Người chậm cảm

Posted at 27/09/2015

193 Views

Trời sáng nắng cũng không gắt và oi, đầu óc tôi lơ lửng với nỗi buồn như quả bóng bay khổng lồ sắp vỡ. Có lẽ tôi nên uỷ mị, cho giống những bài hát giới trẻ ngày nay bật oang oang trong quán cafe đồ uống toàn lấy từ các hộp giấy nhập từ các nơi. Nhưng có gì đó ngăn tôi lại, chưa làm tôi buồn đến thế, chưa làm tôi lo và tức giận đến thế. Sổ da, máy tính bảng, vài đồ lặt nhặt cần thiết. Phóng đến góc cafe quen có khoảng màu phối to với dãy tranh nguệch ngoạc, thế là trở về với không gian không-em một cách tự nhiên nhất.
>
- Anh là người chậm cảm, đúng không? – Em nằm ẹp xuống bàn, tay buông lơi không điểm tựa. Trên tivi đang nói về sự tăng tốc độ của nhịp sống thường ngày. Cô dẫn chương trình nói cũng nhanh không kém.
- Thế nào là chậm cảm? – Tôi xoay miếng rửa quanh vòng bát, rồi xuống đáy bát. Tuần tự một đĩa to, hai bát to, hai bát nhỏ.
- Tức là anh nghĩ thay cho cảm xúc. Anh không cảm thấy buồn cho đến khi não anh gắn cho suy nghĩ mác buồn. Hoặc là lúc xảy ra việc gì đó thì anh chưa cảm nhận được ngay, đến một lúc sau, hoặc một vài ngày sau, anh mới cảm rõ tác động của sự việc lên anh như thế nào. – Em chậm rãi giải thích, mắt lơ láo như bắt lấy từ ngữ vô hình trong không trung.
Tôi suy nghĩ về định nghĩa em đưa ra, tay cất những đồ sứ trắng mát dấp nước lên giá.
- Em lấy ví dụ được không? Thực ra mọi việc đều có mặt lý trí và cảm xúc. Nếu em định nói anh là người lí trí thì anh công nhận.
- Không. Chậm cảm khác cơ. Giống như anh bị mất một thứ quan trọng. Anh nhận thức được là anh mất nó, và những bất lợi anh phải chịu. Nhưng việc thứ đó trở thành một phần trong đời sống của anh, gắn với người, với kỉ niệm, và mất thứ đó khiến anh tiếc, anh buồn, thì phải một thời gian sau anh mới nhận ra được. Lúc đó thì đã quá muộn rồi.
- Thế lúc đó anh phải làm sao? – Tôi bật cười, cố hình dung về một thứ cụ thể mà em nhắc tới, nhưng chỉ có màu xám đục trải dài tít tắp.
- Em không biết. Có thể anh chìm trong đó, hoặc là anh lại gạt nó sang một bên, và sống tiếp. Chỉ có trong đầu anh mới biết cái gì đang diễn ra. – Em thở dài, lấy máy tính xách tay, bắt đầu loằng ngoằng với đống dây điện và giấy tờ trong cặp táp màu vàng. Vẻ như em không muốn nói tiếp nữa. Vẻ như em định kéo dài câu chuyện đến điểm quan trọng em muốn tôi phải chú ý, nhưng giữa chừng lại bỏ cuộc. Vẻ như mọi thứ cũng chỉ bâng quơ đến thế thôi.
>
Một tuần.
Tối thứ sáu lên bar trên tầng cao nhất của toà nhà trung tâm, tôi nói chuyện với người lạ có đôi mắt đánh rất khéo và những móng tay sơn màu nhũ bạc lấp lánh. Thứ sáu tuần trước, tôi và em đi dự tiệc cưới của người quen chung trên chiếc du thuyền treo đèn đủ các góc trên hồ.
Người lạ cầm cốc Martini, môi đỏ mọng như diễn viên trong tấm poster phim thập kỉ 70.
Em đi ra ngoài uống rất ít, còn ở nhà luôn kết thúc ngày bằng cốc Baileys ngập đá. Môi bao giờ cũng hơi nhợt nhạt.
Người lạ bắt đầu câu chuyện bằng đám đông xung quanh. Hấp dẫn, nhưng hời hợt. Nói là đi uống nhưng ai cũng giữ cái đầu nguội, tỉnh táo và toan tính.
Em chẳng bao giờ phán xét người khác. Em chỉ nói về tôi. Và em. Và mọi giả thuyết của xã hội áp dụng lên cá nhân. Như vơ lấy được bất cứ gì vô hình lửng lơ trong không khí, vẽ thành hình và đặt lên bàn.
Cuộc nói chuyện thành trao đổi những câu nói ẩn ý. Người lạ thi thoảng lấy bàn tay vuốt nhẹ bờ vai, như thói quen nữ tính cô độc. Cánh tay dài và nhỏ. Cô có vừa bỏ ai đi như em không?
