nó được đến trường, được ướm bộ đồ mới vào ngày tết, chỉ đơn giản thế thôi nhưng với nó là món quà vô giá.
Tuổi thơ nó thích nhất là được nằm trong lòng bà. Vào ngày mưa dầm dề khi từ nhà kéo ra con đường cái xa xa phủ một màu đen mịt mù, u ám những hạt mưa nặng trĩu rơi lộp độp mái tôn nhiều hạt khác tí tách vỡ tan dưới sân là lúc hai ba cháu ngồi bên bệ cửa sổ thủ thỉ trao hơi ấm cho nhau. Gió mưa vẫn không ngừng thổi lâu lâu len qua khe cửa hở lùa vào lạnh ngắt nhưng nó chẳng thèm quan tâm đến, nó thích thú xà vào cuộn tròn trong lòng bà như con mèo lười hay ngủ ngày để nghe bà kể chuyện. Câu chuyện ngày xửa ngày xưa đôi khi đã được kể đi kể lại không biết bao lần do bệnh lãng trí của người già ấy vậy mà nó nghe không chán. Hẳn chỉ giây phút đó, chỉ khi đi vào thế giới cổ tích mà chính tuổi thơ ngây ngô đầy bất hạnh đã cướp mất đi nó mới thấy hạnh phúc và bình yên. Để rồi trong giấc mơ đó nó thấy má nó về mang theo thật nhiều quà nhiều đồ chơi và ôm nó vào lòng hôn lấy hôn để. Hạnh phúc thật! Dẫu sau khi tỉnh giấc mọi thứ đều vỡ tan như bong bóng xà phòng. Người ta bảo cái gì đẹp thì mong manh dễ vỡ có lẽ không sai. Đôi lần bà nó vuốt ve nó hỏi nhỏ "nếu má về con có tha thứ cho má mà nhận má của con không, Thương?. Câu hỏi của bà như xoáy sâu vào tâm gan của đứa trẻ chưa một lần gọi "má". Nó ghét hay nói chua chát hơn là nó hận, hận con người là cội nguồn mọi nổi đau mà nó nhận lấy ngày xưa và cả bây giờ. Người gọi là "má" đó đã cướp đi hạnh phúc giản đơn mà suốt đời nó không có được như bao đứa trẻ khác là tình mẫu tử. Nhắc đến má nổi uất ức lại trào dâng nghẹn đắng nơi cổ họng "mẹ mày là con điếm, kẻ không có chuyện gì làm nên đi giựt chồng người khác". Ngày đó vì còn quá nhỏ quá ngây thơ nên chưa hiểu chuyện gì nó chỉ đáp trả lại ánh nhìn dửng dưng để cho người ta phỉ nhổ đống nước bọt trước mặt rồi quay lưng bỏ đi. Đến giờ khi đã lớn nó thấm được cái nhục nhã cay nghiệt khi chính má nó là người chà đạp lên phẩm giá cao quý của người đàn bà và giẫm lên danh dự của nó. Chịu đựng nhiều quá, đau nhiều quá khiến nó chai lì cảm xúc, đôi khi thiết nghĩ nó cũng giống ba, nghĩ má nó đã chết rồi cho nhẹ lòng cho đỡ xót. Nước mắt nó đầm đìa ướt cả vạt áo bà, nó đáp lời bà một câu đau đớn "con sẽ không nhận cái người bỏ rơi con". Ôm chặt lấy bà nó khóc nức nở.
