XtGem Forum catalog

Gió lạnh miền Nam

Posted at 27/09/2015

230 Views


"An có thể... chạm tóc Kỳ được không?"
***
Hết tiết học đầu tiên mới thấy An lững thững đi vào lớp với cái ba lô rỗng tuếch khoác lệch một bên vai nhưng hình như có vẻ rất nặng với nó. Bọn thằng Quân, thằng Vinh nhìn thấy thế liền nháy mắt nhau định sấn tới tra khảo nó xem có chuyện gì mà mấy hôm nay nó có vẻ tâm trạng quá. Nhưng nhìn cái mặt có vẻ không dễ gì bắt chuyện có nó mấy thằng lại tháo lui, không thằng này mà tức lên thì nó có thể sẵn sàng thụi cho những thằng kia vài quả đấm là nhẹ.
Mọi khi cứ vào đến chỗ ngồi là An vứt uỳnh cái ba lô lên bàn gây ra một sự chấn động không hề nhỏ cho các bàn xung quanh nhưng có vẻ như từ hôm qua đến giờ nó chỉ để cái ba lô của nó nhẹ nhàng lên bàn rồi lấy tai nghe ra gài lên tai bật nhạc và gục đầu vào cái ba lô. Chuyện thằng An hay trốn học, đến lớp muộn cũng chẳng có gì lạ, nó vẫn hay như thế nhưng đến lớp học với tâm trạng buồn bã như giờ đây không phải là phong cách của nó, tụi 11A3 chỉ thấy thằng An cáu chứ chưa bao giờ nhìn thấy nó buồn cả, thế mà mấy hôm nay nó buồn làm cả lớp sửng sốt. Bọn thằng Quân, Vinh thì chẳng biết đâu mà lần dù hai thàng ấy là bạn chí cốt của thằng An, thấy An thay đổi 360 độ nên chúng nó đột nhiên thấy không hiểu nổi bạn mình nữa.

Tiếng nhạc xình xịch vang lên nhưng An không thấy đầu óc mình quay cuồng nữa, không thấy mọi ý nghĩ lộn xộn lên như nó muốn mà đầu nó cứ trôi đi theo một dòng ý nghĩ, một cảm xúc duy nhất thứ mà nó muốn quên đi. An lặng lẽ đưa mắt nhìn lên bàn trên, chỗ ngồi ấy vẫn trống, tấm lưng mảnh mai ngày nào không còn ở đó để mà đập vào mắt nó nữa. Nó để ý thấy lớp học mấy hôm nay cũng buồn là lạ, mấy đứa nghịch ngợm nhất lớp cũng có vẻ...ngoan lạ. Nó nhắm mắt lại trong tiếng nhạc rock xình xịch vang ầm bên tai, và bỗng nó có cảm giác mắt nó ướt nó đưa tay lên dụi dụi và không hiểu nước mắt nó lại tuôn rơi từ lúc nào, nó vẫn không tin nổi là nó vừa khóc. Tiết học tiếp theo là tiết Văn, An thấy trong nòng nôn nao một cảm giác khó tả, nó ước gì thời gian trôi thật nhanh hoặc nếu nó không trôi nhanh thì nó sẽ bùng tiết. Nhưng An sợ trưa nay đi qua phố ấy, cánh cửa kia vẫn đóng, hôm qua nó đứng ngắm cái ban công của ngôi nhà đầu phố cả buổi trưa, đến tối lại ra ngóng nhưng cũng chẳng thấy gì. Mỗi lần nghe tiếng xe đi vào là nó lại chạy ra xem có phải là chú Sương đưa cái Kỳ về không nhưng trái với sự mong ngóng của nó cánh cổng nhà Kỳ vẫn cứ im ỉm.
An nhớ Kỳ rất nhiều nhưng nó không dám thừa nhận cái cảm xúc đó, nó cũng chẳng hiểu vì sao nó lại nhớ tới cô bé nhiều đến thế. Càng nhớ càng thấy ân hận mà càng ân hận lại càng nhớ, tiết học cứ trôi đi nó không nghe thấy tiếng cô giáo giảng bài, nó cứ dán mặt vào trang sách nhưng cũng chẳng nhìn ra chữ gì. Bỗng dưng nó buột miệng rủa:
"Đúng là cái đồ kỳ cục".
