Insane

Kẻ cắp giấc mơ

Posted at 27/09/2015

181 Views


"Mấy chục năm không gặp, thằng lớn nhà nó ai dè lại bằng tuổi cái Bích nhà mình. Năm nay sẽ ra Bắc thi đại học đó".
Nó nghe tim mình đập nhanh một nhịp.
"Thế khi nào bố con chú ấy ra thì mời qua nhà mình chơi". Mẹ lúc nào cũng hiếu khách. "Mà thằng nhỏ thi trường gì thế ông?".
"Nó nói muốn học ngành quản trị kinh doanh, sau này về giúp bố quản lý cơ nghiệp".
Mẹ khen nức khen nở: "Ồ, thằng bé nghĩ thực tế quá, chả bù cho hai chị em nhà này, chỉ thích mơ mơ mộng mộng".
Nó đang vươn tay gắp con mực, nheo mắt cười. Mẹ khẽ lườm nó một cái, rồi quay sang bố kể tội: "Ông xem, hết chị lại đến em, giờ con bé này nó đòi thi thiết kế thời trang".
Con mực rơi tõm vào bát nước chấm. Trời đánh tránh miếng ăn, cơm đang ngon như thế mà mẹ đã cho nó lên đoạn đầu đài rồi sao.
Bố chắc cùng ý với mẹ. Nó hi vọng một phép màu.
Phép màu tránh nó. Giọng bố còn nghiêm hơn cả mọi ngày.
"Ăn cơm xong bố con mình nói chuyện".
"Dạ", nó nhai cơm mà như gắp rơm bỏ vào miệng.
Giờ G đã điểm. Bố con nó ngồi ở cái bàn ngoài hiên. Mẹ cùng mấy bà trong xóm đi họp chi hội.
Đèn ngoài hiên yếu quá, thỉnh thoảng lại lập lòe như con đom đóm. Bố chậm rãi uống trà, vừa đặt chén xuống bàn, nó đã sốt sắng: "Bố để con rót thêm cho nhé", rồi nhanh nhẩu cầm lấy cái chuyên. Bố nhìn nó tủm tà tủm tỉm, có lẽ giờ bố mới nhận ra đứa con út vụng thối vụng nát nhà mình cũng đã có chút người lớn.
"Con không biết chú Quý nhỉ?"
Hazz, bố nhắc đến chú Quý, chắc là muốn lấy đứa con trai chú ấy làm gương cho nó đây. Nó lúc lắc cái đầu: "Con chỉ biết chú ấy là bạn thuở nhỏ của bố thôi".
"Ừ, ngày xưa bố với chú ấy như hình với bóng".
Bạn nối khố của bố, bảo sao bố nhắc chú ấy hoài. Mà lạ, không phải chuyện về con trai chú Quý: "Chú ấy mồ côi bố mẹ từ nhỏ, ở với ông bà nội. Ông của chú Quý là thầy giáo Cảnh dạy Văn, bố hay lân la sang nhà nghe thầy ngâm thơ, kể chuyện. Thi thoảng bố cũng ngẫu hứng làm vài bài. Thầy bảo bố rất có tố chất trở thành nhà thơ".
Nó xuýt xoa, quên béng cả nỗi canh cánh trong lòng: "Vậy hả bố, thế mà con chưa bao giờ được đọc thơ của bố cả".
Bố cầm chén trà, mắt nhìn xa xăm, sao nó thấy giống mấy bậc thi sĩ trên phim thế, giá mà có thêm ánh trăng. Nhưng không phải, bố đang hồi tưởng: "Nhà ông bà con nghèo lắm, có khi ba ngày liền bố chỉ biết đến rau lang nấu lèo tèo vài hạt cơm. Lớn rồi bố đi bộ đội, ra quân thì lao mình đi làm, cầm lấy cây bút là chữ nghĩa nó bay đi đâu hết".
Nó thấy tiếc hùi hụi. Ngày xưa mà bố quyết tâm, thì giờ có phải nó là con của nhà thơ rồi không?. Ồ mà nói dại, bố thành nhà thơ nổi tiếng, làm sao gặp được mẹ, lấy đâu ra nó.
"Chú Quý thì chả thích văn thơ gì hết, chú ấy chỉ suốt ngày tháo tháo lắp lắp máy móc. Thầy Cảnh hiền như thế mà nhiều lần phải dùng roi mây để trị chú ấy cái tội làm hỏng quạt điện, máy bơm nhà hàng xóm".
Thời đó mấy thứ ấy quý giá thế nào, chú ấy cũng nghịch ghê. Tai nó lại dỏng lên nghe bố kể tiếp.
"Có lần, chú Quý được ông nội đưa lên phố chơi. Lúc về chú ấy hào hứng lắm, kể biết bao chuyện. Rồi chú ấy hùng hổ tuyên bố : "Sau này tao sẽ mở một cửa hàng bán xe máy, con xe nào đẹp là tao có con xe ấy". Bọn trẻ trong làng cười rộ lên, nghe như chuyện viễn tưởng. Chúng nó bảo: "Nhìn lại mày đi, cơm ăn còn chẳng đủ, bụng với lưng dính cả vào nhau mà còn bày đặt". Rồi cứ hễ thấy chú ấy dắt trâu ra đồng là bọn nó hùa vào trêu: "Ê, ông chủ, xe máy đâu mà lại đi sau đít con trâu thế này". Chú ấy nóng tính nhưng bộc trực, vỗ vỗ ngực: "Sẽ có ngày tao cho chúng mày biết"".
Nó bị câu chuyện của bố cuốn đi một cách say sưa, đột nhiên bố dừng lại làm nó sốt ruột: "Thế rồi sao hả bố?".
Bố lại nhấp một ngụm trà: "Ừ, chuyến đi vừa rồi đấy, qua mấy người bạn đồng hương, bố mới gặp lại chú ấy. Con biết không, giờ chú ấy không phải chỉ có một cửa hàng, mà là một chuỗi cửa hàng bán xe máy, ô tô, đồ điện tử các loại".
Nó reo lên thán phục: "Thật hả bố, chú ấy giỏi quá".
Bố đặt chén trà xuống, đôi mắt nhìn nó vừa nghiêm khắc, vừa bao dung: "Tại sao bố kể chuyện này cho con, con có hiểu không?".
Nó ngẫm nghĩ, gật gật rồi lại lắc lắc, nó hiểu, mà hình như cũng không hiểu lắm.
"Ngày xưa, chị con đòi thi ngành du lịch, bố không cho là bởi vì bố thấy chị con giống như bố ngày xưa, không có một mục đích rõ ràng, chỉ là adua mà thôi. Người làm cha làm mẹ, thì phải có nghĩa vụ định hướng cho con cái những bước đi đúng đắn. Nhưng con thì khác, bố thấy trong con cả một sự quyết tâm và phấn đấu".
Tâm trí nó bắt đầu quay cuồng nhảy múa. Nó có nằm mơ không?. Bố đang nói gì vậy?.
"Kẻ cắp giấc mơ của con ở khắp mọi nơi, có thể là người thân, bạn bè của con. Nhưng kẻ cắp nguy hiểm nhất lại chính là bản thân con. Một khi con đã có đam mê, có ước mơ, thì hãy giữ vững niềm tin mà theo đuổi nó".
Nó ngồi ngẩn ra. Vậy là sao?.
Niềm vui quá đỗi khiến nó mụ mị cả đi. Phải mất một lúc nó mới lấy lại tinh thần. Lòng nở đầy hoa, nó thầm thốt lên.
Bố ơi, con hiểu rồi.
Con hiểu rồi.
Nhung Phạm -150721






....