Lamborghini Huracán LP 610-4 t

Yêu nhầm chị hai được nhầm em gái [Ver 2]

Posted at 25/09/2015

513 Views

!

Trông thấy người này có vẻ còn tử tế hơn, tôi hừ mũi không đáp, nhưng lão mập lại quát:

- Tụi mày sẽ đi tù hết, con tao không có tội, nó còn nhỏ, hắc hắc !

Dường như sự việc đã quá mức ồn ào ngoài dự kiến, các vị công an vội đứng ra vãn hồi tình hình, nhưng lão mập khốn nạn lại được nước quát to hơn như thị uy:

- Con tao không có tội gì hết, thằng kia chết là do nó tới số !

Vừa nghe xong câu đó thì cả chú của Sơn đen lẫn A Lý, bác ba gác cũng đều không thể đứng yên mà lao ngay đến, nhưng lần này họ lại bị đội công an tại hiện trường cản ra. Phải mất đến vài phút sau khi công an cho biết họ sẽ tạm giữ luôn những ai cố tình gây náo loạn tại đây thì tình hình mới dịu bớt trở lại, nhưng lão mập kia thì vẫn còn hổ báo, cậy quyền mà chẳng thèm coi luôn cả cái đồn công an đó ra gì:

- Tụi bây thả con tao ra đi, tụi nó không có tội, thả ra !

Lúc này, Tiểu Mai mới lên tiếng, nàng nhẹ nhàng nói nhưng vẫn siết chặt tay tôi như để tôi không được mất bình tĩnh thêm nữa:

- Bác đừng nói vậy, có tội hay không sẽ do tòa án xét xử công bằng !

- Lại đến con nhỏ này thích xía vào à ? Con nhãi ? – Lão mập gằn giọng.

- Ông nói ai…. ! – Tôi vụt nhào tới nhưng Tiểu Mai lại siết chặt tay tôi hơn nữa.

Đến khi yên chắc rằng tôi không bước được thêm nữa, Tiểu Mai mới ôn nhu tiếp lời:

- Bác bảo là hai con bác không vượt đèn đỏ, không có tội, đúng không ?

- Chứ bây nghĩ sao ? – Lão mập hất hàm khinh bỉ.

- Nếu vậy thì tại sao lúc tông trúng người ta, con bác lại quay xe bỏ chạy ? – Tiểu Mai hỏi tiếp.

- Tao nói rồi, tụi nó còn nhỏ, gặp cảnh đó sẽ sợ hãi, nên chạy cũng là dễ hiểu, có gì gia đình tao sẽ quay lại đền sau, chỉ là tiền bạc thôi chứ gì ? – Lão mập phì mũi.

Và Tiểu Mai nhẹ lắc đầu, nàng đưa mắt lạnh lùng nhìn xoáy vào người phụ nữ kia:

- Nếu đúng như lời bác là con bác còn nhỏ, thì tại sao lại được phép chạy xe máy ?

- Tao……. !

- Chạy xe máy trái phép, gây tai nạn xong rồi bỏ chạy, đều là hành vi cố ý, bác biết là sai mà vẫn cố cãi ?

- …… !

Đến đây thì lão già tắc tị, ấp úng không biết phải nói gì, và anh công an lên tiếng:

- Những chuyện này lúc nãy chúng tôi cũng đã nói rồi, giờ thế này, hai bác lập biên bản kí tên vào đây, còn công an chúng tôi sẽ tạm giữ hai cậu nhà để lấy lời khai !

Vẻ như lại chạm đúng nọc, lão mập lại làm dữ lên:

- Sao không bắt cái thằng nhóc đánh tao? Nó đánh người mà…. Còng đầu nó lại !

Bị lão già chỉ thẳng mặt, tôi cố dằn lại cơn điên trong người, quay sang nói với Tiểu Mai :

- Em thả tay anh ra !

- Nhưng….. ! – Nàng run rẩy.

- Không sao, anh hứa ! – Tôi cương nghị nhìn thẳng vào mắt nàng.

Thoáng chút do dự rồi Tiểu Mai cũng buông tay tôi ra, và lúc này tôi bước đến chiếc bàn tiếp dân, nơi gia đình hai kẻ thủ ác đang ngồi:

- Nói cho hai thằng mày biết, tao thừa sức đánh chết cả hai thằng mày, đánh đến mười cái mạng cũng không sống được !

