Chiếc xe đạp và mẹ
Posted at 27/09/2015
128 Views
Tuy rằng chiếc xe đạp giờ đã cũ nhưng đối với con thì kỉ niệm giữa mẹ gắn bó bên chiếc xe đạp ấy hẳn còn tươi mới. Những kỉ niệm bé thơ lúc con còn là một thằng bé tiểu học được mẹ chở đi học bằng chiếc xe đạp cũ kĩ ấy đến trường.
***
Chiếc xe đạp cũ mèm, thân xe gỉ sét được dựng nép vào một góc tối của ngôi nhà. Cũng đã lâu rồi mẹ của con không còn sử dụng đến nữa. Chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy mấy mẹ dắt chiếc xe đạp ấy đi chợ mua mấy bó rau, mua thịt về nấu cơm cho cả nhà.
Tuy rằng chiếc xe đạp giờ đã cũ nhưng đối với con thì kỉ niệm giữa mẹ gắn bó bên chiếc xe đạp ấy hẳn còn tươi mới. Những kỉ niệm bé thơ lúc con còn là một thằng bé tiểu học được mẹ chở đi học bằng chiếc xe đạp cũ kĩ ấy đến trường.
Hồi ấy, cứ mỗi buổi sáng là con lại được mẹ đánh thức để chuẩn bị đi học. Bầu trời khá xanh nhưng lẫn một màu đục của bình minh dậy trễ. Hẳn ông mặt trời cũng phải ganh tị với mẹ và con lắm vì cả mẹ và con đều dậy sớm, sớm hơn ông mặt trời để chu tất mọi thứ bắt đầu chào đón một ngày mới.
Cái buổi bình minh se lạnh cũng không thể nào dập tắt đi cái ý chí nổ lực vượt qua mọi trở ngại của ngày lao động mới đầy gian nan và thách thức. Chiếc xe đạp hồi ấy còn nguyên hẳn một màu sơn xanh rêu nhưng lại loang lỗ vì hồi ấy mẹ mua lại của một người hàng xóm tốt bụng ngả giá rẻ.
Chiếc xe đạp tuy bề ngoài có vẻ lem luốc nhưng nổi bật hơn cả là chất lượng của nó rất tốt, chiếc xe đạp mẹ chạy trông rất êm và không có một chút trục trặc gì dù là rất nhỏ. Chiếc xe đạp mới đầu được mẹ mua về không có yên sau, mỗi lần đi học thì con lại ngồi vào lòng mẹ trên cái yên nhỏ, hai chân đâu lại vào nhau vừa đau mà vừa chật chội.
Mẹ biết con không thích ngồi chật chội như thế nên đã nhờ ba đóng ngay một cái yên có lót đệm ngồi đằng sau vừa thoải mái mà vừa có chỗ ngồi rộng rãi.
Sáng con dậy sớm nên hình như còn đang say trong cơn ngủ. Con tựa đầu vào lưng mẹ đánh một giấc say trong khi mẹ đang chở con đi trên phố, lúc ấy lưng mẹ vừa ấm mà vừa êm nữa chứ, cứ như là đang nằm trên một cái gối thật êm biết sưởi ấm.
Giá như mà đoạn đường đến trường càng dài thêm, đôi chân mẹ đạp từng nhịp chậm rãi trên chiếc xe thì hay biết mấy, mẹ đánh thức con trở dậy dụi đôi mắt lem nhem ngủ gật cố giục con vào trường học. Tạm biệt mẹ, con dõi mắt theo hình bóng của mẹ cố đạp từng nhịp đạp trên chiếc xe còm cõi, tuy mẹ của con phương phi đến thế nhưng có lẽ đó là hình ảnh thân quen và gần gũi nhất đối với con trong cuộc đời.
Rồi những buổi chiều lặng lẽ trở về nhà trên chiếc xe đạp của mẹ. Dường như chẳng có một buổi chiều nào con cảm thấy buồn bã như chiều hôm ấy. Một buổi chiều tan học con ngồi đợi mẹ trên cái ghế đá trong khuôn viên trường khá lâu, mắt của con vẫn dõi ra bên ngoài cổng trường với hy vọng mẹ sẽ đến đón sớm.
Đã trôi qua hơn nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy mẹ đến, con giận lẫy ngồi trách thầm: "Trời ạ, sao giờ này mẹ vẫn còn chưa đến, bực mình quá đi mất!". Lúc ấy đôi bàn chân con cứ giậm mãi dưới đất, giãy nãy, xoay người qua lại và quyết không chịu ngồi yên trên cái ghế đá.
