Polaroid

Người đàn bà bỏ đi

Posted at 27/09/2015

182 Views


Bố đã từng yêu thương mẹ và đến bây giờ khi mẹ đã bỏ đi, bố vẫn không ngừng hận, ngừng đau và ngừng chờ đợi.
***
Bố đánh mẹ. Đôi mắt nhòe nhoẹt nước mắt của bà cúi gục xuống đất. Cánh tay bà bầm tím và quỳ gục dưới nền nhà lổm chổm mảnh sành vỡ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ và bố cãi nhau, cũng không phải lần đầu tiên thấy những vết bầm tím và sây xát trên người bà. Chỉ cần bố say, bố sẽ phá tất cả, chửi rủa và đánh đập.

Mẹ chấp nhận lời cầu hôn khi chưa đầy 16 tuổi. Vì lời thúc ép của ông ngoại, mẹ nhận lời người đàn ông hơn mẹ gần chục tôi. Vì mẹ thương ông, vì gia đình bên ngoại rất nghèo lại đông con. Ông không đủ tiền nuôi mẹ học. Gia đình nhà bố khá giả, họ đồng ý cho mẹ đi học tiếp thực hiện giấc mơ làm cô giáo của bà.
Rồi một ngày, bố lại say và đánh mẹ như mọi lần. Mẹ vẫn im lặng sau những câu chửi bới nhục mạ. Tôi nhìn trong đôi mắt bố ánh lửa bùng cháy riên xiết và đau đớn. Đôi mắt mẹ chỉ biết chảy lệ. Tôi chưa bao giờ nhận ra điều gì trong đôi mắt người đàn bà ấy. Vì bà giỏi che giấu hoặc rằng nước mắt đã che đạy tất cả sầu tư trong lòng người đàn bà kia.
Tôi nép mình sau cánh cửa nhìn về phía người đàn bà đơn độc. Bố bảo: "Mày giỏi thì đi theo cái thằng giai tơ chưa hết mùi sữa ấy đi".
Mẹ sụt sùi khóc và bó tròn đống quần áo bước đi.
***
Sau ngày bà đi, tôi cũng không khóc nữa, bố cũng thế. Chỉ có rượu mới làm nước mắt ông quằn quại trong đớn đau. Tôi vẫn nghe tiếng khóc và tiếng rên rỉ khi mỗi lần ông đóng sập cánh cửa buồng ngồi một mình ừng ực chai rượu trắng bệt. Thời gian ngắn mẹ đi, ông không còn uống hay đánh đập chửi bới vì chẳng còn ai ngồi nghe ông chửi, cũng chẳng còn cái gì cho ông đập phá nữa trừ hai chị em tôi.
Mẹ đi, nhiều lần thằng cu em khóc đòi mẹ. Tôi đã để cho nó khóc như bố để cho mẹ lăn lộn dưới sàn nhà mặc cho những vết sành cứa vào thân thể toạc máu. Rồi nó cũng chán, cũng thôi khóc và nó đòi ăn.
Mọi người nói tôi là đứa vô tình, máu lạnh. Cũng có thể vì tôi có cái gen di truyền từ người đàn ông tàn nhẫn và người phụ nữ nhẫn tâm. Tôi không muốn nhắc tới người đàn bà đó. Bà đã chạy theo người đàn ông khác và quyết tâm không mang chúng tôi.
Bố quát, giọng khè khè rên xiết: "Mẹ mày là con đàn bà hư hỏng, lăng loàn. Nó đã bỏ nhà theo trai và ôm lấy tiền của tao đi... Nó dám về nhà...Tao giết!"
Tôi cầu mong bà sẽ không về nữa vì bà sẽ không bị bố giết chết. Tôi đã hận bà biết bao vì bà bỏ rơi chúng tôi với nỗi cay nghiệt, nghi hoặc, những lời đàm tiếu và xì xào của xóm làng. Tôi chưa từng gặp người đàn ông kia. Tôi đã thấy tấm hình mẹ chụp cùng người đàn ông trẻ choàng chiếc áo xanh bộ đội. Mẹ đội chiếc nón che kín mái tóc dài thưa thớt. Mái tóc mà bao lần ông bố tôi đã giật lên, kéo đi mỗi lúc lên cơn say. Tôi chưa từng thấy đôi mắt dịu dàng của bà nhìn như vậy với bố. Đó là lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt bà không nhòe nhoẹt nước mắt mà lấp lánh những tia sáng của nụ cười. Trong quá khứ, tôi chỉ nhớ đôi mắt ướt sũng nước mắt và bờ lưng lạnh lùng quay nhanh khi đôi tay tôi nứu chặt lấy bà. Dứt khoát, nghiêm nghị. Tôi ôm lấy thằng em chạy đuổi theo. Tấm lưng nhỏ nghiêng ngả, bóng người đàn bà đổ dưới nền đường đang sập tối. Bà không nói gì với tôi dù chỉ là một lời hứa hẹn. Bà cũng không động vào người tôi và quay lưng bỏ đi. Tôi chỉ thấy nước mắt và nước mắt...
