Trở về và chào nhau

Posted at 27/09/2015

169 Views


Con kinh nhỏ xíu, đứng bên nầy có thể nói chuyện sang với bên kia, là minh chứng cho tình bạn của tôi và Nghi. Con kinh là "thiên đường" cho bọn trẻ trong xóm, mỗi ngày đều len lén nhìn tụi con nít đùa giỡn với nhau. Khi thì xuống kinh chỉ đơn thuần là để tắm, nhưng điều đó rất hiếm khi, đa phần là nghịch với nhau cả buổi bằng nhiều trò chơi rất "độc", chỉ có bọn trẻ chúng tôi mới nghĩ ra. Còn nhớ có lần Nghi đang giỡn với bọn trẻ dưới kinh, tôi ngồi trên bến hỏi vọng xuống - lúc nầy hai đứa vẫn còn xưng hô mày tao rất vô tư:
"Nước lớn quá, mày không sợ sao?".
"Tao biết bơi mà, sợ gì!".
"Thiệt hông?".
"Thiệt mà!".
Nghi vừa nói xong, tôi nhảy cái đùng từ trên bến xuống, bơi đến gần và kéo Nghi ra thật xa về phía đầu vàm. Nghi gượng lại, tôi càng kéo, vừa bơi vừa cười sặc sụa. Sức gượng của người phía sau từ từ nhẹ dần, nhẹ dần. Nghi suýt chết đuối. Tôi mải miết nắm tay Nghi kéo đi giữa dòng nước, khi quay lại thì nước đục ngầu đã phủ mất mái tóc Nghi, chỉ còn lại một vệt đen lờ mờ. Vội vã kéo Nghi lên khỏi mặt nước, vội vã lôi cô bé mỏng manh lên bờ, vội vã muốn cứu Nghi... Lần ấy cũng may là Nghi không sao, nhưng cô bé đã giận tôi suốt mấy tuần. Những chuyện nầy không biết Nghi còn nhớ?
Từ nhỏ Nghi đã rất mạnh mẽ, có cá tính, thích tự lập. Nghi luôn làm cho mọi người phát hoảng khi thỉnh thoảng lại đánh nhau với thằng nầy, gây gổ với thằng khác. Dĩ nhiên là ngoại trừ tôi. Nghi là đứa bạn thân - có thể nói là thân nhứt của tôi hồi đó (và có thể cả bây giờ). Cho đến bây giờ vẫn chưa có ai hiểu tôi nhiều như Nghi, và cũng chỉ có Nghi mới có thể làm cho tôi vơi đi những muộn phiền khi được cùng trò chuyện. Đôi lúc hai đứa chỉ cần nhìn nhau thôi cũng đủ hiểu nhau rồi. Có lần Nghi nói với tôi:
"Lữ à, hồi nhỏ không biết sao tao ghét mày lắm!".
"Sao ạ?".
"Đã nói là không biết mà, tao có biết đâu, chỉ tại nhìn mày tao thấy ghét ghét".
"Vậy bây giờ còn ghét nữa hôn?".
"Không, bây giờ thì hết rồi!".
Lớn lên, không biết từ lúc nào tôi không gọi Nghi bằng mày và xưng tao nữa, mà bắt đầu gọi tên. Nghi cũng thế, mỗi lần nghe tiếng "Lữ" phát ra từ miệng Nghi lại làm tôi nôn nao. Nghi đến bên cuộc đời tôi đã làm thay đổi tất cả. Đó là điều mà tôi không nghĩ đến. Không nghĩ rằng cái miệng nhỏ xinh hay cười và ánh mắt đen tròn hồn nhiên ấy lại ám ảnh lấy tôi. Không nghĩ rằng cô bé có gương mặt trắng đáng yêu ấy lại khiến cho tôi cảm thấy yên bình. Không nghĩ rằng tôi lại hiểu Nghi nhiều đến thế, nhớ Nghi nhiều đến thế.
Vậy mà tôi và Nghi lại chạy đi rất nhanh, rất xa. Mỗi đứa đi một mình trên một ngã đường riêng, và biết chắc rằng hai ngã đường ấy sẽ không bao giờ giao nhau. Đi xa quá rồi, ngoái nhìn lại, thấy đằng sau tít mù, mọi thứ đã trở nên không còn quen thuộc với mình. Đó là khi tôi nhận ra Nghi không như những cô gái khác, không có cảm tình với con trai, chỉ thích con gái. Đó là khi Nghi lựa chọn ra đi để tìm lại chính mình. Nghi là người đồng tính, là lesbian. Sững sờ. Đỗ vỡ. Trong đầu bọn trẻ thôn quê chúng tôi thời bấy giờ không có khái niệm tình yêu giữa con gái và con gái. Đó là một điều quái dị, bịnh hoạn.
"Nghi có biết mình đang làm gì không? Đó là trái với truyền thống, trái với con người, là điên rồ, là tâm thần. Nghi tưởng mình làm gì cũng luôn luôn đúng hả? Nghi dẹp cái trò đó đi, đừng để cả nhà mình bị mọi người chê cười".
Nghi không trả lời, vụt chạy đi mất.
Đó cũng là lần cuối tôi gặp Nghi.
