The Soda Pop

Con tàu chở tình yêu

Posted at 28/09/2015

152 Views

Thằng đệm nhạc không chuẩn bị trước, đánh sai lung tung. Nhưng con gái ở dưới vẫn ngây ngất, lớp trưởng tựa cửa, mắt nhìn không bỏ sót một cử chỉ nào của Cường. Lời bài hát rất chung chung, nụ cười của Cường cũng đúng kiểu "ngôi sao", nghĩa là không dành cho ai cả nhưng đứa nào cũng tưởng dành riêng cho mình.
Mưa mỏng hơn, con tàu hành lang vẫn mơ màng trôi, đèn vàng ấm áp vọng ra trong lời hát.

***
Nghỉ Tết, Cường "bon chen vào nghệ thuật" đi buôn hoa tận Hải phòng về bán chung với mấy thằng trong nhóm nhạc. Người nhớn nhăn mặt ca cẩm :
"Chúng mày không tính đến hao tổn xe, tiền xăng. Rồi là hao phí sức khỏe. Cứ tưởng dôi ra vài đồng bạc là lãi đấy hả?"
Mặc kệ, nhóm doanh nghiệp trẻ mặt cứ hơn hớn. Gặp đứa bạn nào cũng cũng thông báo: "Ra mua cho tao nhé".
Chiều 30 Tết, cả bọn còn tươi roi rói đứng đầy một góc chợ, gặp em nào xinh xinh đi qua còn tí toét cười nói, bán không để ý đến tiền nong. Một thằng mê mệt vì một mái tóc ngang lưng thướt tha đi qua, cầm một bó to đùng chạy theo, lúc sau thở phù phù quay lại. Bảo:
"Suýt nữa thì tao đã nói: Xin lỗi, cô lừa tôi".
Tối, mấy cái mặt méo xệch quanh gần trăm bông dơn đỏ ối đã nở toe toét. Cường nêu ý kiến: "Chia ra, mang về nhà". Rồi lại hì hụi chia hoa, chia cả tiền. Mỗi thằng nhét túi một nắm tiền lẻ âm ẩm mùi chợ rồi tay ôm hoa, tay cầm lái chạy vèo vèo về nhà. Gần giao thừa, Cường xin bố mẹ đi chơi, lôi cái xe địa hình bỏ xó đã lâu. Bố mẹ thắc mắc: "Sao con không đi xe máy?" Đã thấy thằng con chổng mông gò lưng vù một cái ra đường.
Cường đi rất xa, vòng vèo mãi mới đến nhà lớp trưởng, mà cũng không vào, ngồi dựa xe bên vệ đường nhìn lên cái ban công nhỏ bọc kính mờ. Thấy cái bóng nhỏ nhỏ loay hoay, cửa sổ xịch mở để mùi hương trầm thơm nao nức bay ra. Cường ngồi đấy, lôi bao thuốc bẹp dúm lấy trộm của bố từ sáng ra, châm rồi lại dụi. Giao thừa yên ả, chỉ rộn lên mấy loạt pháo hoa sáng bừng cả trời. Hơn một giờ, đèn trên ban công tắt phụt. Cường thở ra rất mạnh, lầm lũi đạp xe về trong lòng thấy cảm giác gì khó tả, như có cái hạt nứt vỏ, nảy mầm ở đâu đó, mà đau đớn toàn thân.
Sớm mai, nó ôm điện thoại nấu cháo với thằng bạn: "Mày biết tao cảm thấy thế nào không? Giống năm ngoái cây mít trường mình có một quả, tao biết là không được hái, nhưng tao vẫn rình. Ngày nào đi qua cũng thấy nó thơm thơm, cũng để ý xem nó to thêm chừng nào . Một hôm đi học, tự dưng không thấy đâu nữa, chắc chú Nguyên hái rồi, tự dưng thấy mất mát một cái gì đó khủng khiếp, chứ chẳng phải là một quả mít."
Sau Tết, quanh trường hoa dâu da nở đầy, ngòn ngọt như mùi chè đậu đỏ một nghìn một cốc. Hoa bám đầy tóc bọn con gái, đứa nào điệu đàng lấy tay gỡ rón rén là y như rằng mấy thằng con trai im phăng phắc, nhìn say đắm. Lớp trưởng cắt phụt tóc trông như một thằng con trai xớn xác, càng nhỏ bé trong bộ đồng phục rộng lùng thùng. Bọn người mẫu ôm ghì lấy gọn tha thiết :
