Ring ring

Tôi, Em và Lão

Posted at 27/09/2015

189 Views

Em thì cho là rất bình thường.
- Bình thường! Trời ơi, tôi thật không ngờ!
... Một quầng khói thuốc nữa lại loang ra. Tấm " toan" trắng lại hút tất cả vào trong nó, cả em và cả những lời nói vừa rồi...
Tôi lặng buồn, ném điếu thuốc vào góc nhà và đứng dậy đi pha bình trà. Chợt nhìn ra cửa sổ, tôi giật mình, một cái gì giống bàn tay của ai đó đang chìa vào phòng tôi qua song cửa sổ. Định thần nhìn lại, thì ra đó chỉ là một cành cây hoa Quỳnh ngày nào tôi và em trồng để ghi nhớ ngày chúng tôi mới yêu nhau.
Chẳng hiểu sao lúc này hay vì cơn cớ gì, gió lại đẩy một nhánh của nó vào cửa sổ phòng tôi như vẫy gọi, như mời mọc tôi cuốn vào trong thời gian của nó, thời gian của ngày hôm qua. Trong cuộc sống, ngày hôm qua và ngày mai đều đẹp như nhau cả. Ngày hôm qua đẹp vì nó là cụ thể, còn ngày mai đẹp vì nó rất trừu tượng. Chỉ có ngày hôm nay là không đẹp vì nó đang phải chuyển động, phải dằn vặt, phải suy tư để dành tất cả cho ngày hôm qua và để cho cả ngày mai nữa...
***

