Polaroid

Thằng cháu nội đích tôn

Posted at 27/09/2015

184 Views

Chú Ba dứt khoát không trở về Việt Nam đâu, cha ơi!
Cha tôi hỏi:
- Còn con thì sao? Có hối lộ cho tụi nó không?
Tôi trả lời bằng sự thật:
- Có chớ sao không, cha! Ai sao mình vậy mà; vả lại, con không muốn họ bắt chẹt, làm khó dễ tháo tung hành lý, lục lọi quà cáp của con đem về biếu cha và bà con mình.
Cậu Năm nhìn đồng hồ, rồi đến bắt tay cha và tôi, chào từ giã:
- Bây giờ tôi phải trở về Sài Gòn để còn kịp cúng giao thừa. Sáng mùng tám, khoảng giờ nầy, tôi sẽ có mặt tại đây để đón hai cháu về Sài Gòn.
Chờ khi chiếc van nổ máy, quay trở về hướng Sài gòn. Cha dẫn tôi và thằng Cường xuống bờ rạch Cái Vồn Lớn, một chiếc ghe tam bản có gắn máy đuôi tôm đang cắm sào dưới chân cây cầu dừa. Chờ mọi người xuống ghe xong, người chú họ cho nổ máy, chiếc ghe tam bản lồng lên, cất mũi, chạy ngược về phía trong rạch Cái Vồn. Hai bên bờ rạch với những xóm nhà lá mọc san sát bên nhau, nhà nào cũng đào mương, lên líp, lập vườn trồng cây ăn trái; thỉnh thoảng, mới thấy vài căn nhà ngói ba gian của các điền chủ thời xa xưa. Thằng Cường nằm trong khoang ghe, gối đầu lên cái xách tay ngủ vùi. Còn cha tôi ngồi xếp bằng trước mũi ghe yên lặng, ánh mắt đăm chiêu nhìn dòng sông cuộn chảy; thỉnh thoảng, người lại thở dài... Tánh cha tôi bảo thủ, người thất vọng vì thằng cháu đích tôn vong bản, không biết nói tiếng Việt. Còn tôi, len lén nhìn cha rồi nhớ đến người mẹ kính yêu đã quá vãng mà nước mắt bỗng trào ra.

