Teya Salat

Khát vọng về cha

Posted at 27/09/2015

152 Views


Khi không còn có mẹ, giữa nỗi đau lớn và mất mát vô kể ấy, con hiểu mình là niềm an ủi lớn nhất cho cha. Hai cha con vẫn thường "tựa" vào nhau mà sống. Cha dạy cho con lẽ phải để làm người, con mang đến cho cha từng niềm vui nho nhỏ góp nhặt qua từng điểm mười trang vở.
***
Tiếng hát ru lanh lảnh cất lên giữa trưa hè nóng bức, vọng lại nơi xa. Lòng cha chợt héo hon theo cái nắng gắt vàng vọt trải dài đến tận một niềm thương sâu kín đi vào trong tâm khảm.
Len lỏi chút tủi hờn dường như đủ để phận lẻ mọn kia thấm thía cho cảnh nhà "gà trống nuôi con". Cha vẫn thường ngồi đó, nhìn về nơi xa xăm lục lọi vùng ký ức cứ mờ xa khuất dần của mẹ, lắng tai nghe những câu ca ru hời mà thấy nhói đau, day dứt...

Lớn lên con không còn được có mẹ ở cạnh bên và sẽ chẳng bao giờ được nghe mẹ vỗ về nâng giấc ngủ. Con chưa một lần được sà vào ngực mẹ bi bô đến chán chê chuyện trường chuyện lớp. Mỗi lúc một phổng phao nhưng con nào có biết hỏi ai về cái "ngày đầu tiên ấy". Con chỉ nghe thánh thót bên tai mình những câu ca buồn đến tái tê, não nề như thế sau mỗi chiều cùng cha nhóm bếp thổi cơm.
Tiếng gọi cha đã bao hàm hết thảy khái niệm "gia đình" trong tâm hồn con trẻ, và những niềm thương đủ để vực con dậy chống chọi, hiên ngang nhìn thẳng giữa cuộc đời này. Không gì có thể thay thế cha trong suốt hành trình vào đời của con, bởi hơn hết thảy giữa cuộc sống này, con chỉ có mỗi mình cha.
Khi không còn có mẹ, giữa nỗi đau lớn và mất mát vô kể ấy, con hiểu mình là niềm an ủi lớn nhất cho cha. Hai cha con vẫn thường "tựa" vào nhau mà sống. Cha dạy cho con lẽ phải để làm người, con mang đến cho cha từng niềm vui nho nhỏ góp nhặt qua từng điểm mười trang vở.
Cha bảo rằng, không giữ được mẹ cho con, đó là "tội" lớn nhất của cha. Song không vì thế mà cha để con đánh mất khái niệm "gia đình"với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó. Cha sẽ yêu thương con nhiều hơn những gì cha có thể. Con rưng rức mím chặt môi ngã xòa về phía cha, mà cảm nhận một sức sống mãnh liệt, một dòng điện chạy dọc khắp cơ thể.
Rồi ngày lại trôi, tuổi tác không chịu đứng đợi. Cha già sạm đi, mắt nheo dần, đôi bàn tay run run và dáng người còm cõi lầm lũi mưu sinh. Con vào Đại Học, vui với đời sinh viên bằng những đêm mỏi mòn, chờ ngày tháng nhanh qua dần, lòng không khỏi nhớ thương cha. Sớm mai, bước đến giảng đường, con nghe lòng rưng rưng nức nở.
Chiều cuối tuần, đạp xe trên phố, con thèm thuồng ngước nhìn đứa trẻ nhỏ được nắm tay cả cha lẫn mẹ đi bên cạnh mà bật khóc. Nhưng rồi nghĩ về cha, con lại nhớ và thương quá đỗi, thương đến nghẹn ngào cái gia đình đặc biệt của con: Không có mẹ, không em út, không lấy đâu ra "ba bếp lửa" và chẳng hề có bàn tay"người giữ lửa".
Ở đó chỉ có cha và con. Có một người đàn ông đã quen quá rồi với cái chõng chơ đến tuổi già hãy còn sớm tối lẻ loi, có một đứa con gái thiếu thời bay bổng lãng mạn cùng mơ ước đoàn viên gia đình. Nơi ấy có một mái ấm không bàn tay người giữ lửa, giữa một niềm thương lớn không bao giờ nguôi.

Song, con vẫn biết rằng mình sẽ vui sống, biến cái không thành có, biến mất mát thành sẻ chia. Con hiểu mình phải mạnh mẽ và can trường hơn sau mỗi giọt nước mắt. Cha ơi, con đã biết và hiểu rằng: Mình còn có một gia đình thực thụ cần yêu thương và trân trọng. Dù rất khiêm nhường và nhỏ bé, nhưng cái tổ ấm đó, con được gọi là "Gia đình".







....