Mưa tháng tư
Posted at 28/09/2015
182 Views
"Tôi chả hiểu sao, đã nói với bà bao lần rồi, là kêu đau đầu thì đừng có ôm bụng. Chả nhẽ cái đầu bà cũng chỉ để chứa thức ăn hả? Biết chắc là chưa làm mà. Bao giờ thì bà mới hết hành tôi hả bà già!"
***
Đã đầu tháng tư mà gió Bắc vẫn thổi. Lá xà cừ rụng vàng cả gốc cây. Trời năm nay rét muộn.
Nó bước vội trên phố, mặt cúi gằm và đôi tay vẫn nhét sâu trong túi áo. Những lọn tóc không ngừng bay bay.
Lại cái cảm giác ấy…ghét thật, nó sợ nhất là cô đơn…và thật sự cứ phải một mình thế này…tâm trạng càng lúc càng mông lung, chấp chới đến tồi tệ.
Ra Hà Nội học đã gần một năm là quãng thời gian không ngắn với một đứa sắp bước sang tuổi 18 như nó nhưng cũng không phải đủ dài để nó bắt nhịp được với cuộc sống sinh viên tự lo, tự lập. Nó luôn thấy khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống xô bồ, bon chen nơi phố thị. Luôn khép mình dù là trên giảng đường hay về xóm trọ, nó như một con ốc sên thu lu trong cái vỏ bọc lạnh lùng, cứng nhắc. Chỉ biết cắm đầu vào học để không cảm thấy có lỗi với bố mẹ, thầy cô và cũng để chứng minh cho “tên vô tình – vô nghĩa” ấy rằng: “ Dù không có hắn thì nó vẫn sống tốt được”.
“Đấy, lại thế nữa” nó nhăn mặt tự cốc vào đầu mình trách móc: “Đã dặn bao nhiêu lần là hắn không đáng để mình phải suy nghĩ thêm nữa mà”. Nhưng sự thực là càng cố quên thì từng kí ức về thằng bạn thân, về những tháng ngày học trò của hai đứa cứ không ngừng dội về trong đầu nó. Ngày hôm nay thì lại càng có thể lắm, vì mai là sinh nhật nó rồi. Hừm…sẽ có một sinh nhật đầu tiên không có hắn bên cạnh.
Nó cười nhạt, tự nhạo báng mình, rõ ràng cuộc sống không có Duy thật sự là không ổn chút nào…Nó thấy mình không ổn chút nào.
Chẳng còn đủ sức để kiểm soát suy nghĩ, nó thả hồn cho mình tự do trở về những ngày xưa, những ngày êm ái, yên bình như cơn mưa tháng tư thuở ấy…
***
- Này, Linh! Linh!
“Cái lão này”, Nó lẩm bẩm “ Làm như người ta điếc không bằng, cứ gọi mãi”
- Cuối cùng thì cũng đuổi kịp bà…hì hì..
Duy sải bước rộng rồi nhảy chồm tới bá vai nó, đôi tay nghịch ngợm hất hất, xoắn xéo lọn tóc đuôi ngựa buộc cao của nó như mọi khi và miệng thì không ngừng líu lô:
- Sao bà đi như ma đuổi thế hả, mọi hôm vẫn chờ nhau cùng về mà, giận gì tôi hả?
Đang rảo bước đều đều, mặc cả tiếng í éo của Duy từ xa, nó nhăn nhó vì cánh tay nặng trịch của Duy choàng vai như đeo đá, nghiêm mặt đứng sững lại, giật mạnh mấy sợi tóc gáy của Duy, giọng mát mẻ:
- Tưởng đứng tiếp chuyện em bí thư lớp bên cơ mà, tôi đây đâu dám kì đà cản mũi anh chị chim chuột nhau…hừ..
