Snack's 1967

Phù thuỷ cô đơn

Posted at 27/09/2015

191 Views


( - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán chổi")
"Mẹ...mẹ ơi, tại "chao" một mình cô này lại bay bằng cán chổi, mà "hông" bay bằng đôi cánh to và đẹp như mấy cô kia hở mẹ? Sao nhìn mặt cổ ác quá ờ"
"Không phải đâu con, cô ấy không phải là người xấu, cô ấy thật cô đơn...."
***
Mẹ tôi vẫn thường nói: mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều là một thiên thần, được thượng đế ban cho nụ cười và đôi cánh. Nụ cười và đôi cánh ấy mang lại niềm vui cho biết bao người trên thế gian. Tôi cũng từng là một đứa trẻ, biết bao ngây ngô, hồn nhiên với nụ cười của thiên thần. Kí ức tuổi thơ tuy chỉ còn lại những mảnh vụn nhưng tôi vẫn không quên những tháng ngày có bố và mẹ ở bên. Với tôi, bố mẹ chính là những thiên thần, mang cho tôi ánh sáng để đến được với thế gian này.
Kí ức đó đẹp và ám ảnh đến nỗi dẫu cho tôi có cố quên đi tất cả, muốn đập vỡ chúng tan thành trăm mảnh để không phải nhớ đến nữa cũng không thể. Tuổi thơ như một giấc mơ đẹp, khi tỉnh dậy từ giấc mơ, con người sẽ trở nên hụt hẫng, vô vọng bởi thực tại quá đỗi phũ phàng....

