Cái áo mưa màu hồng
Posted at 28/09/2015
172 Views
Kế hoạch trả thù cũng tan theo đám mây đang rụng nước.
***
Khi những đóa hoa mùa xuân đã tàn thì cũng là dấu hiệu của mùa hè sắp đến. Nói là một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, nhưng thật ra ở miền Nam chỉ có hai mùa chính: mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa bắt đầu từ tháng Tư đến tháng Mười, còn mùa nắng là sáu tháng còn lại. Đến mùa mưa cũng là lúc mùa màng tươi tốt nhất, bà con háo hức nhất, và lũ trẻ cũng nôn nao nhất vì báo hiệu cho đợt nghỉ hè sắp tới.
Ngày ấy, trong cái huyện nhỏ teo của một tỉnh cũng nhỏ teo ở miền Tây chỉ có hai trường học: Trường Tiểu Long Trường A và Trường Trung học Long Trường B. Muốn học cấp ba thì phải lên tỉnh. Ở trường tiểu học - nói là trường chứ thật ra chỉ vỏn vẹn có vài lớp học – có năm khối, từ một tới năm. Lớp năm là lớp lớn nhất, giờ học từ mười hai giờ bốn mươi lăm đến năm giờ chiều.
Bảo là học sinh của lớp 5A. Năm học này lớp có nhiều bạn mới vì học sinh đã được đổi lớp với nhau. Bảo là đứa nghịch ngợm nhất. Từ lúc vào học, nó cứ lí lắc, chọc phá bạn bè. Thành tích học thì không cần bàn. Có hôm trả bài bị 0 điểm, nó dám xé hẳn trang giấy đó. Hay bài kiểm tra được một điểm, nó định thêm con số 0 phía sau cho thành 10. Nhưng lúc cầm cây bút đỏ lên định viết vào thì nó sựng lại. Bài kiểm tra chi chít dấu đỏ thế này mà nói 10 điểm thế nào mẹ cũng không tin nên nó sửa lại thành 7 điểm.
Tụi con trai rất thích chơi chung với Bảo, vì nó nghĩ ra nhiều trò chơi rất hay. Bảo nhỏ con, tóc đầu đinh, da ngâm đen vì giăng nắng, bộ đồ đi học khá mới và thơm mùi dầu xả vải. Đó là đồ của người bà con trên tỉnh gửi về. Chỉ là đồ cũ được cho lại, nhưng xem ra cũng oách đáo để, vì là từ tỉnh mà. Huyện nghèo, bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Gia đình Bảo không thuộc dạng khá giả gì, nhưng cha mẹ chịu khó làm ăn nên trong nhà không thiếu thốn.
Tuy nghịch ngợm, nhưng Bảo rất nghe lời. Những hôm nghỉ học, Bảo hay theo mẹ ra đồng để giúp những việc cỏn con như nhổ cỏ, bắt trứng óc bu bám trên cây lúa, hay câu cá, bắt tép,... Nó đi học bằng chiếc xe đạp sườn đầm của mẹ. Buổi sáng mẹ đi chợ rồi lo cơm nước, buổi trưa mới ra đồng nên không cần đi xe làm gì, nên Bảo lấy đi học. Chiếc xe to và cao nên Bảo không thể ngồi trên yên mà ngồi hẳn trên sườn xe. Nếu muốn tăng tốc thì cứ việc đứng lên, đạp mạnh, người nghiêng qua nghiêng lại để giữ thăng bằng. Ở trường chỉ có vài đứa đi học bằng xe đạp, còn lại thì đi bộ.
Trong lớp có Ngân, ngồi trên Bảo hai dãy bàn học phía tay phải gần cửa ra vào. Bảo ngồi bàn thứ năm, dãy phía tay trái, đối diện với bàn giáo viên. Bảo bị xếp ngồi bên ấy để cho giáo viên tiện "theo dõi". Nhà Ngân nghèo, ở tít trong ruộng. Mỗi lần đi học phải băng qua một con đê dài và hẹp. Mưa xuống là con đê trơn trợt rất khó đi. Nó mặc bộ đồ cũ mềm có vẻ như đã có nhiều người mặc, bây giờ mới thuộc về nó . Ngân không hung dữ, không nghịch ngợm như Bảo, nhưng hễ ai động vào là nó không chịu nhịn. Hè đến là Ngân theo mẹ ra chợ bán rau. Có lẽ là do môi trường chợ búa nên đã làm Ngân cứng rắn hơn các học sinh khác. Có lần Bảo nghịch quá, lúc ra chơi, nó lỡ tay ném chai nước rỗng trúng ngay đầu Ngân. Con bé tức sôi người liền làm cho ra lẽ. Bảo không xin lỗi còn thách Ngân đánh nhau. Ngân biết nó làm sao đánh lại thằng ranh đó nên chạy lên phòng Giáo viên, méc với thầy chủ nhiệm. Hôm sau mẹ của Bảo phải lên gặp thầy hiệu trưởng. Tối đó Bảo có một trận đòn ra trò.
