Disneyland 1972 Love the old s

Mẹ ơi, ba...

Posted at 27/09/2015

123 Views


Ba có thói quen hay nói một mình, mẹ đừng lấy làm phiền lòng mẹ nhé! Chẳng qua là vì ba đã quá lẻ loi trong cuộc đời này mà thôi!
***
Mẹ! Con viết những dòng này, chẳng có dịp chi đặc biệt, chẳng phải sinh nhật ba, cũng chẳng phải ngày của ba, chỉ đơn giản là con đang là một đứa con gái đang có một ngày rất mệt mỏi, vì đã bị cuộc đời này quật ngã...

Mẹ ơi,
Ba là người thay thế cho ông bà ngoại sống cùng mẹ đến cùng đích cuộc đời. Ba, từ lúc con nhận thức được cuộc đời, trong mắt con ba là một người đàn ông lặng lẽ...
Con chẳng nhớ gì về những tháng ngày con còn bé xíu, nhưng lại nhớ rất rõ một kỉ niệm, đó là khi ba cứ cố hỏi con gì đó trước khi mẹ chở con đến trường mẫu giáo, con đã trả lời ba một cách gắt gỏng.
Sau đó, con đứng giữa nhà, khóc!
Ba hoảng, bảo mẹ "Tự nhiên nó đứng đây khóc à!"
Thật ra, cả ba và mẹ lúc đó không biết, lúc đó con khóc là vì con ân hận...
Mới đó thôi... kỉ niệm trong con như chỉ mới ngày hôm qua, ấy vậy mà đã gần 20 năm trôi qua rồi thì phải. Trong suốt thời gian 20 năm ấy, con với ba không nói chuyện nhiều như con với mẹ. Đơn giản vì con là con gái, và đơn giản là vì mẹ tâm lý hơn ba. Suốt 20 năm trời, con không ít lần làm ba buồn vì những lần hai cha con không thể tìm được một tiếng nói chung, vài lần bị mẹ mắng vì cư xử không phải phép, nhưng ba và mẹ, có lẽ không ai hiểu con thương ba nhiều thế nào.
Mẹ!
Ba và mẹ, kết hôn cũng 23 năm. Con biết ba trước khi kết hôn cùng mẹ, vốn là một người con trai trong một gia đình đông con. Trong gia đình ấy, ba đã học được cách lặng lẽ ngay từ lúc còn nhỏ, bởi lẽ... ba kém may mắn hơn những người con trai khác của bà nội. Mà từ "kém may mắn" có lẽ không đúng lắm chăng? Ba làm gì cũng giỏi, nấu ăn giỏi, học giỏi, làm việc giỏi, chính vì thế mọi việc trong gia đình đều là do ba cáng đáng cả. Ba lo mọi việc lặt vặt trong nhà, nấu nướng, quét dọn,... mà chả ai thấy, ba học giỏi, đậu các kì thi một cách vinh quang, cũng chả ai hay. Lớn một chút, khi bác, chú người đi Mỹ, người đậu Y, ba cũng lặng lẽ một mình trước ngưỡng cửa đại học Nông Lâm, chẳng ai đưa, chẳng ai đón. Ba buồn, nỗi buồn không ai thấu, dù đó là gia đình của chính mình.
Ra trường, ba về Bình Dương làm kỹ sư, và ba gặp mẹ ở cái miền đất thôn quê mộc mạc ấy...
Đó là lí do ba luôn lặng lẽ, mà con nghĩ... đó cũng là lí do để mẹ chấp nhận ba làm người đàn ông cùng sánh bước đến suốt cuộc đời.
Lấy mẹ rồi, ngay sau ngày cưới ba rời Bình Dương về thành phố phụ việc cho bác. Ba đi suốt cả tháng, mẹ trông ngóng chẳng thấy mặt đâu, thì nóng ruột lắm. Ba, dù đã có gia đình riêng nhưng vẫn chăm lo từng li từng tí cho cái gia đình lớn của mình, nhưng cuối cùng ba vẫn về với mẹ, dù sau đó, ba vẫn hai chân ngược xuôi Bình Dương – Thành phố, lúc đó, chắc quãng đường của ba không dài như bây giờ đâu mẹ nhỉ!
Con còn nhớ, mẹ hay kể, lúc con còn bé xíu, ở cái thuở mà được ẵm bồng trên tay, thì không hay khóc đêm, nhưng nếu con khóc đêm, dỗ hoài không nín, tức là mẹ biết sáng mai ba sẽ trở về Bình Dương với mẹ và con. Con nghĩ hoài, vẫn thấy thật kì lạ, con và ba luôn có sợi dây liên kết từ lúc con còn rất nhỏ như vậy, không phải sao mẹ?
Vậy mà sao càng lớn, con lại làm ba buồn nhiều hả mẹ? Hay vì làm ba của một đứa con gái thì khó hơn là một đứa con trai?
Mẹ ạ!