Khi tôi mới lên bảy, bố mất vì tai nạn giao thông, lẽ ra mẹ phải là chỗ dựa lớn nhất còn lại của cuộc đời tôi. Thế nhưng mẹ lại bỏ tôi mà đi, để lại một mình tôi cô đơn, lạc lỏng, không có lấy một điểm tựa. Một buổi sáng thức dậy, bên cạnh tôi vẫn còn chút hơi ấm, nhưng rồi đợi mãi cũng chẳng thấy mẹ về, tôi còn nhớ mình đã chạy khắp nơi để tìm mà chẳng thấy mẹ đâu, tìm mãi, tìm mãi...Mẹ đã bỏ tôi mà đi...
Thế rồi tôi được ông bà nội đưa về nhà chăm sóc. Suốt bao đêm tôi đã òa khóc: "Bà ơi, mẹ con đâu, mẹ con đâu rồi??? Mẹ con đâu hở bà?". Lúc đầu bà không trả lời, chỉ đưa mặt đi chỗ khác, mặc cho tôi khóc suốt cả đêm. Nhưng đến một ngày, bà nói với tôi: "Mẹ mày đi theo trai rồi, bỏ mày lại rồi, đừng khóc nữa vì mẹ mày đang hưởng hạnh phúc bên người khác rồi con ạ". Tôi còn nhớ mình đã hét lên với bà: "Mẹ cháu đã hứa sẽ luôn bên cạnh cháu, mẹ cháu nói vậy mà, mẹ bảo sẽ mãi ở bên thiên thần bé nhỏ của mẹ, bà cứ chờ xem, mẹ cháu sẽ trở về, sẽ về thôi mà!!!".
Khi ấy tôi không hiểu "bỏ theo trai" nghĩa là thế nào, nhưng tôi cũng chẳng muốn hỏi thêm, bởi vì đầu óc non nớt của trẻ thơ chỉ biết nghĩ rằng "bỏ theo trai" đơn giản là đi du lịch ở một nơi nào đó, rồi mẹ sẽ về, nhất định sẽ về... Mãi đến khi đủ lớn, tôi mới hiểu được cụm từ "bỏ theo trai" mang theo cái nghĩa xấu xa và tội lỗi đến nhường nào...
Phải lớn lên trong sự cô độc, tôi hận người tôi từng gọi là mẹ, hận cái người đã ban cho tôi ánh sáng xuống thế gian nhưng rồi lại tắt nó đi, để tôi một mình mò mẫm trong thế giới cô đơn. Có ai hiểu hết cảm giác đi học mà không có mẹ bên cạnh để khích lệ, động viên, không có ai chờ mình về để cùng ăn bữa cơm gia đình, cũng chẳng có ai để đi những buổi họp phụ huynh, cũng chẳng có ai để tâm sự vui buồn. Tôi đã lớn lên như thế đó, cô đơn một mình giữa thế gian. Và rồi từ một đứa trẻ vui vẻ, trong sáng, ngoan ngoãn, tôi trở thành một nữ sinh ít nói, bướng bỉnh. Thầy cô bao lần muốn mời phụ huynh lên để gặp mặt, trao đổi tình hình thực tại vì tôi chẳng bao giờ giao tiếp với bạn bè. Nhưng tôi làm gì có ba mẹ chứ, ông bà cũng chẳng quan tâm đến tôi việc học hành ra sao, tôi muốn học hay không đó đơn giản là quyền quyết định của tôi.
Từ khi còn nhỏ, tôi cũng chẳng thể nào tin vào thứ gọi là tình thương, bởi mẹ - người tưởng như yêu tôi nhất trần đời – cũng bỏ tôi mà đi thì cớ gì tôi phải tin chứ. Tôi như bị tách ra khỏi cái thế giới đầy rẫy những niềm vui và điều tốt đẹp kia. Trong lớp, khi bạn bè đồng trang lứa cười nói vui vẻ, thì mỗi mình tôi ngồi suy tư, ngóng trông ra cửa, nghĩ về một điều gì đó mà chính tôi cũng không thể biết. Nhìn bạn bè cười nói hồn nhiên, tôi nghĩ họ là những thiên thần bởi họ dường như luôn hạnh phúc và có cả bố mẹ kề bên. Còn tôi...chỉ là một phù thủy cô độc.
Có phải trong truyện cổ tích thường có hình ảnh mụ phù thủy bay trên cán chổi, thuở nhỏ tôi nghĩ rằng mụ ta hẳn phải ác và tàn nhẫn lắm. Nhưng có người đã nói với tôi rằng: mụ ấy không ác, mụ ta chỉ là một người phụ nữ cô đơn. Có lẽ bà ấy cũng từng là một thiên thần chăng, nhưng vì cớ gì mà đánh mất đôi cánh đẹp đẽ của mình, để rồi phải mang trên người bộ mặt xấu xí, cùng cái cán chổi vô dụng kia. Vì thế giới loài người làm mụ ta cô đơn chăng. Cô đơn ư? Đó chính là cảm giác tôi phải chịu suốt mấy năm qua, chính vì thế tôi thường nói với mình rằng: "Mày là phù thủy đó, Nguyệt Minh ạ!". Thế rồi, tôi ngày càng lớn, ở cái tuổi tươi đẹp của một thiếu nữ nhưng tôi chẳng bao giờ mỉm cười hạnh phúc như bao cô gái khác. Phải chăng đã quá lâu tôi quên đi cách để mỉm cười...
