Thằng bạn thân

Posted at 28/09/2015

300 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện: "Tháng năm không ở lại")
Tôi mong rằng ở nơi nào đó, nơi xa xôi nào đó Nghĩa sẽ tha thứ cho tôi, một chút thôi cũng được..
***
1. Nghĩa
Nơi chúng tôi sinh ra là mảnh đất miền Trung cằn cỗi và bạc màu, quanh năm chỉ bầu bạn với nắng và gió. Những cơn gió đeo đuổi theo những hành trình bất tận của riêng mình và nó dài như cuộc đời của mỗi con người vậy.
Làng chúng tôi ở là một làng chài nghèo ven biển, quanh năm bươn chải và mưu sinh bằng nghề đánh cá, bắt còng, bắt cua...

Năm tôi 5 tuổi, nhà chúng tôi có thêm hàng xóm mới. Đó là gia đình thằng Nghĩa, mà cũng không hẳn là một gia đình, vì Nghĩa không có bố chỉ có mẹ. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đó, cái ngày tháng 9 mưa gió não nũng...
Có một người phụ nữ cầm theo một túi vải, tay còn lại dắt theo một đứa trẻ bước đi lầm lũi về phía làng tôi, đứa trẻ đó là thằng Nghĩa và người đàn bà kia là mẹ nó. Khi đó tôi còn nhỏ cho nên không hiểu được hết sự tình trong những câu chuyện mà người lớn thường hay tám với nhau. Sau này lớn lên một chút tôi mới biết được những sự tình trong câu chuyện của thằng Nghĩa. Mẹ của nó bị một người đàn ông phụ tình, sau khi mẹ nó mang thai nó thì cũng là lúc người đàn ông đó bỏ đi và không bao giờ trở lại với mẹ con nó nữa. Rồi khi sinh nó ra, người ta đã đuổi mẹ con nó đi, tôi cũng không biết những người ta ấy là ai. Chỉ là khi nhắc đến họ thằng Nghĩa không bao giờ nói với tôi. Rồi sau cái ngày đó, mẹ thằng Nghĩa mang nó đi biệt xứ, không hiểu duyên cớ gì hai mẹ con nó lại mò tới cái mảnh đất nắng gió quanh năm đói nghèo của chúng tôi...
Dù chúng tôi nghèo khó nhưng lại sống rất có tình có nghĩa, mọi người trong xóm giúp mẹ con thằng Nghĩa dựng một ngôi nhà tranh vánh liếp nho nhỏ bên cạnh nhà tôi. Thế là chúng tôi trở thành hàng xóm của nhau. Tôi vẫn nhớ như in những giọt nước mắt của mẹ Nghĩa khi đứng trước ngôi nhà tranh đó, và có lẽ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc!
Năm đó tôi với thằng Nghĩa cùng vào lớp 1!
2. Những câu chuyện tuổi thơ
Tôi rất thích chơi với thằng Nghĩa, tôi không giống như những đứa bạn trong lớp luôn xa lánh nó, bọn nó bảo rằng nó là đứa con hoang, đứa con không có cha. Còn ba tôi thì nói rằng: Đừng bao giờ đánh giá người khác qua quá khứ của họ, ai sống trong đời mà chẳng mắc phải sai lầm. Ba tôi là người nghiêm khắc cho nên tôi không bao giờ quên những lời dạy của ông.
Tôi với thằng Nghĩa chơi thân với nhau từ những ngày đó. Nó là một đứa hiền lành và nhút nhát, nó chẳng bao giờ dám cãi lại lời tôi hay đôi co với tôi về một vấn đề nào đó, nó luôn biết nhường nhịn tôi.
Tuy nó nhỏ con và yếu đuối là như vậy nhưng ở trong lớp nó lại là người chăm chỉ và học giỏi nhất, chính vì điều đó mà tôi không bao giờ có thể đứng ở vị trí thứ nhất, riêng về khoản này thì tôi thua hẳn nó. Và đôi khi tôi cũng cảm thấy ghen tỵ với nó.