Ba lấy mẹ, sinh ra con, thì đã trở nên kiệm lời yêu thương. Mẹ cũng không nói, chỉ đơn giản vì ba và mẹ đã khổ quá nhiều, nên lời yêu được thay thế bằng hành động. Con chưa một lần thấy ba nói yêu mẹ, chỉ nghe vài lần nói thương con, nhưng con hiểu, ba sẽ không tha thứ cho bất kì ai dám làm mẹ đau, và sẽ không bỏ qua cho bất kì một ai ăn hiếp đứa con gái rượu này của ba! Ba tự nhủ mình phải luôn thật vững vàng, để có thể làm bảo vệ gia đình nhỏ bé này.
Ba bây giờ, tóc đã bạc, 54 năm thăng trầm, buồn nhiều hơn vui. Ba bây giờ, chỉ còn con và mẹ làm chỗ dựa. Dù rằng ba chỉ lặng lẽ ngồi suy tư, nhưng con hiểu, ba lúc nào cũng chỉ muốn mẹ vui, muốn con thành công trong cuộc sống. Ngày con đậu Đại học Hoa Sen, ba hãnh diện đi chia vui với làng xóm, dù đó là đại học tư, và phải đóng rất nhiều tiền. Thế rồi, lúc con nghe lời ba, nộp nguyện vọng 3 vào Đại học Ngân Hàng, và một lần nữa trúng tuyển, con sợ gánh nặng trên vai ba mẹ mỗi lúc một nhiều, thì đành rời bỏ ngành con yêu thích mà sang học một thứ mà con chưa một lần nghĩ tới. Ba, suốt 4 năm trời, cố động viên con thật nhiều, lặng lẽ nắng mưa đưa đón. Ngày con cầm tấm bằng đại học trên tay, ba dù không thể đi dự lễ cùng con, nhưng con biết ba hạnh phúc. Rồi... ba biết con vất vả tìm việc, nên cũng luôn đồng hành cùng con. Có lúc ba khiến con bực vì việc gì cũng kêu con nộp đơn cả, dù là nó chẳng liên quan gì đến ngành con học, ấy thế mà con cũng chỉ biết im lặng làm theo. Rồi, tới ngày con thông báo là con đã được đi làm, ba vui mừng hoan hỉ biết mấy, vì con gái ba... cuối cùng cũng đã có thể học cách lo cho cuộc sống của mình...
Ba bây giờ, mệt mỏi khôn tả, nhưng vẫn cố gắng làm việc cật lực, nói sao cũng không chịu bỏ. Ba bây giờ, mắt đã mờ, lưng bắt đầu cong, toàn thân đau yếu, vậy mà vẫn một lòng vì gia đình. Ba, lúc thì giúp bác H tìm giá vật liệu, lúc thì ra thông đường cống cho nhà bác T, ba luôn đau với người đau, âm thầm giúp đỡ chú trong công việc làm ăn khi chú gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Ấy vậy mà có ai dành cho ba lấy một lòng biết ơn?
Cuộc sống là vậy sao mẹ? Luôn dành cho ba những sự bất công nhất?
Mẹ ơi!
Ra đời con mới biết, hoàn toàn chẳng dễ dàng như những lúc con còn trong vòng tay che chở của ba. Người ta luôn bảo nhìn con giống ba, nhưng họ nào có biết bây giờ con cũng đang phải học cách lặng lẽ như thế. Con đã học được cách khóc thầm trên dòng người vội vã, học cách cuộn mình trong bóng tối để cho nỗi đau gặm nhấm từng đoạn ruột, học được rằng lòng người không phải ai cũng như ai, học được rằng nụ cười không phải niềm vui, và nước mắt chưa hẳn là nỗi buồn. Nhưng trên hết, lúc này đây, con học được rằng sẽ chẳng còn ai trên đời yêu con như ba yêu mẹ, sẽ không còn ai hy sinh cho con như ba đã hy sinh cả đời cho gia đình. Lúc này đây, khi con đang chìm đắm trong nỗi đau của một mảnh tình không thành, trong sự mệt mỏi của áp lực công việc, thì mới hiểu được, ba cũng đã đau khổ nhiều như thế nào.
Con đi về cũng chỉ còn có tình thương của ba mẹ làm chỗ dựa, nhưng thực sự là con rất sợ mẹ ơi! Con biết phải làm gì để giữ mãi hạnh phúc này trong tay, khi sức ba ngày một yếu như thế?
Con ước mình có thể nói rằng con yêu ba, và cám ơn ba vì ba đã làm ba của con, suốt cuộc đời này...
Mẹ ơi!
Ba có thói quen hay nói một mình, mẹ đừng lấy làm phiền lòng mẹ nhé! Chẳng qua là vì ba đã quá lẻ loi trong cuộc đời này mà thôi!
____ Dahlia Pham ____







....