Duck hunt

Kẻ sống chung nhà

Posted at 27/09/2015

183 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")
Nhìn bộ dạng hắn nhàu nhĩ và đau khổ cùng tận. Nước mắt đàn ông hiếm hoi rơi vì tình mới thấy tình yêu quả có sức hủy diệt ghê sợ.
***
Tôi quen hắn từ những ngày còn là học sinh cấp Ba. Hắn đến trọ ở nhà tôi khi đang là sinh viên Đại học Y. Mẹ tôi chẳng ưa gì hắn, một thằng con trai giống mọi thằng con trai nhà quê khác, trông hắn luộm thuộm và hôi hám.
Ngày trước, tôi chỉ chực cười phá lên mỗi lần mẹ la ó hắn hãy dọn dẹp phòng cho gọn gàng và đừng có để cái mùi hôi kinh khủng ấy tỏa ra trong nhà. Hắn lành như đất. Mẹ tôi mắng như cơm bữa song hắn vẫn cứ để kệ thế, cũng không phản ứng lại dù chỉ một lời cằn nhằn hay phá phách bằng việc xô đổ chậu cây ngoài ban công hoặc đổ cơm thừa xuống bồn cầu rồi gạt nước cho tắc hỏng nhà vệ sinh. Hắn chẳng bao giờ làm thế! Một biểu hiện lịch thiệp nhất trong con người của hắn đấy ư? Sự nhẫn nhịn ấy của hắn có khi làm tôi phát cáu. Nếu phải tay một đứa nóng tính như tôi, chắc tôi phải tru tréo lên mà cãi nhau tay đôi với một mụ chủ nhà ghê gớm. Chỉ có thể nói là "nếu...", còn thực tế bà ấy dù kinh khủng đến đâu thì tôi cũng không thể thay thế cách gọi "mẹ" bằng một cái tên khác.