Chiu... chiu... chiu, chiu... chiu... chiu! Tiếng một con chim Tử quy đêm bỗng cất lên nghe thật hoang vắng. Từ đâu đó rất xa, một con khác cất tiếng đáp vọng lại, nhưng những tiếng cuối, giọng của nó nghe như bị đuối đi thê thiết. Ngừng một lúc rất lâu chúng mới kêu lên lại cũng với chất giọng vẫn như thế.
Tiếng chim đêm làm tôi chợt nhớ đến con khướu em đem từ quê ra tặng tôi dạo nào. Nó vẫn còn đây, trong chiếc lồng khá đẹp mà tôi mua tận Đà Lạt đem về cho nó. Đã mấy bữa nay tôi quên hẳn nó bởi bao chuyện dồn dập trong đầu.
Tôi vội vã đứng dậy để đi làm bổn phận của một ông chủ, bỏ cho nó một chút thức ăn, một cốc nước uống. Nó ngơ ngác nhìn tôi, tôi huýt gió, nó nhảy lên nhảy xuống rồi lại đứng nhìn tôi ngơ ngác. Chắc nó chẳng hiểu được vì sao đang đêm ông chủ lại thức nó dậy, cho nó ăn và chào mời nó hót...
Tôi đã chẳng giữ được em, tưởng còn lão, nhưng mà giờ đây lão đã ra đi đột ngột làm tôi chơi vơi như tiếng những con chim Tử quy kia vừa rơi vào trong đêm thanh vắng.
Vâng, lão là một người bạn vong niên của tôi. Một nhà thơ, đúng hơn là một thi sĩ lang thang. Lão có nhà mà như không có nhà, có vợ mà như không có vợ, có bạn bè mà như không có bạn bè và lão sống mà như không sống.
Tôi nói vậy chẳng phải là ngoa ngôn bởi vì lão là như vậy, lúc nào cũng bềnh bồng trong men rượu! Sợi dây neo duy nhất của lão với cuộc đời này là tấm thẻ hội viên Hội văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Nhưng mà lão không ra đi đột ngột thì tấm thẻ đó cũng bị tước nốt bởi vì cách sống của lão.
Tôi quen với lão từ cái hồi tôi mới vào năm thứ nhất Đại Học cho tới bây giờ. Khi ấy lão đang làm người mẫu cho chúng tôi học vẽ. Nhưng rồi vì rượu nên lão mới bị "truất quyền thi đấu". Lúc tôi chưa biết gì về nghệ thuật thì lão đã có thơ đăng khắp các báo chí trên cả nước. Phải nói rằng thơ của lão rất hay, nhất là những bài viết theo thể lục bát. Tôi không biết gì về thơ nên không dám bàn về thơ của lão. Chỉ biết rằng, vì thơ nên vợ lão bỏ lão, vì thơ nên lão phải lang thang để sống, bởi mấy ai kiếm sống được bằng thơ.
Chỉ có rượu là chung thuỷ và không bao giờ bỏ lão mà thôi. Hồi lão còn làm người mẫu trong trường, mỗi lần có nhuận bút về một bài thơ nào đó là thế nào lũ chúng tôi cũng được lão khao cho một chầu luý tuý.
Khi đó bọn chúng tôi đâu có biết uống rượu, chỉ cần nhuận bút một bài thơ của lão thôi cũng đã đủ xô ngã mấy thằng sinh viên bọn tôi. Lão thân với tôi vì tôi đã ký hoạ lão một bức chân dung thật ấn tượng. Lão thích lắm, mặc dù trong bức chân dung ấy tôi chỉ vẽ lão có một con mắt. Thấy lão nâng niu bức ký hoạ như một bảo vật làm tôi cũng lấy làm hãnh diện.
Kể ra thì cuộc sống của lão cũng khá bầm dập. Nhưng với lão, lão cho là bình thường và còn vui vì được sống như thế. Từ khi vợ lão bỏ lão, lão lang thang khắp chốn, bạ đâu tạt đấy. Bạn bè lão tuy rất nhiều nhưng chẳng mấy ai cưu mang lão mãi được.
Đôi ngày, vài bữa rồi cái gì đến cũng đều mang tính tất yếu của nó. Không làm người mẫu lão mất hẳn phương tiện để sinh sống. Tuy sức dài vai rộng nhưng không có nghề ngỗng gì thì làm sao để mà kiếm ra tiền được. Đó cũng là hậu quả của cái danh xưng mà lão mang trên người lão, ai dám thuê một Nhà thơ đi làm một công việc phổ thông nào đó!
Vậy là lão cứ phải lang thang, làm được một bài thơ là lão gởi đi bốn năm toà soạn báo chí. Mà có phải bài nào cũng được đăng và tác giả nào cũng được đăng mãi. Ăn uống thất thường, sức khoẻ lão ngày càng xuống cấp.
Cuối cùng lão cũng tìm ra được một giải pháp là gặp ai quen lão liền chặn lại, chào hỏi xong là xin vài ngàn, xin mãi cũng thành quen, lão không còn thấy ngại ngùng gì nữa. Lâu rồi thì người quen lão cũng chán lão. Chính bọn tôi đôi lúc cũng mệt vì sự quấy rầy đó của lão.
Phố phường chán lão thì lão lại đi đâu đó hoặc lên chùa một thời gian. Nhờ có thơ các nhà sư trên chùa cũng quý lão, thậm chí còn động viên lão ở lại chùa, xuống tóc vừa đi tu vừa làm thơ chẳng vướng bận gì với mấy miếng ăn hớp uống, đỡ nhọc cho cái thân. Vậy mà chỉ được vài ba ngày là lão lại lò dò đi về phố.
Dường như phố phường mới là nơi chốn đi về náu thân của lão. Chỉ có ở đó lão mới được hít thở hơi thở của lão, được ăn những gì người ta cho và được "hót" lên những lời thơ của lão. Bởi lão nghiện đọc thơ giống như nghiện rượu.
Tôi có cảm tưỡng lão không được đọc thơ là lão sẽ chết, ở lão được làm thơ và đọc thơ như là niềm hạnh phúc duy nhất của lão. (Chắc còn thêm cả rượu nữa!). Ở trên chùa có lẽ không có ai chịu nghe thơ của lão nên lão mới phải về phố, (e có khi vì thiếu rượu).
Phải chăng chỉ trong môi trường quen thuộc con người ta mới được là mình, cho dù môi trường ấy chỉ như là một chiếc lồng. Vì xét cho cùng trái đất này cũng chỉ như là chiếc lồng vĩ đại nhưng lại quá chật hẹp đối với một con người có tâm hồn bồng bềnh bay bổng như lão. Có một chuyện kể ra chẳng biết là nên vui hay nên buồn.
Trong một đêm sau khi đã lang thang khắp phố đọc thơ chỗ này chỗ khác rất nhiều rồi mà dường như lão vẫn thấy chưa đã cơn "nghiện". Lão đến một cây cầu sắt bắc qua một con sông đào, nhìn lên thấy trời mây mênh mông quá, lão liền cất tiếng đọc thơ một cách thật hào sảng. Cứ như vậy lão đọc to lên những bài thơ lão viết về cuộc đời và thân phận của lão. Bất chấp trên trời dưới nước có ai nghe được hay không lão không cần biết.
Nhưng xui cho lão, đêm đó có mấy tay vạn đò neo thuyền dưới gầm cầu để nhậu nhẹt mà lão không hề biết. Bị lão quấy rầy, mấy tay vạn đò đó đã mò lên cầu túm lấy lão, dần cho lão một trận bầm tím hết cả người. Thế mới biết, không phải lúc nào thơ cũng có thể cứu rỗi được tâm hồn con người như mấy tay vạn đò đó....
Thực ra lão cũng có một gia đình đầy đủ tất cả. Một gia đình là dân nghèo thành thị đông con, chỉ mình lão được ưu tiên học hành nên mới có một chút học vấn...