Điều ước của mùa xuân
Posted at 27/09/2015
163 Views
() Tết năm nay, Đăng cho đứa học sinh mình đang dạy kèm nghỉ sớm, chưa khi nào Đăng muốn trở về với ba như năm nay.
***
Cái Tết cuối cùng mà Đăng ăn Tết có mặt mẹ đã qua từ rất lâu rồi, ngay cả Đăng hồi ấy cũng chỉ nhớ mẹ một cách mờ mờ và nhập nhoạng.
Mẹ cắt tóc ngắn, hay đi bỏ mối hàng hóa và sau mỗi chuyến hàng về, mẹ để nguyên cái mùi mồ hôi ngai ngái mà ôm lấy Đăng vào lòng, rồi hát cho Đăng nghe nữa. Thế rồi mẹ mất vì tai nạn giao thông trong một chuyến hàng xa, để lại Đăng cho ba chăm sóc, gia đình chỉ có hai người đàn ông, năm nào Tết đến cũng vụng về, lóng ngóng. Người ngoài nhìn vào chắc cũng không khỏi thấy chênh vênh. Nhưng ba thì cứ lặng lẽ: "Có ba, có con, có cả má ở trên kia, nhà mình vẫn mãi là một gia đình mà con".
Thế nên tết năm nào ba cũng cố gắng lo cho Đăng một cái tết vẹn toàn. Dẫu cho ba còn bận với bao chuyến hàng Tết, ba cũng chỉ bán đến tầm hai tám Tết là nghỉ, rồi ba xắn tay ngay vào việc bếp núc, tảo mộ cho mẹ, sửa sang nhà cửa. Nhưng tất nhiên đó là sự vẹn toàn theo kiểu của đàn ông đón tết, ngôi nhà vắng đi bàn tay phụ nữ vẫn cứ thấy thiếu thiếu điều gì đó.
Năm ngoái, gần đến tết ba gọi điện vào hỏi han Đăng đôi điều rồi trăn trở:
- Năm nay con tranh thủ về sớm, rồi lên mộ mẹ quét dọn, chắc mấy bụi dứa dại mọc đầy chiếm hết cả lối đi trên rồi, năm nay ba yếu quá, chắc không chặt nổi!
Đăng trầm ngâm một hồi:
- Chắc con không về sớm được ba ơi, trường con thi học kỳ đến hai bảy Tết mới xong ba à!
Giọng ba bỗng chốc chùng xuống, nghe sao thương quá:
- Vậy à. Thôi để ba gắng, chắc cũng không sao, ba lo là lo vậy thôi, con cứ ở trong mà thi nhé.
Giọng Đăng nghẹn lại:
- Dạ. Hay ba để hai tám con về con làm luôn, chứ ba vậy con sợ ba mệt.
- Phải làm trước mới chuẩn bị cúng quẩy, sắm sanh trong nhà được vẹn toàn con à. Thôi để đó cho ba.
Ba cười. Đăng thấy ba cười chi mà buồn, buồn như ngọn gió khua. . .
* * *
Tết đến, việc khó khăn nhất đối với hai cha con Đăng là việc gói bánh chưng. Bác Lam hàng xóm có sang gói mẫu cho ba vài chiếc nhưng sao cái nào cha con Đăng làm ra cũng méo xệch, không vuông vức như bánh chưng mẹ làm. Ba ngồi cả buổi chiều, hì hụi chỉnh lui chỉnh tới nhưng cái bánh của người đàn ông sao khéo bằng bàn tay người phụ nữ. Đăng biết ba buồn, cứ chọc cho ba vui:
- Ba mà làm bánh là số một rồi, con với mẹ không cần đẹp, chỉ cần ngon thôi ba há.
Ba vuốt mấy cọng lạt, trầm ngâm:
- Nghĩ lại hồi xưa thấy thương mẹ con, Tết đến cứ một tay lo tất, từ gói bánh đến cúng quẩy lễ Tết, còn ba chỉ lo bù khú với bạn bè. Phải chi hồi đó ba lăng xăng vào phụ mẹ con thì giờ phải đỡ rồi không. Cái bàn tay này đầy vết chai, vết sạn vầy, bao nhiêu việc nặng không có chi làm không được, vậy mà gói mấy cặp bánh cúng mẹ con cũng chẳng ra hồn nữa.