Tôi ở kế phòng với hắn. Mẹ tôi vẫn dặn:
- Nó là con trai, mày phải kín đáo một chút, bà dặn tôi. Nhớ đóng cửa nếu ở trong phòng để tránh thằng nhãi ranh kia thập thò nhòm ngó biết chưa?
Tôi cười sằng sặc mỗi lần bà tỏ vẻ nghiêm trọng dặn dò. Lần đầu tôi nói chuyện với Hoàng. Tên của hắn là Hoàng. Gọi là nói chuyện có vẻ như làm giảm đáng kể cách định nghĩa chuẩn xác một thông ngôn. Thực ra tôi mắng xơi xơi vào hắn khi mình bị ngã sõng xoài ngoài ban công. Tôi nghĩ bụng:
- Chỉ có hắn, chỉ hắn làm đổ nước lênh láng ra đây làm mình ngã.
Tôi tru tréo lên hệt như khi mẹ tôi thường cư xử với hắn. Chắc nét tính cách đặc thù này là đặc điểm di truyền rõ rệt nhất giữa tôi và mẹ.
- Anh là loại vô ý thức. Anh làm gì để nước lênh láng ra sàn thế hả?
Hắn tỉnh bơ nói xin lỗi, cũng không hề đỡ tôi dậy. Tôi đâm ra căm ghét hắn. Khinh bạc hắn. Dường như tôi chưa tìm được lý do ngụy biện cái việc mình không tỏ ra thương yêu đồng loại như chính bản thân mình. Và tôi như điên lên khi có lần trông thấy con mèo thân yêu kêu giọng hoảng sợ, còn hắn thì thấp thểu đi vào phòng từ phía ngoài cửa, hình như là nhặt chiếc dép đi trong nhà đã dùng ném con mèo. Hắn chẳng hề yêu động vật. Thế mà hắn học bác sĩ. Hay bác sĩ chữa người khác cách đối xử với mèo? Tôi mong cho hắn bị thất nghiệp. Tôi rùng mình nghĩ đến cái lương đức nghề nghiệp của hắn khi dám cả gan mắc sai phạm tày trời - ném con mèo của tôi.
Tôi đã gọi con mèo đủ độ tha thiết, song dù thế nào nó cũng không chịu thò đầu ra. Con mèo tỏ ra hoảng sợ bao nhiêu càng chứng tỏ cú lia dép tăng thêm độ mạnh. Tôi phóng thẳng mắt vào phòng hắn không gõ cửa, trong đầu đã vạch sẵn một đoản ca chửi bới có bài bản. Thế nhưng chẳng ai đoán biết được sẽ có một tình huống quái gở nào đó đột nhiên chen ngang. Tình thế thay đổi hoàn toàn khi tôi không chửi hắn theo kịch bản chuẩn bị sẵn. Mặt tôi đỏ lựng hay tái xanh khi đó tôi cũng còn nhớ rõ, chỉ kịp hét lên một tiếng thất kinh rồi đóng rầm cửa chạy xuống dưới.
Mẹ tôi nói vọng từ tầng 3 xuống:
- Con kìa, làm gì mà mày gào lên thế? Có biết đang là buổi trưa không?
Có chết tôi cũng không dám nói với bà vì sao tôi gào lên như thế. Và cuốn nhật ký cũng không dám ghi chép lại vì sợ có ai đó vớ lấy đọc thì bẽ bàng mặt mày. Bây giờ chỉ làm cái việc thuật chuyện nên tôi chẳng phải dè dặt, giấu giếm gì. Tôi hét lên là vì lúc đó ... hắn đang thay quần. Và ít nhiều tôi cũng nhìn thấy hắn trong bộ dạng thiếu vải. Tôi ngại nhắc lại chúng một cách nguyên bản.
***
Ngày thứ Bảy tuyệt đẹp! Trời mùa hè trút xuống trận mưa đêm mát lành nên tôi tính ngủ tít đến khi mẹ gọi dậy ăn trưa. 9h sáng, tiếng gõ cửa phòng khiến tôi cáu kỉnh:
- Mẹ để con ngủ thêm lát nữa.
- Không phải bác gái. Là tôi, Hoàng đây.
Tôi mắt nhắm mắt mở nói vọng qua lớp cửa dày:
- Anh định kiếm chuyện gì vào sáng sớm thế?
Hắn ậm ừ nhát ngừng:
- Tôi có việc cần cô giúp.
Tôi khó chịu bò xuống giường quên mất trên người là quần áo ngủ mỏng manh, không bận đồ lót:
- Gì đây hả anh bạn cạnh phòng yêu dấu?
Câu nói khinh khỉnh của tôi được hắn biến tấu nâng lên thành sự hài hước. Hắn cười. Đó là lần đầu tiên tôi thấy hắn cười. Hắn không xấu. Có điều sự lầm lỳ và bừa bộn của hắn khiến mẹ tôi không ưa nổi.
- Tôi muốn mượn 500.000đ. Tôi...tôi hứa sẽ trả sớm.
- Tôi làm quái gì có xu nào mà vay? Mà anh vay làm gì thế đồ hôi hám?
Ánh mắt hắn hiện vẻ đáng thương tội nghiệp. Hắn kể ngắn gọn:
- Mẹ cô giục tiền điện nước tháng này. Tôi không còn xu nào cả. Tháng lương tiền làm thêm của tôi cũng hết rồi. Tôi chỉ mượn tạm ít ngày thôi.
- Anh biết tiêu tiền quá nhỉ? Một tháng làm mà tiêu rụi trong vài ngày sao? Tôi không dư dật để cho một kẻ không quý trọng sức lao động như anh vay đâu.
Hắn không đáp lại, quay đi. Tôi nhếch mép khinh bỉ, đóng sầm cửa lại. Tôi khát ngủ hơn việc quan tâm đến chuyện của một thằng cha thuê trọ như hắn. Hình như suy nghĩ ấy diễn ra rất ngắn.
Thế mà cũng mất 10p tôi ngồi bần thần nghĩ ngợi. Tôi bắt đầu nghĩ xem hắn phá phách gì mà hết. Chơi gái, đi bar hay mời bạn ăn uống tơi bời một trận? Không! Một con người quanh đời không hé môi trừ lúc đánh răng, ăn, uống, ngáp, may ra có thêm lúc thầy cô gọi trả bài hoặc thi vấn đáp như hắn có lẽ nào hắn có bạn bè hoặc cả những trò yêu đương? Tôi nghĩ hắn có chuyện gì đó. Tôi gõ cửa phòng. Phải đợi mất 5phút cửa phòng mới hé mở. Mắt hắn đỏ hoe. Tôi không nghĩ hắn khóc mà hỏi một câu ngây thơ:
- Vẫn còn tiền ăn mỳ tôm Hảo Hảo chua cay nên bị cay mắt cơ mà. Tôi hết biết anh luôn rồi.
Hắn không nói. Tôi ngồi xuống giường tự nhiên vì là nhà mình nhưng hành vi ngồi mép giường lại có vẻ hao hao giống chị mặt lưỡi cày trong truyện "Vợ nhặt" của ông Kim Lân trong ngày gặp bà cụ Tứ. Phải nói là căn phòng hôm nay không bừa bộn lắm! Nó gọn gàng và thơm tho lạ thường.
Tôi đưa cho hắn 700.000đ. Lần đầu tiên tôi làm cái chuyện ấy. Cái chuyện nghe tưởng là khôi hài nhất trong cuộc đời này khi một đứa con gái mang tiền nhà mình cho một thằng thuê trọ mượn để nó lại lấy số tiền ấy trao tận tay cho mình...