Polaroid

Người giúp việc kì lạ

Posted at 27/09/2015

190 Views


Thế là Nguyễn Thy Lan lên đường. Cực kỳ mốt, cực kỳ hiện đại. Mái tóc duỗi thẳng thoang thỏang mùi nước hoa. Nó mất một buổi chiều trong tiệm làm đầu  cọng thêm bao nhiêu tiền bạc thì tôi không biết. Vẫn áo hai dây, quần bó sát bắp chân tròn lẳn, nón kết trên đầu. Vai mang một cái ba lô đỏ chói nó hiên ngang hòa nhập với đám du khách qúy tộc, chẳng kém cạnh một ai. Một vài cặp mắt hướng về phía nó, ngưỡng mộ. Với tuổi trẻ của nó, nhan sắc vừa đúng độ, phải nói nó đẹp rỡ ràng. Đưa nó ra xe, không vội trở về, tôi nấn ná ngắm “tác phẩm” của mình. Tôi có quyền hãnh diện chứ. Dù sao đó cũng là “tác phẩm” của tôi.
 
***
Con bé đứng trước mặt tôi, bé loắt choắt so với cái tuổi mười bốn, mười lăm của nó. Đen điu, còm cõi, tóc hoe vàng khô đét như cái bắp ngô nướng già lửa.
Tôi rã rời tay chân. Ngao ngán, ngao ngán đến tận cùng.
Thế đấy, người giúp việc của tôi đấy.

 
Nó giúp được gì cho tôi trong những ngày tháng căng thẳng sắp tới. Vừa qua kỳ sinh nở, công việc cũ mất rồi, cứng tay lắm người ta mới dành cho mình một vị trí mới đầy xương xóc. Xương cũng cố mà gặm, cố mà phấn đấu rồi từ từ... Cuộc sống mà. Đồng tiền đâu dễ đến khơi khơi.
Dưới nhà, tiếng dép bà mẹ chồng kéo lệt sệt. Bà quen đi dép trong nhà. Tuổi già, lỡ rủi ro trượt té lại sinh chuyện. Tôi chỉ vào phòng tắm:
- Có giỏ áo quần dơ trong đó. Mà trước khi giặt rà soát lại xem túi áo, túi quần còn sót cái gì không.
Để quên giấy tờ tiền bạc là tật cố hữu của chồng tôi. Con bé lục cà lục cục một hồi trong phòng tắm rồi bước ra với giỏ đồ ngồn ngộn. Tôi đứng dậy:
- Lên đây, cô chỉ cho cách dùng máy giặt. Cố mà nhớ lấy. Không cẩn thận chập điện cháy nhà đấy.
Bất chấp câu hù dọa, mắt nó sáng rỡ lên, khệ nệ ôm giỏ quần áo tất tả chạy theo tôi.
Trời ạ, bật cái bếp ga nó bật cũng không xong. Vậy mà máy nước nóng, nước lạnh, máy bơm, máy giặt, máy lạnh, hệ thống cửa khóa... Với trình độ bỏ học từ năm lớp sáu như nó thì máy móc nhà này cũng đến tan hoang. Cái gì cũng hướng dẫn, chỉ vẻ, sai bảo... Mà tôi thì đang lúng túng vụng về với vai trò làm mẹ.
Phải nói cả tôi lẫn nó đều rối tung lên. Rồi cau có, gắt gỏng, tức tối đến ứa nước mắt. Không, tôi cần một người làm khác kia. Chững chạc, thông thạo, nhanh nhạy và biết phải làm gì. Để đáp ứng đủ tiêu chuẩn này tôi đã bàn với chồng tìm kiếm hoặc nhờ dịch vụ. Thế mà...
Tiếng dép lệt sệt, nặng nề từ tầng dưới lại làm tôi xốn xang. Có cái gì đè ngang ngực tôi. Nghe tin tôi sinh cháu đầu lòng, mẹ chồng tôi tức tốc lùng sục người làm từ quê nhà đưa tuốt vào đây. Dự định của tôi bị gạt bỏ ngay lập tức. Không, dịch vụ là cái gì. Thời buổi này tin ai được. Vợ chồng bây đi làm cả ngày giao con cho người lạ. Biết gốc gác ở đâu, thật giả ra làm sao. Để đó, mẹ vào giúp ít tháng, kèm cặp con bé cho quen việc, thằng cu cứng cáp rồi mẹ ra. "Con so về nhà mẹ". Tôi không có mẹ thì đã có mẹ chồng. Đơn giản là thế!
Nhưng mẹ chồng và mẹ ruột là hai phạm trù mà cái chung thì ít, cái riêng thì nhiều. Tôi phải biết kiềm chế, phải tự điều chỉnh sao cho ổn thỏa đôi đường. Nhưng vấn đề vượt ngòai sức chịu đựng của tôi vẫn là nó, con Lang.
Nó tên Nguyễn thị Lang, viết đúng như tờ giấy khai sinh mà bà mẹ chồng tôi giữ khư khư để vào đây "khai báo với địa phương". Có lẽ ở quê nó "Lang" là dây lang dây muống gì đó. Tôi ác cảm với nó ra mặt. Khuôn mặt choắt lại, cặp mắt mở to nhìn chỗ này, ngó chỗ kia cứ như rình mò, lùng sục. Nó như con chuột nhắt lấm lét, chui rúc, phá phách.
Mới hôm đầu tiên, nữa chai nước tẩy trang của tôi bị trút vô tội vạ vào thau giặt chỉ vì tưởng... xà phòng dành cho em bé. Một bữa, nó táy máy bấm nút cửa phòng rồi đóng sập lại. Cả thằng Bin và chùm chìa khóa đều ở trong phòng. Tôi xanh mặt run rẩy. Chồng tôi phải bỏ dở công việc từ công ty tức tốc chạy về mở cửa. Đuổi việc nó? Không xong! Chồng tôi cũng không mấy tin vào dịch vụ. Hơn nữa, mẹ đã cất công lùng sục mang vào. Hai bà cháu đi tàu hỏa mấy ngày đường phờ phạc, nhếch nhác. Việc gì thì cũng phải từ từ.
Tôi uất ức. Đụng đến nó là động chạm đến mẹ. Tôi chìu mẹ chồng rồi còn phải chịu đựng cả người làm vì mẹ chồng nữa sao trới. Đây cũng là một lọai ô dù. Nó cũng có ô dù như ai nên tha hồ tác oai, tác quái. Mà cặp mắt nó nhìn tôi kìa. Ranh mãnh cứ như thách thức, cứ như nó biết chắc chỗ đứng vững vàng của nó trong ngôi nhà này. Đến phát điên vì nó!
***
Rồi cũng đến lúc tôi phải rời xa con để trở lại công việc. Nấn ná sáu tháng rồi. Sáu tháng trời quen hơi hớm mẹ con, quen ôm ấp hình hài bé bỏng ấy vào lòng, cả lúc ăn, cả lúc ngủ. Bốn tháng hay sáu tháng vẫn là quá ít cho một bà mẹ, dù là mẹ thời hiện đại như tôi. Giao con cho mẹ chồng, lòng dạ tôi ngổn ngang trăm mối.
Đành rằng con tôi là cháu bà, cháu cưng cháu qúy nhưng cách nuôi con mỗi thời mỗi khác...