Nói đoạn nó quay ngoắt bước đi hờn dỗi
- Ây chà cái bà này, bà ghen à mà giật tóc người ta như nhổ lông gà thế hả..hì hì…Thôi thôi, người ta bàn việc Đoàn việc Đội cho 26/3 chứ chim chuột gì đâu…Cái bà này, giận hờn vu vơ nữa…Tôi cù cho bây giờ…cù này..cù này…
- A…a…a…cái ông này đừng có động vào tôi…đừng đừng…tôi sợ rồi…tôi sợ rồi…ừ…ừ…hết giận…hết giận…a…a…a..
Cả 2 cứ thế huỳnh huỵch chạy đuổi nhau trong sân trường đầy nắng, tiếng cười trong vắt vang lên cả những gian nhà xe đã trống.
***
- Này, cái bà già kia, làm bài tập từ mới Tiếng Anh chưa đấy, đừng nói là lại để tí cô vào rồi bắt giơ tay ra đánh đàn cho xem
- Ôi…ôi…ôi…( nó ôm bụng xuýt xoa) tự dưng sao lại đau đầu thế này, tôi quên chưa làm rồi ông ơi!!! Sao giờ, sao giờ…hu hu…
Nói đoạn nó nhăn nhó làm như sắp chết đến nơi. Thừa biết cái màn kịch cũ rích sẽ lại được tái sử dụng, Duy gắt gỏng:
- Tôi chả hiểu sao, đã nói với bà bao lần rồi, là kêu đau đầu thì đừng có ôm bụng. Chả nhẽ cái đầu bà cũng chỉ để chứa thức ăn hả? Biết chắc là chưa làm mà. Bao giờ thì bà mới hết hành tôi hả bà già!
Duy nghiến răng quờ tay cào cào cho bộ tóc xõa dài của nó lộn tùng phèng lên và xù như cái tổ quạ. Xì một tiếng vùng vằng, hắn nhoài người túm quyển vở ghi từ mới Tiếng Anh của nó quay đi và lầm lũi ngồi chép cho con bạn. Miệng vẫn không thôi lầm bầm:
- Bà cứ phải chịu 10 roi cô phạt thì mới chừa cái tội lười được.
Kịch bản diễn ra đúng như mọi khi, nó hạ màn vở diễn đau bụng một cách trắng trợn. Mặt nhăn nhở như Thị Nở vớ được Chí Phèo ( Ấy là câu nói Duy vẫn hay ví von nó thế), đưa tay vuốt vuốt tóc gáy Duy tinh nghịch, nó bất giác mỉm cười…Chả thấy ai như hắn, có biệt tài bắt chước nét chữ người khác cực đỉnh, cộng với việc bao nhiêu năm qua vẫn hay bị nó bắt chép “hộ” từ mới tiếng anh như thế, thì việc giả kiểu” gà bới, giun quằn” như chữ nó hẳn là dễ như trở bàn tay.
***
Hai đứa chơi thân với nhau từ hồi còn học cấp 2. Bảy năm trời học với nhau cũng là ngần ấy thời gian thử thách cho một tình bạn được gắn kết bền chặt như bây giờ. Chỉ có điều, bạn bè và người thân ít khi thấy 2 đứa ngọt ngào với nhau được dăm ba phút. Cứ đôi ba câu cười nói là lại thấy chúng chí chóe cãi lộn như mổ bò.
Hay gắt nhau là thế nhưng để nói về độ hiểu ý nhau thì có khi bố mẹ hay anh chị em trong gia đình cũng chưa nắm rõ được bằng hai đứa. Thậm chí, chính mỗi đứa cũng không hiểu được bản thân bằng đứa kia hiểu mình.
Duy hiểu nó đến nỗi, cả ngày “đèn đỏ” của nó là ngày nào còn biết, hay như kiểu nó không cần hỏi cũng có thể biết chắc tất tật các mật khẩu laptop, điện thoại của Duy là gì dù thằng bạn đã cố thường xuyên thay đổi để đảm bảo tính an toàn cho mấy cái “file đen” bí mật. Duy luôn là người nhẫn nhịn và bị nó bắt nạt vô cớ tới mức như kiểu bọn tư sản bóc lột sức lao động công nhân.