Nhiều lúc thấy bận bịu mệt quá, Đăng bảo ba ra chợ đặt họ làm cho khỏe, nhưng mà ba gạt ngay. Ba bảo ngày xưa có mỗi mình mẹ , ấy vậy mà mâm cỗ cúng gia tiên rồi mấy món bánh mứt lặt vặt vẫn khiến mấy người khách đến nhà khen nức mũi mẹ cũng lo xong, giờ có cả hai cha con mà rề rà cả mấy ngày coi đặng không?
Đăng nghe vậy lại cười buồn, Đăng nhớ mẹ, Đăng ước mẹ đừng đi xa, mẹ chỉ về mấy ngày Tết gói bánh chưng, làm mứt, củ kiệu với cha con Đăng là Đăng mừng khôn xiết rồi. Mà hình như ba cũng có ước mong đó như Đăng, Đăng thấy ba Tết nào ngồi trông nồi bánh cũng chảy nước mắt.
Đăng nhìn ba lủi thủi một mình mà thương đến buốt lòng. Đăng học xa nhà, bà con thì lại ở xa, hàng xóm thì đâu có ai ngày nào cũng chăm chăm lo cho ba được chứ. Thương ba cô đơn, lại sợ khi trái gió trở trời, Đăng cứ nói gần nói xa chuyện ba cưới vợ mới. Nhưng mà ba cứ gạt phắt, mắt ba mỗi lần như vậy lại mờ đi:
- Ba từng này tuổi rồi còn vợ con gì. Bây giờ mà còn đi hỏi vợ người ta cười vào mặt ba. Từ giờ con đừng nhắc đến chuyện này nữa nhé, ba có con là ba vui rồi. Với lại, ba thương mẹ con, ở đây ba vui mà trên đó mẹ con buồn, ba không chịu được.
- Mẹ con dù gì cũng đã mất mười mấy năm rồi. Người sống thì vẫn phải sống cho tốt chứ ba. Thấy ba cô đơn thế này mẹ con chắc cũng buồn lắm.
- Thôi, con đâu phải là mẹ mà biết mẹ vui khi ba lấy vợ.
Thế rồi ba lại thở dài, tiếng thở dài buồn như mấy ngọn gió chướng. . . Đăng biết là ba đang nhớ mẹ. Mười mấy năm rồi còn gì, ấy vậy mà nỗi nhớ và ký ức về mẹ với ba vẫn vẹn nguyên, từng sợi tóc bạc của ba là biết bao đêm ba nhớ mẹ. Đăng thường ngồi nhìn những áng mây bay ngang trước cửa, tưởng tượng có một áng mây nào đó là mẹ. Để rồi giật mình, biết đâu sẽ có một chiều xuân Đăng chỉ còn một mình trong căn nhà nhỏ, mải miết tìm một áng mây mang dáng hình của ba. Đăng không dám nghĩ đến nó nữa, Đăng thầm ước ngày ấy đừng đến, mà có đến thì cũng lâu ơi là lâu. . .
Chiều ba mươi, mâm cơm tất niên chỉ có hai người, ba khui chai rượu thuốc uống cho ấm bụng. Dù ba đã cố cười thật nhiều, đã luôn miệng nhắc về mẹ cho nhà thêm ấm cúng. Dù Đăng đã nói rất nhiều về mấy ngày Tết, chuyện học hành ở trường cho đến máy lô hàng còn đọng lại trong năm của ba mà sao vẫn thấy nhà trống trải đến lạ lùng. Tiếng xe máy, tiếng cười đùa của con cháu mấy nhà hàng xóm tụ họp về vọng sang khiến cả hai cha con đều thấy nao nao.
Ba cười buồn:
- Mẹ con ngày xưa Tết đến cứ ưng có một chậu Thủy Tiên do chính nhà mình ghép được để trưng ba ngày Tết. Ba ngày đó cứ gạt đi, coi mấy chuyện hoa lá cành chỉ là chuyện vẽ vời. Giờ ba trồng bao năm rồi vẫn không có nổi chậu Thủy Tiên cho mẹ con ăn Tết. Năm nào cũng vậy, củ Thủy Tiên chẳng chịu ra hoa cho ba và cả mẹ con nhờ.
Đăng cất tiếng phá vỡ không khí trầm lặng đang phủ lấy bữa cơm:
- Ba, ba kể chuyện hồi xưa ba "kua" mẹ đi ba!