Suy nghĩ cứng rắn đó có lẽ không che đi được trái tim khao khát tình mẹ đang trỗi dậy trong nó. Nó thèm được gọi tiếng mẹ, thèm được mẹ ôm ấp vỗ về, thèm được mẹ đứng chờ ngoài cổng trường để đưa áo mưa cho nó nói "con mặt vào kẻo ướt"; nó cũng muốn được mẹ thắt bím, cài nơ như cái Thủy cái Thư trước khi đến lớp. Và giờ đây khi đã tròn 18 tuổi nó thèm được nghe lời khuyên bảo động viên những lúc khó khăn trên con đường đại học. Ừ, nó đã đã đỗ đại học như ước mơ của bà và hơn thế nữa nó đã khẳng định mình để khi đứng trước má ( một viễn tưởng trong tương lai) nó sẽ tự tin mà nói rằng "không có má tôi vẫn sống tốt". Đằng sau cái hằn học, ghét bỏ kia phải chăng là nỗi thương nhớ má vô bờ dẫu đó là người má không ra gì.
Thỉnh thoảng đi trên đường nghe ai đó gọi tên "Thương" nó ngoảnh đầu nhìn lại chỉ chực một câu "má đây con" và người đó mắt khân khấn nước mà dang rộng tay chờ nó lại ôm. Nhưng đó chỉ là tưởng tượng. Tên "Thương" thì có lắm người đặt, họ kêu chưa chắc gì đã kêu nó vả lại má nó đã đi khi nó chưa tròn 2 tuổi giờ gặp lại chắc gì má nó đã nhận ra, mà có khi vô tình đi lướt qua nhau cũng không biết nữa là...Thuở còn học cấp 2 nó từng hỏi "nó có đủ can đảm để chạy theo chiếc xe mà kêu mà thét " mẹ ơi" như nhà văn Nguyên Hồng đã từng làm không nhỉ?". Nhớ ngày đó nó đã khóc như mưa khi đọc câu chuyện đó .
Sau một hồi để những cảm xúc, nổi niềm chôn dấu ào ra như nước vỡ bờ nó đưa đôi mắt còn tèm nhem ngước nhìn bà. Trước cái khuôn mặt gầy gầy xương xương, lấm tấm hạt đồi mồi với nếp nhăn hằn sâu theo năm tháng nó chợt nhận ra bà nó đã già lắm. Đôi mắt nhăn nheo khẽ khép lại ép cho những giọt nước mắt chứa đựng cả một đời lam lũ khổ cực trào ra lăn dài trên bờ má. "Bà vẫn muốn gặp lại má con một lần để biết giờ này nó sống ra sao?Để trước lúc chết bà có thể yên lòng mà nhắm mắt" Đôi bàn tay run run kéo vội tà áo lau đi giọt nước (hẳn thứ nước trong suốt mà mằn mặn đó chỉ có ý nghĩa khi người ta khóc). "Thương ! Nếu có thể tha thứ được thì hãy tha thứ con à!" . Trong đời ai cũng một lần sống và nhiều lần phạm sai lầm, điều quan trọng là họ sẽ làm gì sau lỗi lầm đó. Bước tiếp trên vết bùn giơ hay sẽ ngoảnh mặt quay về với ánh sáng, dẫu lâu ngày chưa quen sẽ có cảm giác chói mắt, đau đớn. " Điều ác dễ tạo, hướng thiện khó làm"-nhà phật nào đã từng răn dạy điều đó. Má nó sẽ có quay trở lại?
Nó giờ đã là sinh viên năm 2 trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngành báo chí , ngày hai buổi một buổi đến trường còn một buổi bận rộn cho việc làm thêm. Sài Gòn sầm uất đôi khi mủi lòng nó hay gọi về chỉ để nghe tiếng "ngoại ngoại" thân thương. "Con vẫn đang đăng tin tìm má ngoại à! Rồi ngoại sẽ sớm được gặp má thôi".
Người đàn bà đã ẵm đứa con đi tự bao giờ mà trong nó dòng cảm xúc vẫn miên man chưa dứt. Tay thì dọn dẹp chén bát chân thì thoăn thoắt chạy qua chạy lại mà đầu nó vẫn ong ong câu hỏi của bà "tha thứ hay không?"
Ừ ! Nếu tha thứ được thì hãy tha thứ đúng không bà....
Hien tk
....