Những chiếc áo màu xanh da trời
Posted at 27/09/2015
166 Views
Món quà đầu tiên Thiện tặng chị là chiếc áo màu xanh da trời. Năm chị 29 tuổi, lần đầu biết yêu. Anh 32 tuổi. Anh bảo, là lần cuối biết yêu. Ngày chọn áo cưới, anh thờ ơ với các váy áo màu trắng, màu hồng, chỉ thích chiếc áo cưới màu xanh da trời đứng lẻ loi nơi góc phòng.
***
Chị chiều chồng, bỏ sở thích màu hồng. Chị lấy chiếc áo váy trắng tinh khôi và màu xanh biển mát dịu. Anh trầm trồ: "Em làm anh nhớ tới hình ảnh những cô tiên xanh trong truyện tranh, đáp ứng tất cả ước mơ của trẻ nhỏ". Chị cười với sự ví von vụng về của anh chồng vốn non kém về khả năng diễn đạt, chỉ giỏi lập trình, tính toán.
Ngày cưới, bạn bè trêu chị "trâu chậm mà uống nước... trong". Chị hãnh diện bên anh. Một người đàn ông như Thiện có thể coi là mẫu mực: không nhậu nhẹt, không lăng nhăng, không tục tằn thô lỗ, lương tháng nghìn đô, là một chuyên gia lập trình nhiều người biết tiếng... Nhưng những điều ấy không phải là tiêu chí quyết định để chị tìm đến nếu không có cảm giác anh là bến dựa bình yên. Anh cười duyên hết sức. Nụ cười vô tư và giọng nói ấm trầm của anh khiến chị rung động ngay sau lần đầu gặp. Và có lẽ vẫn là cảm giác rung động ấy.
Mẹ chị mê mải những mũi kim may áo cho trẻ sơ sinh. "Mẹ, có biết con trai hay con gái đâu mà mẹ cứ may", chị trang trí lại bình hoa sen, bắt chuyện. "Kệ, tao cứ may cho vui. Sơ sinh trai gái gì mặc cũng được". "Siêu thị có hết rồi, may chi cho cực", anh xen vào. Bà mẹ lườm nguýt con trai: "Mày có lớn mà không có khôn". Hương sen cuối mùa tinh khiết tỏa lan căn phòng. Họ hạnh phúc như thể đang đón chờ một thiên thần bé.
Anh lảng tránh tất cả cuộc hẹn khám hiếm muộn của chị. Dù mẹ nói hay không thì sau ba năm, chừng đó thời gian cũng đủ để người phụ nữ ngoài ba mươi như Thùy cuống quýt lo toan chuyện con cái. Chị tự nhủ, có lẽ bản năng đàn ông khiến anh ngại, không dám đối diện bất cứ nguy cơ nào có thể ảnh hưởng đến mình.
***
Thụy bắt đầu nhận ra chồng lơ là với mình. Anh vẫn tốt như thế, vẫn chu đáo như thế, nhưng sự nồng nhiệt ở những giây phút riêng tư thì không còn nữa. Rồi chị nhận ra đề tài trò chuyện giữa vợ chồng bây giờ chỉ là những việc cần thiết trong nhà, nghĩa vụ gia đình, họ hàng... Những câu chuyện về tương lai, con cái có khi là xa xỉ, đều bị anh tránh nhắc tới. Chị có nhắc thì anh đánh trống lảng, gạt đi. Anh chẳng quan tâm đến việc chị gầy hay béo lên, dù sự thay đổi của chồng chỉ hai tuần qua khiến chị sút đi hẳn hai ký.
Thi thoảng, anh nhìn chị từ sau lưng, chất chứa điều gì muốn nói nhưng khi chị ngoảnh lại thì anh quay đi, thái độ như che giấu điều gì đó... Chị thấy thật buồn cười cho những giây phút áy náy của anh. Vợ chồng với nhau yêu nhau đến vậy, khi thay đổi chỉ có thể là tránh né và áy náy thôi sao.
Chị đã bắt đầu cố ý chọn nhiều chiếc áo xanh màu da trời, màu anh yêu thích. Nhưng đến lúc anh dần lơ là luôn chuyện chăn gối thì chị nản, nản thật. Trước đây chuyện ấy đầy ngẫu hứng và mật độ khá dày thì bây giờ cực kỳ đều đặn: mỗi tháng hai lần, cách nhau đúng hai tuần, một cách "nghĩa vụ".
