Nắm lấy tình yêu

Posted at 27/09/2015

184 Views


 - Kế hoạch cầu hôn của anh thế nào rồi? Anh đã làm như em bảo chưa?
Anh đưa tay véo nhẹ vào khuôn mặt bầu bĩnh của Khanh:
- Trẻ con, ăn đi, toàn huyên thuyên nói chuyện người lớn.
***
Phố đã lên đèn từ rất lâu, đường dọc dài chạy thẳng tít tắp với những hàng cây hiu hắt đỏ. Mùa thu rồi. Tối, anh nhắn tin:
- Đi tìm hoa sữa nở không bé? Ở nhà để mau thành bà cố.
- Ai bảo anh, đi cùng bà cố chỉ có ông lão thôi - Khanh vùng vằng.
Nhắn thế nhưng Khanh vội vàng khoác thêm chiếc áo mỏng, với tay lấy mấy que kẹo rồi chạy vù đến cổng cơ quan anh.

Vừa hấp tấp chạy đến nơi, nhìn thấy anh, mắt Khanh nhắm tít lại.
- Quần ngố đẹp nhỉ? Ơ, thế hoá ra anh đi làm mang theo cả quần đùi đến cơ quan à.
- Hôm nào hẹn em, thì đúng là như thế. Có được không hả bé?
Khanh cười ngặt nghẽo, tay chìa ra một cái kẹo:
- Anh ăn đi cho đỡ chóng già. Trông bộ dạng anh bắt đầu khập khiễng rồi đấy.
- Anh đang còn trong thời gian bảo hành. Em không tin à, không tin lúc nào có bộ phận hư anh sẽ chỉ.
Khanh đấm thùm thụp vào lưng anh, rồi túm một vạt áo bước theo sau nhõng nhẽo. Anh vừa bỏ hai tay vào túi quần vừa bước lơ đễnh, Khanh căng mắt nhìn vào khoảng tối những hàng lá, chiếc mũi bướng bỉnh chun lại khi bắt được mùi hương ngòn ngọt quyện vào se sắt heo may.
- Đi hết cả đường rồi, có vấn đề mới tìm hoa sữa ban đêm. Nó bé tí tẹo thế.
- Em mỏi chân thì ngồi xuống đi?
Vừa nói, anh vừa cho tay vào bốn chiếc túi quần căng phồng:
- Cái này là gì? Anh cũng đi với em, mà anh hái được.
- Anh ăn gian, có bao nhiêu bông mới nở, anh hái hết sạch rồi.
Khanh ngồi bên anh, để những cánh hoa mỏng manh vào lòng bàn tay và ngụp mặt vào đấy. Mùi hăng hắc, nồng nàn của hoa quyện vào hơi đêm dinh dính.
- Em muốn ăn chè. Cứ ngửi mùi hoa sữa là em thèm lạnh.
Anh kéo Khanh đi. Đến quán chè nằm liêu xiêu trông ra bờ hồ, gió thổi làm những ngọn tóc Khanh bay loã xoã trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Cô chủ quán nhìn thấy hai đứa bê ra hai ly chè xanh đỏ. Nhanh như cắt Khanh chộp lấy cốc chè màu xanh, đẩy ly còn lại về phía anh.:
- Cứ như mọi lần thôi.
Những viên đá mát lạnh vừa chạy qua miệng, lấy được sức lực Khanh lại không cho anh yên:
- Kế hoạch cầu hôn của anh thế nào rồi? Anh đã làm như em bảo chưa?