Còn nó thì tất nhiên, với cái cá tính con trai bẩm sinh dưới hình hài một cô con gái thích đánh nhau hơn là may vá thêu thùa, dám cả trèo tường trốn học lại cộng thêm cái đai đen karate theo suốt từ năm lớp 4 thì cũng đủ hiểu việc trấn áp một cách bạo tàn thằng bạn của nó không có gì phải thắc mắc. Cái duy nhất nữ tính trong người nó chỉ có thể chấp nhận bằng việc thích làm thơ và nấu ăn ngon khỏi phải nói.
Tuy nhiên thì cũng đôi ba lần do cái tính đãng trí hay mất tập trung mà nó làm cho cả nhà được phen hú hồn hú vía vì Tào Tháo ghé thăm. Nhưng điều mà làm Duy sợ hãi nhất là mỗi lần nó làm thơ mà muốn “debut” với bạn bè. Trước đó bao giờ cũng đưa qua tay Duy để dò la phản ứng độc giả. Nếu thấy được khen tốt khen hay thì tất nhiên nó sẽ hiện diện trước công chúng để nhận sự tán dương, bằng không thì bài thơ đó nghiễm nhiên sẽ do nhà thơ bất đắc dĩ là Duy sáng tác. Mà phần nhiều từ trước đến giờ, những bài thơ của nó được khán giả tạm thời chấp nhận thì có tính trên đầu ngón tay vẫn còn thấy mất công đếm trong khi số bài “kinh thiên động địa” về độ nhảm nhí, nửa vời thì mang công-ten-nơ cẩu đi cũng không hết. Thế nên cái biệt danh Duy “bí thơ” ( nghĩa là bí thư nhưng làm thơ thì luôn “bí”) cũng từ đó mà ra đời khi hai đứa lên cấp ba.
Nó chơi với Duy như kiểu người ta yêu nhau, cũng biết ghen, cũng biết giận rồi làm lành…nhưng lại không hẳn là cảm xúc của tình yêu trai gái. Nó biết Duy thinh thích nhỏ bí thư lớp bên thì ra sức vun vén cho hai đứa, nhưng hễ Duy cứ mải mê chuyện trò mà quên mất sự hiện diện của nó là y như rằng có tên bay đạn lạc, nổi giận không lí do. “Kể cũng tội hắn” nó nghĩ, thời gian dành hẹn hò với gà bông còn không bằng nổi một đầu móng tay thời gian để đi chơi bời với nó. Điều buồn cười nhất là trước khi chính thức hẹn hò với nhỏ đó, Duy còn giao hẹn trước là kể cả yêu nhau thì chuyện Linh với Duy, nhỏ bạn gái cũng không được xen vô, xen ra. Nhiều lần hai đứa cãi nhau cũng chỉ vì nhỏ bạn gái thấy Duy còn không quan tâm người yêu bằng bạn thân và nhất định cho rằng Duy bắt cá hai tay.
Cơn mưa rào trái mùa bất chợt đổ xuống, người đi đường vội vã tấp vô vỉa hè tìm chỗ trú hay mặc áo mưa. Nó thấy mưa thì nhẹ lòng lắm, không hẳn là vui mừng vì mưa lại làm nó nhớ Duy,nhớ đến quay quắt những ngày hai đứa đạp xe chở nhau đi học…Nhưng giờ thì nó muốn thế mà, thôi kệ, cứ cố gồng mình thì nó sẽ khuỵu xuống ở đây mất, chỉ là có mưa nên nó thoải mái để cho nước mắt đang chực trào ra, nhẹ nhõm biết chừng nào…
***
Ở gần nhà nhau, nên hàng ngày, Duy thường qua nhà chở nó đến trường, đi học thêm trên thành phố hay cả những lúc kéo nhau đi chơi. Nó thích nhất là được ngồi sau xe bố hoặc là Duy chở, vì thấy bình yên lắm, thấy lúc ấy nó nhỏ bé, yếu mềm lạ, cảm giác được chở che và chẳng phải suy nghĩ gì.