Thụy tự an ủi mình, có lẽ anh mệt mỏi vì công việc, hoặc vì lấy nhau lâu, sự đam mê cũng giảm dần đi và dần đến chỗ nhàm chán. Chị bắt đầu suy nghĩ cách "hâm nóng" tình yêu. Tủ quần áo có thêm nhiều chiếc áo xanh da trời hơn, đồ ngủ lụa là, quyến rũ hơn, những bình sen sang trọng trang trí nơi góc phòng được chăm chút hơn.
Nhưng chưa kịp áp dụng chiêu sách nào thì chị phát hiện ra điều phũ phàng: anh có bồ. Cay đắng hơn, người đàn bà ấy thua chị về mọi mặt: già, mặt mũi thân hình đều thô cứng, khắc khổ, làm một công việc nhàm chán, và gu thẩm mỹ rất quê mùa. Người ấy từng có chồng nhưng đã ly dị. Và từng là bạn thân của anh.
Chị không thể tìm được lý do nào giải thích việc anh thờ ơ với mình để đắm đuối trong mối tình tội lỗi với người đàn bà khác. Thời gian anh dành cho gia đình ít hẳn. Chị tự giày vò mình, tưởng tượng ra cảnh anh đang hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ ven sông mà nước mắt chan chứa.
***
Quán cà phê cuối tuần nằm trong con hẻm vắng khách. Chị đưa bàn tay nhỏ bé quậy ly cà phê sữa nóng. Thức uống ngọt có vị đắng này đã thành quen thuộc với chị sau nhiều đêm thức chờ chồng. Chị nói với chồng rằng đã biết về sự phản bội của anh, và yêu cầu giải thích. Và dù chị như con rối, từ giận dữ quát tháo đến vùi đầu khóc lóc, anh chỉ xin lỗi với vẻ mặt vô cùng khổ sở mà không giải thích một lời. Anh thờ ơ đến vô cảm: "Mình chia tay nhau, em nhé!".
Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, chị lau nước mắt bước ra khỏi quán. Hai ngày sau, vẫn quán cà phê cũ, Thiện nói quyết định kể cho chị nghe mọi chuyện. Chị ấy là vợ một người bạn vong niên của anh, họ gặp nhau khi anh mới 20 tuổi. Vợ chồng họ đã coi anh như người em và giúp đỡ rất nhiều. Và anh đem lòng yêu chị ấy. Rồi anh quyết định không gặp nhau nữa để tránh chuyện "lửa gần rơm". Thế nhưng, anh vẫn luôn yêu chị ta, vì lý do đó mà các mối tình sau đó của anh đều kết thúc cực kỳ chóng vánh, cho đến lúc anh gặp và cưới Thụy. Gần đây, họ tình cờ gặp lại, và anh được biết người tình cũ ly dị đã khá lâu.
Chị ngồi lặng như đá nghe chồng kể, nước mắt không rơi nổi nữa. Đến lúc ấy Thụy mới nhận ra rằng trong tình yêu với chị, anh chưa bao giờ tỏ ra quá say đắm. Chị đã biện minh do tính chất nghề nghiệp anh khô khan nên anh như vậy, hóa ra...
"Nghĩa là anh chưa bao giờ yêu em, em chỉ là người lấp chỗ trống phải không?", Thụy đau đớn hỏi chồng. Anh thản nhiên: "Anh yêu em, nếu không anh đã không cưới em làm vợ mà cũng sẽ chia tay như với những người trước đó. Thời gian quen nhau hai năm đủ để anh chắc chắn anh yêu em". "Vậy với chị ta thì sao? Sao anh có thể vừa yêu chị ta vừa yêu em?". Câu hỏi đó, anh không trả lời được. Chị thì biết, tình yêu anh dành cho mình là một thứ gì khác ít sâu đậm hơn nhiều.
Mẹ chồng chị đã mấy lần đến gặp người đàn bà ấy, chỉ mong cứu gia đình bên bờ vực đổ vỡ. Bà dùng mọi cách, từ nhẹ nhàng đến gay gắt, thậm chí xúc phạm để yêu cầu chị ta buông tha cho anh...