Đưa ánh mắt đỏ ngầu vừa nhìn hai thằng nhãi đang rúm người lại vì khiếp vía, tôi quay sang nhìn lão mập và vợ của hắn, gằn giọng nói từng tiếng một:

- Tôi không cần biết nhà ông giàu đến đâu, tiền nhiều đến đâu, quyền lực thế nào, chủ tịch tỉnh cái đếch gì đó… tôi không cần biết !

Hít một hơi dài, tôi nhìn cả các vị công an tại đó, rồi nghiến răng chỉ thẳng mặt lão mập:

- Giết người đền mạng, bạn tôi đã chết vì hai thằng con mất dạy của ông, đúng là luật pháp không thể tử hình tụi nó, nhưng tôi muốn cho ông biết… cả hai thằng, đều đi tù hết !

- Mày… mày nói nhảm cái gì đấy ? – Lão mập bàng hoàng nhìn tôi.

Người vợ của hắn cũng hốt hoảng, lắp bắp nói :

- Con… con nói gì vậy ? Được rồi mà…… !

Nhưng tôi không quan tâm, nhìn thẳng mặt hai thằng nhãi con cậy cha cậy mẹ đó mà nói:

- Tụi mày rồi cũng đi tù, tao báo trước !

Rồi tôi quay lưng kéo tay Tiểu Mai rời đi, lửa giận vẫn bùng lên, hận vì lúc nãy không một quyền đánh chết tốt luôn lão già xấc xược.

- Anh… đừng… em sợ… ! – Tiểu Mai nhìn tôi lo lắng.

- Mình về rồi, không sao ! – Tôi lẳng lặng đáp.

A Lý và thằng Rế chạy theo sau, tụi nó hỏi với theo:

- Nam… lúc nãy mày nói gì vậy ? Sao biết tụi nó đi tù ?

- Tao nói vậy đấy, đi tù là đi tù ! – Tôi nghiến răng kèn kẹt.

- Nhưng… nhà hai thằng đó… sợ lại đút lót rồi xử nhẹ thôi ! – Thằng Rế cắn môi nói.

- Khốn kiếp…. lúc nãy không bị cản là tao cho lão mập đó nằm viện rồi ! – A Lý thu nắm tay lại, chưa bao giờ tôi thấy thằng này nổi giận đến vậy.

Khi cả bọn trở lại về nhà Sơn đen thì đã thấy xung quanh nhà có khá đông người đến phúng điếu, và một chiếc quan tài đã được đặt vào trong nhà. Tôi nghe loáng thoáng được là ngày mai gia đình sẽ khâm liệm di thể rồi chọn ngày lành để đem chôn. Cố dằn nỗi đau, tôi quay sang nói với Tiểu Mai :

- Em xem chút nữa chở Trân về nhà giùm anh!

- Anh… đi đâu nữa ? – Nàng thảng thốt hỏi, níu tay tôi lại.

- Anh về nhà gặp ba có việc, nhờ em chở Trân về !

Không đợi Tiểu Mai đồng ý, tôi dắt xe ra ngoài rồi dặn thằng Rế canh không cho A Lý đến công an phường nữa, và cũng bảo tụi nó không được kể chuyện vừa rồi với bất kỳ ai trong băng, rồi tôi đạp xe thật nhanh về nhà.

- Con về rồi à ? - Mẹ tôi ra mở cổng.

- Dạ… ! – Tôi nhẹ gật đầu rồi dắt xe vào trong.

- Mẹ… định ngày mai sẽ qua nhà bạn con… tội nghiệp thằng bé ! – Bà lắc đầu cảm thán.

- ….. ! – Tôi thoáng khựng lại trong giây lát vì những lời mẹ nói lại cứa vào nỗi đau lòng tôi thêm một lần nữa.

Cắn môi để kềm cơn xúc động, tôi bước thẳng lên lầu :

- Ba… con có chuyện này muốn nói …!

Ba tôi đang đọc báo, ông tháo cặp kính viễn xuống rồi nhìn tôi, vẻ như cũng được mẹ tôi cho biết tình hình nên ông chỉ nói:

- Ngồi xuống đi !

- ….. ! – Tôi chầm chậm ngồi xuống ghế salon.

- Chuyện của thằng Sơn, bạn con phải không ?

- Dạ…. ! – Tôi trả lời.

- Cứ nói đi, ba nghe đây ! – Ba tôi gấp tờ báo lại, chăm chú nhìn tôi.

