Đón ba về
Posted at 27/09/2015
172 Views
"Nhưng mà thôi, dẫu sao thì mình vẫn là con... ráng làm cho tròn bổn phận mấy anh chị à!".
***
Ngôi nhà sàn gỗ màu xanh đối diện bến sông thường ngày vắng lặng, hôm nay lại có cái gì đó khang khác. Trong nhà rất đông người, tốp đứng tốp ngồi, tốp đi vô tốp đi ra. Vậy mà ít nghe tiếng nói và tuyệt nhiên chẳng có tiếng cười, hình như gương mặt ai nhìn cũng có vẻ lóng ngóng. Phía trước, một tốp hai ba người đàn ông đang tháo bộ cửa gỗ ra khỏi nhà một cách chậm rãi. Trong nhà, vài người phụ nữ đến lau dọn tỉ mỉ chiếc giường đặt ở gian giữa. Tất cả tuyệt nhiên yên tĩnh - yên tĩnh đến lạ thường. Chỉ có tiếng lạch cạnh đều đều của những nhát búa đang tách dần hai vạt cửa và tiếng xoạt xoẹt rất nhỏ phát ra từ cây chổi hầu như lúc nào cũng di chuyển trên nền nhà. Người ta nhìn nhau bằng đôi mắt ngơ ngác, thất thần, không buồn cũng không vui. Những đôi mắt mông lung lắm! Cùng đau nhưng lại không thể cùng chia sẻ, họ chỉ biết nhìn, và lặng lẽ quay đi.
Trong đám đông ấy có hai người phụ nữ tựa tựa nhau, xê xích cỡ chừng dăm bảy tuổi. Cả hai cứ bước ra đường lóng ngóng rồi quày quả trở vô. Lại bước ra dòm ngó bâng quơ như chờ cái gì đó, không thấy gì lại trở vô. Cái nhìn của họ xa xăm, một khoảng trống chừng như chưa bao giờ lấp. Người phụ nữ độ chừng ngoài bốn mươi quay sang hỏi thằng nhỏ đứng bên cạnh:
"Mấy giờ rồi Hiệp?".
"Dạ, bốn giờ rưỡi".
"Chậc! Chiều rồi sao chưa thấy về!".
Người phụ nữ trông có vẻ lớn tuổi hơn cứ cầm cây chổi lên quét quét mấy cái rồi buông xuống. Lát sau lại cầm chổi lên quét, lại buông xuống. Hình như chị chỉ muốn tìm việc gì đó làm cho khỏi phải lóng ngóng, chứ nhà đã sạch sẽ, tươm tất từ hồi nào rồi, có gì dơ để quét đâu. Trong lòng chị ngổn ngang nhiều thứ. Là tình thương, là niềm hoài vọng, là cái đạo làm người... Và có lẽ cũng có nỗi hận!
"À! Quên nữa, ai ăn cơm thì vô trong bếp bới ăn đi!", người phụ nữ trẻ hơn nói.
Người phụ nữ lớn tuổi hơn quay phắt sang, trả lời vội vã:
"Thôi! Ai ăn uống gì vô!".
Hai người phụ nữ ấy là hai chị em ruột, nhà họ hôm nay không tiệc tùng gì cả, mà họ đang chờ đợi một người. Đó là người họ đã phải chờ suốt hai mươi năm, và vừa mới hôm qua thôi, họ hay tin người ấy sắp về. Hai mươi năm, họ chưa từng bao giờ chờ đợi hay trông ngóng. Chưa từng thắc mắc người ấy ở đâu, vì sao lại không trở về. Chưa từng nhớ nghĩ đến người ấy. Có chăng cũng chỉ là những ký ức quá mờ nhạt, trống rỗng. Vậy mà giờ đây người ấy đã về.
Người ấy là ba họ.
Suốt cả đêm qua hai người phụ nữ hầu như không chợp mắt. Mới bốn giờ sáng cả hai đã thức dậy sửa soạn vài thứ linh tinh gì đó, như là chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Mà họ có đi đâu, cũng ở nhà suốt từ sáng đến giờ đó thôi. Họ tìm lục trong ký ức của mình những hình ảnh xa xăm, cố chắp nối lại thành hình thù rõ rệt, nhưng vô ích. Tất cả ký ức ấy chừng như không còn muốn cho hai chị em lưu giữ nữa, nó đã theo thời gian, và theo má, trôi mất rồi, rất xa rồi... Người chị cứ cố tìm một việc gì đó để làm, hết nấu cơm rồi lặt rau, nhìn vào đống chén dơ liền đi xuống rửa, rửa xong nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi không biết phải làm gì nữa, ngồi thừ một góc nhà. Người em không chuẩn bị dọn hàng ra chợ bán như mọi hôm, sai thằng con tên Hiệp hết làm cái nầy lại làm cái khác, thấy nó làm không vừa ý lại chạy đến sửa. Nhà cửa được quét dọn sạch bóng, đồ đạc xếp ngay ngắn, khó tìm thấy miếng bụi nào. Hình như trong mắt họ, để đón người ấy về là phải chuẩn bị nhiều thứ lắm.