Đợi một hồi lâu, con thấy mẹ đạp thật chậm rãi trên chiếc xe đạp, nhòm vào cổng trường vẫy tay về phía con. Lúc ấy khuôn mặt của con cau có chắc là xấu tệ, giá mà chỉ nhếch mép cười với mẹ thôi thì con cũng cảm thấy vui rồi nhưng lúc ấy cảm xúc của con hình như không cho phép con làm thế.
Một nét mặt rũ rượi bước đến bên chiếc xe đạp nhìn mẹ trách cứ: "Sao mẹ đến trễ quá vậy? Con đợi mẹ lâu lắm luôn rồi đấy, mẹ có biết là con bực mình đến như thế nào không?". Khuôn mặt của mẹ lúc ấy buồn xo, mẹ nhìn con và nói: "Mẹ xin lỗi. Hôm nay mẹ bận lắm nên tới trường đón con trễ. Thôi, con lên xe nhanh đi, về nhà cho kịp bữa ăn tối!".
Bàn chân bên trái của mẹ hằn lên một vết tím bầm, mẹ quay đầu xe đạp một cách nặng nề, có khi tưởng như sẽ ngã sang một bên. Thấy thế, con cố phụ mẹ quay đầu xe đạp, nhìn gương mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ, con mới hỏi: "Chân của mẹ sao bị bầm tím thế? Mẹ có còn bị thương ở đâu nữa không?".
Mẹ nhìn con rồi cười xòa, lúc ấy con cảm thấy nét mặt của mẹ hình như đang cố chịu cơn đau ấy, mẹ nói: "Không sao đâu con, mẹ chị bị ngã thôi, chân của mẹ đắp thuốc chừng vài ngày là khỏi ngay thôi mà. Thôi, lên xe mẹ chở về!".
Mẹ có biết cảm giác của con lúc ấy như thế nào hay không? Lúc ấy cảm cảm thấy thẹn lắm mẹ ạ! Thẹn vì đã trách mẹ, thẹn vì không giúp được gì cho bàn chân của mẹ và càng làm mẹ đau đớn bàn chân đang bị thương hơn vì phải nhờ mẹ chở về nhà.
Cái thẹn ấy khó mà lấp đầy tâm trí của con lúc đấy. Có lẽ cái thẹn ấy khó mà thốt nên một lời xin lỗi của con vì rằng lời xin lỗi của con sẽ chẳng giúp cho bàn chân trái của mẹ đỡ đau nhức. Cổ họng con lúc ấy nghẹn ắng, con cảm thấy thẹn đến nỗi chỉ biết cúi gầm xuống đất không muốn nhìn khuôn mặt đang cố gượng chịu cơn đau của mẹ.
Chiếc xe đạp quay từng vòng xe thật đều nhưng cũng thật chậm rãi, lưng áo của mẹ ướt bết mồ hôi. Con cúi đầu áp mặt vào lưng áo của mẹ, lại cái cảm giác ấm áp ấy, mồ hôi của mẹ cũng gần gũi đấy nhưng lần này còn có cả cái vị của nước mắt. Nước mắt đấy là của con đó mẹ ạ, nó hòa vào trong từng giọt mồ hôi vất vả của mẹ trên lưng áo.
Con thầm nghĩ: "Chắc lúc ấy mẹ tưởng mình đang ngủ gật. Thôi vậy, cứ im lặng như vậy sẽ càng cảm thấy nhẹ lòng hơn.".
Chiếc xe đạp của mẹ gắn bó với thời tiểu học của con rồi cả đến cái thời cấp 2 với sự trưởng thành chớm nở ra một chút. Chiếc xe đạp ấy kể mà nói đã đi theo con qua bao nhiêu những chuyện vui chuyện buồn cùng mẹ. Chắc có lẽ giờ đây, chiếc xe đạp cảm thấy nhớ lắm những kỉ niệm ấu thơ ngọt ngào ấy, mẹ nhỉ!
Con đã trở thành một người trường thành nhưng dù thế nào thì con cũng cần có mẹ bên cạnh như một chiếc xe đạp vô hình nào đó đang chở con âm thầm trên chặng đường mà con đường ấy không có điểm dừng.
Tất cả mọi thứ con cũng đều cần có mẹ, con chỉ ước rằng chiếc xe đạp vô hình mà mẹ đang âm thầm chở con đi trên từng chặng đường sẽ vững nhịp, sẽ mãi tiến lên dù đường đi nhiều chông gai và gồ ghề khó đi biết mấy. Bàn chân của con đi chắc sẽ không nhanh nhẹn, không vững vàng bằng chiếc xe đạp của mẹ. Điều mà con cảm thấy hạnh phúc vô vàn và ngập tràn nhất là được ở gần bên mẹ mãi cùng chiếc xe đạp vô hình của mẹ.
....