Hôm sau không còn thấy Nghi trước nhà như mỗi sáng nữa. Nghi không trả lời vì biết rằng tôi chưa thật sự hiểu Nghi, nên có trả lời cũng vô ích. Vậy là Nghi lựa chọn ra đi, trốn chạy và bỏ lại tất cả. Năm ấy Nghi vừa mười tám tuổi. Và bây giờ, mười năm sau, Nghi đã thực sự tìm được sự ấm áp trong xứ sở của yêu thương mình từng khao khát. Nghi tìm được những hạnh phúc muộn màng, những cái run thật đều thật ấm từ trái tim con gái. Người ta nói tạo hóa trớ trêu, nhưng đôi khi cũng rất công bằng, khi để cho những yêu thương tìm đến được nhau, như Nghi. Còn đối với tôi, có lẽ chỉ cần là một người anh, để Nghi có thể tìm về sau những bấp bênh trong cuộc sống, vậy là đủ rồi. Có lẽ, Nghi chỉ xem tôi là một người anh lớn, người anh mà Nghi có thể tin tưởng, có thể vịn tay để đứng lên sau mỗi lần vấp ngã.
Những ngày tháng không có Nghi, tôi ước mình vỡ thành bọt nước, như bọt bong bóng mà ngày trước tụi con nít chúng tôi hay thổi. Như thế thì nhẹ nhàng thôi, khỏi phải mang làm chi cho nặng nhọc. Rất dễ để bay, và cũng rất dễ để chấp nhận sự kết thúc - vỡ toang, cả cái kết thúc cũng nhẹ hều vậy. Đến bây giờ tôi vẫn chưa rứt ra khỏi được cái cảm giác biến thành thứ bọt nước ấy. Nếu là bọt nước, tôi sẽ không cần phải nhớ bất cứ điều gì nữa, kể cả Nghi. Tôi sẽ bắt đầu cuộc sống mới, không lo toan, buồn phiền. Nhưng, bình yên là thứ xa xỉ đối với tôi. Khó có được quá! Xa vời quá! "Nghi - Lesbian", hai tiếng ấy cứ lặp lại một cách sóng đôi trong tâm trí tôi. Tôi đã tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi. Tại sao Nghi không là một người con gái bình thường như bao người con gái khác? Tại sao Nghi lại đến bên đời tôi? Và... tại sao tôi lại yêu Nghi? Phải chăng tôi đã quá cố chấp, ích kỷ, muốn Nghi mãi là cô học trò ngày nào, mãi là tình yêu của tôi, là thần tượng trong lòng tôi.
Mười năm cho hai cuộc hành trình, hai chặng trốn chạy, của tôi và Nghi. Chưa quá dài nhưng cũng không thể gọi là ngắn ngủi. Đã có quá nhiều biến chuyển trong mười năm qua. Tuổi hai mươi đầy rẫy những muộn phiền, biết bao phập phồng, lắm điều trăn trở. Bao bếp bênh, bao dập duềnh đến rồi đi, ít khi thấy bình yêu dẫu mình vẫn chưa có nhiều lo toan cho cuộc sống. Dẫu có đi đến cuối đường, ngoái đầu nhìn lại thì cũng vẫn chưa có gì, những ngày của chúng tôi vẫn là những ngày trẻ chông chênh. Chúng tôi đã làm được gì chứ? Tất cả, cũng chỉ mới là bắt đầu mà thôi. Đến bây giờ tôi chúng tôi vẫn là những con chim tự do chưa mỏi đôi cánh. Và, vẫn rất sợ cô đơn!
"Nghi tính ở chơi chừng nào đi?".
"Mai Nghi về Sài Gòn rồi, tính ở chơi lâu hơn nhưng công việc không cho phép".
"Ừ... vậy... mai đi mạnh giỏi nhe".
Không hiểu vì sao lúc ấy tôi lại quá hững hờ như thế. Không thể nói một câu níu kéo Nghi ở lại (dẫu biết rằng điều đó khó thể được). Không thể nói một câu bảo Nghi thỉnh thoảng hãy về thăm mình (dẫu biết rằng mỗi lần gặp Nghi lại làm tôi đau đớn thêm). Tôi lại chỉ nói ngọt xớt một câu quá "vô duyên", như muốn đuổi xua người ta đi khỏi nơi nầy. Nhưng có lẽ Nghi hiểu, mọi lời nói cũng đều sẽ là mục ruỗng!
Ngày mai Nghi đi? Bao giờ tôi sẽ gặp lại Nghi? Mà, gặp lại để làm gì nữa?
Khuya nay, khuya lang thang, tôi cho đôi chân mình tự do đi rong khắp thị trấn. Im lặng đến mức tôi có thể nghe tiếng xào xạc của gió, tiếng sóng vỗ ì oạp ngoài vàm kinh. Và, tiếng nhạc Trịnh êm êm phát ra thật nhỏ từ một ngôi nhà nào đó cuối góc phố: "Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn mờ, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn...". Trời mùa đông phương Nam se se lạnh, tôi lại nhớ Nghi quay quắt. Nhớ Nghi! Tôi chẳng biết làm gì hơn là đi lang thang rồi tự ghép nối lại những mớ kỉ niệm vụn vặt về Nghi. Nhớ Nghi! Tôi chẳng biết làm gì hơn là nghe bài hát phát ra từ góc phố nhỏ rồi khe khẽ hát theo, hy vọng rằng có ngọn gió nào đó mang những lời ca ấy đến cho Nghi...

Polaroid