Anh đưa tay véo nhẹ vào khuôn mặt bầu bĩnh của Khanh:
- Trẻ con, ăn đi, toàn huyên thuyên nói chuyện người lớn.
Khanh nhìn vào khoé môi biết cười của anh mà vênh mặt cãi:
- Chuyện người lớn gì chứ. Sao anh không giới thiệu chị ấy với em.
- Chị ấy bận, với lại người ta lớn rồi, chứ đâu nhí nhố giống em.
***
Lần nào gặp nhau, anh cũng chiều theo mọi yêu cầu của Khanh một cách rất ân cần. Khanh ăn một lúc hai cốc chè rồi đòi về. Họ lại đi chầm chậm ngược qua những hàng hoa sữa lúc nãy, phố khi ấy đã chẳng còn mấy người qua lại. Bỗng nhiên, có đứa bé chìa ra trước mặt Khanh bó hoa.
- Chú ơi! Mua hoa tặng cô đi chú!
- Nhưng hoa này là hoa hồng, cô không nhận được.
- Sao lại không, cô chú là một cặp đẹp đôi.
Cả hai bật cười, anh móc túi đưa vào tay thằng bé 20.000đ, nó tinh quái nháy mắt với anh rồi biến mất hút. Trước khi đi, nó còn nói với lại rất khẽ vào tai Khanh: "Rõ ràng là chị đang yêu!" Thoảng trong gió, tiếng Khanh tự hỏi lòng mình: "Ừ, nhưng làm sao mình biết sẽ yêu ai?"
***
Khanh yêu Duy? Duy và Khanh học cùng với nhau từ cấp 1, bố Duy và mẹ Khanh làm cùng cơ quan với nhau, nên hai đứa quấn quýt như con một nhà. Ngày bé, cứ một buổi bố Duy đón hai đứa đi học về, rồi một buổi đến lượt mẹ Khanh, Khanh thích ăn cơm ở nhà Duy hơn nhà mình còn Duy thì ngược lại. Cho đến tận cấp 3, bạn bè cùng lớp vẫn thấy Duy và Khanh thỉnh thoảng nắm tay nhau đi tung tăng trong trường, ai cũng nghĩ hai đứa yêu nhau.
Khanh bỏ qua mọi lời trêu chọc của bạn bè, có hề gì chứ, với Khanh, Duy quan trọng hơn một người bạn. Duy là tuổi thơ của Khanh, một khoảng trời mà không ai có thể chạm tay vào được. Nhưng Khanh không biết mình đã thích Duy theo cái cách của một người con gái nghĩ đến một người con trai chưa. Ở bên Duy, Khanh thấy mình rất vui, xa Duy, Khanh thấy nhớ, nhưng niềm vui và nỗi nhớ chưa đủ thấm thía trong lòng thì đã bị cuốn đi.

Ngày chia tay buồn nhất trong lòng Khanh là hôm tiễn chân Duy vào Thành phố Hồ Chí Minh học đại học. Ra Hà Nội được một tháng, Khanh nhận được thư Duy, Duy nói nhớ Khanh, nhớ nhiều lắm. Khanh xúc động vì tình cảm của Duy, Khanh khóc bởi vô hình nhận ra có thứ gì đó mạnh mẽ đang nảy nở bóp nghẹt trái tim và khiến Khanh lo sợ.
Đều đặn, Duy gửi thư mỗi tuần, lá nào cũng đầy ắp ân cần, nhẹ nhàng, hóm hỉnh và dễ thương như những ngày còn ở bên nhau. Khanh hí hoáy tô vẽ những bức tranh đầy mảng màu sặc sỡ, gửi kèm đủ chuyện linh tinh về Hà Nội gửi vào miền Nam cho Duy. Gần về sau, những bức thư của Duy dài hơn thường lệ, bức thư nào Duy cũng nói nhớ da diết mùa thu ngoài bắc, Duy còn bảo, muốn được nắm tay Khanh đi trên con đường đầy lá vàng như hồi còn bé.
Bức thư cuối cùng Duy bỏ lửng: "Khanh à! Khanh chờ Duy nhé, Duy sắp ra Hà nội để nói với Khanh một bí mật rồi đấy!"
Khanh đã chờ rất lâu, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng, rồi một năm, và bây giờ đã là năm cuối cùng của thời sinh viên mà Duy vẫn không ra Hà Nội như đã hứa. Duy lặng lẽ rời xa Khanh, đi xa hơn cái khoảng cách hơn 1000 cây số đường để đến một nơi xa lạ, lạnh lẽo và đơn độc. Khanh nghe người ta kể, khi Duy bị chiếc xe ô tô trượt qua người, ở túi áo ngực văng ra một hình trái tim màu đỏ, trong đó là sợi dây chuyền có dấu thập tự khắc chữ K.
Ngày hôm ấy, cách ba hôm nữa là sinh nhật của Khanh, đêm hôm ấy, Duy định bắt tàu ra Hà Nội. Nhưng bí mật đã đi theo Duy về phía đường chân trời mờ mịt, Khanh đeo sợi dây chuyền trên cổ, nhớ mãi lời Duy: "Duy sẽ tặng cho người Duy yêu nhất một sợi dây chuyền có dấu thập tự, để cầu mong an lành, để tuyên thệ với người ấy là trong lòng Duy chỉ có một mình người ấy thôi."

