Insane

Bé Tơn vào lớp một

Posted at 27/09/2015

199 Views


Bé Tơn đã học xong mẫu giáo, chỉ còn ít tháng nữa là vào lớp Một. Tên thật bé là Nhân, tên ở nhà mới là Tơn. Mẹ bé đã mất cả đêm mới nghĩ ra cái tên ở nhà đó cho bé. Đặt là Tí là Tèo thì không sang, còn những tên đẹp như Tôm, như Bin thì lại sợ trùng với trẻ con hàng xóm.
***
Nên mẹ bé - một nhân viên văn phòng được trả lương bằng đôla - mới đặt tên cho bé trùng với tên của cựu Tổng thống Mỹ, Clintơn. Thế nhưng cuối cùng vì dài dòng quá nên mọi người chỉ gọi bé là bé Tơn...

Lúc đầu mẹ bé không hài lòng lắm, tên gì mà cứ Lơn Tơn Mơn, quê một cục, trái hẳn với dự định ban đầu, nhưng nghe mãi cũng thấy quen tai. Bố của bé - phó phòng của một tập đoàn chuyên kinh doanh chất tẩy rửa công nghiệp - lại thích, bởi tên này vừa dân tộc vừa hiện đại.
Có điều kiện nên bé Tơn được học trường mẫu giáo quốc tế. Giáo viên đều là người nước ngoài, trừ một số giáo viên dạy những môn liên quan đến tiếng mẹ đẻ. Bé được học tiếng Anh, được chơi các trò chơi IQ, được học vẽ, học hát học múa. Tuy rằng hơi tốn một chút, nhưng cả bố và mẹ bé đều hài lòng lắm.
Họ đã cố công làm giàu, nhưng chưa đạt được đến độ sang. Bố bé luôn tự vấn mình tại sao đến giờ này thỉnh thoảng vẫn nói e nờ thành e lờ, còn mẹ bé thì đôi khi mất ngủ vì trong cuộc họp công ty lại khiến mọi người chụm tay vào miệng chỉ bởi những từ có vần em được phát âm thành iem.
Cho nên, cả bố và mẹ bé đều hạ quyết tâm cho bé theo học trường quốc tế ngay từ tuổi mẫu giáo. Có như vậy, tiếng Anh mới ngấm vào người bé sớm hơn, cách tư duy mới cũng được bé tiếp thu sớm hơn.
Ngày đầu tiên đi học về, thấy bé dõng dạc vỗ ngực nói: "My name is Ton" mà mẹ bé mừng đến chảy cả nước mắt. Rồi đến lượt bố bé cười vang nhà khi bé chỉ thẳng tay vào mặt mà nói: "This is a papa". Phải thế chứ, đúng là người Tây dạy có khác, chứ đâu như cô giáo Anh văn trường làng, dạy cả năm mà học sinh giỏi nhất cũng chỉ đếm được từ một đến mười.
Chỉ có mẹ bé thỉnh thoảng hơi xót ruột khi đến kỳ đóng tiền. Thì bố bé gạt phắt đi:
- Mẹ Tơn ạ, cùng lắm bằng mấy bữa ăn nhà hàng chứ bao nhiêu. Anh vất vả để con mình sau này thành đạt, thì đâu có đáng gì.
- Vâng, tại em là phụ nữ mà - Mẹ bé thỏ thẻ - Thôi để em tiết kiệm cũng được, từ giờ em không dùng hàng Channel nữa, chuyển sang dùng hàng Hugo hay Hermes cho nó rẻ hơn mà vẫn giữ được tiếng là dùng hàng hiệu. Tuy như thế có khi em mất danh hiệu sành điệu dùng hàng hiệu do bọn công ty nó đặt, nhưng không sao, con cái là quan trọng nhất.
- Vớ vẩn nào - Bố bé gạt đi - Anh vất vả là cũng còn để cho em nữa đấy, em không được phép thua bố con thằng nào hết.
 Mẹ bé ôn tồn:
- Anh còn nói kiểu đó thì bao giờ sang được đây, anh phải nói khác đi, bóng bẩy hơn, hình ảnh hơn chứ.
- Ok người đẹp - Bố bé cười, vậy anh nói nhé - Không papa and children nào được phép qua mặt vợ của anh.
 Mẹ bé mỉm cười hài lòng:
- Thế mới sang anh nhỉ.
***

