XtGem Forum catalog

Hoá ra từ bỏ anh không quá khó

Posted at 27/09/2015

207 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán chổi")
"Đa phần, phụ nữ khổ vì cả đời họ yêu nhất chỉ một người, dẫu có gặp hàng nghìn người, phụ nữ vẫn luôn biết người họ yêu nhất trong đời là ai. Còn đàn ông, đa phần khổ, vì có người cả đời yêu rất nhiều người, nhưng đến cuối cùng vẫn chẳng biết được người mình yêu nhất và người yêu mình nhất là ai".
- Dĩnh - 
***
Khi An rời đi tôi chẳng có cảm giác gì cả. Dĩnh hỏi: "Anh có thấy trống rỗng không?". Tôi bảo: "Trống rỗng? Anh không thấy có gì khác lạ. Chỉ là bớt đi một người sống cùng mình mà thôi". Dĩnh lại hỏi: "Mỗi đêm, anh không khi nào chợt tỉnh giấc, sờ sang gối bên cạnh, giật mình sao? Hoặc là, lúc đang tắm, bỗng nhớ ra mình quên mang khăn mặt, cất tiếng gọi: "Vợ ơi lấy anh cái khăn" rồi đợi mãi không thấy ai trả lời...". Tôi sờ lên trán Dĩnh hoài nghi: "Em nói gì nghe buồn nôn thế". Vậy là, Dĩnh sà vào lòng tôi, bật cười tanh tách: "Ối!". "Ối nghĩa là sao?". "Em vui quá". "Thật hả?". "Em cứ lo suốt. Lo anh sẽ trống rỗng"– Dĩnh dừng lại, ngón trỏ của nàng xoáy những vòng tròn nhỏ lên tim tôi: "Nhưng rõ ràng chỗ này của anh vẫn chật ních". Tôi thò tay vào túi, móc ra chiếc chìa khóa có luồn một sợi dây len màu đỏ đã hơi cũ màu, quàng vào cổ Dĩnh: "Cho em!". Mắt Dĩnh lóng lánh tựa hồ như hai hạt nước cứ lăn qua lăn lại trên một phiến lá sen xanh mướt trong một chớm mùa hạ.
Bỗng dưng, nó khiến tôi nhớ lại, khoảnh khắc tôi đưa cho An chiếc chìa khóa này, mắt nàng dường như cũng ánh lên thứ màu nước xanh non ấy. Bấy giờ, chính An đã tết sợi dây len màu đỏ này, rồi xuyên qua đầu chìa khóa và đeo lên cổ, bảo: "Dây chuyền của em, đẹp không?". Khi ấy, tôi nhớ rằng mình đã trả lời An: "An à, từ nay đây là nhà của em. Anh chỉ đánh duy nhất một chiếc chìa khóa này thôi. Không có em mở cửa anh sẽ không thể về nhà". Hơn bốn năm chung sống, một nghìn mấy trăm ngày, An chưa bao giờ cởi "sợi dây chuyền" của em ra, ngay cả khi chúng tôi làm tình, tôi thấy vướng, sợi dây dài thòng cứ đưa qua đưa lại. Tôi nói: "An, anh chóng mặt, như kiểu bị thôi miên ấy ".
Lúc An rời đi, tôi tưởng rằng em sẽ trả lại chiếc chìa khóa này cho tôi, nói vài câu giã biệt kiểu như: "Hãy kiếm một người khác thay em giúp anh mở cửa"...nhưng không. An để "sợi dây chuyền" lẫn trong hộp đồ trang sức, hệt như muốn nói với tôi, em vứt nó đi là anh tự nhặt về vậy. Tôi đã nghĩ, nhất định An sẽ dây dưa bám dính lấy tôi như một miếng keo dán, thì hẳn nhiên phải là thế, thủ tục li hôn thường rườm rà và dài dòng hơn kết hôn mà. Nhưng An lại tĩnh lặng quá đỗi, tựa như một chiếc ti vi mute tiếng mặc ý tôi điều chỉnh kênh.

