Trần thế
Posted at 28/09/2015
120 Views
Ba tháng, cũng có thể lâu hơn, mình không đọc báo. Mình coi như đó là cuộc... cách mạng, như bốn năm trước mình cai... tivi.
***
Nghĩ là mình cũng qua được thôi, dù trước đó buổi sáng chưa cầm tờ báo như thể ngày vẫn chưa mở, như một thứ không khí để thở. Và buổi sáng hôm đó, khi ghé qua quán càphê mà bọn mình hay ngồi, cậu nhóc bán báo quen chưng hửng mếu máo than mất mối rồi khi thấy mình khoả tay, lắc đầu từ chối.
Chỉ là một từ bỏ nhỏ, tưởng không can hệ gì mà cuộc sống mình bỗng khác. Mình cảm giác đi bên rìa đời, bên bờ khác, an nhiên bước chậm trong khi thế giới vẫn giẫm đạp chen nhau bươn tới... Thấy rơi trong bầu không khí nhẹ nhõm, êm đềm. Những sáng ngồi quán, vị càphê không còn đắng ngắt, đắng đến nghẹn đi vì những trang báo ngày chưa ráo mực lấy từ giỏ xe thằng nhỏ bán dạo. Không còn xiên thấu lòng mình hình ảnh một bàn tay thò ra khỏi mái ngói kêu cứu giữa dòng nước lũ, không va đập đau điếng vào mình cái cảnh trẻ nhỏ bị bọn chăn dắt lột trần truồng nằm dưới mưa. Không lửa hắt làm máu mình sôi lên khi đọc thấy tin tức một cánh rừng bị bức tử, những con voi bị bắn chết...
Không gì cả. Những tin tức xa xôi đâu đó dưới trời này đã bị chặn, thì vài sự kiện lao xao của cái thành phố nhỏ nơi mình sống chỉ có thể làm mình xao động một chút, rồi thôi. Giờ thực sự mình với mình, với sách, với trẻ con. Vài ông bạn từng thuyết phục mình bỏ đọc báo, nhắn đi nhắn lại rằng đừng tưởng đấy là kiến thức, đừng tưởng biết hết thật ra chẳng biết gì, rằng đó là bề nổi của cuộc sống, đừng nên nhìn đời theo cách ấy... có vẻ đắc chí, thế chứ, đã bảo rồi mà.
Mình bắt đầu đi dụ dỗ bạn bè, ca tụng việc không đọc báo như đã tu nửa cuộc đời, như sống thần tiên trên núi, mọi thứ chung quanh tươi tắn và thanh sạch. Bạn rên lên kêu khó. Buổi sáng mà không cầm tờ báo trên tay thấy như đói, dù lắm khi báo cũng không có gì để đọc, dù thông tin bạn tìm được trong lúc lội mạng xã hội vẫn hay ho sinh động hơn nhiều. Biết là mất thời gian nhưng nhiệt độ cuộc sống hiện lên trên ấy, bạn phân trần, không đu theo thấy như bị bỏ rơi. Mình cười thôi bạn cứ ở lại chơi, mình lên núi đây. Rồi thì ai quan tâm, ai sắm du thuyền triệu đô, đất nước nào vừa chính biến, dòng sông nào vừa giãy chết... không còn nhồi máu tim mình nữa.
Dường như đó là cuộc chạy trốn, đôi lần mình nghĩ vậy, khi nhìn quanh bỗng vắng. Nhận ra chẳng phải người đời cứ không đọc báo mà thành tiên. Nông dân bận bịu ngó trời ngay ngáy lo mùa thất bát, buôn gánh bán bưng cùng với đánh giày bạc mặt mòn chân cho cuộc mưu sinh, sư bận kệ kinh, mấy chị nội trợ quẩn quanh với cá lên giá, chồng nhậu khuya. Mình có chút bơ vơ.
Và một bữa mình ngoắc thằng nhỏ bán báo lại, như cú tiếp đất sau bao ngày lơ lửng. Trải tờ báo trước mặt, lướt qua từng trang một, mình bỗng nhận ra chưa từng bị đứt đoạn dù đã đi vắng cũng lâu rồi. Thế giới vẫn đầy nước mắt và hỗn loạn y hệt hôm mình rời khỏi. Một chiếc tàu du lịch chìm mang đi nhiều trẻ con, một xóm "nhà không nóc" cũng nheo nhóc con nít mồ côi cha, một ông già bị chính máu thịt ruột rà đuổi ra đường sống đời bờ bụi, những ngư dân bị hiếp đáp bỏ mạng ngoài khơi... Lại là cảm giác bị trăm con sóng nhồi, bị que xiên qua thịt da, bị xóc dằm, thấy chính mình bị giẫm đạp, phẫn uất dồn lên nghẹn cổ. Rời rã. Mệt nhừ.
Lần đầu tiên mình nhận ra – sau chuyến phủi bụi trần thế thõng tay đi chơi núi – những cảm xúc ngột ngạt bị đẩy đến tận cùng, đến ngộp thở đó có khi cũng cần thiết cho mình, một người viết. Chữ bật ra từ những nỗi đau, biết đâu...
NGUYỄN NGỌC TƯ
....