XtGem Forum catalog

Chạy về bên cánh đồng rau của mẹ ngày Tết

Posted at 27/09/2015

117 Views


() Với hai chị em nó, nhắc tới tết là nhắc lại nỗi ám ảnh hàng năm khi phải cùng mẹ suốt hai tuần trước tết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. Không biết những nơi khác chuẩn bị đón tết nhộn nhịp thế nào, nhưng với quê nó tết là thời điểm nhà nhà người người bận rộn với việc đồng áng hơn lúc nào hết.
***
Sợ vậy, ám ảnh vậy nhưng chưa bao giờ nó không tranh thủ về tết sớm để phụ mẹ. Bởi một chữ thương, nó thương mẹ nhiều lắm. Thương đến bực tức, thương đến giận hờn, thương đến phát khóc. Nhiều lúc nó muốn giận mẹ tại sao cứ phải vất vả, cứ phải làm nhiều như thế khiến chị em nó cũng phải vất vả theo. Người ta nói ai bắt mẹ nó phải khổ cực như thế chứ, cũng như ai bắt tụi nó phải vất vả theo mẹ nó như vậy đâu. Nhưng làm mẹ sao không phải lo, sao không khỏi tranh thủ hoàn tất công việc cho kịp ngày tết, cho kịp có quần áo mới, có bánh chưng, bánh tét, có tiền lì xì cho con, cho cháu được. Còn nó làm sao có thể chỉ nhìn mẹ một mình khổ cực được. Hình dung tất cả chỉ là trách nhiệm người làm mẹ, bổn phận người làm con. Nhưng nó biết ẩn sâu và cao quý hơn cả là tình yêu mẹ dành cho chúng nó và chúng nó dành cho mẹ.

Nó còn nhớ như in sinh nhật của mẹ năm ngoái. Vì chỉ còn mấy ngày nữa là tết nên mẹ nó tranh thủ làm cho xong công việc. Ba mẹ con đèo nhau về trên chiếc xe dream cà tàng cũng là lúc trời đã điểm 7 giờ tối. Nó cứ nghĩ mẹ con nó về trễ nhất cánh đồng nhưng vẫn thấy hai bên đường đi có người còn thắp đèn cắt rau. Lòng nó trùng xuống. Tự dưng nghĩ thương mẹ mà rơi nước mắt "Sinh nhật của mẹ đây sao!".
Nếu như lịch trình công việc của nó bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối thì mẹ nó là 4 giờ sáng. Mấy ngày cận tết hay bị cúp điện luân phiên nên mẹ nó thường hay phải dậy sớm để kịp tưới cho mấy vườn rau. Trời về tết quê nó lạnh căm có khi xuống còn mười mấy độ. Có khoác trên mình mấy chiếc áo ấm, mũ tất đầy đủ thì vẫn còn thấy lạnh buốt giữa làn nước buổi sương sớm.
Em gái nó đã từng vô tư hỏi mẹ: "Tại sao con thấy chủ nhật ai cũng nghỉ ở nhà mà mẹ thì lúc nào cũng đi làm thế ?". Mẹ nó đáp lại: "Mỗi lần Mai xin tiền mẹ mua tập sách, quyển vở, cây bút, đóng khoản đồng phục này, khoản phí kia thì mẹ lấy tiền ở đâu". 13 tuổi em gái nó vẫn còn vô tư để chưa thể hiểu hết được những vất vả của mẹ. Đến ngay cả nó hai mấy tuổi đầu chắc gì đã hiểu, đã thấm hết được những bận rộn no cơm ấm áo của người làm cha, làm mẹ. Có lẽ phải đến lúc giống như mẹ nó nói " Khi nào có con thì con mới hiểu lòng cha mẹ".Nó đã từng có ý nghĩ vui sướng khi năm nay chỉ kịp về trước tết có mấy ngày, đồng nghĩa nó sẽ không còn phải ra đồng làm như mọi năm mà chỉ ở nhà giặt giũ chăn mền, lau dọn nhà cửa, có thể nói là nhẹ nhàng. Khi nhìn lại mình, nhìn lại ý nghĩ ấy nó thấy mình thật ích kỷ và dại khờ. Ra ngoài đời bươn chải nó mới thấy những vất vả của mình chẳng là gì so với mẹ. Vậy mà đã có đôi khi nó mỏi mệt mà muốn buông trôi mọi thứ. Nó muốn quẳng lại tất cả những vinh quang nó mơ tưởng để chạy về bên cánh đồng rau của mẹ. Có những giọt mồ hôi ướt trán ai, hòa vào giọt lệ nặng trĩu được đánh tan bởi nụ cười hiền dịu mà thấy nhẹ cả lòng, bình yên một tâm hồn.
Tuy nó vẫn còn cảm thấy sờ sợ cái sương giá của buổi sáng, cái nắng thiêu đốt của buổi trưa những ngày 25 giáp tết, hay cái cuốc nặng chình chịch nhưng tết này nó vẫn quyết tâm về sớm. Dù chỉ ra đồng cho đông nón như lời mẹ hay nói thì nó hiểu mẹ nó vẫn rất vui khi con cái biết san sẻ với bố mẹ những lắng lo cho ngày tết.
Năm nay nó sẽ lại chạy thật nhanh về bên cánh đồng rau của mẹ, cùng mẹ những ngày cuối năm thu hoạch rau củ, chuẩn bị nhà cửa, hoa quả, bánh chưng... Và chắc chắn bánh sinh nhật của mẹ sẽ được thổi vào lúc 7 giờ chứ không phải 9 giờ tối như mọi năm. Đó sẽ là một bữa cơm đoàn tụ, quây quần, ấm áp của gia đình nó. Cùng hát bài happy birthday, cùng nhau lắng lại sau một năm, và cùng nhau chụp những tấm hình gia đình thật đẹp chào mừng năm mới.
Mai Thương






....