Phát hiện ra mình vừa nói câu đó An giật mình nhưng may thay đúng lúc ấy thì có chuông báo hiệu hết giờ, cả trường ùa ra sân chí chóe mấy đứa ngồi gần cạnh cũng chẳng nghe thấy nó vừa nói gì. An lại lặng lẽ gục mặt lên trang sách, đã ba ngày rồi Kỳ không tới lớp, không ai biết cô bé ở đâu, làm gì cả. An lại nhìn lên chỗ ngồi của Kỳ và cuộc cãi cọ của hai đứa cách đó mấy hôm bỗng dưng xuất hiện trở lại.
...
Kỳ đang ngồi chăm chỉ chép bài ở bàn trên ngay trước mặt An. Nó cầm cấy bút bi nguệch ngoạc vào vào tấm lưng áo dài trắng của Kỳ, cô bé liền quay lại mở to mắt trông giận dữ nhưng vẫn không khỏi đáng yêu, Kỳ nghiêm mặt hỏi:
"An đang làm cái gì đấy?"
An hua hua cái bút bi màu đỏ trước mặt Kỳ
"Đang vẽ"
Kỳ ức lắm, cô bé không nói lên được lời nào, cô nhìn An như thể chờ một câu xin lỗi từ nó nhưng thằng này lại làm ra vẻ trâng tráo, nó hất hàm bảo:
"Sao hả đồ kỳ kỳ?"...
Thằng An biết Kỳ tức nó lắm nhưng ngày nào đến lớp không chọc Kỳ, không làm cho Kỳ quay xuống bàn nó lườm một cái hay ngày nào không làm cho Kỳ nói với nó một câu nào là nó cứ thấy ngứa ngáy chân tay, ngứa ngáy vào tận cả trong lòng.
***
Thực ra thì Kỳ đâu có "kỳ", Kỳ sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo tận trên Tây Bắc xa xôi, cha mẹ Kỳ là những người dân miền núi chất phác, phóng khoáng và nhân hậu, Kỳ đã xa ba mẹ khi Kỳ mới mười mười hai tuổi, đó là một chiều mưa rất to, mưa ngập ruộng, ngập vườn. Mưa nhiều đến nỗi đất đồi lún lở, con suối nhỏ đầu bản dâng tràn và nước chảy siết chưa từng thấy bao giờ, hôm đó Kỳ ở nhà với ông bà còn ba mẹ cô thì lên nương, ngày hôm ấy Kỳ không thấy ba mẹ về và cho đến bây giờ họ vẫn chưa về với Kỳ. Học hết lớp 10, Kỳ vào ở với cậu ở trong Sài Gòn để có điều kiện ăn học tốt hơn. Thế là Kỳ chuyển trường đến một thành phố miền Nam lộng lẫy mang theo những dự định và ước mơ đẹp đẽ, cả những mộng mơ của tuổi 16. Kỳ xinh lắm, cô mang vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết như một bông hoa rừng, mà vẫn dịu dàng, đằm thắm. An thấy nhớ đến mái tóc thẳng mợt mà, mềm như nhung của Kỳ, đôi lần vì cố ý hay vô tình nó đã được chạm vào cảm giác ấy đã để lại ấn tượng khó quên với nó.
Ngày Kỳ mới vào lớp chẳng ai chơi với Kỳ, lớp của An là lớp nghịch ngợm nhất trường nên có mấy đứa còn bày ra ý định chọc ghẹo Kỳ. Tuy là người miền núi nhưng Kỳ lại nói tiếng Việt rất chuẩn và nói như giọng của người Hà Nội, nên khi mới bắt đầu giới thiệu chưa kịp nói mình đến từ Tây Bắc thì cả lớp 11A3 đều nghĩ Kỳ đến từ Hà Nội. Thấy Kỳ xinh quá cả thầy cô giáo cũng để ý đến, mà gọi lên bảng trả bài hay giải Toán thì Kỳ đều làm được hết thế có nghĩa là Kỳ học rất giỏi. Lại thêm vào đó Kỳ rất ít nói mà thực ra là không ai nói chuyện với Kỳ nên cô nàng cứ im im để rồi bị gắn mác "lạnh lùng". Những con mắt xa lạ thường đổ dồn về phía Kỳ làm cô bé thấy sợ, lúc này Kỳ tự hỏi không biết là mình đã làm gì sai. Càng sợ Kỳ lại càng im lặng, mỗi giờ ra chơi Kỳ chỉ ngồi nguyên một chỗ, ngồi cạnh Kỳ là Tâm, một nhỏ bạn cực kỳ dê thương. Tâm và Kỳ hay nói chuyện với nhau, thấy Kỳ dễ thương và cũng dễ gần nên mấy đứa xung quanh mới bắt đầu mở lòng hơn với Kỳ. Kỳ hay kể về mùa đông ở phương Bắc, mùa đông trên bản làng nhỏ bé của mình cho Tâm nghe. Kỳ kể về những cơn gió lạnh như cắt da, cắt thịt rồi những đêm sương bản làng tụ tập hát hò... những gì Kỳ kể cũng là những gì Kỳ luôn nhớ tới, miền Nam đầy nắng chẳng có mùa đông, đã tháng 10 rồi mà trời vẫn ấm áp lạ thường làm Kỳ thấy nhớ nhà làm sao... Sau một tuần đi học thì Kỳ cũng thấy bớt cô đơn dần, nhỏ Tâm đã trở thành bạn thân của Kỳ nhưng người chơi vẫn cứ chơi còn người trêu vẫn cứ trêu.