Mặc cho những hạt mưa tuôn rát cả mặt mũi chân tay. Hai đứa có vẻ khoái chí với việc một mình một xe lao vun vút trên con phố mà mọi ngày chật kín xe cộ, bụi đường thì khi mưa lại trở nên rộng rãi, thênh thang hơn bao giờ hết; được thỏa sức hò hét, cười nói oang oang và thích thú trước vô vàn cái nhìn “ngưỡng mộ” của những người đi đường đang trú mưa dành cho chúng về việc đạp xe hiên ngang trong tình trạng không mảnh vải (nilon) che thân. mà theo nó là một hành động “can đảm ”, “chịu khó” đến tuyệt vời.
Những lúc như thế thì cuộc nói chuyện giữa hai đứa thay chủ đề thì liên xoành xoạch, toàn những chuyện trên trời dưới đất hay không đầu không cuối kiểu như là:
- Bà già định cứ FA mãi à?
- Có ma nào nó thèm ngó đâu mà chẳng ế.
- Người ta bằng tuổi bà ngày xưa đã một chồng, hai con rồi đấy.
- Chả thèm, có ế thì tôi cứ ăn vạ ông. Đố ông lấy được vợ…haha
- Thôi tôi xin, mới nghĩ thôi đã thấy thất kinh bát đảo
- Là thất điên bát đảo cái thằng này…
(Nghĩ đến đây nó chợt mỉm cười, Duy luôn thế, học Toán, Lý… thì đỉnh thôi rồi nhưng cứ thành ngữ, ca dao là đụng đâu hỏng đấy).
- Thế bà định thi luật thật à?
- Ờ, không lẽ lại thi cảnh sát với ông, 7 năm cùng lớp cũng đủ chán rồi…
- Dù sao thì tôi vẫn muốn hai thằng mình đi học thế này, hay là tôi cũng thi luật nhỉ, hai nghề cũng na ná liên quan đến nhau?
- Ông điên à, ông ước mơ vào học viện cảnh sát còn gì, cãi nhau với người ta toàn thua mà cũng đòi “a-dua” luật liếc.
Mỉa mai vậy chứ nghe Duy nói thế nó thấy sống mũi cay lắm. Duy ước mơ trở thành cảnh sát từ bé, và việc muốn đổi trường cùng nó hẳn là đã phải suy nghĩ rất nhiều. Đã cùng bước chung một con đường từ rất lâu thì đến một ngày cũng sẽ phải lớn lên, mỗi đứa sẽ phải chọn con đường đi cho riêng mình là điều đương nhiên. Cũng chỉ là bạn thân thôi chứ có phải vợ chồng đâu mà đi với nhau mãi được. Nghĩ thế nhưng đầu nó cũng bắt đầu miên man và câu chuyện bị bỏ dở, hai đứa không nói một lời nào cho đến tận lúc về nhà.
***
Duy đột ngột đi Sing du học sau khi biết tin đỗ đại học vài ngày mà không một câu thông báo hay tin nhắn tạm biệt. Nó cứ nghĩ là Duy hiểu lầm chuyện gì ghê gớm lắm chứ từ trước đến giờ chưa khi nào hai đứa giận nhau nổi một ngày. Gọi điện thoại thuê bao, gửi tin không trả lời hay nick facebook cũng không bao giờ thấy sáng. Hồi đầu Linh cũng hay sang nhà hỏi bố mẹ Duy có biết chuyện gì không thì chỉ nhận được những cái lắc đầu: “ Cả nhà cứ nghĩ là hai đứa phải nói cho nhau biết chứ, Bác có gọi điện hỏi nó cho mày nhưng chỉ thấy nó bảo chuyện riêng của trẻ con nên Bác cũng không gặng”.
Nó không ngừng suy nghĩ về thái độ của Duy gần đây. Rõ ràng là không có gì bất thường, hai đứa vẫn cùng đi học, vẫn chí chóe rồi lại làm lành. Nó nhận ra là hai đứa chẳng hiểu nhau gì cả chứ không sao lại có chuyện mất tích không thèm nói một lời nào...