Từ khi rời Việt Nam vào lứa tuổi thằng Cường cho mãi đến bây giờ, tôi mới có dịp ngồi trên chiếc ghe tam bản di chuyển trên dòng sông. Con rạch Cái Vồn làm tôi nhớ quá khúc sông Cần Thơ, đoạn chảy qua cầu Cái Răng đến vàm sông Ba Láng. Hồi đó, vào những mùa trăng thơ mộng, cha mẹ tôi thường dẫn tôi xuống chiếc ghe tam bản của chú Khai - người lái đò dọc - mướn chú ấy chèo ghe dọc theo sông Cần Thơ để ngắm trăng. Cha mẹ tôi rất tâm đầu ý hợp, cả hai người đều có tâm hồn nghệ sĩ và rất yêu thích Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Bản thân tôi cũng được dạy cho những kinh sống rút ra từ Truyện Kiều. Cha thường khuyên bảo: "Làm người phải giữ sao cho cái "TÂM" của mình luôn trong sáng, vì chữ "TÂM" kia mới đích thực bằng ba chữ "TÀI"đó con!" hoặc "Có tài mà cậy chi tài / Chữ tài liền với chữ tai một vần." Trong lúc chiếc ghe hơi chòng chành, lướt sóng theo nhịp chân của người lái đò dọc, cha thường ngồi trước mũi ghe thổi sáo để mẹ ngâm Truyện Kiều cho cha tôi thưởng thức...
Khoảng một giờ sau, chiếc ghe tam bản đã vào địa phận xã Thuận An, quận Bình Minh. Cha tôi nói: "Đến nhà rồi đó con! Đánh thức thằng Cường dậy."
Tôi nhìn lên trên bờ, thấy các chú bác, cô dì, bà con hai bên nội ngoại trên mươi người, đứng dọc theo con rạch Cái Vồn, trước căn nhà hương hỏa lợp ngói đỏ, gồm có ba gian để đón cha con tôi. Nhìn cái thân xác đồ sộ của tôi: cao gần 1 mét 80, nặng trên 190 pounds. Ai cũng lắc đầu, cười, nói đùa với cha tôi:
- Chắc thằng Bỉnh qua Mỹ, uống sửa...voi, sao mà nó bự con quá nè trời!
Một bà cô nhìn thằng Cường, hỏi :
- Cháu tên gì? Mấy tuổi rồi?
Thằng Cường nghe hỏi, nó trố mắt nhìn rồi lắc đầu, đáp:
- I'm very sorry! I don't understand what you say!
Cha tôi ngó thằng Cường, rồi nhìn tôi như thầm trách, nói :
- Thằng cháu nội đích tôn của tôi mất gốc rồi chị Tám ơi! Nó có nói được tiếng Việt đâu mà hỏi nó làm gì cho mệt chớ! Mà thôi, tôi mời tất cả bà con vô nhà, dùng với tôi một bữa tiệc tất niên đạm bạc, để mừng gia đình cha con chúng tôi đoàn tụ trong dịp Tết Bính Tuất.
Vừa bước chân vào trong nhà, hai cha con tôi thắp nén nhang thơm trên bàn thờ tổ tiên và quỳ lạy trước di ảnh của mẹ. Trên cái bàn tròn kê giữa nhà, mọi người trong nhà lo sắp chén đũa, một cái lẩu mắm kho và rau sống đủ loại, một cái nồi cơm còn đang bốc khói nghi ngút. Mắm kho và rau là món ăn khoái khẩu nhất của tôi từ thuở còn tắm truồng. Cha mời mọi người ngồi vào bàn. Hai cha con tôi ngồi bên phải và trái của cha già. Thằng Cường ngửi thấy mùi mắm kho là nó làm bộ nhăn mặt, lấy tay bịt mũi làm cha tôi giận tái mặt. Bỗng thấy con ruồi xanh từ đâu bay vào đậu trên bàn, nó lật đật nhảy xuống ghế, chạy đến ôm tôi cứng ngắt, sợ hãi, hét lớn:
- Daddy! Blue bee scares me!
Mọi người trên bàn tiệc cười ầm lên. Đến nước nầy, cha tôi dằn cũng hết nổi, quát:
- Thằng nhóc con! Con ruồi xanh chớ không phải con ong đâu mà mầy sợ!
Thấy ông nội nổi giận, nó lấm lét nhìn tôi như ngầm hỏi ý. Tôi bèn mỉm cười, nháy mắt, thầm nhắc tuồng cho nó. Thằng Cường hiểu ý, trở về chỗ ngồi. Bất ngờ, nó cầm chai rượu đế "Song Phú" rót vào cái ly xây chừng, hai tay kính cẩn dâng lên ông nội, rồi xổ một câu tiếng Việt rành rọt, đúng giọng, làm cha tôi chưng hững:
- Con kính dâng ông nội một ly! Con cũng nhậu với ông nội xã láng, sáng về sớm! Nhậu không say không trở về Mỹ!
Cha tôi sửng sốt, nghe thằng Cường bật nói được tiếng Việt, cha mừng đến chảy nước mắt. Người ngửa mặt lên trần nhà, cười ha hả một cách sảng khoái, rồi nói:
- Cháu nội đích tôn của nhà họ Huỳnh ta, ít ra phải như vậy mới được chớ!
Thằng Cường nó mang một kho pháo từ Mỹ về nước, chờ dịp nổ với ông nội. Nó nói:
- Ông học giả Phạm Quỳnh có nói rằng: "Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Việt Nam mình còn". Bây giờ, con đọc một đoạn Kiều gồm 4 câu, có đủ ba thứ tiếng: Việt, Hoa và Mỹ cho ông nội thưởng thức.
Cha tôi không tin, nói:
- Đâu, con đọc thử cho mọi người nghe coi! Con mà đọc được, muốn đòi cái gì ông nội cũng thưởng hết!
Thằng Cường nắm tay nội, nói:
- Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy, à nghen ông nội!
Cha tôi khoái chí, xoay người lại, nhìn lên bàn thờ như khoe với mẹ tôi:
- Bà nó ơi! Thằng cháu nội đích tôn của mình nó biết đọc thơ Kiều, còn xài cả chữ Nho với tui nữa nè bà!
Tôi nói với thằng con:
- Thôi, đọc Kiều cho ông nội thưởng thức coi.
Nó tằng hắng lấy giọng, lên gân cổ, đọc:
- "Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh/ Một, hai nghiêng nước nghiêng thành/ Sắc đành đòi "dách", tài đành họa "two"..."
Nó sợ ông nội không hiểu, liền giải thích:
- Tiếng Hoa "dách" là "một"; còn tiếng Mỹ "two" là "hai". Ông nội thua con rồi!
Cha tôi chỉ chờ có vậy, người ôm thằng cháu nội lạc loài vào lòng mà hai hàng nước mắt chan hòa vì vui mừng. Cha mắng yêu:
- Tổ cha mầy! Chơi chữ với ông Nội đó hả? Ừ, nội chịu thua rồi đó! Con muốn nội thưởng cái gì đây?
Thằng Cường bá cổ, hôn lên má của ông nội một cái chụt, nói:
- Hồi sáng đến giờ, ông nội xài xể con te tua. Bây giờ, phải bù lỗ cho con. Hôn con 10 cái đi, ông nội!
Trong lòng tràn đây hân hoan và sung sướng, cha tôi hôn chùn chụt lên hai má nó như hôn tôi lúc còn bé, rồi mời mọi người cầm đũa. Thằng Cường nó ăn mắm và rau như điên. Nó lua luôn một hơi 3 chén cơm còn khen mắm kho ngon hết sẩy, trước con mắt ngạc nhiên của mọi người.
Sau bữa cơm đạm bạc, cha tôi vuốt tóc thằng Cường, hỏi:
- Ai dạy con mấy câu thơ Kiều vậy, Cường?
- Dạ, Ba má dạy con mấy câu thơ Kiều để về Việt Nam đọc cho nội nghe chơi. Ba má còn dạy con đọc, viết tiếng Việt và cả lịch sử nước Việt Nam. Sau khi trở qua Mỹ, con sẽ viết thơ thăm ông bằng tiếng Quốc Ngữ để cho ông vui, thằng Cường còn khoe. Ông chú còn dạy con võ Vovinam Việt Võ Đạo nữa đó!
Sáng mùng 1 Tết Nguyên Đán Bính Tuất. Tất cả con cháu tụ họp nơi căn nhà hương hỏa, trước để làm lễ cúng gia tiên và sau đó chúc Tết cha tôi. Thằng Cường vận võ phục Vovinam Việt Võ Đạo, lưng thắt đai trắng. Mừng tuổi ông nội xong, nó nói:
- Tết không có lân múa. Con xin biểu diễn võ thuật cho ông nội, các ông bà, cô dì, chú bác thưởng thức.
Nói xong, thằng Cường bước ra giữa nhà, cuối đầu chào mọi người theo nghi thức con nhà võ, rồi bắt đầu thi triển quyền pháp, cước pháp . Cha tôi say sưa nhìn thằng Cường ra đòn tấn công địch nhanh lẹ, thế thủ gọn chắc và đôi lúc nhào lộn để tránh đòn và phản đòn vô cùng linh hoạt. Cuộc biểu diễn chấm dứt, mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Cha tôi ôm thằng Cường vào lòng, hỏi:
- Con học võ để đánh lộn với tụi Mỹ con, phải không Cường?
Thằng Cường lắc đầu, đáp:
- Con luyện võ Vovinam vì lòng kiêu hãnh và lòng tự hào về tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam mình, chớ không phải để đánh lộn đâu!
Lời nói đó, làm cha tôi sung sướng đến nhỏ lệ. Tôi lấy bàn tay lau những giọt nước mắt yêu thương, trân quý đó như để nó thấm vào máu thịt, cuộn chảy mãi trong dòng máu Việt Nam của tôi...
Nguyễn Vĩnh Long Hồ






....