Bỗng dưng trưa nay, một cú điện thoại báo tin người mà họ chờ không còn nữa. Trời ơi! Sao vậy? Mọi người sững sờ, không tin vào tai mình được. Họ chuẩn bị nhà cửa để đón ba mình trở về bây giờ lại trở thành chuẩn bị để... làm đám tang. Những gương mặt vô hồn, rầu rĩ cứ nhìn nhau, thoáng một cái gì đó mênh mang, chơi vơi. Cô em kêu thằng Hiệp gọi điện cho các cậu, cô báo tin cho các em mình về gấp lo đám tang ba. Trong điện thoại mọi người ngớ ra: "Trời! Ba nào?".
Thì vậy, những người con trai sau nầy làm gì biết ba họ là ai, cứ ngỡ ba mình đã biệt tích đâu đó hoặc chết ở một xó xỉnh nào rồi. Vậy mà bây giờ đùng một cái, có một đàn ông ở đâu tự dưng xuất hiện rồi bắt họ phải gọi là ba. Chuyện không thể tin được, cứ như trên trời rớt xuống!
-o0o-
Ba má họ lấy nhau ai ở xóm nầy cũng cho là "xứng đôi vừa lứa". Có ngờ đâu sống với nhau gần chục năm, có với nhau được mấy đứa con, ông chồng lại trở chứng, sinh ra vợ bé vợ mọn. Rồi ông cũng cuốn gói ra đi theo ả đàn bà ấy, bỏ lại mấy má con sống trong mái nhà lụp xụp chật vật với biết bao nhiêu điều lo toan. Ba bỏ mấy má con họ từ hồi năm nảo năm nào, cũng không ai còn nhớ, và cũng chẳng ai thèm nhớ làm gì. Nghe họ hàng nói là lúc má mới có bầu thằng Út, bởi vậy sao nầy mấy đứa em trai đâu còn nhớ mặt ba.
Từ khi ông, đi ngôi nhà năm anh chị em, hai chị gái và ba em trai sống dựa vào số tiền ít ỏi của má kiếm được. Chỉ đơn giản là miếng cơm ăn cho qua ngày, mấy bộ quần áo mặc, vậy mà coi bộ cũng khó quá chừng! Hai người chị lớn cũng tìm vài việc linh tinh để phụ má kiếm đồng vô đồng ra cho mấy đứa em. Thằng con trai kế đi học, thằng kế nữa mới ba bốn tuổi suốt ngày đi chơi với đám trẻ trong xóm, còn thằng trai út nằm một mình khóc bù lu bù loa.
Má họ có một tiệm tạp hóa lụp xụp ngoài chợ. Gọi là tiệm cho sang chứ thực ra là cái chòi bán vài món lỉnh kỉnh chẳng ra gì, nhưng ai cần mua thứ gì cũng đều được đáp ứng. Nếu món hàng khách mua trong tiệm có thì bán, còn không có thì bà đi mua ở tiệm kế bên rồi về bán cho khách. Cái kiểu tạp hóa "dã chiến" hay tạp hóa "chạy giặc" nầy coi ra cũng ngộ. Lúc nào thấy tiệm vắng khách bà chạy về nhà dòm ngó đám con mình. Hai đứa con gái lớn đứa bán bánh cam bánh còng, đứa bán sơ ri đậu phộng và thằng con trai đi học đều khỏi lo, chỉ có hai thằng nhỏ phải tới lui coi sóc nhiều. Khi thấy thằng con đi long nhong ở mé đìa, bà í ới kêu lên coi chừng té, còn thằng út thì phải ru cho nó ngủ, khi nó khóc phải dỗ cho nín... Tất tả chạy ra tiệm bán rồi tất tả chạy về nhà coi chừng mấy đứa con, kể ra cũng lắm chuyện phải lo. Nhưng mà, bà vẫn làm mà không cần dựa dẫm vào ai. Bà muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng: "Không có đàn ông trong nhà, má con tôi vẫn sống được!".
Mấy chục năm trôi qua, những đứa con càng lớn cũng đồng nghĩa với người má càng già nua giữa cái cuộc sống lúc nào cũng trẻ trung, vội vã nầy. Thời gian phủ lên đôi cánh tay của bà một màu đen đúa và càng ngày càng trở nên ốm yếu, teo thắt lại như chỉ còn da với xương. Tiệm tạp hóa của bà sang lại cho người khác từ lâu lắm rồi, con cái ra làm ăn riêng, bà khỏi phải lo cho ai nữa. Mấy đứa con cũng dụng vợ gả chồng gần hết, đám cưới của họ chủ hôn không bao giờ là người đàn ông. Chỉ có bà, bà lo chu tất mọi thứ. Hình như con bà đã quên cái tiếng "ba" từ lâu lắm rồi. Mà cũng phải, mấy chục năm rồi chứ đâu phải ít, con cái trong nhà còn có người không biết mặt ba, hàng xóm dễ gì còn được mấy người nhớ về người đàn ông ấy.
Người đàn ông đó, hai mươi năm chưa một lần trở về. Hai mươi năm, gia đình năm chị em ấy chưa từng nghĩ đến "trách nhiệm" nào đó mà ba phải dành cho họ, nhưng những gia đình khác. Chưa bao giờ mơ ước rằng sẽ có một ngày ba xuất hiện, rồi cho cái bánh cục kẹo. Cũng chẳng khi nào nghĩ rằng mình cần phải có ba để cho... giống thiên hạ. Đối với họ, ba là một khái niệm xa xỉ lạ lẫm, nhưng họ cũng chẳng cần, chẳng quan tâm đến...