The Soda Pop

Người giúp việc kì lạ

Posted at 27/09/2015

168 Views

Tôi bế con tới lui sốt ruột. Sao taxi gọi hòai vẫn chưa tới. Không khéo trể giờ phòng mạch. Tôi lại quay số gọi hãng khác. Trời lại mưa. Thời tiết này xe rất hiếm. Còn con Lang nữa. Bảo ra ngòai đường vẫy đại một chiếc taxi giờ vẫn chưa thấy về. Có tiếng xe ngừng. Hú vía!
Tôi nhìn ra cửa sổ. Xe đang có khách. Một cô gái cúi người bước xuống. Tóc buộc đuôi cheval, chiếc áo hai dây đỏ chói kéo hất lên để hở cả một khúc lưng. Tiếng cửa xe đóng sập lại, cô gái ngước lên. Trời ạ, con Lang. Nó mở khóa chạy ùa vào. Còn tôi thì giận điên người bế con tới lui hậm hực. Chỉ chờ nó ló mặt vào phòng, tôi quát:
- Bảo đi đón xe hay đi xem hát mà ăn mặc thế kia. Có biết là sắp trể giờ rồi không?
Con bé xách giỏ đồ hối hả:
- Con phải thay cái áo, cái quần tươm tất mới đón được xe chớ đánh bộ đồ ngủ đứng giữa đường vẫy, xe nào thèm ngừng.
- Hễ nói là cãi. Bỏ thêm mấy cái khăn sạch vào xách rồi đi. Lẹ lên.
Tôi bế con chạy vội ra đường, giao cửa nẻo một tay nó khóa.
Tối đó, nhà tôi không nấu cơm, mà cũng chỉ có tôi với con Lang. Miệng tôi đắng ngắt. Tôi bảo nó ra đầu ngõ mua bánh mì chim cút. Biết là không thể nào nuốt nổi khúc bánh mì khô cứng đó nhưng kệ! Bụng dạ đâu mà ăn với uống. Tôi không muốn bảo nó đi xa. Tôi cần một người quanh quẩn bên mình. Căn nhà trống trãi quá.
Đêm đó tôi thức trắng. Bin vã mồ hôi đầm đìa và cơn sốt lui dần. Đến sáng hơi thở nhẹ nhàng hơn, nó ngủ thiếp đi. Tôi bước ra khỏi phòng, đụng ngay con Lang ngồi trong góc cầu thang, quay lưng vào tường ngủ gục. Trên chiếc bàn ăn hai ổ bánh mì chim cút còn quăng lăn lóc. Tôi chớp mắt. Cút chiên bơ là món tủ của nó. Lâu lâu, nhà có khách, thiếu cơm, tôi đưa tiền cho nó. Nó mừng cuống quýt chạy ra đầu hẻm. Tôi cầm ổ bánh mì nguội ngắt lên rồi lại đặt xuống lặng lẽ nhìn Lang.
Không biết từ bao giờ ý nghĩ "cho con Lang về quê theo bà" không còn hiện lên trong tôi nữa. Và cũng trái với quy ước ban đầu con Lang không về quê ăn tết. Nhịp sống sôi động của thành phố này đã hớp hồn nó.
Sài gòn mùa Giáng sinh. Sài gòn những ngày cận kề nguyên đán. Ánh đèn màu chớp tắt, tiếng nhạc xập xình từ những quán cà phê. Người người chở nhau, sánh vai nhau tưng bừng phố xá... Con Lang mê mệt với những con đường những cửa hiệu hàng hóa sale off đổ ra ngồn ngộn, giá cả rẻ đến bất ngờ. Tuổi của nó, tuổi ăn, tuổi lớn tôi không nở hẹp hòi. Tối tối nó hòan tất nghĩa vụ tươm tất, chóng vánh tôi cho phép nó ra đường nhưng phải trở về trước chín giờ rưỡi. Nó phơi phới như một bông hoa đầm đìa sương sớm.
Một tối, nó xô cửa ùa vào phòng tôi, khuôn mặt còn nguyên nét phấn khích:
- Cô ơi, Đan Trường mới bắt tay con.
Tôi bật cười. Nó ngồi lên giường tôi, hai chân đong đưa, mắt sáng long lanh miệng huyên thuyên ríu rít:
- Cô biết không, hát xong Đan Trường bước xuống sân khấu. Người ta túa lên, túa lên. Con cũng chen vào. Đan Trường ngó quanh rồi quay về phía con chìa tay ra.
À, đây là tiết mục giao lưu văn nghệ. Có chương trình ca nhạc tổ chức ở gần nhà, nó năn nỉ. Tôi cho phép nó đi chơi, còn cho thêm tiền mua vé. Tôi nhìn nó, con Lang của tôi. Nó bây giờ quần jean bó sát, áo hai dây bé tẹo có đính hạt cườm lấp lánh, tóc cắt đúng mốt Hàn quốc. Bây giờ nó là Nguyễn Thy Lan như một cú điện thọai anh chàng nào đó gọi đến mà tôi tình cờ bắt máy.
Đến lượt chồng tôi cảnh báo: "Em phải kiểm sóat con Lang kỷ hơn. Coi chừng nó giao thiệp bậy bạ. Nhà cửa giao cho nó, con cái giao cho nó."
Tôi cũng ý thức được điều đó. Phải kiểm soát. Nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy mình bất lực trước một cái gì như sức sống cứ bùng lên. Bùng lên đúng quy luật tự nhiên của nó. Thôi thì những vấn đề vụn vặt tôi xuê xoa không để ý. Thức ăn trong tủ lạnh nó tha hồ tự do. Chocolat và bánh kẹo. Không, những thứ đó vừa lên cân vừa nổi mụn. Nó "chuyên trị " trái cây. Buổi sáng, tôi đi làm, nó xay sinh tố uống. Tệ lắm cũng vài quả cà chua pha đường. Cho đẹp nước da!.Tôi biết nhưng lờ đi.
Tôi đang cần nó. Hết cái thời động một tí là sẵn sàng "cho mày về quê". Tôi lệ thuộc vào nó thật rồi. Nói như chồng tôi, nhà cửa, con cái nó thay tôi quán xuyến. Tôi rảnh tay, rảnh chân lao vào công việc, cũng cố lại vị trí của mình trong công ty, ngẩng cao đầu trước những đôi mắt thèm thuồng, ganh tị. Ở đời, phải biết bỏ cái nhỏ để thu về cái lớn chứ. Vả lại, tôi vẫn tự hào rằng mình vốn công bằng trong cách nghĩ. Tôi có cái thành đạt của tôi thì nó cũng có cái "thành đạt" của nó. Nó giỏi thật mà. Đi bên tôi, nó không hề kém cạnh. Mà tôi "tha" nó đi khắp. Nó bế thằng cu Bin. Tôi tỉnh bơ giới thiệu với mọi người "con nhỏ cháu". Sạch sẽ, điệu đàng, mốt, ai dám bảo nó là người làm.
***
Một bữa, ngồi trên chót vót một cao ốc Sài gòn ăn kem, nhìn xuống thành phố ánh đèn màu rực rỡ, dòng xe cộ nhỏ li ti phía dưới, mắt nó thẩn thờ rồi chớp chớp quay sang tôi tâm sự: "Hồi đó mệ bảo con vào giúp cô. Cô trả tám trăm ngàn một tháng. Tám trăm chứ năm sáu trăm con cũng đồng ý. Con đi cho biết Sài gòn."
Tôi cũng biết điều đó...