Tôi gặp Dĩnh vào năm thứ hai của hôn nhân. Dĩnh chính là viên kẹo hạnh nhân ngọt ngào, còn An giống như viên ngậm ho không đường Pulmoll. Dĩnh không phải tình nhân của tôi, nàng nói thế (còn tôi không nghĩ thế). Một lần, khi tôi đang ngồi trên ghế và Dĩnh cuộn tròn trong lòng tôi, nàng dùng đầu ngón tay in họa tiết ren đen xen trắng nom đến nóng mắt, gãi gãi cằm tôi, thì thầm: "Don't forget I'm just a girl, standing in front of a boy, asking him to love her"[1'>. Ngay sau đó tôi chồm lên ôm siết Dĩnh vào lòng, vần vò đôi môi nàng đến dập nát, hài lòng nói: "As you wish"[2'>. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất Dĩnh hỏi tôi có yêu nàng không, nhưng tôi lại nghĩ rằng đó chẳng qua là một trong hàng ngàn chiêu mà Dĩnh dùng để dụ dỗ tôi ở lại qua đêm. Đối với Dĩnh, tình cảm của tôi hết sức mơ hồ và phức tạp, thi thoảng tôi nghĩ tôi yêu Dĩnh mất rồi, nhưng phần lớn thời gian tôi nắm rõ, đợi những mới mẻ này qua đi, tôi sẽ quên nàng sạch bách. Còn với An, tôi cảm thấy một sự thân thuộc đến kì lạ. Mặc dù, tôi biết chắc mình không yêu An, nhưng tôi cần cô ấy. An tĩnh lặng như những chiều chủ nhật bình yên và trầm buồn.
Ngày đầu tiên dọn đến sống cùng tôi, Dĩnh đi một vòng quanh nhà ngó nghiêng hệt chú cún nhỏ. Trong khi tôi nằm dài ngoài ban công, để mặc những bông sử quân tử màu hồng phơn phớt trắng phủ bóng lên khắp mặt như tấm khăn đen nhàn nhạt, lỗ chỗ những vết thủng bằng đầu ngón tay cái. Dĩnh dùng chân đá chiếc gạt tàn về phía tôi:
- Anh đừng phẩy tàn thuốc vung vãi khắp nơi thế.
Tôi cười hăm dọa:
- Em bắt đầu cằn nhằn?
Dĩnh tóm tất cả tóc lên, buộc lại bằng một sợi dây chun, nhưng chỉ quấn một vòng trông rất lỏng lẻo và lôi thôi:
- Em sợ anh "nhóm củi" giàn hoa rực rỡ này thôi.
Tôi nhếch khóe môi:
- Nếu thích em có thể trồng một giàn hoa khác, miễn là phủ xanh ban công. Những thứ trong nhà cũng vậy, em muốn thay đổi gì tùy ý. Đừng khác người quá là được.
- Thế mà kêu là tùy em à?
Tôi bảo:
- Không đúng à?
- Anh nói tùy em, nhưng lại nói đừng khác người quá là được. Anh thật thiếu logic. Đấy là một sự thỏa hiệp gượng gạo.
Tôi không muốn đôi co với Dĩnh, trước giờ nàng vẫn hay bắt bẻ lời nói của tôi như thế. Dĩnh ngồi xuống chiếc ghế tựa dài kê sát cạnh tôi, đấy là chỗ An vẫn hay nằm đọc sách. Trước đây, thi thoảng vào cuối tuần, chúng tôi thường nằm dài ngoài này phơi nắng. An chỉ cho tôi những bông sử quân tử lúc mới nở hoa màu trắng, sau đó dần chuyển sang hồng, khi đủ nắng cánh hoa đổi màu đỏ thắm, đôi khi tới gần lại trông có màu phớt tím, tỏa mùi thơm ngòn ngọt dụ dỗ. An ít nói, cười cũng không thật tươi, lúc khóc lại càng không rõ ràng, có đôi khi tôi không dám chắc chắn có phải An đang khóc không. Tôi bảo: "An ạ, em thử khóc một lần trút lụt như cơn mưa rào mùa hạ anh xem nào". Nhưng ngoại trừ lớp sương mờ mờ đục bao quanh đôi mắt vốn trong vắt, tôi chẳng nhìn thấy gì cả, phải, mọi thứ cứ yên tĩnh đến bực mình.