Một chiến dịch tìm trường cho bé Tơn được tiến hành với quy mô rộng khắp và đầy chiều sâu. Cả ngày, mẹ bé lên mạng, vào các diễn đàn dành cho phụ nữ để tìm hiểu, để xem các trường được đánh giá, được review như thế nào.
Khi đã tìm được trường, bố mẹ bé gửi niềm hy vọng mang tên ở nhà là Tơn ấy sang nhà ông bà nội. Đúng mười một giờ đêm là xuất phát. Đến nơi, hai vợ chồng trẻ không tin vào mắt mình nữa. Đã đông kín người. Đã ùn tắc cả một góc phố.
Nhanh như cắt, bố bé xuống xe: "Em đánh xe ra bãi, để anh vào, chả gì ngày còn nhỏ anh cũng là siêu sao trèo tường trốn vé xem phim".  Không đợi cho vợ nói thêm câu nào, bố bé len vào. Một vài người lầu bầu. Kệ. Miễn sao mình mua được hồ sơ cho thế hệ tương lai.
Nghĩ vậy nên chàng phó phòng trẻ hào hứng lắm. Lại len được hai người nữa, bỏ lại sau lưng tiếng càu nhàu của họ. Trâu chậm uống nước đục, có giỏi thì chen đi, bố bé tự đắc, vừa tự đắc vừa phải gồng mình lên chống chọi lại làn sóng người đang ùa đằng sau lưng.
Bỗng bố bé ngã lăn ra đất. Mặt cắm xuống. Một người đè lên. Rồi hai người đè lên. Cùng lúc, cánh cống trường đổ sập xuống... Nhưng không, anh đã kịp vùng dậy, chàng phó phòng định lao vào lần nữa. Nhưng rồi dừng lại, bởi chàng nhìn thấy một vị phụ huynh đã bị đạp ra khi cố len vào.
Bố bé thất thểu đi ra. Không ngẩng mặt lên. Phí cả một đêm xếp hàng mà công cốc. Bỗng nghe thấy tiếng gọi của mẹ bé:
- Anh ơi, em xong rồi - Vừa nói mẹ bé vừa vẫy vẫy tờ đăng ký lên.
- Sao em mua được? - Bố bé lắp bắp.
Mẹ bé cười:
- Em quên không nói cho anh, việc gì mình phải xếp hàng, đông như thế này chắc chắn là có cò có phe. Em cứ đứng đây là có người đến hỏi em mua không. Nó bán có một trăm ngàn thôi anh ạ.
***
Đến văn phòng kể chuyện đã mua được hồ sơ cho bé Tơn vào lớp một trường điểm, đồng nghiệp thán phục mẹ bé lắm. Có người còn bảo:
- Nhất chị rồi đấy, vợ chồng đều thành đạt, con cái được học trường điểm sau này dễ thi được học bổng đi du học lắm đấy.
Mẹ bé thấy hả hê trong lòng. Bỗng một nữ nhân viên - luôn là đối thủ về sự sành điệu so với mẹ bé - cười lắc đầu:
- Bạn ạ, trước kia thì đúng là trường con bạn đăng ký là nhất, giờ chỉ là nhì thôi. Tớ mới phát hiện được trường này, trên cả tuyệt vời luôn. Giáo viên trăm phần trăm ngoại quốc, hiệu trưởng nghe đâu là giáo sư hàng đầu quốc tế - Lại nói tiếp - phòng học đẹp như tranh vẽ, lại có quan hệ với nhiều đại học danh tiếng, tiêu chuẩn khó lắm đấy.
Phụ huynh phải chứng minh được thu nhập từ năm mươi ngàn đô một năm trở lên mới được đăng ký. Nhà tớ thì thu nhập cũng thường thôi, may có ông xã quen với vợ ông giáo sư, bà ấy là giám đốc, còn ông chồng là hiệu trưởng, nên mới được nhận đấy. Nghe đâu ca sỹ L cũng cho con theo học ở trường này, vừa rồi mới lớp ba mà đã được đi du lịch châu Âu vì thành tích học tập tốt.
Nghe đến đó, mặt mẹ bé sầm lại. Kiểu gì cũng phải cho con học trường này, kẻo không sau này lại mất điểm.
Chàng phó phòng gật đầu ngay tắp lự khi nghe tâm sự của vợ: "Hy sinh đời papa, củng cố đời children". Đó là châm ngôn mới của chàng.
Hai vợ chồng tra số điện thoại của bà giám đốc trên mạng, đường hoàng xin hẹn một buổi. Tưởng bà sẽ cành cao mà từ chối, ai dè bà cho một cái hẹn ở văn phòng. "Đúng là lấy chồng Tây có khác, lịch sự quá anh nhỉ" - Mẹ bé bảo. Bố bé gật đầu: "Tây mà lị".
Mẹ bé, nhanh như cắt, đặt một phong bì lên trên bàn ngay khi vào phòng bà giám đốc.
Ngay lập tức, bà bảo mẹ bé cất tiền đi, bởi đây là trường tiên tiến, không bao giờ nhận phong bì của phụ huynh. Điều này vừa làm tổn hại uy tín nhà trường, vừa làm các cháu có suy nghĩ xấu.
Bà ôn tồn nói:
- Việc cháu bé có được nhận vào trường hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực của cháu, bởi chúng tôi khuyến khích các cháu có suy nghĩ độc lập và tư duy ngay từ nhỏ.
Thật ra thì bà lấy tiền của phụ huynh làm gì, có đáng bao nhiêu đâu so với số tiền học phí hàng năm mà một gia đình công chức nghe qua có khả năng sẽ ngất lịm nếu thần kinh không vững.
Bố mẹ bé mừng lắm, ra khỏi phòng mà chưa hết lâng lâng. Mẹ bé cười:
- Thế mới là trường chứ, đến bảo vệ cũng là người ngoại quốc - Vừa nói, mẹ bé vừa chỉ tay về phía cổng. Bố bé gật đầu, chỉ băn khoăn sao Tây mà lại lùn như vậy.
***
Chiến dịch luyện cho bé kỹ năng thi vào trường hạng nhất ấy bắt đầu từ môn Văn. Chàng phó phòng bảo: "Để chắc ăn, tốt nhất mời một nhà thơ đến luyện cho con mình". Cô nhân viên văn phòng hăm hở đồng ý...