Vậy là đem nỗi uất ức phát tiết ra ngoài, tôi cay đắng kể lại tường tận sự việc từ chiều đến giờ, bức xúc khi nhắc lại thái độ của cái gia đình cậy quyền đó.

- Nếu chuyện này bị chìm đi, hai thằng đó nhờ tiền của ba mẹ tụi nó mà vẫn nhởn nhơ, thì… đạo lý ở đâu chứ ? – Tôi khổ sở nói.

Ba tôi im lặng một hồi, ông không nói gì mà chỉ nhìn tôi vài phút sau đó rồi mới thở hắt ra, chậm rãi nói:

- Con sau này lớn lên phải biết, đạo lý có nhiều loại, và không phải ai cũng nói được đạo lý !

- ……… !

Rồi ông đứng dậy vỗ tai tôi:

- Tắm rửa rồi ăn cơm đi, chuyện lớn thì để người lớn lo !

- Ba… vậy hai thằng gây tai nạn…. ? – Tôi ngước mắt cầu khẩn.

- Ừm…. ! – Ba tôi khẽ gật đầu rồi ông bỏ đi vào trong phòng.

Còn lại một mình, ngồi vật ra ghế, tôi đưa mắt nhìn lên trần nhà lẩm bẩm trong đầu một cách vô thức :

- “ Sơn… tao… ít nhất… cũng làm được chuyện này cho mày… ! “

Rồi gục đầu xuống bàn, nghe nghẹn lại trong cổ, thắt lại trong tim mà chẳng thể nào phát tiết được. Chiếc đồng hồ cứ tíc tắc từng hồi… từng hồi….

Một ngày của đau thương đã tắt, hai mươi bốn tiếng đồng hồ đã trôi qua…. Và nỗi đau thì vẫn còn âm ỉ mãi với những người ở lại !

Đau đến không thể nói thành lời !


Chapter 305 :

Triết lí âm dương của văn hóa phương Đông có câu “Khi cực thịnh cũng là lúc khởi suy “ mang ý nghĩa khi một điều gì đó đạt đến ngưỡng nhất định của nó và không thể tiếp tục tiến lên hay lùi xuống được nữa, thì sẽ bắt đầu quá trình ngược lại của mình. Ví dụ vương triều phong kiến nào cũng vậy, dù có hưng thịnh đến mấy thì khi đạt đến một ngưỡng rực rỡ tột bậc nào đó, nó sẽ bắt đầu suy tàn, để rồi khi đất nước suy tàn đến một mức độ không thể tồi tệ hơn nữa, nó sẽ lại phát triển đi lên từ trong tro bụi. Cũng giống như loài linh điểu Khổng Tước vậy, khi đạt đến vẻ đẹp mỹ lệ nhất trong đời nó thì sẽ tự nộ hỏa nguyên thần mà cháy thành tro, để rồi lại tái sinh trở lại với vẻ đẹp hoàn mỹ hơn trước.

Nhưng không hẳn là khi đến ngưỡng “cực thịnh “ thì sẽ tiến hành “khởi suy “ ngay, mà nó còn cần một thời gian được gọi là “hư không “. Có nghĩa khi đạt đến đỉnh điểm của cực thịnh thì tại đó sẽ là một bề mặt bằng phẳng, nơi mà mọi thứ diễn ra không có thịnh hay suy, diễn ra một cách vô thức. Và khi sự quân bình đó kéo dài được một thời gian thì sẽ tiến hành sụp xuống, đó là lúc bắt đầu “khởi suy “. Điều cốt yếu tôi muốn nhấn mạnh chính là trạng thái được gọi là hư không đó.

Tâm trạng của tôi vào những ngày diễn ra tang lễ của Sơn đen cũng hệt như vậy, luôn tồn tại ở trạng thái hư không, lơ mơ không nhận rõ được mình đang nghĩ gì và muốn gì. Những ngày ấy, buổi sáng học xong, trưa về ăn cơm thì tôi lại phóng xe ra ngoài đường, mẹ tôi có hỏi thì tôi sẽ theo phản xạ nói ngay là tôi đi học thêm, nhưng bà lại chẳng hỏi gì cả. Có lẽ, mẹ tôi cũng biết con trai mình đi đến đâu. Đúng vậy, ngày nào tôi cũng đến nhà Sơn đen từ trưa đến mịt tối mới trở về nhà trong bộ dạng buồn bã và đầy mệt mỏi.