Nó thì ngược lại hoàn toàn, nó chẳng bao giờ có ý định tranh giành bất cứ điều gì với tôi. Và đôi lúc trong một trường hợp nào đó, nó luôn là người giải cứu cho tôi.
Có một lần tôi với mấy đứa trong xòm bày trò "đua xe"với vài ba chiếc xe đạp cà tàng. Kết quả trong trận đua lần đó, tôi ngã lăn từ con đường đê xuống bờ ruộng và gẫy tay phải. Bọn nó khiêng được tôi về nhà, còn tôi thì đau điếng lắm nhưng trong đầu tôi vẫn còn nghĩ đến cơn thịnh nộ của ba khi biết được sự tình trong trò nghịch dại này. Tôi nghĩ rằng lần này mình chắc chết nhưng không ngờ lần đó ba không truy cứu gì chuyện này, ba cũng không hỏi gì thêm. Sau này tôi mới biết, đó là do thằng Nghĩa nói đỡ cho tôi, nó bày ra ba bốn lý do vẩn vơ nào đó để giúp tôi tránh tội, do gẫy tay phải nên đi học tôi cũng không thể nào chép bài nên nó cũng chép bài luôn cho tôi, giảng lại bài cho tôi...
Và cũng sau lần đó, tôi càng chơi thân với nó hơn, tôi qua nhà nó cùng nó học bài, hỏi han nó về những bài tập khó, và tôi cũng dẹp luôn cái tính sỹ diện hão hay khoe khoang của mình.
Những khi rảnh rỗi tôi không còn tụ tập mấy đứa ngổ ngáo trong xóm nghịch mấy trò dại dột nữa, chúng tôi lại rủ nhau đi ra biển bắt còng, đi tắm hay đi dạo trên bờ biển vào những buổi chiều...
"Sao mi thích đi dạo vào buổi chiều vậy, tau không thấy thú vị cho lắm ?" Có một lần tôi hỏi nó như vậy.
Nó lặng im nhìn về phía biển nơi nhưng con sóng đang đập dềnh, nhấp nhô từng đợt. Rồi sau đó nó mới nói:
" Tau thích ngắm biển, những con sóng hay đám bọt vì nó giống cuộc đời của tau, cả mẹ tau nữa, cứ dập dềnh vô định chẳng biết sẽ đi về đâu"
Khi đó tôi không hỏi gì thêm nữa, tôi chỉ lặng im nhìn về phía biển, nơi những con sóng đang tới tấp xô bờ...
Đó là mùa hè năm chúng tôi 14 tuổi.
3.
Lên cấp III, tôi và thằng Nghĩa không còn học cùng nhau nữa, tôi học trên tỉnh còn nó họ ở trường làng. Tôi bảo nó: "Học giỏi như mi thi trên đó phải được thủ khoa í chứ?. Nó bảo rằng: Nhà nó nghèo, không đủ tiền với lại nó cũng không muốn xa mẹ nó, nó ở nhà để đỡ đần cho mẹ.
Tôi và nó tuy cùng tuổi, nhưng suy nghĩ của chúng tôi khác hẳn nhau, tôi chẳng bao giờ có thể nghĩ được và làm nhiều được như nó. Tôi chỉ biết học, rồi chơi chứ chẳng bao giờ giúp được gì cho ba mẹ. Còn nó thì khác tuy nhỏ tuổi lại nhỏ người nhưng nó đã biết chăm lo được bao nhiêu công việc và đỡ đần cho mẹ nó. Mỗi lần nghĩ về nó tôi lại nhớ về đôi bàn tay nhỏ bé của nó với những vết chai sạn.
Do học trên tỉnh nên tôi ít có thời gian ở nhà, nhưng thi thoảng tôi vẫn hay gửi lời hỏi thăm nó qua ba tôi. Vào những ngày hè, tôi nghỉ học về quê, tôi với nó lại cùng nhau ôn bài trao đổi bài tập, hay đi bắt còng, dạo chơi trên bờ biển như ngày nào.
