Chuyện những lối mòn

Posted at 27/09/2015

148 Views


Tôi có thói quen thường ghi lại những ý tưởng hay, những sự kiện và những danh ngôn mà mình thích để rồi chiêm nghiệm như xem bản đồ trên chặng đường đời quanh co khúc khuỷu.
***
Một trong những "bửu bối" ấy là câu chuyện về một trận cờ vua.
Cách đây nhiều năm, trong giải cờ vua thế giới, đấu thủ tên là Frank Marshall gặp một cao thủ người Nga. Trong ván quyết định, Marshall thấy quân hậu của mình đang lâm nguy. Có vài nước để hậu tẩu thoát, và vì quân hậu có vai trò cực kỳ quan trọng nên khán giả đoán rằng Marshall sẽ "sơ tán" hậu.

Trong thâm tâm, Marshall đã tận dụng mọi thời gian có thể có để quan sát cán cân lực lượng. Anh nhấc quân hậu lên, ngập ngừng, rồi đặt nó xuống một vị trí cực kỳ... vô lý, một vị trí mà nó có thể dễ dàng bị xơi tái bởi một trong ba quân đen. Marshall đã hy sinh quân hậu trong một nước bất ngờ, ở tình huống tuyệt vọng. Khán giả và đối thủ Marshall ngỡ ngàng.
Thế rồi mọi người nhận ra rằng Marshall đã đi một nước cờ "tuyệt chiêu". Bây giờ, dù cho quân hậu có bị mất hay không, đối thủ của Marshall đã rơi vào thế bất lợi. Cuối cùng, thấy không thể lật ngược thế cờ, đấu thủ này đã xin hàng.
Đối với tôi, vấn đề không phải ở chỗ là Marshall đã thắng, cũng không phải là anh đã có một nước đi thần kỳ, mà điều quan trọng là anh đã dám vượt qua khỏi đường mòn của lối chơi chính thống.
Cách đây năm năm, khi còn là giáo viên môn nghệ thuật, tôi đã sử dụng Tinkertoys (một thứ đồ chơi lắp ráp) để trắc nghiệm khả năng sáng tạo của sinh viên.
Một hôm, tôi đưa cho mỗi sinh viên một hộp Tinkertoys với lời hướng dẫn sơ sài: "Bạn hãy ghép một vật gì đó trong 45 phút mỗi ngày". Một vài sinh viên tỏ ra thụ động, họ chờ xem những người khác sẽ làm như thế nào, số khác lại làm theo những mẫu đã hướng dẫn sẵn, nhóm còn lại làm theo ý của chính họ.
Thường thì có ít nhất một sinh viên chẳng làm theo ai cả và anh ta vơ những vật rải rác quanh mình để ghép luôn vào hình ghép: bút chì, dải băng, kẹp giấy vở...

Thực tình, tôi rất khoái những sinh viên này, đây là những người hứa hẹn có nhiều sáng tạo trong công việc, anh ta sẽ là người trợ giảng không tuyên bố của tôi vì chính anh ta là người có khả năng gây hứng khởi sáng tạo cho những sinh viên khác.
Khi tôi hỏi về sự sáng tạo các sinh viên này đã trả lời tỉnh queo: "Ơ! Em có sáng tạo gì đâu ạ!". Hình như đó là lối suy nghĩ bẩm sinh của họ.
Vào một ngày hè oi bức, tại một bến cảng ở bờ biển Hy Lạp, tôi chui dưới chái một lều bạt để tránh cái nắng cháy da và luôn tiện kiếm thứ gì đó uống cho đỡ khát. Đám đông, trong đó có cả khách du lịch, cùng nhau làm cho bầu không khí như đặc quánh lại, sự bực bội như chực nổ tưng.
Ngồi cạnh tôi là hai cô cậu trông khá xứng đôi. Cả hai ăn mặc đúng thời trang mùa hè, đồ lanh và sandal da. Trong khi chờ đợi thức uống, họ rủ rỉ vào tai nhau, cười khúc khích, cứ y như là đôi chim cu. Bỗng nhiên họ đứng dậy, bê luôn cái bàn nhảy qua kè cảng rồi đặt xuống chỗ nước cạn của bến cảng.
Cậu con trai lội lên bờ xách thêm hai cái ghế. Họ ngồi xuống, ngâm mình trong nước trước sự vỗ tay tán thưởng, tiếng cười và lời chúc mừng của những người chứng kiến. Anh bồi với bộ mặt cáu kỉnh xuất hiện, nhướng mày ngạc nhiên giây lát rồi như chợt hiểu ra, anh ta vơ lấy chiếc khăn trải bàn, bộ đồ ăn rồi lội đến chỗ đôi nọ. Mấy phút sau, anh ta mang đến một cái khay, một xô đựng mấy chai champagne ướp lạnh và hai cái ly.
Họ nâng cốc chúc mừng nhau, đám đông nhiệt liệt tán thưởng, ném tặng họ những bông hoa. Thêm ba chiếc bàn nữa được đặt thêm cạnh đó đã thực sự hâm nóng bầu không khí lên như một ngày hội.

Tại sao chúng ta lại cứ cắm cúi đi theo lối mòn nhỉ?






....

XtGem Forum catalog