"Trông như anh Hằng ấy nhỉ? Anh Hằng ơi, anh Hằng ơi".
Bọn này bây giờ còn sáng tác ra phong cách rất Tây, lúc nào hứng lên có thể ôm nhau hôn chùn chụt lên má. Má lớp trưởng bớt xanh vì những vệt son môi lờ mờ. Ðã rậm rịch chuyện nộp hồ sơ vào trường nào. Mấy đứa người mẫu ríu rít:
"Viet Nam Airlines hay Pacific?"
Lớp trưởng lần đầu nói oang oang giữa lớp: "Tao muốn thành nhà dịch sách . Bọn mày không hiểu cảm giác của tao khi nghe mấy bài hát tiếng Hoa lời hay kinh khủng mà dịch ra cũng chẳng thể nào diễn tả nổi."
Ðứa nào hóng hớt: "Ơ, thằng Cường định thi Học viện Hành chính quốc gia đấy. Có khi sau này nó làm chính trị gia còn sếp làm phiên dịch cho nó".
Lớp trưởng hơi rớm nước mắt, cúi nhoài người ra cửa sổ, những lá bàng xanh bắt đầu xòe ra ve vẩy như những cái tai của con chó nhỏ múp míp dễ thương.
Cường bùng mấy tiết, không phải để xuống phòng y tế mà là để chuồn ra ngoài bằng cái thang chú Nguyên vô ý để cạnh bờ tường. Quán trà đối diện trường vắng hoe, hai thằng ngồi nhâm nhi, e dè mãi ly trà mát lạnh, dặn nhau: "Tao còn bẩy nghìn thôi đấy, mày trả tiền thuốc nhé". Rồi bàn bạc chiến lược: "Ðánh nhanh thắng nhanh nhé, có mấy tháng thôi". Thằng bạn tò mò:
"Y-R-M-L thật à?".
Cường đỏ dừ mặt đúng lúc thầy hiệu phó bước vào, hai thằng ngồi thụp xuống sau thùng loa, nghe tiếng thầy hiệu phó sang sảng hỏi chủ quán từ sáng có đứa học trò nào vào đây không. Hú vía!
Cường mang patin đến lớp, giờ nghỉ ngó trước ngó sau rồi trượt vù vù qua hành lang, gửi những cái thư có địa chỉ đích danh lớp trưởng. Lớp trưởng thôi dám ra cửa sổ, chui tọt giữa đám đông cao lớn điệu đà, mặt phơn phớt hồng vì ngượng lẫn sợ hãi. Một người mẫu âm mưu với Cường:
"Mày khao chè đi, hôm nào nó mệt tao sẽ gọi mày xuống phòng y tế thăm nó" .
Âm mưu chưa được thực hiện thì một giờ nghỉ, Cường đang lao vùn vụt qua hành lang bỗng đâm sầm vào thầy hiệu phó. Thầy ngã, trò ngã. Thầy ngơ ngác không kịp hiểu ra sao, trò tuyệt vọng đến mức không buồn đứng lên. Tội lần này cực kỳ to rồi đấy. Cả khối xôn xao, đình chỉ một tuần nhé, nhưng không đưa ra sáng thứ hai vì sợ đàn em lớp dưới bắt chước theo. Hôm mời phụ huynh, Cường đến trước, quần bò áo xanh sơ mi kẻ đi nghênh ngang dọc hành lang, nổi như cồn giữa một rừng quần xanh áo trắng nhợt nhạt. Cái thư gửi lần này có nội dung rất khủng bố:
"Hẹn gặp lúc tan trường để nói chuyện dứt khoát".
Chú Nguyên hấp tấp chạy theo, xanh mặt vì đã để một thằng không mặc đồng phục lọt vào. Lúc ra khỏi cổng trường Cường thấy lớp trưởng đứng nép ở cửa sổ trên gác. Tóc xù lên như một con sẻ gầy, không, giống một con két trắng với cái mào dựng lên sau gáy hơn. Tan học, Cường đứng phục ở cổng. Lớp trưởng cuống quít bảo người mẫu "Mày dắt xe ra cổng cho tao. Chờ ở đầu đường nhé".