Đoạn đường từ nhà tôi đến nhà Sơn đen không xa, giữa trời trưa nắng gắt, có những lúc tôi tưởng như khi tôi chạy xe đến nhà nó thì nó sẽ lại phóng ra đón tôi bằng một cú đấm nhẹ hều vào bụng, rồi lại khoác vai nhau đi đá bóng. Có những lúc tôi tự gạt mình trong một giấc mộng rằng Sơn đen vẫn còn sống, rằng nó chẳng phải là cái người đang nằm bất động ở kia. Thế nhưng khi đến cổng nhà nó, khi thấy những chiếc bàn tròn được kê đằng trước, chứng kiến những vòng hoa trắng xóa, tờ giấy cáo phó dán trên tường, những con người đang ngồi, đang quỳ, đang khóc, thì tôi mới biết được trở lại rằng đứa bạn thân của mình đã mất thật rồi.

Đã bao lần tôi đưa mắt nhìn vào bên trong, và tự lẩm bẩm với cỗ quan tài một mình:

- “Sơn, mày phước lớn mạng lớn mà, đừng có đùa như vậy, tao không thích đâu ! “

- “Ê thằng kia, tao nhớ ra rồi, băng “Trẻ ranh đường phố” chưa có người kế vị, tao dự định cho thằng Rế đệ tử ruột của mày nhậm chức, mày nghĩ sao? “

- “Cái thằng này, hỏi mà không nói gì hết, chán mày ghê !”

- “Bố hỏi mà không trả lời à con? Tin tao oánh mày như hồi đó không, cái hồi còn nhỏ ấy ? “

- “Cái hồi…… mày tỉnh dậy đi….. ! “

Nhưng cũng có những lúc tôi lại tự vấn một cách trái ngược:

- “Sơn, mày nằm trong đó thì đừng mở mắt ra nhé, vì tao không muốn mày thấy cảnh này đâu !”

Đúng vậy, tôi không muốn thằng Sơn chứng kiến cái cảnh mẹ nó sức yếu và ngày càng kiệt quệ vì sự ra đi vĩnh viễn của con mình, bà khóc rồi lại ngất, tỉnh rồi lại khóc, rồi lại ngồi lặng đi, đầu tóc rũ rượi, ánh mắt vô hồn nhìn di ảnh của con mình. Tôi không muốn thằng Sơn phải thấy ba nó lặng lẽ gạt nước mắt mỗi khi thằng em nó đòi anh. Tôi không muốn nó phải thấy những điều đó, phải thấy những gì tàn nhẫn nhất của cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Với tư cách là người bạn thân nhất của nó, tôi luôn túc trực bên cạnh linh cửu, chỉ trừ những lúc đi học và về nhà, còn lại tôi đều ở gần nó, nhiều khi đến nỗi có một vài người còn lầm tưởng tôi là anh em ruột với nó. Họ bảo tôi đừng buồn, họ an ủi tôi như chính tôi là người nhà của thằng Sơn, để rồi tôi lại là người đi an ủi mẹ nó, và dỗ dành em trai của nó. Tôi lấy việc đi mua nước, đi mua hương hỏa, nến thắp, làm những việc mà tôi cảm thấy là mình còn có thể làm được cho bạn mình.

Buổi sáng, tôi đi học, buổi trưa tôi về nhà ăn cơm, rồi lại chạy đến nhà thằng Sơn. Tôi cứ đi ra đi vô để góp phần vào việc lo hậu sự, tôi chỉ đạo bọn đàn em trong băng phải làm thế này thế kia.

- Thằng Tủn, mày nín anh coi nào !

- Đóm, dẫn thằng Tí về nhà đi, mẹ nó kêu kìa !

- Tối rồi, tụi mày về ăn cơm rồi học bài đi, tao ở đây được rồi !

- A Lý, sao rồi ?

Có những lúc, tôi hồi hộp mong ngóng tin của thằng Rế, vì nó liên tục bị gọi lên đồn công an để lấy lời khai.

- Sao? Có gì không ?

Thằng Rế buồn bã lắc đầu, nó bảo gia đình lão béo kia vẫn cứ hung hăng như vậy, và khăng khăng không phải lỗi của con mình. Tôi lại thất vọng, lại chờ sang ngày hôm sau, và lại thất vọng. Và ba tôi vẫn chẳng nhắc gì đến chuyện này, ông cũng im lặng.

- Thôi đừng buồn, thiên bất dung gian mà, mày về nhà đi ! – Tôi xoa đầu an ủi thằng Rế.