Ba nheo nheo mắt, nhấp ngụm rượu cười khà khà:
- Ba hồi đó nhát lắm, mẹ cọn hồi đó đi buôn hàng trên tỉnh, mà lại đi bộ, ba thấy tội nên hay cho đi nhờ, rồi ưng mẹ lúc nào nữa không hay
Đăng cười lém lỉnh:.
- Ba sướng thật, ưng được mẹ là số một rồi.
Ba cười vang bảo:
- Đúng, đúng thế?
Ba đang cười chợt thở dài, nhìn xuống chén rượu trơ đáy. Mắt ba như đọng chút nước. Đăng chợt muốn ôm ba quá chừng.
Thế đấy, bữa cơm Tất niên nào cũng bắt đầu bằng tiếng cười của hai cha con, rồi lại kết thúc bằng hình bóng của mẹ mong manh, mong manh như từng cột khói, bay lên cao rồi tan đi mất.
***
Tết năm nay, Đăng cho đứa học sinh mình đang dạy kèm nghỉ sớm, chưa khi nào Đăng muốn trở về với ba như năm nay. Lúc gọi điện về, Đăng cứ hỏi ba mãi:
- Ba thích gì con mang ra cho ba, con đi dạy thêm, cũng có chút đỉnh, coi như quà đầu năm cho ba, ba nghe?
Đăng nghe giọng ba cười trong điện thoại xen lẫn cả mấy cơn ho không dứt:
- Thôi, con cứ để tiền đó mà nộp học phí. Ba thì già rồi, có sắm sanh gì nữa đâu mà mua chứ.
Nói là nói vậy nhưng Đăng vẫn mua cho ba chiếc khăn len. À , còn cả chậu Thủy Tiên nữa, Đăng sẽ giấu ba thay nó vào cái chậu Thủy Tiên chết bẫm kia, để ba đem nó trưng lên bàn thờ mẹ, để ba vui hơn mấy ngày Tết.
Lúc về đến nhà nhìn thấy ba ngồi ngoài sân phơi mấy củ kiệu. . . Mới có vài tháng không về thăm nhà mà sao ba già đi nhiều quá, tóc bạc đi, dáng ngồi sao mà xiêu vẹo. Đăng cứ trách thời gian sao mà ác, cứ làm cho tóc ba bạc hoài.
- Thôi từ năm sau ba đừng làm mấy thứ này cho mệt. Nhà có hai người, cũng không có ai mà ba phải khổ, để con ra ngoài chợ đặt họ làm là được rồi.
Ba cười buồn:
- Ừ, ba làm năm nay nữa thôi, sang năm ba không làm nữa đâu mà con lo.
Ba cầm chiếc trẹt, lấy tay dụi mắt rồi lặng lẽ đi vào nhà, dáng ba đi sao gầy và liêu xiêu quá.
Tối đó, Đăng đợi ba ngủ say, lén đem chậu Thủy Tiên đặt vào chỗ cái chậu Thủy Tiên cũ, ba ngày mai chắc mừng lắm.
Sáng sớm, Đăng ngủ dậy đã thấy ba ngồi uống trà trước cửa. Giả vờ không biết, Đăng loay hoay ra ngoài ban công rồi la lớn:
- A, chậu Thủy Tiên ra hoa rồi nè ba, vậy là năm nay mẹ về ăn Tết với cha con mình vui lắm nè.
Ba cười lớn:
- Ừ, hai chậu hoa đẹp thế này, chắc mẹ con vui lắm.
- Sao lại là hai chậu hả ba? Đăng ngạc nhiên nhìn ba không hiểu.
Ba cười nhẹ rồi dẫn Đăng ra nhà kho, một chậu Thủy tiên vàng rực đang khoe sắc thật đẹp.
- Năm nay ba mượn chú Đức mấy cuốn sách về hoa, rồi về mày mò cấy ghép, chăm chút nó. Giờ thì nó ra hoa rồi. Ba sợ để nó ngoài ban công họ lấy mất nên đem vào đây. Ba cũng biết con sợ ba buồn, mua chậu hoa khác thay thế, như vậy là năm nay mẹ con có hai chậu hoa ăn Tết, kể cũng vui.
Đăng xấu hổ gãi gãi đầu:
- Ba này...
Ba cười lớn, chưa khi nào Đăng thấy ba cười vui như thế này kể từ khi mẹ mất. Chắc mẹ cũng vui lắm, cả Đăng nữa...