Ring ring

Toilet

Posted at 28/09/2015

200 Views


1. Tôi đang ngồi ở Toilet. Đó là một quán bar. Khi đỗ xe, cậu bảo vệ hỏi: "Anh chị vào Toilet ạ?". Em bụm miệng cười. Suy cho cùng vào Toilet là điều hết sức tự nhiên, có gì đáng phải cười? Nếu phải nghĩ một slogan cho quán Bar này, có thể lấy câu: Nơi tất cả mọi người hàng ngày phải đến. Nhưng suy cho cùng, Toalet cần gì slogan?
***
Nội thất của quán được nhấn bởi những chậu tiểu treo trên tường, quầy bar là một cái bồn tắm và chỗ của DJ có hình một cái xí bệt. Những cuộn giấy vệ sinh được treo khắp nơi. Tôi bỗng nhớ câu nói ai đó viết lên tường trong ký túc xá sinh viên: "Toilet là nơi duy nhất ta được là chính mình".
Em lấy máy điện thoại ra nhắn tin rủ bạn: "Len Toilet đi" và cười thích chí khi bạn hỏi lại: "Toilet nao???". "Bar Toilet o 198 Tran Nhat Duat"...
Em bảo: "Rủ bạn em lên cho vui, có hai anh em mình buồn lắm". Tôi bỗng nhớ lý do khiến tôi bẵng đi một thời gian dài không gọi điện cho em – vì em kêu buồn mỗi khi đi với tôi. Thế hệ 8x là vậy đấy, tàn nhẫn như mưa nhiệt đới.
Trong tiếng nhạc ầm ầm, mỗi khi nói gì phải ghé sát vào nhau, có cái gì thầm kín, thân mật.

Em kể về một anh bạn, bị vợ bỏ. Đàn ông thế hệ 7x bây giờ kể xấu vợ thành thần, đồng thời khoe khoang là mình chiều chuộng vợ từng ly từng tý thế nào và không quên than thở về nỗi cô đơn không người chia sẻ.
Em chép miệng: "Tội cho anh ấy quá, người giỏi như thế mà phải khổ".
Tôi cười chẳng biết nói gì. Nhớ lại 3 chiêu thức tán gái: tán gái kiểu sư tử - để gái theo và cung phụng, tán gái kiểu voi - lao tâm khổ tứ, tán gái kiểu chuột -luôn tỏ vẻ tội nghiệp để gái rủ lòng thương. Chẳng lẽ bây giờ mình lại xoay ra tán gái kiểu chuột?
2.
Tôi đang ngồi ở Toilet. Bạn tôi bảo đây là quán bar của học sinh, sinh viên. Có lẽ trong quán này anh là người già nhất. Anh đã cố xắn tay áo sơ mi lên mà vẫn có vẻ nghiêm túc như một cán bộ phòng thuế. Ở Toalet mọi người toàn mặc áo phông, hoặc ít nhất là sơ mi hoa.
Tôi cũng không hiểu tại sao lâu lắm rồi mới thấy gọi điện, bảo là muốn mời tôi đi ăn tối. Tôi trả lời ngay: "Vâng, em đang đói đây". Tôi thấy háo hức như sắp sửa được đi phá kho thóc Nhật. Anh là người tẻ nhạt thứ nhì trên Trái đất này (người tẻ nhạt thứ nhất tôi chưa được gặp) nhưng đi với anh cũng vui vì anh cho tôi chọn đi đâu ăn gì mà tôi muốn, và tôi có thể gọi mấy đứa bạn đến chứng kiến và cùng vui.
Tôi nhắc đến chuyện Công ty anh đang tuyển người, anh bảo: "Được thôi nhưng làm việc nhận lương mỗi tháng hai triệu chán chết. Mà trong Công ty bọn anh muốn làm nghiêm túc". Công nhận là buồn cười, kể ra hai triệu một tháng chẳng đủ cho tôi trả tiền điện thoại và tiêu vặt nhưng ở nhà tiêu tiền mẹ cho lâu lâu cũng buồn. Anh bảo đi làm chán chết nhưng lại đề nghị tôi làm một việc chán chết hơn là viết văn. Viết để kể về chính tôi, về thế hệ tôi, thế hệ 8x. Có gì để kể đây?
Anh hỏi: "Thực sự em muốn làm nghề gì?". Tôi trả lời đại khái là: "Em muốn làm bác sỹ tư vấn tâm lý". Anh gật gù tỏ vẻ đồng tình: "Công nhận em biết lắng nghe người khác". Chứ lại còn không à? Chỉ riêng việc chịu đi chơi với anh và nghe anh nói đã đủ để tôi được cấp bằng bác sỹ tư vấn tâm lý.
Tôi hỏi: "Thực sự anh tâm đắc với quyển sách nào nhất?". Anh trả lời đầy nghiêm túc về một quyển nào đó có bối cảnh là thời Chiến tranh thế giới thứ II, khi con người cận kề với cái chết, lúc đó chỉ có tình bạn và tình yêu là đáng kể..."Buồn cười nhỉ, thế còn tiền? Chẳng lẽ tiền lại không có giá trị sao?" Tôi chỉ nghĩ vậy mà không nói ra.
Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, anh bảo lúc đó lạm phát rất ghê nên tiền không có giá trị mấy. Anh hỏi lại tôi: "Thực sự em tâm đắc với quyển sách nào nhất?". Tôi định bảo: "Em chưa thấy tâm đắc với quyển nào (vì em đã đọc quyển nào đâu)" nhưng chợt nhớ lời đề nghị khiếm nhã của anh về việc tôi viết sách, tôi bảo: "Quyển sách tâm đắc nhất của em là quyển em sẽ viết ra".
À tôi nhớ ra rồi , lý do anh rủ tôi đi ăn tối là vì anh vừa đi xa về. Cứ làm như là chuyện đó có can hệ đến tôi nhiều lắm.