Nhìn dáng nó đi lững thững một cách sầu não khuất dần về phía cuối đường, tôi càng nhận rõ được rằng, mất mát này là một mất mát quá lớn lao, không chỉ là của mình tôi, mà là của rất nhiều người. Những ngày đó, tuyệt nhiên không hề có lấy một lời thăm hỏi, hay một cuộc viếng thăm nào từ gia đình lão béo. Nếu có, chỉ là một người lạ mặt nào đó ăn mặc lịch sự, tự giới thiệu là luật sư và muốn được thay mặt thân chủ để đền bù. Nhưng ba của Sơn đen từ chối hết tất cả các khoản đền bù mà không hề nhận lấy một đồng nào, ông nhất mực bảo rằng, tất cả sẽ do tòa án phán quyết.

Người luật sư bỏ về trong bực tức, tôi còn tưởng như hắn sẽ gọi gia đình lão béo đến để gây sự, tôi ước gì sẽ được như vậy, và chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại gì mà lao đến, một quyền đánh chết lão béo để trả thù cho bạn tôi. Nhưng rốt cuộc, gia đình người bị nạn vẫn chìm trong đau thương tang tóc, và gia đình kẻ gây tai nạn, lại không có đến một nén nhang nào gọi là hối lỗi.

Buổi tối, hội bàn tròn đến viếng thăm, mặt mũi thằng nào thằng nấy buồn xo, thằng Dũng xoắn bình thường láu táu là thế mà hôm nay cũng im ru.

- Vừa mới gặp mấy hôm trước, vậy mà….. ! – Luân khùng lắc đầu thở dài não ruột.

Tụi Khang mập lại càng thảm hơn khi chính tụi nó là người được Sơn đen dạy cho từng miếng võ, bày cho những chiến thuật bóng đá, đem lại cho tụi nó những tràng cười sảng khoái. Giờ đây, việc duy nhất tụi nó có thể làm cho Sơn đen chỉ là thắp một nén nhang, và ngồi tại đó với khuôn mặt sầu bi, tang tóc.

Và tôi lại là người đến an ủi từng thằng, tôi kiên cường đến mức tôi không nghĩ là tôi sẽ như vậy, đến mức thằng Tuấn rách còn ngạc nhiên khi thấy tôi lăng xăng hăng hái quá mức cần thiết. Nhưng tụi nó đâu biết, tôi đang cố làm mình bận rộn, vì chỉ cần thảnh thơi rảnh tay một phút giây thôi, là tôi sẽ lại chìm trong nỗi buồn mất bạn.

Tiểu Mai cũng thường xuyên đến viếng, có một lần nàng đi cùng với chú Ba của mình, là ba của anh Triết.

- Sao anh không nói với em? – Nàng trách khẽ tôi về chuyện tối chủ nhật vừa rồi, tôi chạy về gặp ba của mình để nhờ chuyện đòi lại công đạo.

- Thì giờ anh nói rồi đấy ! – Tôi rầu rĩ đáp vẻ như không quan tâm.

- Chú Ba là công tố viên của tòa án nhân dân tối cao, em đã kể hết với chú rồi ! - Tiểu Mai thì thầm vào tai tôi.

Tối hôm ấy, tôi nhìn Tiểu Mai bằng ánh mắt cảm kích mà tôi chưa từng nhìn, vì nàng ít nhất cũng đã mang cho tôi một chút hơi ấm hiếm hoi trong suốt những ngày lạnh giá vừa qua. Cũng ngay tối hôm đó, chú Ba đã đến nhà tôi và gặp ba tôi. Khi hai người gặp nhau, tôi thấy chú Ba khẽ cúi chào ba tôi, rồi hai người bước lên cầu thang đi vào phòng khách. Không rõ là hai người bàn chuyện gì ở trên lầu, nhưng mãi đến gần khuya thì chú Ba mới chào cả nhà tôi và ra về.

- Gì vậy ba ? – Tôi đưa mắt ngơ ngác hỏi.

- Ừm… ! – Ba tôi lẳng lặng gật đầu rồi quay vào trong.

Tôi không biết gì nhiều, và Tiểu Mai cũng chẳng biết gì hơn, nàng bảo tối hôm đó vừa về nhà thì chú Ba đã gọi điện thoại ngay cho ai đó, và đã xảy ra một cuộc tranh cãi khá gay gắt, đến nỗi chú Ba dập máy điện thoại đánh rầm một cái mà cả nhà đều nghe thấy...