Lớn dần lên, tôi hiểu được nhiều hơn những giá trị đáng quý trên cuộc đời này. Tôi ước chi tình bạn của mình sẽ mãi mãi là như vậy, mãi mãi như nắng, mãi mãi như gió cứ vẩn vơ quẩn quanh trên cuộc đời, trên cái mảnh đất giàu tình, giàu nghĩa này.
Có một lần tôi vui vẻ nói với Nghĩa rằng:
"Sau nì mi nhớ đợi tau mới lấy vợ đó nha?"
"Mi đi học đại học xong rồi đi làm, thì thời gian đâu mà lo chuyện vợ với con?" Thằng Nghĩa cười và nói.
"Thế mi không đi học đại học cùng với tau à?"
"Tau cũng không biết nữa, nhà tau nghèo với lại mẹ tau đau ốm suốt à". Nó buồn rầu nói.
"Ước gì tau có thể giúp mi "
Nó không nói gì, chỉ cười buồn đôi mắt nó hướng về phía xa xa nơi những con sóng đang dập dềnh nhấp nhô. Rồi nó nghêu nghao hát nhạc Trịnh:
"Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về"
Mùa hè năm đó tôi vào đại học...Và có lẽ đó cũng là lần cuối cùng tôi nói chuyện với nó.
4.
Sẽ chỉ là những hoài niệm, những hoài niệm mà thôi...!
Học hết cấp III trên tỉnh, tôi ra Hà Nội học tiếp lên đại học. Do việc học hành bận rộn và còn phải đi làm thêm nên tôi cũng ít khi về nhà và tôi cũng không liên lạc được với nó. Mỗi lần gọi điện về nhà tôi hỏi thăm nó qua những cuộc nói chuyện với ba, ba nói nó ổn nhưng trong những lời nói đó tôi cảm thấy có gì đó buồn buồn, có gì đó không ổn.
Rồi sau đó tôi gặng hỏi ba, gặng hỏi mãi thì ba mới chịu nói, thì ra thằng Nghĩa đã bị bệnh đã vài tháng trước đó. Nó không muốn nói cho tôi, có lẽ nó sợ tôi lo lắng. Nghe ba nói tôi mới biết nó bị bệnh ung thư bạch cầu, nhà nó nghèo mẹ nó chạy vạy vay quanh làng xóm cũng được ít tiền nhưng cũng chẳng có đủ tiền để chữa bệnh cho nó, tôi luôn cảm thấy rất đáng sợ khi nghe đến hai chữ ung thư, tôi nghe nói đó là căn bệnh hiểm nghèo phải tìm người thay tủy hay gì gì đó mới có thể sống.
Thời gian sau đó tôi dành thời gian gọi điện về nhà thường xuyên để hỏi thăm tình hình của Nghĩa, tôi rất muốn nói chuyện với nó nhưng ba nói điều đó không thể, vì nó đang ở trong giai đoạn điều trị. Tôi không thể làm gì hơn nữa, tôi chỉ biết ngồi đây, ở một nơi rất xa, rất xa thằng bạn thân thiết nhất của tôi và cầu nguyện. Những lúc đó, trong đầu tôi chợt hiện về những kỷ niệm rất rõ nét, những kỷ niệm từ thưở ấu thơ giữa tôi và Nghĩa, nhớ cái ngày tôi bị gẫy tay và nó đã bao che cho tôi, nhớ những ngày hai đứa đi bắt còng hay những buổi chiều đi dạo trên bờ biển. Đã có lần tôi nghe thằng Nghĩa nói về cái chết, tôi rất ngạc nhiên vì nó luôn lạc quan mà, dù cuộc đời vẫn dập dềnh như sóng, như gió, nó vẫn thường nói với tôi như vậy. Nhưng có lẽ, do lúc đó tôi quá vô tâm chăng? Tôi chẳng bao giờ để ý đến điều đó dù chỉ là một chút...
Tôi tin rằng ông trời sẽ không phụ người có tâm, tôi vẫn luôn tin như vậy.....

Old school Easter eggs.