3.
Khi đi xa về, khi trở lại cuộc sống thường ngày của mình, người ta thường mong có sự thay đổi, người ta thường mong có gì đó mới mẻ.
Tôi đang ngồi ở Toilet. Trong Bar Toilet, toilet sẽ được gọi là gì? Là Kho vàng. Nghe rất triết. Kho vàng – nơi mỗi người vào đó, để lại những gì vàng ngọc của mình.
Tại sao tôi lại ngồi đây? Có một người hẹn gặp tôi rồi không thấy gọi điện lại và tôi gọi điện cho em. Dù tôi cố tình không trả lời tin nhắn chúc Tết của em, dù gần cả năm không gặp, em vẫn như ngày xưa – nghĩa là vẫn ở Hà Nội và đồng ý đi ăn với tôi.
Ngày xưa, tôi đã bảo là tôi rất thích em, nhưng cũng cố kìm lòng để được thanh thản. Tôi vẫn nghĩ một cách đầy tự tin là để trở nên thân thiết với em là không khó nhưng sau đó dường như tôi sẽ bị bắt làm tù binh, tôi sẽ bị lệ thuộc.
Tôi vẫn nhớ có lần đánh bài với em, em thua hết số tiền em dành để trả tiền điện thoại nhưng tôi vẫn thản nhiên cầm số tiền đó trả tiền nước cho cả hội bạn - để chứng tỏ giữa tôi và em là vô tư, chẳng có chuyện gì...Ngày xưa, tôi và em đã lang thang qua bao quán cafe, mà lòng tôi dửng dưng. Sau chuyến đi xa về có gì khác không?
Tại sao tôi lại ngồi đây? Tại sao tôi gọi cho em? Có gì mà phải nghĩ nhiều đâu?
Trong tiếng nhạc ầm ầm, giữa những người xa lạ, không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác yên bình, như ở nhà mình. Tôi nhớ lại nỗi cô đơn khôn xiết khi một mình giữa phố phường xa lạ, những ngôi nhà xa lạ. Mưa - những cơn mưa quen thuộc thế ở nơi khác cũng có gì khang khác...Tôi nhớ những căn phòng đã ở cả tháng mà chẳng hề muốn sắp xếp lại đồ đạc và chẳng nhớ bức tranh trên tường có hình gì. Trong những chuyến đi xa, tôi thường mua rất nhiều sách, chất đống sách trên bàn, như thể để tìm chút hơi ấm.
Không biết em nói thật hay là bộ, em có vẻ cũng quan tâm đến sách. Và em đang luôn miệng hỏi tôi: "Anh thấy ở đây thế nào?...Anh có vui không?...Anh có mệt không?".
Ở cuối căn phòng dài và hẹp như một toa tàu của Bar Toilet có đặt một bàn bi a. Những gã trai mặc áo may ô, quần bé như mượn của em trễ xuống giữa hông đang thành thạo lùa những viên bi a vào lỗ, và nhân tiện lùa cả những em mặc quần cộc để khoe đôi chân dài miên man đang cầm chai bia đứng xem. Những gã đó là hiện thân cho sự sành điệu?
Mốt bây giờ là mặc những cái quần bé tý, như thể nói với mọi người rằng tôi sẽ không bao giờ lớn. Chúng ta có ai thích trở thành người lớn không? Chẳng ai thích cả nhưng nhiều người không dám nói ra. Có những gã dám nói thẳng ra những điều người ta ngại nói, làm những gì người ta ngại làm – dù chỉ là một biểu hiện nhỏ như mặc một chiếc quần lạ kiểu và vì thế được các em ngắm nhìn với vẻ ngưỡng mộ.