Trường của tôi đang theo học thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nào là đến thăm thương binh liệt sĩ, thăm các gia đình nghèo,... Thú thật cô học trò bướng bỉnh như tôi chẳng mấy quan tâm vào mấy hoạt động đó, nó thật phiền phức và sáo rỗng - ít nhất với tôi là như thế. Vì đã trốn quá nhiều hoạt động của trường nên hôm nay dẫu không muốn tôi cũng phải cùng đoàn đến thăm một bệnh viện tâm thần. Nơi đây bốc một cái mùi thật sự rất là khủng khiếp, đã thế những bệnh nhân nếu thấy có người đến thì giơ tay chào và cười rất vui, cứ như thể đang gặp được người yêu, một số thì nói những câu không hiểu nổi, thậm chí có người còn bám theo để xin tiền. Thật nực cười khi một thoáng tôi nghĩ mình giống họ, đều là những con người cô đơn, lạc lõng.
Bất chợt có một người phụ nữ đến nắm lấy tay tôi mà khóc, tóc bà ấy dài, xõa ra, rối hết cả, dường như lâu ngày không được chải chuốt. Người bình thường nếu thấy có bệnh nhân tâm thần tiếp cận thì đa phần sẽ sợ hãi và bỏ chạy. Thế nhưng ánh mắt người phụ nữ này nhìn tôi thật dịu dàng, ánh mắt ấy dường như sáng hơn bất cứ vì sao nào khác trên bầu trời làm tôi phải khẽ mỉm cười.
Sau buổi đi từ thiện cùng đoàn hôm đó, chẳng hiểu sao tôi vẫn thường đến nơi ấy, xin được gặp người phụ nữ hôm nọ. Mỗi lần thấy tôi đến, dù bà đang bận chọc phá hay mãi nghịch ngợm món đồ chơi nào đó, thì bà cũng chạy đến ngay chỗ tôi, nắm lấy tay tôi mà khóc, và nhìn tôi đầy ám ảnh. Nhìn ánh mắt ấy, có cái gì đó sống lại trong tôi. Mỗi lúc như vậy tôi luôn khóc và nắm chặt tay bà để bà bớt sợ hãi và cô đơn. Bà thấy tôi khóc liền đưa bàn ta lấm lem lên lau lấy, lau để, miệng khẽ mấp mấy như muốn nói một lời, bà bảo tôi đừng khóc chăng. Mỗi lần tôi gặp bà, cảm giác cứ như gặp gỡ một người thân trong đời, bà chẳng biết làm việc gì trừ lau nước mắt cho tôi. Nhưng bấy nhiêu ấy đã quá đủ, bởi từ khi mẹ bỏ tôi mà đi, nước mắt của tôi cứ rơi ra rồi lăn dài trên má, chảy vào miệng... mặn chát, rồi lại rơi xuống cằm, ướt đẫm cả áo... Rồi cứ thế, cứ như một thói quen, tôi thường xuyên đến thăm bà, kể cho bà đủ mọi thứ chuyện trên đời, bà chỉ nhìn tôi, ứ ứ vài tiếng chứ chẳng nói gì cả, nhưng đó là tất cả những gì tôi cần. Tôi chỉ mong có người để tâm sự, lắng nghe và an ủi, xoa dịu sự cô đơn trong cõi lòng.
Đến một ngày, cô bác sĩ có nhiệm vụ trông chừng bà đến nói với tôi:
"Cô rất vui vì cháu đối xử với bà ấy bằng tình cảm của một đứa con. Tình hình sức khỏe của bà cũng dần khá hơn trước rồi. Ôi một người phụ nữ bất hạnh...".
"Tại sao bà ấy lại ra nông nỗi này thế ạ? Người thân bà ấy đâu" – tôi hỏi.
"Bà ấy bị bố mẹ chồng đuổi đi bởi vì trong mắt họ bà là người đã gián tiếp hại chết chồng mình. Thật là đau khổ cho bà, khi bà ấy được đưa vào đây, trong túi xách nhỏ chỉ có một cuốn nhật kí mà thôi"
Bất chợt tôi muốn hiểu về quá khứ của người phụ nữ này, đơn giản vì tôi muốn biết nhiều hơn về người mà tôi yêu quý: "Cô có thể cho cháu đọc cuốn nhật kí đó không ạ? Cuốn nhật kí đó có còn không hở cô?"
--------------
Cầm trên tay cuốn nhật kí ấy, gương mặt tôi lệ nhòa:
"Ngày 2/5:
Thiên thần bé bỏng của mẹ ơi, hôm nay bà nội con lại muốn đuổi mẹ ra khỏi nhà. Một lúc nào đó lớn lên con sẽ biết được có những thiên thần khi rơi xuống thế gian này đã vô tình gây nên tội. Trước khi mẹ sinh ra, thầy bói đã phán rằng nếu sinh ra mẹ, ông bà ngoại có thể phải chết bởi vì xung khắc...