Chiều vắng
Posted at 27/09/2015
164 Views
. Dì Thu Lý lên tiếng :
– Anh Tư à... Bữa nay em mới nhổ ba cái răng.
– ...
– Tính luôn hổm rày là bảy cái rồi đó. Thấy vậy mà già rồi...
Cậu Tư Nhớ vẫn nín thinh, hì hụi gọt đẻo, thấy mình cũng thật nhẫn tâm. Kinh kệ mỗi ngày từ chùa Phấn vọng sang cùng tấm lòng chân thật của dì Út vẫn không làm cậu nguôi đi oán hận. Cậu mà đáp tình dì chẳng phải là đã tha thứ cho nhà đó sao, ngu sao, đâu có dễ vậy.
Dì Thu Lý ngồi trên tấm ván đã cong vênh, nghe lòng trống không đã sạch sành sanh những niềm hy vọng cuối. Không biết làm sao cho hết bối rối, dì ngó quanh quất cho giống người xa lạ chơi. Dì nhìn chiếc quai nón bằng vải nhung đã phai màu treo ở đầu giường, cái áo bà ba màu bông cà bọc trong bọc nilong treo trên vách cùng với chiếc cặp đỏ bằng nỉ (Hôm chị Thu Lê theo chồng, nó chỉ vừa đủ để ba bộ đồ với cái khăn tắm, dì Út lén má xếp dùm). Dì nói bằng một tiếng nhói :
– Anh nhớ chị Ba em !?
Lần này cậu Tư Nhớ đổ quạo, vặt lại :
– Bộ tui trâu bò sao mà không biết nhớ ? Biết còn hỏi !
Ờ, thì biết. Hơn hai mươi năm rồi cậu Tư với dì Thu Lê đã không gặp lại nhau. Mỗi bận lễ Tết, hay đằng nhà bà Hai tổ chức giỗ ông Hai, cậu đứng xa xa dòm ngó, nghe nhộn nhạo từng khúc ruột. Hỏng biết cổ có về không ta ? Thằng Lụm hiểu lòng cậu, nó chạy đi coi, nó kể ở ngoài chợ người ta về nhóc. Người nào người nấy đẹp đẹp không hà, tía. Nhưng trong đám người đẹp đó không có người cậu thương, dì Ba thì không về, dì viết thơ gởi bà Hai (lá thơ đó nhòe nước mắt) thưa rằng dì chắc chẳng bao giờ về quê nữa, quay lại đó, rồi làm sao, mặt mũi nào để gặp một người. Dì viết rằng, má ơi, má đừng buồn, chừng nào nhắm mắt xuôi tay, con sẽ về để nằm trên đất nhà mình.
Câu chuyện đó dì Thu Lý kể cho cậu Tư Nhớ nghe vào một ngày mưa gió, cậu đội áo mưa lại chữ thập đỏ xã, xin được giữ một chân đạo tỳ trong đội mai táng. Ai cũng hỏi sao tự nhiên đi làm cái nghề u ám vầy, cậu cười không nói. Chỉ có một người biết, càng biết nhiều càng nghe lòng buồn nhiều.
Dì Ba Thu Lê bây giờ đã theo chồng sống ở nước ngoài, vò võ không con, dì cay đắng, "trời phạt vậy". Dì hay gởi thư, tiền và hình về nhà. Trong hình lúc nào cũng đeo nhiều đồ trang sức, mập mạp, đầy đặn, cười thật nhiều nhưng đôi mắt lại buồn thiu thỉu, luôn luôn ngó thẳng về phía trước mà ánh nhìn không có một chỗ vịn nào. Một người sống không quê hương, sống đầy mặc cảm, dằn vặt, sống mà đau đáu hoài chuyện cũ thì biết níu đâu bây giờ ?
Chiều nay ngồi trong nhà cậu Tư Nhớ, dì Út lại nhớ chị mình. Dì chợt nghe lòng quang quẻ lạ lùng, sao mình không giúp cho anh chị ấy gặp lại nhau một lần, bây giờ không làm, đợi tới chừng nào. Mình làm được mà, thí dụ như mình giả đò chết. Chị Ba Thu Lê nhất định sẽ về, sẽ gặp lại anh Tư Nhớ, dù bây giờ tóc xanh phai màu, gặp chơi vậy thôi chứ không thay đổi được gì hết. Nhưng thương nhớ nhau thì hội ngộ lúc còn đang sống, chứ đợi người âm kẻ dương làm chi... Đời vốn dĩ đâu có buồn dữ vậy.
Dì Sáu Thu Lý ngồi ở đó tới chạng vạng, không nói thêm gì nữa, chỉ đau đáu ngắm cậu Tư, lòng tràn đầy thương yêu. Lúc về, dì mới lại gần, dạn dĩ gở cây mác vót trong tay cậu ra, nắm ngay lấy bàn tay nóng rực ấy, định cười, nhưng nhớ mấy cái răng cửa vừa nhổ nên thôi. Rồi dì bảo, 'Mai mốt chế Ba về, anh Tư à. Thiệt, mai mốt này...'
Khi qua cửa dì Út Thu Lý mới hay, con mắt rửa bằng khói đã nhoè nước.
Rồi những cơn gió tháng bảy đưa tin vui đến từng mái nhà trong xóm Rạch Chùa, người ta bần thần, vậy a ? xa xứ biết bao lâu rồi, trôi dạt tận nước ngoài, cuối cùng, người con gái đó cũng về thăm lại xóm Rạch. Cậu Tư cuống quýt hỏi thằng Lụm, có đúng cổ không, mậy ? Đúng hả, về rồi hả, về một mình hả ? Vậy a ? Trời ơi! Gió thổi bời bời vào căn chòi của cậu Tư Nhớ, thốc cuộn những tàn tro xát vào những vết cắt trong lòng .
Dì Thu Lý chỉ còn làm được một chút đó cho Tư Nhớ để trả cho cậu món nợ nhà dì đã vay, để cậu gặp lại người xưa nhưng cậu đã phụ lòng, khi dì Ba Thu Lê về, tận mặt nhau, cậu lắc đầu, cười, khẳng khái "Em Lê đâu có già, đâu có mập ú ù u như vầy". Cả ba người quay lưng lại với nhau, bưng mặt khóc, thương cho tuổi thanh xuân đã qua mất rồi.
Nguyễn Ngọc Tư
....