12h trưa anh nhắn tin hỏi: "Chiều đi với anh không? Đến một nơi này hay lắm".
Chuẩn bị chuyến hành trình, anh cẩn thận bắt Khanh bịt kín hết cả khăn nón, khẩu trang, tấm thân rộng của anh che chắn khiến Khanh chẳng còn cảm thấy gì bên ngoài. Hai tiếng đồng hồ ngồi sau lưng anh, Khanh ngủ thiếp từ lúc nào cho đến khi được anh đánh thức dậy, trước mắt Khanh bốn bề là núi, lọt thỏm một khu vườn toàn nhãn và vải thiều.
Khanh rón rén đi trên những mô đất gập gềnh, rón rén dẫm chân lên cỏ, cảm giác mới mẻ lạ lẫm hệt như người đi khám phá một vùng đất hoang. Một người phụ nữ nhỏ nhắn bước ra từ căn nhà cấp bốn được che phủ bởi những hàng nhãn xanh rì, tươi cười nhìn Khanh và anh rồi đon đả:
- Minh về rồi đấy à con? Các mẹ và các em chờ con mãi.
Anh nắm tay Khanh dẫn vào nhà. Căn nhà có bốn gian, chia đều nhau nằm thành một đường thẳng dài. Một phòng khách có nhiều đồ chơi của trẻ, trên tường chi chít những hình vẽ ngộ nghĩnh và tranh ảnh đủ màu sặc sỡ. Phòng khách được bố trí như một lớp học mầm non, ở đó có hai bà mẹ và 7- 8 đứa nhỏ quây quần chuẩn bị bữa ăn chiều. Phòng ăn nhỏ hơn nằm bên tay phải, bộ bàn ghế gỗ thấp đơn sơ và hai chiếc chiếu trúc trải trên nền nhà; phòng ngủ kế bên chỉ kê ba chiếc giường đôi sát nhau hướng đầu ra cửa sổ.
Căn phòng cuối cùng im ắng hơn cả, mùi thơm của hương trầm toả sau cánh cửa dịu dịu làm Khanh lâng lâng. Bước vào, Khanh ngỡ ngàng, trên bàn thờ là di ảnh của một người con gái trẻ có nụ cười rộng mở và dễ gần. Đôi mắt từ tốn, hiền lành trên cao nhìn xuống Khanh trìu mến. Khuôn mặt bầu bầu, mũi hơi hếch bướng bỉnh, mái tóc cắt cao ngô ngố nhưng lại toát lên vẻ nhân hậu tự nhiên – khuôn mặt người con gái giống Khanh một cách ngạc nhiên.
Khanh sững sờ vài giây, quay sang nhìn anh, Khanh thấy anh đang bối rối.
Quen nhau đã lâu, chưa bao giờ Khanh hỏi anh về cuộc sống riêng tư và cũng chưa bao giờ Khanh nghe anh nhắc đến gia đình riêng của mình. Gặp anh trong một hội chợ việc làm do khoa Khanh tổ chức, lúc đó anh là trưởng phòng nhân lực của một công ty tham gia tuyển dụng. Anh bảo anh là người Thanh Hoá, thế là thành đồng hương với Khanh, càng nói chuyện Khanh càng thấy tin tưởng và quý mến.
Nhưng chưa bao giờ Khanh dám nghĩ đến điều gì xa xôi trong mối quan hệ giữa hai người vì xung quanh anh không thiếu gì phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang và cũng vì cách anh quan tâm đến Khanh hệt như với một đứa em gái trẻ dại, cần phải dỗ dành, cần phải chiều chuộng và cũng cần bảo ban, uốn nắn.

Polly po-cket