- Tại sao anh lấy "người đó"?
"Người đó" ở đây là An. Dĩnh không bao giờ gọi tên An hay một đại từ khác thay thế vừa tai hơn, lâu dầu tôi cũng không buồn để ý nữa. Cũng giống như việc, lần đầu tiên qua đêm cùng nhau, Dĩnh đã hỏi tôi: "Lúc ngủ vợ anh thường nằm bên nào?". Tôi bảo bên trái. Vậy là từ đó khi nằm cạnh nhau, Dĩnh luôn chọn bên phải. Tôi trả lời Dĩnh là vì An phù hợp. Ở tuổi đôi mươi, tôi coi ái tình là một cuộc phưu lưu bất tận và những cô gái đi ngang đời tôi chỉ là những sân ga bên đường vội vã. Một năm, rồi hai năm..., khi tôi đã qua cái tuổi ba mươi, bắt đầu mệt mỏi và rệu rã, muốn dừng chân nghỉ lại nơi nào đó thật lâu, tôi bỗng nhớ đến An. Cô ấy giống như những cây sử quân tử quấn quanh mấy hàng rào bằng sắt, bao lấy những ngôi biệt thự cổ kính nằm san sát trên đường về nhà tôi, mà mỗi lần chạy xe qua, đều không kìm nén được phải ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ để thấy những chùm hoa hững hờ đưa trước gió, nhưng đủ làm khỏa lấp cơn trống trải hoang mang trong lòng.
Dĩnh và tôi chung sống khá hòa thuận. Dĩnh không biết nấu ăn nên cả hai thường giải quyết bữa tối ở bên ngoài hoặc gọi đồ ăn mang đến tận nhà. Về việc này, tôi có một chút bất mãn nhưng chẳng làm sao được. Dĩnh làm việc cho một công ty lữ hành. Nàng bận rộn như một con quay và thường xuyên vắng nhà, lúc trở về cả người luôn trong tình trạng phờ phạc xơ xác, một ngón tay cũng không muốn động đậy. Dĩnh vốn là dân chuyên ngoại ngữ, thành tích học tập cũng không đến nỗi tệ. Cô ấy có thể nói vù vù ba thứ ngoại ngữ, vẻ ngoài cũng khá bắt mắt, nhưng không hiểu sao Dĩnh lại chọn nghề hướng dẫn viên du lịch. Có lần, Dĩnh ôm cái má sưng vù trở về nhà, nói tỉnh bơ:
- Bị khách hàng "oánh".
Tôi trợn ngược mắt. Dĩnh kể:
- Hôm nay có một tour ghép, mười một khách nước ngòai nhưng có tới tám quốc tịch, từ Sa Pa đi Bắc Hà. Có hai khách người Trung Quốc không hài lòng với xe phục vụ của công ty. Ban đầu, bọn nó gây náo loạn, em chỉ bật lại một xíu thôi – Dĩnh bấm một đốt ngón tay cười cười – Thế mà một tên liền phang ngay cho em một cái tát.
Tôi gào lên:
- Fuck fuck fuck. Em để yên à?
Dĩnh lườm tôi:
-Damn it![3'> Đợi đến Trung Chải – chỗ heo hút hẻo lánh nhất ấy, em liền đá nó xuống.
Tôi bế bổng Dĩnh lên, hôn chụt vào cái má đang tấy đỏ của Dĩnh:
- Làm tốt lắm em yêu!
Tôi thấy may mắn vì khi kết hôn với tôi, An đã nghỉ việc. Tính An vốn nhút nhát và hiền lành quá mức, nếu rơi vào trường hợp của Dĩnh, một nghìn phần trăm An bé nhỏ sẽ nhẫn nhịn chịu đựng, chắc chắn là thế. Dĩnh hỏi tôi: "Anh không thấy phiền về công việc của em chứ?". Tôi lắc đầu, tôi chẳng có bất cứ yêu cầu gì với Dĩnh, có thể vì tôi không có ý định cưới nàng. Tôi không biết vì sao mình lại có suy nghĩ ấy, mặc dù chúng tôi rất hợp nhau, mặc dù tôi đã ly hôn. Có lẽ, tôi chỉ muốn Dĩnh là tình nhân...