Tôi xoay xoay điện thoại, bấm màn hình. Nhận ra hành động bất thường, tôi đành xin số người lạ như phép lịch sự. Trước khi về, cô ghé sát tai tôi, nói về bữa tiệc toàn khách mời đặc biệt tối mai. Tôi cười, quên nghĩ về em trong thoáng chốc.
"Chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả." – Tôi giật mình bởi tiếng nói em vang trong đầu. Em nói lúc nào nhỉ? Là khi bỗng nhiên em xiết tay tôi khi đôi vợ chồng mới cưới đi ngang qua với cốc vang đỏ, hay khi em bỏ đi lên đầu thuyền đầy gió và không người? Hay là khi tôi đang chìm dần vào giấc ngủ lờ mờ say? Đó có đúng là điều em nói không, tôi cũng không rõ nữa. Nhưng chỉ cần thế thôi, tôi cũng có cảm giác như ai đó đang xoắn vặn dây thần kinh, cơ chằng của cả cơ thể lại, tê buốt. Tôi lao về nhà, quăng mình lên giường. Qua cánh cửa ban công mở, tiếng nhạc jazz của nhà nào đó vang lên, hòa với tiếng tivi lộn nhộn bên dưới. Rồi ling kling ling kling. Tôi định lấy chiếc chuông gió xuống, nhưng không tài nào nhấc nổi người dậy. Chớp mắt. Một giọt nước vỡ ra, chảy xuống má. Mu bàn tay gạt qua, lấp lánh dải nước bé xíu trong đêm. Là tôi đang nhớ em sao?
Sáng tỉnh dậy mệt mỏi, bàn chải đánh răng của em vẫn để đó cả tuần nay, tôi khó chịu vô cớ ném xuống đất. Nhìn chằm chằm một lúc, tôi lại cầm lên, rửa sạch, để vào chỗ cũ.
Tôi làm bữa sáng, nhưng ngay khi cúi xuống lấy gói mì trong ngăn tủ, tôi lại gặp cái cảm giác đấy. Cảm giác em đứng ngay sau, luồn hai cánh tay nhỏ qua hông tôi ôm ngọt ngào. Tôi ngồi bệt xuống, lưng toát mồ hôi. Vậy là em không ở đây nữa. Tôi nhớ lại lần em khóc vì tôi không nói nhớ em, đoạn hội thoại về chậm cảm. Tất cả đều là dấu hiệu báo trước, vì cớ gì tôi không mảy may nghi ngờ, vì cớ gì tôi không nhận ra? Hay tôi là người chậm cảm đúng như em nói, đến giờ mới cảm thấy buồn đau vì sự bỏ đi của em, dù nhận thức đã được một tuần. Đến khi người khóc hết cả nước mắt, tôi mới bắt đầu thở dài. Nếu giờ tôi đi tìm em, để xin lỗi và xin em quay về, mọi việc có chắc là không như cũ? Nhưng dù gì, tôi cũng phải đi tìm em đã.
Thế mà tôi không tìm thấy.
Tôi đi đến chỗ tôi và em thường đến, chỗ em thường đến, mọi ngóc ngách em từng qua, từng chỗ em khen ngon và đẹp. Nhưng chẳng thấy bóng dáng em đâu cả. Tôi cũng không gặp người bạn nào của em, chính xác là tôi cũng không nhớ mặt họ như thế nào nữa. Nhiều lúc tôi khựng lại, nghĩ về em như một bản nhạc violin da diết không có hồi kết. Thi thoảng số của đôi bàn tay lấp lánh nhũ bạc lại hiện lên trong máy, nhưng tôi chẳng buồn nghe. Tôi nhớ ai đó nói tình yêu được quyết định bởi thời điểm. Nếu thời điểm sai thì người đó có phù hợp đến mấy cũng không yêu hay ở bên cạnh nhau được. Nhưng nếu như tôi là người chậm cảm, thì cái gọi là thời điểm đúng sẽ không bao giờ đến. Đi qua toà nhà có những ô cửa kính trưng bày lớn, tôi nhìn vào thấy mình mất màu. Có thể việc tôi đang làm dần trở nên vô nghĩa.
Tôi không tìm em nữa. Sau hơn một tháng, những cơn đau kí ức cũng dần biến mất.
>
- Anh có biết ưu điểm của người chậm cảm là gì không? – Em mặc chiếc váy maxi to, chỉ hở đôi vai trần và bàn chân trắng bé xíu, đung đưa trong cửa hàng cafe ngoài trời, dưới tán ô đỏ to đùng. Tôi im lặng, lắc đầu.
- Là anh không bao giờ phải chịu nỗi đau cùng lúc với người khác. Có thể anh sẽ cảm thấy sau đó rất lâu, và nỗi đau còn nguyên vẹn không thì em không chắc. – Em cười, hút một hơi nước dài, rồi ngả lưng ra sau.
- Nhưng anh phải chịu đựng một mình. Và đấy là điều cô độc nhất anh từng biết. – Tôi cố không nhấn mạnh vào từng chữ. Nói về trải nghiệm cô đơn, đâu phải là một thứ hay gì.
...
- Em đã chờ....

Teya Salat