***
Bố đã từng yêu thương mẹ và đến bây giờ khi mẹ đã bỏ đi, bố vẫn không ngừng hận, ngừng đau và ngừng chờ đợi. Bố đã từ chối hai người đàn bà có ý định làm mẹ mới của chúng tôi. Bố nói vì sợ chúng tôi khổ. Bố đã bỏ rượu. Mẹ cũng bỏ bố, bỏ chúng tôi.
Tôi cũng không chắc nếu hôm đó mẹ đưa tôi đi thì tôi có hạnh phúc với người bố mới của tôi không? Nhưng tôi chỉ biết lúc đó, tôi đã khao khát cái nắm tay của bà như thế nào? Tôi đã ước cái túi của bà có thể chứa được tôi và mang tôi đi. Nhưng tôi không biết nếu cái túi đó đủ rộng bà có mang tôi đi không hay bà sẽ chọn đống tiền nhét chặt vào túi? Có thể bà không đủ tự tin để kéo chúng tôi đi vì biết bố yêu thương chúng tôi như thế nào. Bố thường đánh mẹ, mắng mẹ nhưng chưa bao giờ bố đánh chúng tôi. Rượu chỉ làm ông thêm tỉnh táo để hiểu rằng bà chưa hề yêu ông.
Mất vợ, ông có thế vì tự trọng mà không đi tìm kiếm nữa. Nhưng nếu mẹ đưa tôi đi bố sẽ có lí do hợp pháp để kéo bà phải quay về. Hay là do tình yêu của bà với người đàn ông kia? Người đàn ông có dáng người mảnh khảnh và chiếc mũi dài cao. Tôi thường thấy lưng của mẹ, mẹ ít khi âu yếm tôi. Cô chủ nhiệm môn mỹ thuật đã giao bài vẽ bức tranh gia đình em. Tôi đã mất cả một ngày với mấy cây cọ mới để vẽ bức tranh: "Nụ cười". Đó là một bức tranh với mâm cơm không có nước mắt. Tôi đã vẽ chiếc miệng to ệch và nụ cười rộng của bố, của mẹ và cả tôi nữa. Cô chủ nhiệm cho tôi điểm 10. Tôi hớt hải về khoe, thấy bố đang loạng quoạng bước, miệng lẩm bẩm chửi mắng. Mẹ ngồi khóc trên sàn nhà bừa bộn với những mảnh vỡ của hộp bút màu mới mẹ mua cho tôi. Tôi thững lại, không khóc. Vì tôi biết nước mắt không làm được điều gì cả. Mỗi lần bố đánh mẹ, bà cũng chỉ khóc. Nhưng càng khóc bố lại càng chửi bới và đập phá.
Từ lâu, tôi đã không còn hận bố hay giận hờn gì ông nữa. Vì chính tôi cảm nhận được sự lạnh lùng của mẹ, ánh mắt hỡ hững và những ánh nhìn không cảm xúc. Với tôi đó là nỗi đau ghê gớm. Khi tôi muốn khoe cho cả thế giới quyết định của mình: "Tôi dám bỏ bố để đi với mẹ". Tôi khóc và đuổi theo bà, nứu lấy đôi tay còn đang xách túi đồ nặng nhọc. Bà đã gạt tay tôi và quay đi. Từ đó tôi hiểu sự có mặt của tôi trên thế giới này là một sai lầm.
Cô hàng xóm bảo tôi: "Mẹ mày chắc đã chết đường, chết chợ rồi. Hôm trước tao lên phố thấy mẹ mày nằm lê một góc như con ăn mày". Tôi khóc. Khóc như ngày tôi nứu bàn tay mẹ khi bà bỏ đi. Tôi đã sợ.
Ở một nơi nào đó, bà có hạnh phúc không? Tôi chỉ nghĩ được như thế vì bà là mẹ tôi. Dù có lẫm lỗi hay sai trái tôi đã có mặt ở cuộc đời này - từ người đàn bà bỏ tôi đi. Tôi không quên việc phải hận bà. Nhưng tôi không làm cách nào hận được, vì trong sâu thẳm tôi vẫn nhớ và hi vọng được gặp để hỏi bà một câu: Bà có hối hận vì sinh ra tôi không?
Tôi cũng biết bố chưa từng quên mẹ, chưa từng hết nhớ và hận. Vì bố vẫn luôn chờ đợi sự trở về của bà...