Tuổi học trò vốn bồng bột theo kiểu "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" nên đôi khi chỉ vì thấy ghen tị Kỳ xinh, học giỏi lại đặc biệt vì Kỳ là người miền Bắc duy nhất ở trong lớp nên có một số phần tử "quỷ quái" ở 11A3 cứ luôn tìm cách ghẹo Kỳ. Đầu tàu nhóm này là Mai Anh – lớp phó học tập và trong nhóm trọc ghẹo này có cả An nữa. An ngồi bàn dưới bàn Kỳ, nó ngịch quá nên thầy cho nó ngồi một mình một bàn, vừa may lớp còn thừa đúng một bàn trống cuối lớp đó để cho nó ngồi. Nó hài lòng với sự "ưu ái" đó của thầy chủ nhiệm, An hay ghẹo Kỳ từ vẽ bậy vào lưng áo, rung bàn đến giật tóc thậm chí để cả bã kẹo cao su vào chỗ ngồi của Kỳ... Kỳ chỉ nói nó đúng một lần và sau lần ấy Kỳ mặc kệ nó muốn làm gì thì làm. Lần đó suýt thì nó với Kỳ xảy ra một cuộc khẩu chiến, Kỳ đang ôn lại bài trong giờ ra chơi thì An chạy từ ngoài sân vào xô bàn của Kỳ làm cho sách vở, bút thước rơi rớt tứ tung. Kỳ đứng dậy nhặt sách vở lên một cách lặng lẽ rồi quay lại nhìn An nói:
"An, tôi nói cho cậu biết là tôi chưa từng làm gì cậu cả, chưa đụng đến một cái gì của cậu nên cậu hãy để tôi yên, đừng có mà đụng chạm đến tôi nữa, nghe rõ chưa?".
An vẫn cứng đầu, hất hàm về phía Kỳ nói:
"Sao, tui thích vậy thì sao hả đồ kỳ kỳ?".
Kỳ thôi không nói nữa, từ hôm đó An có làm gì thì Kỳ cũng không phản ứng lại, mặc kệ coi như không biết gì, kể cả lúc ở nhà cũng thế. Chẳng biết may rủi hay duyên phận thế nào mà An với Kỳ lại trở thành hàng xóm của nhau, nhà cùng khu phố lại sát vách. An biết đến Kỳ trước cả lớp, ngày Kỳ đến ở nhà câu ruột ngay gần nhà An thì hai đứa đã gặp nhau. Nhà An bán quán tạp hóa, ông nội An sau khi về hưu thấy rảnh rỗi nên đã đầu tư mua mái che lắp ngoài sân để mở quán bán các hàng tạp hóa cho người dân trong khu phố. Hôm mới đến nhà Kỳ hết bột giặt, cậu của Kỳ xuống cửa hàng bách hóa ở cuối phố mua. Kỳ đi ra nhưng không thấy cửa hàng bách hóa nào cả, Kỳ quay về thì thấy nhà bên cạnh là quán tạp hóa Kỳ liền vào hỏi mua.
"Ông ơi bán cho cháu gói bột giặt với ạ!"
Nghe giọng nói lạ ông nội của An ngẩng lên nhìn Kỳ từ đầu đến chân, rồi hỏi lại:
"Mi mới từ ngoài Bắc vô hả?"