Từ đó, nó và Ngân trở thành "kẻ thù truyền kiếp". Mỗi ngày nó đều tìm cách phá Ngân. Nó chỉ chọc con nhỏ, giấu cuốn tập, hay bỏ con chuột chết vào hộc bàn thôi. Nó không làm ầm lên như lần trước nữa, lỡ con nhỏ lại chạy lên méc thầy thì chết chắc. Con Ngân biết do Bảo làm, nhưng không có bằng chứng nên phải chịu ấm ức, không làm gì được, nhưng trong bụng lại đang lên kế hoạch trả thù. Nó quyết không tha cho thằng ranh đó. Bảo thấy thế được phen lên mặt. Vào lớp là hai đứa kình mặt nhau, liếc ngang, liếc dọc suốt cả năm học.
Ấy vậy mà đã gần cuối học kỳ hai rồi. Trời bắt đầu chớm hè bằng những trận réo rắc. Chiều thứ năm, mưa tầm tã. Mấy tấm tôn cứ rạo rạo tiếng nước rơi xuống. Những giọt nước cũng men theo mấy lỗ thủng trên nóc mà rơi tõm tõm trên bàn học. Tụi học sinh có dịp dời chỗ ngồi nên thích thú lắm. Mưa đến tối không dứt. Mùa này ếch nhái hay lên bờ nên rất dễ bắt. Cha của Bảo thường hay đi soi ếch lúc chập tối. Nhưng tối nay mưa lớn quá, mẹ nói cha đừng đi, kẻo trúng mưa thì nguy. Thứ sáu, Ngân không đi học. Bảo cứ nhìn qua chỗ ngồi gần cửa ra vào mãi, thấy trống huơ trống hoắc. "Con nhỏ đó đâu rồi nhỉ?" Không có đứa để chọc thành ra cũng chán, cũng buồn. Ra chơi, Bảo nghe tụi con gái nói hôm qua Ngân mắc mưa nên bệnh rồi, không đi học được. Con nhỏ chỉ mặc cái áo mưa mỏng te, đi dọc đường mưa lớn quá, cái áo rách tả tơi nên trúng nước mà bệnh.
Bảo nhớ mấy hôm trước mùa mưa, bà chủ tạp hóa gần trường có bày ra mấy cái áo mưa đủ loại cho bà con mua chuẩn bị. Tụi học sinh sau khi tan học hay ghé ngang mua bánh kẹo. Lúc đó Bảo đang loay hoay với mấy con đồ chơi siêu nhân thì nghe tụi con gái to nhỏ khen cái áo mưa màu hồng đẹp quá. Bình thường chỉ thấy màu xanh đậm, nâu, xám, chứ có thấy màu hồng bao giờ. Nó có mấy chấm bi tròn tròn màu trắng thật đẹp. Ngân hỏi chủ tiệm: "Cái áo mưa hồng này bao nhiêu tiền vậy cô?" – "Ba mươi lăm ngàn. Áo này loại tốt nhất đó con, mặc hết mùa mưa mà không sợ rách." Ối dào! Mắc quá. Dân trong huyện ai cũng nghèo, thông thường chỉ mua loại mười mấy hai chục ngàn là cùng. Nhưng bây giờ người ta ra cái loại áo mưa mặc một lần chỉ có năm ngàn thôi. Bà con ai cũng thích vì quá rẻ, mà nếu xài cẩn thận có thể mặc được tới mấy lần. Chắc bà chủ cũng biết vậy nên chỉ lấy về duy nhất một cái này, kẻo lấy nhiều mà không ai mua thì lỗ. Ngân cứ xuýt xoa mãi, bảo ước gì nó có cái áo mưa đó thì dầm mưa đi học mỗi ngày cũng chịu. Nhưng lấy tiền đâu mà mua, ba mươi lăm ngàn là con số quá lớn đối với một đứa con nít đang học lớp năm ở huyện nghèo. Bảo đứng kế bên cười thầm bọn con gái, mê gì một cái áo mưa không biết. Còn nhiều thứ hay ho mà sao tụi nó không thích nhỉ? Tự dưng nó cười lớn một cái. Con siêu nhân Gao màu đỏ sắp là của nó rồi. Giá tới ba mươi ba ngàn, mà đáng đồng tiền – nó nghĩ...