Rồi lén lút vòng ra cổng sau như hoạt động bí mật. Người mẫu dắt xe ra bắt gặp cái nhìn não lòng của Cường, cười cười: "Hỏng rồi ông ơi, nó sợ. Ai bảo ông căng thẳng quá".
Cường đứng đợi đến khi ca chiều vào học, cổng trường vắng hoe, phố cũng vắng hoe. Nó di đầu mẩu thuốc lá dưới chân 5 lần, đếm kỹ để còn ghi vào bản kiểm điểm lần sau. Rồi tức tối nhìn lên cái đồng hồ cao không bao giờ chạy, bộ quần áo kẻng dính đầy vôi tường mà không biết. Hoa bằng lăng, phượng vĩ và hoàng điệp đã lác đác xung quanh, như cái mũ rậm rì lá, le lói mấy đốm hoa nhỏ mà thơm phảng phất.
Sát giờ thi tốt nghiệp, học sinh đứng chen chân trước cửa mỗi phòng. Cường chạy sầm sập cả mấy dãy, mãi mới tìm thấy lớp trưởng lọt thỏm giữa đám đông. Hất hàm, nó nói trống không "Xòe tay ra", rồi thả vào bàn tay bé nhỏ mấy cái kẹo bẹp dúm dó, lại co giò chạy mất vì chuông đã le te kêu rồi. Người mẫu cười hi hí: "Sao kẹo bẹp thế. Chắc là bị bỏ trong túi quần sau rồi. Chắc là chịu một lực nặng 650N".
Lớp trưởng cười, có thể là hơi xao xuyến. Những cái kẹo đã hơi chảy nước, nóng ran lên trong tay. Chắc là sẽ rất ngọt, rất dính răng và làm cho cái răng sâu đau tê tê. Như cái hạt bắt đầu nứt vỏ, nảy mầm đâu đó mà đau tê tái toàn thân.
Ngày cuối, liên hoan hai lớp ở nhà người mẫu. Gọi là hai lớp cho oai nhưng chỉ loe hoe mấy đứa tích cực văn nghệ văn gừng, tụ họp làm một bữa cho hết tiền bồi dưỡng hát hò cuối năm. Ðang tá lả uống nước lọc căng phè bụng, chợt đứa nào reo lên nhưng bị người mẫu nhanh tay bịt miệng.
Giữa cái vườn nho nhỏ, ngan ngát hương, Cường đang cúi người, nói gì với lớp trưởng mặt xanh mét, tóc tơ rủ mượt trên trán. Một đứa nói rất hăng, một đứa lắc đầu nguây nguẩy. Rồi đột ngột, Cường cầm lấy tay lớp trưởng, mới đầu còn cố vùng ra nhưng không nổi. Bọn trong nhà suýt rú lên. Có đứa trợn mắt, say sưa như người trong cuộc, bảo đúng kiểu phim Hàn quốc nhé. Người mẫu nhỏ nước mắt, sung sướng đến ngây ngất, cứ lầm bầm câu gì không rõ. Cường đứng thế rất lâu, không nhớ gì cả. Còn cái mầm đâu đó trong tim bắt đầu xòe ra mắt lá đầu tiên, bé tí teo, ngơ ngác nhưng mà hân hoan.
Rồi mùa cũng qua đi. Trên đường Hai Bà Trưng dòng người bận rộn vẫn mải miết trôi. Ngôi trường với hành lang dài như những toa tàu mầu vàng ấm áp ngoằn ngoèo trong vòng sắc màu của điệp, bằng lăng, với phượng vĩ sặc sỡ xung quanh. Có màu của mong nhớ, màu của khát khao những ngày thân ái đã qua? Trong dòng người cứ trôi qua ấy, ít ra cũng có hai kẻ hay nhìn lên cửa sổ màu xanh ở những toa tàu, ngẩn ngơ và nhớ, ừ rất nhớ.
Bây giờ con tàu ấy đã đi về phương nào?
- Chu Thu Hằng -







....