"Dạ, vâng ạ! Cháu ở nhà bên cạnh."
"Đã dạ rồi thì khỏi phải vâng gì hết, mua loại chi?"
Kỳ ngớ người ra một lúc, rồi chỉ vào chỗ để bột giặt dưới chân ông An, trả tiền xong cô bé ra về. Từ hôm đó cứ đi chợ, hay đi học Kỳ đều đi qua cửa hàng nhà An và nhìn thấy ông An đang bán quán là cô bé lại cúi chào rất lễ phép, ông nội An chỉ tưng tửng, không đáp lại lời chào của cô bé. Ông An vốn không có thiện cảm với người phương Bắc, số là ông đã từng yêu hai người con gái xứ Bắc nhưng cả hai lần đều không đến được với nhau. Người con gái đầu tiên thì bỏ ông đi không một lời tạm biệt để mặc cho ông chờ đợi mãi, đến người con gái thứ hai thì vì gia đình phản đối nên đã chia tay ông dù ông có nói thể nào để đi lấy người khác. Từ đó ông mang nỗi hận tình, có thời gian ông ghét người xứ Bắc vô cùng, giờ ông vẫn giữ thái độ khắt khe với họ kể cả với cậu của Kỳ, hàng xóm của ông mấy năm nay cũng thế. Ông bảo ông sẽ không đồng ý nếu các con cháu ông muốn kết hôn với người phương Bắc. Kỳ chẳng biết đến những chuyện đó nên cô bé luôn cảm thấy chạnh lòng trước thái độ lạnh lùng của ông nội An, còn An đến lớp thì lại hay ghẹo Kỳ. Kỳ cũng không dám nói với cậu, vì cậu Kỳ rất bận, không có thời gian để nghe Kỳ kể lể. Dù bị ông An đối xử lạnh lùng nhưng nhà thiếu cái gì, hết cái gì là Kỳ lại sang nhà ông nội An mua, cô không muốn đi xa và lại cô bé cứ thấy mình quen mua nhà ông rồi tự dưng sang nhà khác mua cứ ngại ngại làm sao.

Mặc kệ ông nội nghĩ gì riêng An thì thấy Kỳ thật đáng yêu, thật dễ thương làm sao. Lúc đầu nó cũng đề phòng Kỳ vì ông nội nó dặn thế, ở lớp thì bọn Mai Anh - những đứa vốn hay ghen tị với Kỳ lại giao cho nó nhiệm vụ chọc ghẹo Kỳ, dần dần nó cảm thấy ân hận lắm nhưng khi Kỳ không thèm chú ý đến nó thì nó còn cảm thấy khó chịu hơn. Từ ngày Kỳ chuyển đến nó đi học đều hẳn, nếu có bùng học thì đó cũng chỉ là cách nó muốn Kỳ phải để ý đến nó. An thấy Kỳ lãng mạn lắm, trên ban công nhà Kỳ trồng đầy hoa, hàng ngày Kỳ tưới hoa hai lần sáng và chiều, vừa tưới hoa cô bé vừa vuốt ve từng bông hoa nhỏ đôi khi còn hát nữa. Kỳ hát những khúc hát dân ca miền núi, tiếng mẹ đẻ của Kỳ, An nghe chẳng hiểu gì nhưng thấy rất hay, rất ru dương nó vẫn hay ngắm trộm Kỳ tưới hoa từ ban công nhà nó. Nhiều lúc nó thấy trong đầu nó toàn hình ảnh của Kỳ, nó không hiểu nó bị làm sao nữa.
An nhớ hôm mà nó vẽ hay chính xác là nó ký tên nó lên tấm áo dài trắng muốt của Kỳ vào buổi học ban sáng, (không biết là Kỳ đã xem chưa?) thì chiều nó gặp Kỳ đang đi vội vã về nhà. Nó lấy hết can đảm để kêu lên một cách vô tư:
"Ê đồ kỳ kỳ!"
Nhưng Kỳ chẳng để ý đến nó, từ trước đến nay hễ có ai gọi là cô đều phải ngoảnh lại xem người đó là ai nếu không thì sợ người ta bảo mình là "kiêu kỳ". Thằng An hơi hụt hẫng nhưng khi thấy Kỳ đi ngang qua mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi thì nó mới hoảng hốt giât mình, nó liền đi theo Kỳ...